Nghị lực vượt khó của chàng trai khuyết tật

Hiếu Giang |

Vượt qua mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân, bằng quyết tâm vượt khó, giờ đây chàng trai ấy đã có một cơ sở sản xuất tinh dầu tràm cho thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, anh còn có thể điều khiển máy cày ruộng giúp gia đình vào mỗi vụ mùa. Anh là Trần Ngọc Tráng (27 tuổi) ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Tráng khi anh vừa đi cày ruộng về, áo quần lấm bùn đất. “Khoảng 2, 3 mùa nay em thường thay bố lái máy cày ruộng làm đất cho gia đình mỗi khi bước vào mùa vụ. Nhà em làm 2 mẫu ruộng, may có máy cày chứ không thì làm không kịp. Ngoài ra, em còn cày đất giúp anh em trong gia đình và một số bà con trong thôn”, Tráng mở đầu câu chuyện. Tráng kể, mình là con út trong gia đình gồm 5 anh chị em. Trong số các anh chị em thì Tráng và một người anh trai bị khuyết tật vận động, teo chân tay; người anh trai này đã mất từ nhỏ. “Em bị khuyết tật vận động cả chân và tay. Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không thể khỏi được. Mấy năm trước cũng mặc cảm, tự ti lắm nhưng nay em tự tin hơn rồi. Em luôn tự nhắc mình phải cố gắng vượt qua mặc cảm để trước hết là tự lo cho bản thân, sau nữa là đỡ đần bố mẹ khi về già”, Tráng chia sẻ.

Chàng trai khuyết tật Trần Ngọc Tráng nỗ lực lập thân lập nghiệp bằng nghề sản xuất tinh dầu tràm - Ảnh: Đ.V
Chàng trai khuyết tật Trần Ngọc Tráng nỗ lực lập thân lập nghiệp bằng nghề sản xuất tinh dầu tràm - Ảnh: Đ.V

Học đến lớp 9, do không thể đi được xe đạp và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Tráng nghỉ học. Ở nhà, Tráng phụ giúp bố mẹ làm những việc lặt vặt trong nhà. Bố mẹ Tráng làm nghề nông, cách đây vài năm mới sắm được chiếc máy cày ruộng. Được bố chỉ dạy, thời gian gần đây Tráng đã điều khiển thành thạo chiếc máy cày nhưng có chậm hơn người thường. Đặc biệt, vào năm 2018, được đoàn thanh niên xã khâu nối nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của gia đình, Tráng đã xây dựng mô hình sản xuất tinh dầu tràm để lập thân, lập nghiệp. Cơ sở sản xuất tinh dầu tràm của Tráng nằm tách biệt ở khu vực rú cát của thôn, được đầu tư hoàn chỉnh với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng. Tráng kể: “Em bắt tay vào xây dựng mô hình với kiến thức nấu dầu tràm học bập bõm được từ một số người nấu dầu tràm trong làng, trong xã. Với kiến thức, kinh nghiệm ít ỏi đó nên sau nhiều phen thất bại em mới làm ra được mẻ tinh dầu tràm đầu tiên có thể bán được.

Đến nay thì em đã nấu được những mẻ tinh dầu tràm đạt chuẩn, được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, chứng nhận hẳn hoi. Sức khỏe bản thân không được tốt nên em thấy nghề này phù hợp với mình, với lại nguồn nguyên liệu lá tràm tại địa phương tương đối sẵn nên em nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề này lâu dài”. Tùy vào số lượng nguyên liệu và hàm lượng tinh dầu của nguyên liệu mà mỗi ngày bình quân Tráng nấu được từ 1 - 1,5 lít tinh dầu tràm nguyên chất với giá bán từ 800 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/lít. Sau khi trừ các loại chi phí, bình quân mỗi tháng Tráng có nguồn thu nhập khoảng trên 4 triệu đồng. “Tinh dầu tràm em nấu ra đều có mối hàng đặt trước, nói chung là nấu không đủ bán. Trước đây mình sống phụ thuộc bố mẹ, nay có nghề riêng, có thu nhập nên cảm thấy vui lắm. Đây cũng là động lực để em có những dự tính cho tương lai sau này”, Tráng trải lòng.

Bí thư Xã đoàn Gio Quang Nguyễn Hữu Tân cho biết, ngoài khâu nối hỗ trợ vốn, định kỳ Xã đoàn, Hội LHTN xã đều tổ chức đến thăm hỏi, động viên; thông tin các lớp tập huấn và giúp đỡ về đầu ra cho sản phẩm tinh dầu tràm để góp phần giúp anh Tráng có thêm động lực vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để lập thân, lập nghiệp. Anh Tân chia sẻ: “Giá trị lớn nhất mà mô hình của Tráng mang lại chính là đã khơi dậy được niềm tin, nghị lực vượt lên chính mình để các đoàn viên thanh niên yếu thế khác có động lực học hỏi vươn lên. Thời gian tới, Xã đoàn sẽ tiếp tục động viên, duy trì và có các giải pháp hỗ trợ thanh niên yếu thế trên địa bàn phát triển thêm những mô hình phù hợp để giúp họ lập thân, lập nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên yếu thế ổn định cuộc sống”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hiệu quả từ dự án hỗ trợ hộ người khuyết tật nuôi bò sinh sản

Nguyễn Trang |

Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn có sinh kế ổn định, từ năm 2015- 2016, Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam/điôxin và bảo trợ xã hội huyện Vĩnh Linh đã triển khai dự án nuôi bò sinh sản cho hộ có người khuyết tật tại 3 xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Thủy. Sau 6 năm thực hiện, dự án đã phát huy hiệu quả thiết thực khi giúp nhiều hộ từng bước vươn lên ổn định đời sống.

990 triệu đồng thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản cho người khuyết tật, nạn nhân da cam

PV |

Ngày 13/10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định phê duyệt dự án “Hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, nạn nhân da cam tại huyện Gio Linh và huyện Vĩnh Linh thông qua hoạt động chăn nuôi bò sinh sản” do Tổ chức Global Civic Sharing (GCS) tài trợ.

Người khuyết tật giàu nghị lực

Thanh Hằng |

Sức khỏe kém, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp... luôn là những trở ngại mà người khuyết tật phải đối mặt. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, nhiều người trong số họ vẫn nỗ lực vượt qua số phận, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Ông Trần Văn Minh (59 tuổi), ở thôn Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong số đó.

Khi người khuyết tật bán hàng online

Trần Tuyền |

Đối với người bình thường, chụp ảnh, đăng bài bán hàng trên mạng xã hội là việc không hề đơn giản.