Người khuyết tật giàu nghị lực

Thanh Hằng |

Sức khỏe kém, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp... luôn là những trở ngại mà người khuyết tật phải đối mặt. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, nhiều người trong số họ vẫn nỗ lực vượt qua số phận, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Ông Trần Văn Minh (59 tuổi), ở thôn Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong số đó.

Ông Minh sinh ra trong gia đình thuần nông. Năm 8 tuổi ông không may bị tai nạn lao động, vĩnh viễn mất đi chân phải. Dù việc đi lại hết sức khó khăn nhưng ở ông luôn toát lên sự lạc quan, yêu đời. Ông Minh cho biết, để có thể chăm lo cho gia đình, ông từng làm nhiều nghề từ buôn gạo, phụ hồ, tiện gỗ, thợ sửa cơ khí cho đến làm nông. Thành công có, thất bại cũng nhiều nhưng điều quan trọng mà ông luôn tự nhắc nhủ mình là không bao giờ được nản chí, phải luôn cố gắng để vươn lên. Trăn trở làm sao để có một nghề ổn định nuôi sống bản thân và gia đình, năm 2005 ông quyết định vay 50 triệu đồng đầu tư máy móc thiết bị mở xưởng cơ khí tại nhà. Ban đầu, xưởng của ông chỉ nhận những công trình nhỏ như sửa chữa, hàn xì các vật dụng gia đình cho người dân trong xã, đủ kiếm sống qua ngày. Càng ngày, tay nghề cũng như uy tín của ông càng được nhiều người biết đến, vì vậy số lượng khách đặt hàng ngày càng nhiều, ông nhận thêm các công trình lớn như làm tường rào, lợp nhà, làm cổng,…Với đức tính cần cù và chịu khó, xưởng cơ khí của ông ngày một phát triển, việc làm đều đặn, nguồn thu nhập cũng được cải thiện rõ rệt. Ông Minh chia sẻ: “Trong thực tế, tôi đã thấy nhiều người còn khó khăn hơn mình nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, thậm chí họ còn sống tốt hơn cả người bình thường. Do vậy, tôi nghĩ bản thân mình phải cố gắng vượt lên hoàn cảnh. Mình có thể làm được gì thì sẽ phải nỗ lực làm đến nơi đến chốn để ít nhất cũng có thể tự lo được cho bản thân và gia đình mình”.

Ông Trần Văn Minh bên chiếc máy tời do chính ông sáng chế ra -Ảnh: THANH HẰNG
Ông Trần Văn Minh bên chiếc máy tời do chính ông sáng chế ra -Ảnh: THANH HẰNG

Nghị lực vượt lên số phận đối với người bình thường đã khó, đối với người khuyết tật như ông Minh lại càng khó hơn. Nếu như người khác cố gắng một phần thì ông phải nỗ lực gấp nhiều lần mới có thể kiếm sống bằng nghề cơ khí bởi đây là nghề vất vả, đòi hỏi phải leo trèo, mang vác các vật nặng trong khi bản thân lại bị khuyết tật. Trong cái khó ló cái khôn, ông Minh đã tự mày mò, sáng chế ra máy tời có thể giúp ông nhấc bổng các vật nặng khoảng 50 kg. Theo ông Minh, máy hoạt động rất đơn giản, chỉ dùng một mũi khoan nhỏ kết nối với động cơ và dây xích ròng rọc là có thể nhấc bổng các vật nặng. Nhờ công dụng và hiệu quả mang lại mà máy tời “Thương hiệu ông Minh” được nhiều người biết đến, đặt mua với giá 6 triệu đồng/máy, thậm chí đã có doanh nghiệp đặt vấn đề mua lại bản quyền máy tời của ông Minh.

Không chỉ tự tạo việc làm cho bản thân, ông Minh còn nhận đào tạo và tạo việc làm ổn định cho 2 lao động đều là người khuyết tật gần 10 năm nay với mức tiền công từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cơ sở của ông còn tạo việc làm cho 2- 3 lao động thời vụ. Vào mùa mưa bão, công việc ít thì ông quay lại với nghề tiện gỗ để kiếm thêm thu nhập. Nhờ chịu khó vươn lên, không khuất phục số phận, giờ đây ông Minh đã có cuộc sống ổn định với mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Nguyễn Ngọc Lân cho biết: “Không những vượt lên khuyết tật của bản thân để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp, ông Minh còn tích cực vận động người dân lao động sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống. Tinh thần và ý chí nỗ lực vượt khó của ông chính là tấm gương cho nhiều người khuyết tật khác xóa bỏ mặc cảm, tự tin hơn trong cuộc sống để tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khi người khuyết tật bán hàng online

Trần Tuyền |

Đối với người bình thường, chụp ảnh, đăng bài bán hàng trên mạng xã hội là việc không hề đơn giản.

Thí sinh bị khuyết tật đi thi bằng đôi chân của anh Bí thư Đoàn xã

Trường Sơn |

Lo sợ việc em Hồ Văn Thưa học sinh lớp 12B1 (Trường THPT A Túc, Hướng Hóa, Quảng Trị) đến điểm thi chậm trễ, anh Bí thư Đoàn xã đã lặn lội vào bản cõng em đến điểm thi.

Hướng Hóa: Đội xe ôm miễn phí đưa đón thí sinh khuyết tật đi thi

Kim Huệ - Khánh Hưng |

Nhằm hỗ trợ và giúp đỡ cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Đoàn trường THPT A Túc và Đoàn thanh niên xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thành lập đội hình xe ôm miễn phí để đưa đón thí sinh ốm đau, khuyết tật đi thi. Qua đó, đã thể hiện vai trò của đoàn viên thanh niên tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện và ý thức trách nhiệm cao, tinh thần tương thân tương ái đối với thí sinh, người nhà thí sinh và toàn xã hội.

Cánh tay robot Made in Vietnam dành cho người khuyết tật

Minh Sơn - Hoàng Hiếu |

Thay vì giá 60 triệu đồng như của nước ngoài, cánh tay robot có giá từ 23-25 triệu đồng của một startup Việt đang giúp cho nhiều người khuyết tật có thể tự sinh hoạt, lái xe, thậm chí chơi thể thao.