Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn có sinh kế ổn định, từ năm 2015- 2016, Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam/điôxin và bảo trợ xã hội huyện Vĩnh Linh đã triển khai dự án nuôi bò sinh sản cho hộ có người khuyết tật tại 3 xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Thủy. Sau 6 năm thực hiện, dự án đã phát huy hiệu quả thiết thực khi giúp nhiều hộ từng bước vươn lên ổn định đời sống.
Chủ tịch Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam/điôxin và bảo trợ xã hội huyện Vĩnh Linh Lê Đức Yên cho biết, sau khi nhận được kế hoạch từ Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam/điôxin và bảo trợ xã hội huyện đã kết hợp cùng chính quyền 3 xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Thủy thành lập ban quản lý dự án từng đơn vị. Các ban quản lý dự án khẩn trương tiến hành rà soát tình hình thực tế của từng hộ có người khuyết tật trên địa bàn thuộc diện khó khăn; có thể đảm bảo nhân lực chăn nuôi; xây dựng chuồng trại vững chắc; tiếp thu kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản để triển khai dự án. Theo đó tổng 21 hộ thuộc 3 xã được nhận trợ giúp từ dự án, trong đó Vĩnh Long 5 hộ, Vĩnh Chấp 6 hộ và Vĩnh Thủy 10 hộ. Được thông tin đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, quy định của dự án, 21 hộ đều thống nhất quy chế, cam kết thực hiện.
Việc mua bò giống, ban quản lý dự án các xã để hộ người khuyết tật chủ động tìm nguồn bò giống bảo đảm chất lượng tại địa phương. Mỗi bò giống đã qua kiểm định của ngành thú y giá từ 14 - 15 triệu đồng/con. Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 10 triệu đồng/con; Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam/điôxin và bảo trợ xã hội huyện Vĩnh Linh hỗ trợ 2 triệu đồng/con; các hộ gia đình đối ứng 2 - 3 triệu đồng còn lại nhằm tăng thêm trách nhiệm. Để dự án đạt hiệu quả, ban quản lý dự án phân công các thành viên thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình chăn nuôi từng hộ; cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc; phòng chống dịch bệnh cho bò giống sinh trưởng khỏe mạnh.
Theo quy định của dự án, hộ được nhận bò giống lần 1 sẽ nuôi đến khi bò giống sinh bê con thứ nhất. Bê con thứ nhất nuôi đủ 12 tháng thì bàn giao lại cho ban quản lý dự án để có phương án trao bê con hoặc mua bò giống mới cho những hộ kế cận lần 2 đã được xét chọn. Sau khi giao bê con đầu tiên, hộ hưởng lợi được toàn quyền sở hữu bò mẹ và số bê con sinh sản sau này. Với hình thức quay vòng nên thời gian càng dài, nếu người thụ hưởng chăm sóc tốt thì càng về sau không chỉ chính hộ gia đình đó mà sẽ có thêm nhiều hộ được hưởng lợi từ các thế hệ bò giống tiếp theo. Hiểu rõ điều này, hầu hết các hộ nhận bò giống đều tuân thủ theo đúng cam kết để vừa phát triển kinh tế gia đình mình vừa có khả năng giúp các hộ khó khăn khác.
Ông Võ Trực Lưỡng ở thôn Sa Nam, xã Vĩnh Long thuộc diện khuyết tật hạng nặng. Năm 2015, qua bình xét, gia đình ông được nhận 1 bò giống từ dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản của Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị và Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam/ điôxin và bảo trợ xã hội huyện Vĩnh Linh. Áp dụng kiến thức về chăn nuôi bò; làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, chấp hành lịch tiêm phòng đầy đủ, quan tâm chế độ ăn uống cho bò, năm 2016, bò giống từ dự án đã sinh được 1 bê con. “Gia đình tôi giao lại bê giống cho dự án vào năm 2017 theo cam kết. Cũng năm này bò mẹ sinh thêm 1 bê. Năm 2018 chúng tôi bán bê giống thứ 2 để có vốn đầu tư làm nông nghiệp. Sau đó tập trung nuôi bò mẹ để gây đàn. Tổng đàn hiện có 2 bò mẹ sắp sinh sản và 1 bò con. Chúng tôi rất phấn khởi vì nhờ vào dự án mà gia đình ngày càng có thêm điều kiện kinh tế để nuôi dạy các con ăn học và nâng cấp nhà cửa. Hơn nữa lại có thể giúp người đồng cảnh khác”, ông Võ Trực Lưỡng chia sẻ.
Chính bê giống từ hộ ông Lưỡng sau khi chuyển tiếp cho hộ kế cận là gia đình anh Trần Đức Hưng, thôn Tân Lập cũng thuộc diện hộ người khuyết tật ngay địa bàn xã Vĩnh Long đã sinh 1 bê được gần 1 năm. Anh Hưng đang tiếp tục phát triển đàn bò, tạo vốn làm ăn.
Dự án hỗ trợ hộ người khuyết tật nuôi bò sinh sản tại huyện Vĩnh Linh đã phát huy hiệu quả khi các hộ tận dụng thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc của địa phương với nguồn thức ăn sẵn có, môi trường chăn thả thuận lợi. Qua 6 năm, dự án cho sinh lãi, tổng số lượng bò giống ngày một tăng cao. Đây cũng chính là mục tiêu chính nhằm tạo nguồn vốn bò giống mới giúp thêm nhiều gia đình được hưởng lợi. Tính đến nay, xã Vĩnh Long từ 5 hộ được nhận bò lần 1 đã có thêm 6 hộ kế cận cũng đạt kết quả chăn nuôi tốt, có hộ chuẩn bị giao bò cho hộ người khuyết tật kế cận lần 3. Xã Vĩnh Chấp 6 hộ được giao bò đợt 1, mặc dù không phải 6 bò cái lần đầu sinh đủ 6 bê để chuyển giao nhưng ban quản lý điều hành việc phân bổ vẫn có đủ thêm 6 hộ kế cận được nhận nuôi bò sinh sản. Riêng xã Vĩnh Thủy khác với 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Chấp, dự án giao bê giống sinh ra cho hộ kế cận từ lứa bê thứ 2. Như vậy hiện cả 3 xã có gần 40 hộ hưởng lợi từ dự án với tổng số lượng bò khoảng 80 con.
“Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có trên 7.000 người khuyết tật, nạn nhân da cam; khoảng 2/3 số hộ có người khuyết tật đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với dự án nuôi bò sinh sản, hội đã tranh thủ, lồng ghép nhiều chương trình để hỗ trợ các mô hình chăn nuôi gà, lợn giống, cải tạo vườn tạp… nhằm tạo “đòn bẩy” cho hộ có người khuyết tật thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập. Thời gian tới, hội sẽ tăng cường huy động nguồn vốn, mục tiêu mỗi năm vận động quỹ đạt trên 1 tỉ đồng để giúp thêm nhiều hộ có tư liệu quan trọng phục vụ đẩy mạnh sản xuất, nhất là tại các địa bàn vùng khó, vùng sâu, vùng xa.
Mặt khác chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật, phấn đấu 100- 130 người/ năm. Từ đó hỗ trợ về mọi mặt để hộ có người khuyết tật nâng cao chất lượng cuộc sống, góp sức vào nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo của địa phương”, Chủ tịch Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam/điôxin và bảo trợ xã hội huyện Vĩnh Linh Lê Đức Yên thông tin thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)