Người giữ sao trời

Thế An - Hồng Quân |

Từ lâu, đèn ông sao được coi là biểu tượng không thể thiếu trong Tết Trung thu của mỗi trẻ em Việt Nam. Dù trải qua biết bao thăng trầm, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Thập và Nguyễn Thị Xương ở khu phố 1, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) vẫn kiên trì với nghề làm đèn ông sao truyền thống, để giữ được nét văn hóa độc đáo của người Việt, giữ "hồn" Trung thu cho trẻ nhỏ mỗi khi Tết Trung thu về.

 

Năm nào cũng vậy, từ tháng 2 âm lịch, cả gia đình ông Nguyễn Văn Thập và bà Nguyễn Thị Xương ở khu phố 1 phường Đông Giang thành phố Đông Hà lại tất bật với các công đoạn chuẩn bị cho mùa Trung thu. Từ chọn, chặt đến vót, luộc, uốn tre thành các dây thẳng, đường uốn cho khung lồng đèn đến việc in, cắt dán giấy màu, lên khung đèn… đều được các thành viên trong gia đình thực hiện toàn bộ theo phương thức thủ công. Để làm được 1 chiếc lồng đèn thủ công như thế phải trải qua 14 công đoạn với rất nhiều thời gian và khá vất vả. Thế nhưng với hai vợ chồng đã hơn 60 tuổi này, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, thăng trầm đến đâu, việc làm đèn ông sao là việc cần phải giữ, như việc cần giữ 1 nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thập luôn gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống
Gia đình ông Nguyễn Văn Thập luôn gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống

Ông Nguyễn Văn Thập nói: “Quê gốc gia đình tôi ở Nam Định, vào đây lập nghiệp từ năm 1999 và mang theo cả nghề truyền thống là nghề làm lồng đèn vào. Làm nghề lồng đèn ông sao tất cả mọi công đoạn đều làm thủ công, để đảm bảo cho các cháu có đèn ông sao chất lượng. Năm nào tôi cùng gia đình phải làm vài chục ngàn cái, không làm thì thấy thiếu thiếu vì Trung thu không có cho các cháu chơi. Trẻ em Việt Nam thì phải có lồng đèn ông sao thì mới đúng Tết Trung thu cho các cháu.”

Bà Nguyễn Thị Xương, vợ ông Nguyễn Văn Thập cho biết thêm: “Nghề truyền thống của cha ông nên giờ cả gia đình quyết tâm giữ. Biết là vất vả khó khăn, lời lãi không bao nhiêu nhưng nếu mình không làm thì mai một nghề truyền thống của cha ông. Với lại làm đèn ông sao cho các cháu có thêm một đồ chơi truyền thống trong Tết Trung thu về. Người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam chứ.”

Không chỉ làm đèn ông sao, mỗi khi có dịp, bà Xương lại cùng đồng hành với các em nhỏ trong các buổi chia sẻ, nói chuyện về phong tục tập quán Việt Nam. Với bà, niềm vui lớn nhất là thế hệ sau này được biết, được kể, được nghe những câu chuyện về văn hóa Việt. Và trong mùa trăng tròn được cầm trên tay chiếc đèn ông sao – biểu tượng của mùa trăng vui vẻ, hạnh phúc và an lành.
Bà Nguyễn Thị Sương hướng dẫn các cháu học sinh mẫu giáo làm đèn Trung thu
Bà Nguyễn Thị Sương hướng dẫn các cháu học sinh mẫu giáo làm đèn Trung thu
Chị Trần Thị Hóa, Quản lý hoạt động Trường Mầm non Ismile, thành phố Đông Hà chia sẻ: “Để giữ gìn nét truyền thống của dân tộc, năm nào trường của chúng tôi cũng tổ chức các buổi học ngoại khóa cho các em. Năm thì làm bánh, năm thì làm lồng đèn, thiệp, tập múa hát các bài hát Trung thu. Chúng tôi cũng hy vọng rằng những người gắn bó với nghề truyền thống như bà Sương sẽ duy trì và truyền lại công việc của mình mãi, để các cháu sau này biết thêm một nghề truyền thống của dân tộc.”

Tiếng trống múa lân, những bài hát mừng Trung thu đã rộn ràng vang lên đây đó. Trong nhịp sống tấp nập hôm nay, những chiếc đèn ông sao lấp lánh trên tay các em nhỏ thực sự là hình ảnh đẹp, gợi lại Tết Trung thu cổ truyền khi những đứa trẻ háo hức quây quần bên mâm cỗ trông trăng. Và những người như ông Thập, bà Xương chính là dấu gạch nối để giúp thế hệ trẻ thêm yêu và trân quý hơn những giá trị truyền thống của văn hóa Việt.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và giấc mơ mòn mỏi

Nhị Hường |

Thảm cảnh về một trường bắn lạc hậu với hệ thống bia giấy không còn nước nào sử dụng tại Việt Nam được phơi bày khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt tấm HCV Olympic 2016. Đến giờ, qua 4 năm, nó tiếp tục trở thành vấn đề bức bách vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị đăng cai SEA Games 31.

Ông Thái Văn Long và những chuyến xe miễn phí

Hiếu Giang |

Với tấm lòng thiện nguyện, từ hơn 15 năm nay ông Thái Văn Long ở thôn Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có nhiều việc làm thiết thực, nhân ái để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm thầm lặng, ý nghĩa mà ông tâm huyết thực hiện luôn được mọi người cảm kích và trân trọng.

Chị Hồ Thị Nuốt xin thoát khỏi hộ nghèo

Phương Thiện |

Chị Hồ Thị Nuốt, ở thôn A Xóc - Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được nhiều người biết đến từ hộ đói nghèo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế và đã tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

Nghị lực vượt khó của cô học trò nghèo hiếu học

Thu Hạ |

Sinh ra và lớn lên tại huyện Đakrông (Quảng Trị), Hồ Thị Đen, cô học sinh người dân tộc Vân Kiều đã đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, trong đó, ấn tượng nhất là điểm 10 môn Giáo dục công dân. Nghị lực vượt khó của em đã khiến nhiều người cảm phục.