Để chung tay giúp người dân khó khăn, thời gian qua, những đêm nhạc gây quỹ từ thiện được tổ chức ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh.
Lặng thầm đứng sau nhiều đêm nhạc ý nghĩa như thế là anh Phan Văn Quý (sinh năm 1978), trú tại Khu phố 3, phường Đông Lương, TP. Đông Hà (Quảng Trị). Tuy đã rẽ hướng từ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp sang làm kinh tế nhưng anh Quý vẫn luôn miệt mài gieo duyên lành, kết nối yêu thương.
Khởi duyên với nghề hát
Theo dõi MV “Đồng đội ơi!” trên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, nhiều khán giả xúc động trước sự trở lại của ca sĩ Phan Văn Quý, giọng hát một thời làm thổn thức lòng người. Lần trở lại này, anh Quý khác trước khá nhiều nhưng chất giọng giàu nội lực, trầm ấm của anh vẫn vậy.
Điểm khác biệt lớn nhất là giọng hát ấy dường như đã vượt qua giới hạn của kỹ thuật thanh nhạc thông thường, trở nên gần gũi, sâu lắng, da diết hơn. Có lẽ chính thời gian cùng những trải nghiệm trong âm nhạc và cuộc sống đã góp phần giúp anh Quý làm nên sự thay đổi ấy.

Gặp gỡ tại một quán cà phê nằm ngay trung tâm TP. Đông Hà, anh Quý không giấu hết niềm vui khi biết nhiều khán giả vẫn nhớ tới mình. Anh cho biết mình sinh ra, lớn lên ở làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, nơi được ví là cái nôi của những làn điệu dân ca, nghệ thuật tuồng, chèo cạn, bài chòi...
Ba mẹ anh Quý quanh năm vất vả vươn khơi, bám biển và đi làm thuê để nuôi đàn con thơ. Dẫu khó khăn đến nhiều như sóng gió nghề biển nhưng hai người vẫn dành tình yêu cho âm nhạc. Tình yêu ấy đã được truyền cho anh Quý và các thành viên khác trong gia đình.
Ở làng, anh Quý nổi tiếng với nhiều tài lẻ, đặc biệt là khẩu thuật. Từ nhỏ, anh đã có thể bắt chước giọng nói, tiếng hát của nhiều người. Chính điều đó đã giúp anh lọt vào vòng tuyển chọn của Đoàn Nghệ thuật tỉnh thời bấy giờ. Từ miền quê nghèo, anh Quý được đưa vào Đông Hà để tập huấn, đào tạo, rồi có cơ hội ra thủ đô học tập.
Từ năm 1996 đến năm 2000, anh theo đuổi chuyên ngành thanh nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Sau khi rời ghế giảng đường, anh Quý trở về quê hương làm việc với nhiều dự định, hoài bão.
Cuộc sống của những người nghệ sĩ không phải lúc nào cũng lung linh như ánh đèn sân khấu. Để phục vụ khán giả, anh Quý và đồng nghiệp công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh phải thường xuyên chạy đua với lịch tập luyện, biểu diễn. Họ quen với việc ăn, ngủ trên những chuyến xe đưa đoàn đi diễn trong và ngoài tỉnh. Chuyện lên đường lúc trăng sáng, về lúc sáng trăng trở nên quen thuộc.
Điều đặc biệt là những khó khăn trong nghề chỉ làm anh Quý cùng đồng nghiệp thêm đam mê nghệ thuật và quyết tâm cống hiến. Sự chuyên tâm lao động với nghề đã mang về cho anh nhiều giải thưởng và đặc biệt là tình yêu thương của khán giả.
Anh Quý tâm sự: “Nếu thời gian trở lại, tôi vẫn sẽ dành mười mấy năm thanh xuân của mình cho hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Ở đó, tôi hạnh phúc vì được giúp đời, giúp người bằng tiếng hát. Tôi yêu mến mọi người và được mọi người mến yêu. Sau này, khi bản thân rẽ lối, anh em, đồng nghiệp, bạn bè và khán giả vẫn hết lòng ủng hộ, giúp đỡ tôi”.
Thêm trân quý cuộc sống
Từ một ca sĩ bước ra làm kinh tế, ngay từ đầu, anh Quý đã chuẩn bị tinh thần đối diện với khó khăn. Thế nhưng, thách thức khi dấn thân vào lĩnh vực âm thanh, ánh sáng, tổ chức sự kiện lớn hơn rất nhiều so với những gì anh Quý nghĩ. Để có tiền mua trang thiết bị, anh phải xoay chạy khắp nơi. Việc làm sao phục vụ khách hàng tốt nhất khiến anh Quý nhiều đêm mất ngủ.
Ngoài lo liệu cho bản thân, anh còn phải suy nghĩ thêm chuyện đời sống, lương tiền cho nhân viên. Có thời điểm, anh Quý gầy, đen đi nhiều. Gặp anh, một số người không nhận ra nam ca sĩ điển trai, từng thành công với dòng nhạc dân gian đương đại và thính phòng thuở nào.

Thời gian đầu, thương hiệu chưa được nhiều người biết đến, anh Quý quyết định nhận tập luyện, dàn dựng những chương trình văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Anh xác định “lấy nghề phụ nuôi nghề chính”. Về sau, chính sự tính toán ban đầu ấy lại giúp anh Quý có cả hai con đường để phát triển thương hiệu, nâng cao thu nhập. Ngày có càng nhiều người tìm đến với tổ chức sự kiện Anh Đức trong niềm vui vô bờ của anh Quý.
Khi công việc đang trôi chảy, tin dữ bất ngờ đến với anh Quý. Một lần đi xét nghiệm, bác sĩ nghi ngờ anh mắc ung thư gan. Suốt nhiều tháng trời sau đó, anh cùng người thân đi khắp các bệnh viện, làm đủ loại xét nghiệm...
Đến lúc tuyệt vọng, anh Quý bàn với vợ về nhà chờ “án tử” của bệnh tật. Nghe tin, nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũ, khán giả đến nhà thăm, mong tiếp thêm cho anh phần nào sức mạnh. “Những ngày đen tối cứ nặng nề trôi qua cho đến khi tôi nhận được thông báo là chẩn đoán ban đầu không chính xác. Bấy giờ, tôi cảm thấy như được hồi sinh”, anh Quý kể.
Mặt tích cực của sự nhầm lẫn “tai hại” ấy là anh Quý thêm trân quý cuộc sống. Đặc biệt, anh nhận ra có rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp mình. Trong chuỗi ngày anh bất đắc dĩ mang “tâm bệnh” hay lúc cố gắng vực dậy việc làm ăn, những cánh tay của người thân, bạn bè, đặc biệt là nhạc sĩ Bình Sơn đã chìa ra, giúp anh vượt qua gian khó. Không yêu cầu tính ơn, trả nghĩa, mọi người đều bảo anh xứng đáng để được nhận những yêu thương.
Kết nối tấm lòng
Theo dòng tâm sự, anh Quý cho biết, ở mọi thời điểm của cuộc đời, anh luôn nhắc nhủ bản thân không ngừng tưới tắm cho mầm cây thiện lương. Ngay trong những ngày đầu khởi nghiệp đầy khó khăn, anh vẫn nỗ lực làm việc thiện. Đặc biệt, với công việc của mình, anh Quý thường xuyên hỗ trợ các đơn vị, địa phương tổ chức những đêm nhạc thiện nguyện với 0 đồng thù lao. Trong nhiều chương trình, anh sẵn sàng bước lên sân khấu để thu hút sự quan tâm, ủng hộ từ khán giả.
Sau khi cởi bỏ được nỗi lo bệnh tật, trân quý sự tiếp sức của mọi người, anh Quý thêm quyết tâm trả nghĩa cho cuộc đời. Anh nhận thức sâu sắc rằng, không thể chỉ dựa vào sức mình như trước mà cần kết nối những vòng tay. Tâm nguyện của anh vô tình lại tương đồng với một số anh em hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc khác.
Họ đã cùng nhau thành lập nhóm Kết nối yêu thương. Đêm nhạc thiện nguyện đầu tiên do nhóm tổ chức đúng vào ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Như mong muốn của anh Quý và các thành viên khác, toàn bộ kinh phí thu về đều dành để hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Sau này, đêm nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành hoạt động thường niên ở Quảng Trị, được đánh giá cao bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Theo thời gian, nhóm Kết nối yêu thương đã tổ chức, phối hợp làm nên thành công của ngày càng nhiều đêm nhạc thiện nguyện. Quy mô, sức lan tỏa của mỗi đêm nhạc cũng lớn dần lên. Biết về ý nghĩa của những đêm nhạc thiện nguyện, nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã đến với nhóm Kết nối yêu thương. Bao giờ cũng vậy, họ không nhận bất cứ đồng thù lao nào.
Thậm chí, nhiều người còn bỏ tiền túi ra để ủng hộ chương trình. Sau mỗi đêm nhạc nghĩa tình như thế, nhóm Kết nối yêu thương và các nghệ sĩ lại cùng nhau đến bệnh viện, lên các bản làng vùng cao, về những miền quê chân sóng... để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh cũng không đủ sức ngăn cản bước chân thiện nguyện của họ.
Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, anh Quý luôn tự nhận mình may mắn vì được gặp, truyền động lực bởi nhiều người mang duyên lành. Tuy nhiên, khác với anh, chúng tôi cho rằng điều mà người nghệ sĩ này cho là may mắn không tự nhiên mà có. Thông thường, phần lớn những người mang duyên lành đều chung tần số, rất dễ gặp gỡ, đồng hành với nhau để làm nên muôn vàn điều ý nghĩa.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)