Người thầy sáng tạo Atlat lịch sử để dạy học

Tú Linh |

Thầy giáo Phan Khánh Hội (sinh năm 1986), ở thôn Cổ Lũy, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Cửa Tùng, là người đầu tiên của tỉnh Quảng Trị sáng tạo ra Atlat Lịch sử lớp 12 sinh động, hấp dẫn và thiết thực trong giảng dạy để góp phần giúp học sinh ngày càng đam mê với môn học này. Công trình Atlat Lịch sử lớp 12 của thầy đã tham dự cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” toàn quốc năm 2020, được đồng nghiệp và học sinh đánh giá cao.

Yêu lịch sử qua những bài học

Thầy Hội sống với ông nội ngoài chín mươi tuổi trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng toát lên sự nền nếp, ấm áp. Trong ngôi nhà này, mấy mươi năm trước, khi Phan Khánh Hội còn là cậu bé trường làng, đêm đêm ông nội kể cho cậu nghe những câu chuyện đồng cam cộng khổ, san sẻ yêu thương của người dân Vĩnh Giang để vượt qua hoạn nạn trong cuộc sống. Những câu chuyện về lịch sử của dân tộc, của quê hương Vĩnh Giang cũng đã in sâu trong ký ức của cậu bé qua lời kể của ông, khơi dậy trong tâm hồn cậu bé niềm đam mê về tình yêu lịch sử; muốn tìm hiểu lịch sử quê hương, đất nước với mong ước sau này có thể thay thế cha ông truyền đạt lại cho thế hệ con cháu những “thước phim vàng” về một thời hào hùng của dân tộc.

Thầy Phan Khánh Hội sử dụng Atlat Lịch sử 12 để dạy học -Ảnh: TÚ LINH​
Thầy Phan Khánh Hội sử dụng Atlat Lịch sử 12 để dạy học -Ảnh: TÚ LINH​

Khi vào học ở Trường THPT Cửa Tùng, tình yêu lịch sử của Phan Khánh Hội may mắn được chắp cánh, bồi đắp bởi bởi cách dạy truyền cảm hứng, hấp dẫn của các thầy cô giáo nơi đây. Thầy Phan Khánh Hội nhớ lại: “Mỗi sự kiện lịch sử được thầy cô liên hệ với một câu chuyện, dễ hiểu và dễ nhớ. Từ đó, với tôi môn Lịch sử không hề khô khan, nhàm chán với những sự kiện và con số đơn thuần, mà trái lại, rất hấp dẫn đối với học sinh. Tôi nhớ mãi bài giảng của thầy giáo dạy môn Lịch sử về chiến dịch Đông Xuân 1953- 1954: Vào mùa Thu năm 1953, trong hội nghị ở bản Tỉn Keo giữa chiến khu Việt Bắc, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo kế hoạch Na-va của Pháp, Bác Hồ nghe rất chăm chú. Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo ra sức mạnh, không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh ấy không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón chỉ về một hướng. Hình ảnh bàn tay năm ngón được hoán dụ bởi 5 hướng tấn công của chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Cách truyền đạt của thầy giáo lúc đó khiến cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ để từ đó khắc ghi trong đầu về giai đoạn lịch sử này”. Những tiết học lịch sử hấp dẫn đó đã giúp nhiều học sinh, trong đó có thầy Hội được sống trong bầu không khí tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc. Tốt nghiệp THPT, thầy Phan Khánh Hội quyết định nộp hồ sơ thi vào Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế để được trở thành giáo viên dạy môn học mình đam mê này.

Tốt nghiệp đại học loại khá, sau vài năm dạy học tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thận, huyện Triệu Phong, thầy Hội trúng tuyển vào lớp cao học chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học môn Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Huế và tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2014. Thầy Hội chia sẻ, bộ môn Lịch sử ở trường THPT có vai trò rất quan trọng trong hình thành nhân cách, phẩm chất cho học sinh, giáo dục cho học sinh lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam, từ đó giúp các em có động lực, niềm say mê và ý chí phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, dạy và học lịch sử đang còn tồn tại nhiều bất cập về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Sách giáo khoa môn Lịch sử nặng về sự kiện, số liệu mà ít hình ảnh trực quan, lược đồ ít và đều in màu đen trắng nên không tạo sự sinh động, hấp dẫn, chú ý của học sinh về các sự kiện lịch sử.

Trường THPT Cửa Tùng, nơi có nhiều học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử -Ảnh: TÚ LINH​
Trường THPT Cửa Tùng, nơi có nhiều học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử -Ảnh: TÚ LINH​

Để dạy tốt hơn môn học này, thầy Hội sử dụng phương pháp được nhiều người đánh giá tốt là mô hình “cây sự kiện” nhằm truyền đạt kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, theo thầy Hội, mô hình này vẫn còn ít hình ảnh mô tả sinh động bức tranh lịch sử nên vẫn chưa tạo ra sự hấp dẫn cho học sinh. Thực tiễn dạy học Lịch sử nhiều năm ở trường THPT, thầy Hội nhận thấy tài liệu tham khảo dành cho học sinh còn ít, chủ yếu là kênh chữ. Điều này diễn ra một thời gian khá dài khiến học sinh ngày càng ít đam mê môn Lịch sử, dẫn đến điểm thi môn học này tại các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học rất thấp.

Sáng tạo Atlat đầu tiên về lịch sử

Trước thực tế về học Lịch sử như vậy, thầy Hội luôn trăn trở tìm nhiều cách để thiết kế bài giảng phong phú, tạo thêm sức hút cho môn học vốn được coi là khô khan và mong ước học sinh ngày càng thêm yêu thích môn học này. Năm 2017, thầy bắt tay vào nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp, biên soạn và cho ra đời công trình Atlat Lịch sử 12 để phục vụ giảng dạy của giáo viên và học tập cho học sinh. Phần nội dung cốt lõi của Atlat Lịch sử là các kênh hình, số liệu, infographics, được công bố trên các website của Đảng, Chính phủ, các cơ quan báo chí chính thống trong nước, phản ánh những nội dung nổi bật nhất về các sự kiện, vấn đề lịch sử thế giới và Việt Nam nằm trong chương trình môn Lịch sử lớp 12. Tất cả đều được dẫn nguồn rõ ràng và biên tập theo trình tự, bám sát nội dung các chương, bài học trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12. Atlat Lịch sử 12 tương đương 27 bài, bao gồm lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, với hình ảnh được trình bày có màu sắc bắt mắt, sự phân chia theo chủ đề để giáo viên giảng dạy và học sinh tiện theo dõi.

Nói về đứa con tinh thần của mình, thầy Hội cho biết: Atlat Lịch sử 12 là sản phẩm trên phần mềm Microsoft Word. Atlat cho phép giáo viên sử dụng các hình ảnh, số liệu trong đó đưa vào bài giảng powerpoint, e-learning xây dựng thành các tiết bài giảng điện tử; dùng Atlat như tài liệu, công cụ để thiết kế thêm các bài tập nhận thức, các trò chơi lịch sử... Ngoài ra, các trường cũng cần in thành tài liệu lưu hành nội bộ hoặc phổ biến ở các thư viện (khoảng 64 trang A4) để nhiều người tiện tham khảo. Với học sinh có thể in ra giấy A4 đóng thành tập làm tài liệu tham khảo bên cạnh sách giáo khoa hoặc có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi qua bản mềm trên điện thoại, máy tính. Atlat lịch sử đã trở thành công cụ phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh, tích lũy kiến thức, mà không phải học thuộc lòng môn học này để đối phó với các kỳ thi.

Cách đây hai năm, khi sản phẩm mới hoàn thành, thầy Hội đã gửi tham gia hội thi thiết kế đồ dùng dạy học do Trường THPT Nguyễn Hữu Thận tổ chức, đoạt giải Ba. Năm 2019, sau khi được điều động về dạy học tại Trường THPT Cửa Tùng, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, thầy Hội tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm để ngày càng hoàn thiện công trình của mình. Hiện Atlat Lịch sử 12 của thầy Hội phát huy hiệu quả cao trong việc dạy và học môn Lịch sử của Trường THPT Cửa Tùng; được nhiều đồng nghiệp cùng bộ môn và học sinh trong nước biết đến. Thầy còn trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh của trường và luôn có học sinh đoạt giải cao. Năm học 2020-2021 này, một học sinh của trường lọt vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, hiện đang ôn luyện để chuẩn bị kỳ thi vào tháng 12 tới.

Thầy Hội ôn luyện cho đội học sinh của trường thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử -Ảnh: TÚ LINH​
Thầy Hội ôn luyện cho đội học sinh của trường thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử -Ảnh: TÚ LINH​

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Của Tùng Lê Song Quân tự hào cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao công trình nghiên cứu Atlat Lịch sử của thầy Phan Khánh Hội vì đã góp phần làm thay đổi phương pháp học môn Lịch sử của học sinh. Tâm lý phổ biến của học sinh là rất sợ phải học thuộc và phải nhớ hết các số liệu, chi tiết ngày tháng sự kiện lịch sử trong sách giáo khoa nhưng nhờ có Atlat Lịch sử 12, các em đã chủ động hơn trong việc tự học, tự tìm hiểu bài một cách hứng thú. Việc biên soạn và ban hành nội bộ tài liệu Atlat Lịch sử của thầy Hội đã giúp cho việc dạy và học môn Lịch sử thêm hấp dẫn, chủ động.

Niềm đam mê sáng tạo ra cách học môn Lịch sử bằng Atlat của thầy Hội không những giúp học sinh dễ nhớ mà khi đã hiểu, có thêm nhiều kiến thức về môn học này, học sinh sẽ có trách nhiệm hơn với lịch sử quê hương, đất nước. Những ngày này, thầy Hội vẫn đang miệt mài phát triển, bổ sung kiến thức vào Atlat Lịch sử 12 để học sinh khai thác ngày càng hiệu quả hơn, cũng như tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời Atlat Lịch sử lớp 10, 11. Thầy mong muốn phối hợp với các nhà xuất bản để bổ sung ý tưởng và cho ra mắt một sản phẩm hoàn thiện hơn, ứng dụng rộng rãi trong dạy học lịch sử ở trường THPT trên toàn quốc, để kịp áp dụng vào Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp THPT từ năm học 2022 - 2023.

Một điều ít biết về thầy Hội, đó là không chỉ đam mê, sáng tạo ra cách học lịch sử dễ nhớ, thầy còn tích cực tham gia nhiều cuộc thi tìm hiểu về Chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 2019, thầy Phan Khánh Hội cùng 3 giáo viên, giảng viên khác trên toàn quốc xuất sắc vượt qua gần 26 nghìn giáo viên, giảng viên để đoạt giải tại Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học MácLênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ đề “Ánh sáng soi đường”. Thầy Phan Khánh Hội vinh dự đoạt giải Ba tại cuộc thi này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần một tượng đài cho những thầy cô “cắm bản”

Lê Đức Dục |

Tháng 11 không chỉ riêng ngày 20 mà gần như suốt cả tháng này được mặc định dành cho những tri ân về các thầy cô giáo. Trên trang mạng xã hội vẫn thấy những nhóm bạn bè cùng khóa, cùng khoa í ới nhau họp lớp, cũng là một dịp để gặp lại nhau cùng tri ân các thầy cô của mình. Cho dù nhiều giá trị đã thay đổi, nhưng tôn sư trọng đạo vẫn luôn là đạo lý rất đẹp và vững bền trong tâm thức người Việt.

Thầy giáo gần 10 năm mặc áo dài, đầu đội khăn đóng lên giảng đường

Thanh Mai |

Không chỉ có lên giảng đường, mà ngay cả khi dạy online, thầy Hồ Minh Quang vẫn bận áo dài khăn đóng.

Điều ước nhỏ nhoi của người thầy vùng lũ

Thanh Mai |

Ngày 20/11, khi mà nhiều nơi tổ chức ngày lễ thiêng liêng thì vùng mưa lũ, thầy cô vẫn đang khắc phục hậu quả sau lũ để các em được đến trường.

Người thầy hạnh phúc

Bội Nhiên |

Là giáo viên tiểu học dạy mỹ thuật từ năm 1990 và là giáo viên mỹ thuật ở Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành của thành phố Đông Hà từ năm 2013 đến nay, thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng một thầy giáo tuyệt vời khi thầy có 2 học sinh đạt giải cấp quốc gia, 39 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 80 học sinh đạt giải cấp thành phố đồng thời Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành mà thầy góp tâm sức xây đắp sự nghiệp trồng người đã 16 lần đạt giải tập thể xuất sắc cấp tỉnh và thành phố về hội họa. Đó là kết quả sư phạm của thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng trong suốt quá trình dạy học với sự kết hợp giữa truyền đạt kiến thức và truyền cảm hứng, giữa kỹ thuật và niềm say mê.