Tháng 11 không chỉ riêng ngày 20 mà gần như suốt cả tháng này được mặc định dành cho những tri ân về các thầy cô giáo. Trên trang mạng xã hội vẫn thấy những nhóm bạn bè cùng khóa, cùng khoa í ới nhau họp lớp, cũng là một dịp để gặp lại nhau cùng tri ân các thầy cô của mình. Cho dù nhiều giá trị đã thay đổi, nhưng tôn sư trọng đạo vẫn luôn là đạo lý rất đẹp và vững bền trong tâm thức người Việt.
Người thầy xứng đáng được tri ân bởi những hy sinh của mình cho công cuộc khai sáng tri thức. Nhất là những thầy cô giáo nơi rẻo cao hay biển đảo giữa trùng dương. Và cứ đến dịp này, trong tôi vẫn thao thức về một tượng đài tưởng nhớ sự hy sinh lẫm liệt và những cống hiến vĩ đại đó.
Dịp 20/11, năm 2003, chỉ trong vòng một tháng, ở huyện miền núi Hướng Hóa đã có ba cô giáo chết vì sốt rét. Hồi đó, tôi đã viết bài báo “Hoa và nước mắt trong ngày 20/11” đăng trên Báo Tuổi trẻ . Đó chỉ là những cái chết quá gần nhau diễn ra trong tháng 11, tháng có ngày Nhà giáo Việt Nam. Còn tính từ những năm sau giải phóng, cả đại ngàn Trường Sơn là chốn rừng thiêng nước độc, không ít thầy cô giáo “cắm bản” đã chết vì sốt quá nặng, vì phương tiện thuốc men thiếu thốn, vì đường sá hiểm trở. Tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy Hà Công Văn cùng các giáo viên ở Tà Long khiêng một cô giáo ở trường bị sốt rét, vừa khiêng vừa chạy mấy chục cây số xuyên rừng từ bản đến bệnh viện huyện Hướng Hóa. Rồi cũng khoảng thời gian này 6 năm trước, thầy Văn ngã xuống trên mảnh đất Đakrông.
Không biết đã có ai thống kê trong ngần ấy năm qua, bao nhiêu thầy cô giáo đã nằm lại với rừng già vì sự nghiệp khai mở văn hóa cho những đồng bào dân tộc thiểu số? Sự gian nan của những thầy cô giáo cắm bản đâu chỉ là chuyện sốt rét ngã bệnh? Mấy năm nay, mỗi mùa mưa lũ, lại nghe thấy nơi này nơi kia những giáo viên bị lũ ống cuốn trôi trên đường đi dạy. Chỉ hơn một tháng trước, thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu phó Trường Tiểu học&Trung học cơ sở A Vao bị lũ cuốn khi cố vượt qua cầu tràn. Chưa nói đâu xa, mấy năm trước, khi chúng tôi lên Sam Lang (Điện Biên) và đưa câu chuyện các cô giáo chui túi nilon qua suối, nhiều người còn không thể tin đó là chuyện có thật. Nhưng có nhiều sự thật lại còn kinh khủng hơn thế!
Tôi bỗng nhớ những câu chuyện gần đây về việc xây dựng tượng đài. Những tượng đài để tôn vinh, để nhắc nhở, để hậu thế nhìn vào đó và tưởng nhớ, biết ơn sự hy sinh và nhắc mình sống xứng đáng hơn. Nhưng hình như đã mấy chục năm nay, chưa bao giờ chúng ta nói đến việc xây dựng một tượng đài để tưởng nhớ những thầy cô giáo đã hy sinh lặng thầm giữa núi rừng hẻo lánh, những người đã thắp lên ánh sáng giữa làng bản chốn rừng già. Trên hành trình miệt mài đó, không ít thầy cô giáo đã trả giá bằng chính cuộc đời mình, bằng chính mạng sống của mình.
Ngày 20/11 hằng năm, rất nhiều hoa, quà và tràn ngập những lời chúc tụng. Nhưng có lẽ đã đến lúc đất nước ta nên có một tượng đài tôn vinh những thầy cô giáo cắm bản, cắm đảo từ bao nhiêu năm nay. Những thầy cô giáo đã hy sinh. Những thầy cô giáo đang vượt qua gian nan thách thức để gieo chữ mỗi ngày.
Họ xứng đáng được như thế!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)