Không chỉ có lên giảng đường, mà ngay cả khi dạy online, thầy Hồ Minh Quang vẫn bận áo dài khăn đóng.
Ngày 6/11, một sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng tải một bài viết khoe thầy giáo của mình trong trang phục áo dài đứng trên bục giảng thu hút sự chú ý của dư luận. Nhân vật chính trong bài chia sẻ đó là thầy Hồ Minh Quang, trưởng Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cách đây không lâu khi hình ảnh này lan truyền giữa "tâm bão" tranh luận về đề xuất mặc áo dài vào sáng thứ 2 đầu tuần ngay lập tức nhận được sự chú ý rất lớn từ cộng đồng mạng. Nhiều người hết lời khen ngợi hình ảnh một thầy giáo mặc áo dài đi dạy Hán Nôm, vừa ý nghĩa vừa gần gũi với môn học.
Thầy Hồ Minh Quang tốt nghiệp khoa Tiếng Trung tại Đại học sư phạm TP.HCM. Năm 2009, thầy về công tác tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM. Hiện tại thầy đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và đang là trưởng bộ môn Trung Quốc học kiêm trưởng Khoa Đông Phương học của nhà trường.
Thầy Quang cho biết gần 10 năm qua, thầy đã quen với việc mặc áo dài đến lớp và đối với thầy đây là việc bình thường. Chia sẻ về hình ảnh của mình trên mạng xã hội, thầy nói vui đó chỉ là "một tai nạn" bởi trước giờ thầy chỉ muốn hình ảnh ấy “âm thầm” đến với học trò của mình.
Với thầy Quang bây giờ chỉ cần có chút không hợp lý khi khoác vào là thầy biết ngay mình gài lệch hay sai cúc áo… Việc mang guốc mộc chỉ được duy trì khi thầy Quang lên giảng đường, ở một số sự kiện trang trọng, có bạn bè quốc tế thì thầy phối áo dài sắc màu với giày da. Mỗi ngày thầy đều chuẩn bị từ khá sớm cho trang phục của mình. Thầy Quang diện áo dài gần như nguyên bản với áo bà ba lót, áo the, áo đen ngoài cùng… Cuối cùng là chiếc khăn đóng, một số sự kiện thầy Quang sẽ mang theo cả ô đen.
Chia sẻ với Dân Trí, thầy kể rằng gần 20 năm về trước, khi thầy đi học tại Trường ĐH Trung Sơn - Quảng Châu (Trung Quốc).
“Trong thời gian ấy, khi nhìn thấy bạn bè các nước tham gia các lễ hội đều diện những trang phục đặc trưng của họ, tôi bắt đầu suy nghĩ. Bạn bè quốc tế có thể nhận diện được dễ dàng các bạn nữ là người Việt Nam thông qua tà áo dài, còn nam sinh Việt Nam thì hầu như không nhận diện được là người nước nào.
Bạn bè ở hầu hết các nước châu Á, châu Phi bất kể nam nữ đều có trang phục hoặc những phụ kiện mang tính nhận diện văn hóa quốc gia của mình. Sinh viên nếu không mặc áo dài hoặc không cầm quốc kỳ thì hầu như không ai biết là người Việt Nam”, thầy Quang kể lại.
Sau nhiều trăn trở, người sinh viên Hồ Minh Quang quyết định mặc áo dài Việt Nam để có được một tiêu chí nhận diện trong những không gian đa văn hóa ấy.
“Đến tận năm 2017, được sự khuyến khích của các đồng nghiệp ở khoa Sử, tôi quyết định mặc áo dài ở tất cả các môn mà mình đi dạy ở trên giảng đường. Dù đi dạy ở trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, ở trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Mở TPHCM hay ĐH Tôn Đức Thắng thì tôi vẫn kiên trì việc mặc chiếc áo dài”.
Thầy Quang chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sự tôn trọng của học trò mỗi lúc học khi tôi mặc trang phục này một cách khác hẳn. Các em tôn trọng người dạy lẫn nội dung mình dạy và cả các hoạt động trong quá trình giảng dạy. Dường như các em chăm chú nghe giảng hơn, biết để tâm đến những gì thầy mang đến lớp và độ tập trung cũng cao hơn”.
Nói về vai trò chiếc áo dài đối với nghề dạy học của mình, thầy Quang cho rằng: “Chiếc áo dài không đơn giản chỉ là một trang phục mà nó còn là một dạng lễ phục tượng trưng cho sự nghiêm túc, trang nghiêm. Chính vì vậy, khi đi, đứng, ngồi, ăn… thì phải luôn chú ý từng chi tiết để không bị mang tiếng thất lễ.
Khoác chiếc áo dài vào thì mọi cử chỉ của tay, chân, lưng, vai, ánh mắt, ngôn hành, lời nói cũng đều phải kỹ lưỡng. Tôi nghĩ nó cũng chính là một công cụ mà tôi tự yêu cầu bản thân mình thực hiện khi đứng lớp”.
Với nhiều năm mặc áo dài trang phục này, nhiều người trong đó các đồng nghiệp của thầy Quang cũng đã quen với hình ảnh ấy. Khi tiếp khách ngoại giao hoặc dự lễ hội của các nước khác thì thầy sẽ chọn áo dài màu.
“Lúc ấy, tôi muốn mang lại một hình ảnh phong phú, sắc màu đẹp, một sự tươi mới của văn hóa truyền thống Việt Nam chúng ta đến với bè bạn quốc tế.
Đồng thời, thay vì mang guốc mộc thì tôi mang giày tây bởi theo nhiều nền văn hóa, người ta hạn chế việc lộ chân trần ra bên ngoài. Việc mặc trang phục truyền thống với sắc màu tươi sáng kèm theo sự đầu tư về phụ kiện thì bạn bè quốc tế sẽ nhìn nhận mình với thái độ trang trọng, họ sẽ cảm nhận được tình cảm, thái độ của mình có đóng góp cho hoạt động của họ”, thầy Quang chia sẻ.
(Nguồn: Phụ nữ mới)