Người thương binh tự nguyện chăm sóc đài tưởng niệm liệt sĩ

Đức Việt |

Với mong muốn được chăm sóc, hương khói thường xuyên cho đài tưởng niệm liệt sĩ của xã - nơi ghi danh 124 liệt sĩ, trong đó có người cha liệt sĩ và 2 người đồng đội của mình- ông đã xin được làm công việc này hoàn toàn tự nguyện. Ông là cựu chiến binh Trần Học (65 tuổi) ở thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Những ngày tháng 7, khắp nơi đều diễn ra các hoạt động tri ân anh hùng liệt sĩ, chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình có công cách mạng một cách đầy trang trọng và ý nghĩa. Cùng thời điểm ấy, tại một góc làng Kim Giao, ông Trần Học cũng đang thầm lặng với việc chăm chút, tưới mát cho từng khóm hoa cây cảnh, tất bật treo cờ Tổ quốc, quét dọn vệ sinh lại khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Hải Dương để phục vụ cho các hoạt động dâng hương, dâng hoa tri ân liệt sĩ của địa phương. “Vợ tôi mất đã 10 năm, các con cũng đã trưởng thành nên tôi có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Ngoài ra, nơi đài tưởng niệm liệt sĩ xã có ghi danh cha tôi và 2 người đồng đội nhập ngũ cùng đơn vị đã hy sinh, đã thôi thúc tôi tình nguyện chăm sóc công trình này”, ông Học giãi bày.

Ông Trần Học tự nguyện chăm sóc Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Ảnh: Đ.V
Ông Trần Học tự nguyện chăm sóc Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Ảnh: Đ.V

Sau nhiều lần đề đạt ý kiến nhận chăm sóc đài tưởng niệm, vào dịp 27/7/2019, ông được chính quyền địa phương đồng ý để làm công việc theo tâm nguyện. Bắt tay vào công việc có ý nghĩa này, ông tiến hành ươm các giống hoa cây cảnh rồi mang về trồng trong và ngoài khuôn viên đài tưởng niệm, chặt tỉa cây xanh cho gọn gàng, thoáng đãng, quét dọn sạch sẽ toàn bộ khuôn viên công trình… “Cứ mỗi tuần tôi lại ra đài tưởng niệm 3 - 4 lần để kiểm tra và chăm sóc cây hoa, quét dọn, vệ sinh toàn bộ khuôn viên. Những ngày rằm, ngày 30, mùng 1 âm lịch, lễ, tết, tôi đều túc trực để thắp hương, tạo không khí ấm áp cho đài tưởng niệm…”, ông Học tâm sự.

Ông cho biết, ông từng là bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1978, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 20, Trung đoàn E 273, Sư đoàn F341 (Sư đoàn Sông Lam). Ông Học cùng đồng đội đã trải qua hàng chục trận đánh ác liệt chống quân Khmer đỏ trên đất nước bạn. Trong một lần chiến đấu vào năm 1979, ông vấp mìn bị thương, được giám định tại chỗ là 16% và được đưa về miền Bắc an dưỡng. Tháng 4/1982 ông xuất ngũ rồi trở về quê. Đến năm 1983 ông lấy vợ rồi lần lượt sinh được 4 người con. Năm 2001, ông được Nhà nước cho giám định lại và xác định tỉ lệ thương tật là 34%, được công nhận thương binh hạng 4/4.

Trở lại với công việc tự nguyện chăm sóc đài tưởng niệm liệt sĩ của mình, ông Học không chỉ bỏ công sức mà còn tự bỏ tiền túi của mình mua hương, hoa quả, bánh kẹo để thờ cúng tại đài tưởng niệm vào mỗi dịp ngày rằm, ngày 30, mùng 1 âm lịch. “Chính quyền xã biết được việc này, nhiều lần xuất tiền cho tôi mua hương đèn nhưng tôi không nhận. Tôi tâm niệm rằng mình là người chiến sĩ may mắn được sống, trở về quê hương lập gia đình và có cuộc sống trọn vẹn đến ngày hôm nay thì những việc làm nhỏ nhoi như trên có đáng gì đâu. Tôi vui và mãn nguyện khi được tự nguyện làm những công việc như vậy”, ông Học nói thêm.

Ngoài ra, thời gian qua ông Trần Học còn ươm trồng nhiều loại hoa cây cảnh tặng đặt tại trụ sở UBND xã Hải Dương, chùa của thôn Kim Giao và một ngôi chùa ở xã Hải Thọ. Trong thời điểm nắng hạn gay gắt vừa qua, ông Học xin UBND xã được tự bỏ số tiền túi hơn 700.000 đồng mua chiếc máy bơm nước để tưới hoa, cây cảnh tại đài tưởng niệm liệt sĩ nhưng lãnh đạo xã chưa đồng ý.

Chủ tịch UBND xã Hải Dương Hoàng Cảnh chia sẻ thêm: “Lâu nay những công việc mà bác Học làm như chăm sóc, hương khói cho đài tưởng niệm liệt sĩ, tặng hoa, cây cảnh cho một số nơi thật sự rất đáng ghi nhận. Riêng việc sắm máy bơm nước, địa phương sẽ xem xét hỗ trợ. Cảm kích trước những việc làm ý nghĩa của bác Học, xã nhiều lần có các hình thức cảm ơn nhưng bác ấy đều từ chối. Chúng tôi luôn mong bác Học có nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc tự nguyện đầy ý nghĩa của mình, qua đó giúp địa phương quản lý, chăm sóc tốt đài tưởng niệm liệt sĩ xã”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Điểm tựa hạnh phúc của những thương binh nặng

Tú Linh |

Những năm chiến tranh, các chị gạt nước mắt tiễn chồng lên đường đánh giặc, nguyện làm hậu phương vững chắc cho những người lính ngoài mặt trận. Ngày các anh trở về mang theo di chứng chiến tranh nặng nề, có người không còn đủ chân tay. Thế nhưng các chị vẫn âm thầm chia sẻ nỗi đau cùng chồng, đảm đương, gánh vác gia đình, lo liệu cuộc sống. Các chị là những người vợ nghị lực, giàu đức hy sinh của các thương binh nặng.

Tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Quảng Bình: Tình người trong đại nạn

Mạnh Thành - Võ Dung |

Tại sảnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, hàng trăm người dân Quảng Bình lặng lẽ xếp hàng, chờ đợi để sẵn sàng hiến máu cấp cứu cho các nạn nhân đang cần tiếp máu.

"Ông tổ" nền nông nghiệp sạch nước nhà

Nguyễn Quang Lập |

Ngày nay nông dân ta đã quá quen với phân vi sinh, đã biết thế nào là nông nghiệp sạch và tác dụng to lớn của nó. Nhưng ít ai biết ông tổ phân vi sinh và nền nông nghiệp sạch nước nhà, ấy là giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Hữu.  Nông dân không biết đã đành, các nhà quản lý cũng không biết. Tra google tiếng Việt cái tên Giáo sư Phạm Văn Hữu không xuất hiện một lần.  Thật đáng buồn.

Trưởng làng “dân vận khéo”

Lê Thảo |

Đã hơn 30 năm nay, các thế hệ dân làng Trí Bưu, phường 2 thị xã Quảng Trị đã rất quen thuộc với bóng dáng tận tụy của trưởng làng Lê Quang, người luôn hết mình vì việc nước, việc làng. Và chính người trưởng làng ấy với phương châm sống “tốt đời đẹp đạo” đã không ngừng nỗ lực trong suốt nửa cuộc đời góp phần xây dựng nên một ngôi làng “đoàn kết” lương – giáo gắn bó Trí Bưu.