Những mâm cỗ độc đáo của "Mầm Lao Bảo"

Bích Liên |

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn biên giới Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị), chọn thành phố Đà Nẵng để sinh sống với nghề nghiệp chính là giáo viên, song với cơ duyên và niềm đam mê mãnh liệt với những mâm lễ, cùng với đó là sự tài hoa, khéo léo vốn có, chị Trần Thị Hoa (sinh năm 1985) đã dần chuyển hướng và lập nghiệp thành công nơi “thành phố đáng sống”. 

Những mâm lễ cúng rằm, thôi nôi hay những mâm cơm chay chị làm ra đều khiến mọi người không ngớt lời khen ngợi, tạo nên thương hiệu “Mầm Lao Bảo” được nhiều người biết đến.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp ngành Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Huế, chị Trần Thị Hoa tham gia giảng dạy các lớp năng khiếu Mỹ thuật tại tỉnh Quảng Trị. Sau 2 năm theo nghề, Hoa quyết định theo chồng vào sinh sống, lập nghiệp tại thành phố Đà Nẵng.

Ngoài dạy thêm Mỹ thuật ở các Trung tâm năng khiếu, Hoa từng theo nhiều ngành nghề như thiết kế đầm trẻ em, buôn bán online. Từng lựa chọn nhiều ngành nghề để lập nghiệp, song sau cùng, cô gái đến từ thị trấn biên giới Lao Bảo lại được nhiều người biết đến với vai trò là người “thổi hồn” cho những mâm lễ, mâm cơm chay.

Kể về cơ duyên đến với nghề hiện tại,  Hoa chia sẻ: “Thực ra việc vào bếp rồi nấu các món ăn hay làm các mâm lễ cúng đã là đam mê đối với người phụ nữ như tôi. Đặc biệt cách đây 3 năm, trong ngày thôi nôi của cháu gái, tôi đã tự vào bếp, mày mò làm mâm lễ dâng lên các bà mụ đã che chở cho cháu được mạnh khỏe. Ban đầu cũng chỉ nghĩ là thể hiện lòng thành của mình, tình yêu thương dành cho cô cháu gái, nhưng khi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội Facebook thì rất nhiều người đã vào like, bình luận và đặt hàng mâm lễ. Vậy là từ đó bén duyên luôn với nghề bếp núc, chuyên nấu các mâm lễ cúng thôi nôi, đầy tháng, mâm cơm chay để cúng rằm.”

Chị Trần Thị Hoa, người khởi nghiệp từ đam mê
Chị Trần Thị Hoa, người khởi nghiệp từ đam mê

Các mâm lễ của cô gái tài hoa này thực hiện là những mâm cúng chay, điểm nhấn khiến nhiều người trầm trồ là những chiếc bánh đông sương 3D được làm từ đậu, nếp, gấc, đông sương. Các mâm lễ được chị phối màu và tạo hình vô cùng đẹp mắt, cuốn hút như những bức tranh nghệ thuật khiến ai tận mắt thấy cũng không khỏi ngỡ ngàng, khen ngợi.

Chị Hoa cũng cho biết thêm, để có những mâm lễ cúng, chị không hề học qua một lớp học bài bản nào, chủ yếu do bản thân tự tìm tòi, học hỏi. Một phần có năng khiếu về nghệ thuật, phần chủ yếu là xuất phát từ đam mê. Càng làm, làm hoàn thiện, chăm chút từng mâm lễ, chị càng bị cuốn hút bởi những nguyên liệu, những chi tiết trên mỗi chiếc bánh, nhành hoa. Để làm nên những mâm lễ đẹp như bức tranh nghệ thuật độc đáo phục vụ khách hàng mà không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào, cô gái trẻ này đã phải trải qua nhiều thất bại, có những lúc sai công thức, nhiều lần nguyên liệu không chuẩn tạo ra những chiếc bánh không vừa ý, chị lại phải vứt bỏ.

Hiện tại, ngoài làm các mâm lễ cúng thôi nôi, đầy tháng, các mâm cơm chay trong những ngày rằm, chị Hoa cũng làm các thực phẩm sạch để bán ra thị trường tăng thêm thu nhập. Trung bình mỗi tháng, chị Hoa làm từ 25 – 30 mâm lễ theo nhu cầu của khách đặt. Công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ chiếm của chị rất nhiều thời gian.

Nhu cầu đặt hàng ngày càng cao, công suất và cường độ làm việc của cô gái này lại tăng lên gấp nhiều lần. Dù thuê người phụ việc song với tính cầu toàn, trách nhiệm cao trong công việc, chị luôn tự tay làm hết mọi công đoạn để hoàn thành mâm cúng lễ sao cho khách hàng vừa lòng nhất.

Để làm được như thế, mỗi ngày chị dậy vào lúc 5h sáng và kết thúc công việc vào đêm khuya. Dù vất vả song công việc đem lại nguồn thu nhập, đặc biệt được thỏa mãn niềm đam mê và ngày càng được nhiều người biết đến, ủng hộ nên chị Hoa luôn lấy đó làm động lực để cố gắng.

Mới đây, nữ MC nổi tiếng Vân Hugo đã tin tưởng đặt chị Hoa làm mâm lễ để tổ chức tiệc đầy tháng cho con gái của mình. Đây cũng là kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của cô gái có đôi tay tài hoa, khéo léo Trần Thị Hoa.

Một mâm lễ do tự tay chị Trần Thị Hoa thực hiện
Một mâm lễ do tự tay chị Trần Thị Hoa thực hiện
Một mâm lễ do tự tay chị Trần Thị Hoa thực hiện

Với mong muốn lan tỏa niềm đam mê, tạo thêm công ăn việc làm, giúp chị em phụ nữ khởi nghiệp, Hoa đã mở các lớp dạy làm mâm cúng lễ cho những ai có nhu cầu. Với thương hiệu “Mầm Lao Bảo”, đến nay đã có 40 người tại 40 tỉnh thành trên cả nước được Hoa truyền nghề.

Ngoài được biết đến là người có bàn tay tài hoa, khéo léo, tạo nên những mâm lễ như những bức tranh nghệ thuật độc đáo, cô gái đến từ thị trấn biên giới này còn thường xuyên tham gia các hoạt động  thiện nguyện, hướng về quê hương mình.

Chia sẻ về điều này, Hoa cho rằng: “Để tạo ra khoản tiền giúp đỡ thêm cho những mảnh đời khó khăn, mình tự tay làm những chiếc bánh đông sương rồi đăng mời các chị em khách hàng mua ủng hộ, bán được bao nhiêu mình sẽ dùng hết số tiền đó để làm thiện nguyện, giúp đỡ thêm cho những hoàn cảnh khó khăn nơi chính mảnh đất mình sinh ra. Việc này mình đã duy trì nhiều năm nay và mình sẽ cố gắng để duy trì trong những năm tiếp theo. Bản thân sinh ra và lớn lên ở thị trấn Lao Bảo xinh đẹp, dù đi đâu, làm gì thì tâm vẫn luôn hướng về quê hương mình.”

Phụ nữ Hải Lăng khởi nghiệp bằng hình thức kinh doanh online

Hiếu Giang |

Thông qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, thời gian qua nhiều chị em phụ nữ ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã quảng bá, giới thiệu và bán những sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Chắp cánh cho khát vọng khởi nghiệp

Quang Đăng |

Từ ngại ngần, lo lắng, ngày càng có nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã bước qua mọi rào cản để khởi nghiệp. Đằng sau tín hiệu vui ấy là nỗ lực ươm mầm, chắp cánh của các cấp bộ đoàn.

Phụ nữ phố núi quyết định khởi nghiệp ở tuổi U40

Bảo Phú |

Với khát khao, đam mê kinh doanh và quyết tâm tìm hướng đi để làm giàu, chị Lê Thị Sáu (trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) quyết tâm khởi nghiệp từ ngũ cốc Granola ở tuổi 37. 

Sơ kết 3 năm thực hiện các đề án của Chính phủ về phụ nữ và “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”

Lệ Như |

Ngày 19/10, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2019-2027 (Đề án 938); đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2019-2022 (Đề án 939) và “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”; trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị.