Đầu năm 2022, anh Nguyễn Hoàn có niềm vui lớn, đó là được thoả niềm đam mê văn chương của mình khi xuất bản tập sách dày, hơn 610 trang với tựa đề “Nơi đầu cầu liên Á”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Cuốn sách in đẹp, trang nhã.
Còn nhớ mùa hè năm 1989, trong những ngày đầu tỉnh Quảng Trị mới lập lại bộn bề những khó khăn, thiếu thốn, Nguyễn Hoàn đã từ giã Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học)-nơi anh được giữ lại trường để làm một giảng viên đại học. Hành trang trở về quê thật gọn nhẹ, chỉ một túi xách với vài bộ quần áo cũ, dăm ba quyển sách. Nguyễn Hoàn được tiếp nhận vào làm phóng viên Báo Quảng Trị, anh mang theo nhiều trăn trở, tâm huyết, mong muốn cùng đồng hành với quê hương trong những chặng đường vượt khó. Làm phóng viên, anh chịu khó đi đến nhiều vùng sâu, vùng xa. Có lần Nguyễn Hoàn đi xe đạp lên với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trong mùa hè nắng nóng, oi bức, vượt qua hàng chục cây số, để có được tư liệu viết bài “Mai sau dù có bao giờ” đăng Báo Quảng Trị tháng 7/1989 đầy xúc động. Anh là phóng viên Ban Nội chính với nhiều bài viết chống tiêu cực có chiều sâu, không ngại đụng chạm, miễn là nói lên sự thật, bảo vệ công lý, lẽ phải. Một thời gian sau, anh được đề bạt lên chức Phó Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Trị (sau đó lên Thư ký Tòa soạn), phụ trách Phòng Kinh tế, một lĩnh vực, mảng đề tài còn mới lạ, nhưng nhờ chịu khó học hỏi, suy nghĩ, đi sâu tìm hiểu, lý giải vấn đề một cách cặn kẽ và đề xuất, gợi mở hướng giải quyết nên anh đã có những bài viết để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Xương rồng nở trong cơn khát, cái úng Hải Lăng; Rào Quán-20 năm giấc mộng lớn đã thành; Phác thảo sử ký rượu quý Kim Long…
Năm 2008, anh được cấp trên tin tưởng, điều động sang làm nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Công việc mới với nhiều bỡ ngỡ nhưng Nguyễn Hoàn với bầu nhiệt huyết và cái máu làm báo vẫn thôi thúc cuộn chảy nên không buông bút, mà đi đâu anh cũng cố gắng quan sát, nắm tình hình và viết bài cho nhiều báo ở trung ương và địa phương. Hầu như Tết năm nào, Nguyễn Hoàn cũng có bài báo sâu sắc đăng trên Báo Quảng Trị.
Trở lại với tập sách “Nơi đầu cầu liên Á”, mới ra mắt bạn đọc trong tháng 1/2022, đây là tập sách dày 610 trang, tập hợp 55 bài viết của anh trong hàng chục năm qua. Đọc sách thấy anh lang thang ở nhiều nơi, lúc thì trở về với cội nguồn Bích La, lúc đến cầu Bến Hải, Gio Linh, Cam Lộ, lúc lên Rào Quán, rồi về Mỹ Thủy, đi xa hơn là đến với địa đạo Củ Chi, quần đảo Trường Sa và có những lúc lang thang ra nước ngoài. Đến nước Lào, Thái Lan - những nước nằm trên con đường liên Á, thấy cuộc sống của người Thái sôi động, phát triển, nhà cửa, phố xá mọc lên sầm uất anh lại thao thức nghĩ tới quê mình, làm sao để Quảng Trị phát triển, cất cánh khi có lợi thế không nhỏ nằm trên con đường liên Á - nối với nhiều nước trong khu vực.
Những trang đầu của cuốn sách này, Nguyễn Hoàn dành nhiều bài viết về các nước nằm trên con đường xuyên Á, gắn bó với Quảng Trị, đó là những bài: Quê hương trong “tầm ngắm” đầu cầu liên Á; Thao thức trên hành trình liên Á; Lao Bảo dân xuất khẩu giàu hơn dân buôn lậu.
Lần đầu đến nước Lào, anh có những cảm xúc tươi vui, hớn hở: “Đây rồi, một nước Lào nguyên sơ và cổ kính trong những trang sách địa lý thú vị của tuổi thơ tôi đã hiện ra dưới dáng vẻ trầm mặc của cây rừng, chiếc xe chở chúng tôi chạy xuyên Đường 9 mà ngỡ như bon bon giữa cơ man rừng Lào. Rậm rì xanh, một màu xanh nguyên sinh như có từ thuở khai thiên lập địa”. Đến Thái Lan, anh đi sâu tìm hiểu cho biết “mùi Thái”, anh có dịp giao du với nhiều người, trong đó có những Việt kiều, Hoa kiều đang sinh sống và làm việc trên đất nước chùa tháp. Qua tìm hiểu về cách làm giàu của gia đình ông Siêng Salim (người Hoa) có vợ là bà Hà Thị Tý (quê gốc ở huyện Vĩnh Linh), đang sinh sống ở Mukdahan, một gia đình giàu có với hơn 100 nhà lầu 3 tầng, là ông chủ của nhiều công ty, Nguyễn Hoàn cảm nhận ở con người này có nhiều nét kỳ lạ. Giàu có như thế mà vẫn dành một góc nhà riêng để cho thuê chén bát hằng ngày. Cái công việc bình thường mà nhiều người giàu không muốn làm nhưng vợ chồng ông vẫn gắn bó với công việc này. Nguyễn Hoàn đi sâu tìm hiểu thêm thì được biết công việc mà nhiều người chê này mỗi tháng đã mang lại cho gia đình ông Siêng khoản tiền lớn khoảng 5.000 USD. Là một tỉ phú có hạng nhưng qua chuyện trò cởi mở, tâm tình, anh phát hiện ra: “Ông Siêng không hề có cái vẻ toan tính lạnh lùng kiểu con buôn mà luôn toát lên nét lãng tử hào hoa và dí dỏm của một tay chơi lịch lãm sự đời. Biết chơi với đời một cách sành điệu mà vẫn phát triển gia sản càng tấn tới, hẳn trong đời sống ông Siêng, người vợ gốc Việt Quảng Trị đóng một vai trò đáng giá lắm”.
Nguyễn Hoàn sinh ra và lớn lên ở Triệu Phong, vùng quê với những người làm nông nghèo khó, nhưng đây cũng là vùng đất học với nhiều người nổi tiếng trong nước và trên thế giới như Tổng Bí thư Lê Duẩn; danh họa Lê Bá Đảng; nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường… Trong tập sách này có nhiều bài viết về đất và người Triệu Phong. Riêng về Tổng Bí thư Lê Duẩn và họa sĩ Lê Bá Đảng, anh đã dành 5 bài viết. Bài nào đọc xong cũng thấy nặng ký bởi tác giả dày công tìm hiểu, nghiên cứu để có những nhận xét, đánh giá xác đáng về những con người của lịch sử. Viết về Tổng Bí thư Lê Duẩn, người được ví như “ngọn đèn hai trăm nến”, tác giả chọn được góc nhìn, những chi tiết nhỏ mà nói lên được tầm vóc to lớn của lãnh tụ. Trong bài “Tấm lòng bác Duẩn với quê hương” tác giả viết, bác Duẩn có một thói quen, sở thích vào thăm các chợ, vì theo bác vào chợ sẽ biết được ngay tình hình sản xuất đời sống mỗi vùng. Trong một lần đi chợ Sãi, làng Hậu Kiên, bác Duẩn đã “nghe” được tiếng kêu đầy thổn thức của một bà bán cháo vịt, khi bà giải bày: “Tui mua vịt về thức khuya dậy sớm làm thịt nấu cháo cho họ ăn, rứa mà họ còn bảo tui là bóc lột”. Nghe chuyện này, bác Duẩn trao đổi với Huyện ủy Triệu Phong. Bác khẳng định: Dịch vụ là một nghề sao lại bảo bóc lột. Người ta nấu cháo cho mình ăn đó là lao động chứ đâu phải bóc lột, vậy phải trả công cho người nấu chứ”. Chi tiết nhỏ nhưng cũng nói lên được suy nghĩ lớn lao của vị lãnh tụ khi thấu hiểu được nỗi lòng của người dân.
Với ông Lê Bá Đảng, một họa sĩ lỗi lạc, “bậc thầy của hai thế giới Đông-Tây”, tác giả đã có những khám phá, thấu hiểu về những nét riêng, đặc sắc của người họa sĩ này, về quan niệm sáng tác, về gốc nhìn, sự cách tân trong hội họa. Trong đó, anh nhìn thấu trong các bức tranh của họa sĩ này là tình cảm với quê nhà lắng sâu, diệu vợi: “Những nét đặc trưng trong tranh ông được nhuốm bởi màu sắc da diết của một tình yêu quê nhà nồng cháy… Ông mang cả bản sắc quê hương toát lên từ dáng vẻ, sắc màu đất đai phả vào tâm cảm và tác phẩm của mình. Những đốm sáng đom đóm, những vệt sáng tựa sao băng trong tranh ông chính là sự in dấu hằng cửu ký ức tuổi thơ của ông về những chuyện huyền bí và tưởng tượng xảy ra ở cõi trần. Tình quê thấm đậm cả đến những chất liệu ông dùng để vẽ chứ không chỉ đơn thuần là cái được vẽ”…
Không chỉ nói chuyện ngày nay của Triệu Phong mà anh còn thao thức, trăn trở về những chuyện ngày xưa. Đó là chuyện quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (quê xã Triệu Phước) vị quan yêu nước có cuộc đời đầy uẩn khúc. Trong bài “Nghĩ từ chuyện giải oan cho phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” tác giả cho biết: Khi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết ra Tân Sở, thấy ông là một nhà ngoại giao tài giỏi nên Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ có chỉ dụ ông ở lại Huế để thương thuyết với Pháp. Mặt khác cũng là để thưc hiện phương án 2: Ngăn cản Pháp truy kích xa giá, thực hiện kế sách “kẻ ở người đi” nên ông không ra Tân Sở mà quay lại điều đình với Pháp. Nhờ giám mục Caspar của giáo đường Kim Long đưa sang sứ quán để gặp tướng De Courcy, cũng chính vì việc này mà ông mang tiếng là đầu thú giặc Pháp. Và cũng từ đó nhiều người nghi oan cho ông. Nhưng một câu hỏi đặt ra là nếu ông bắt tay, đầu hàng Pháp tại sao lại bị chúng đày sang đảo Tahiti, bị đổ thuốc độc vào miệng làm rụng hết răng, rồi chết ở xứ người trong lúc tiếng oan chưa được rửa? Tiếng oan chồng chất đến nhiều đời hậu duệ của ông, chồng chất trong lịch sử khi sử sách cứ viết theo lối mòn gieo oan cho ông. Nhờ hậu duệ của ông, mà cụ thể là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh (đời thứ 5) và con gái của bà Oanh là Trần Nguyễn Từ Vân ( đời thứ 6), định cư ở Califonia, Hoa Kỳ bỏ ra 7 năm tìm kiếm tư liệu, trong các thư viện của Pháp, mới có đầy đủ chứng cứ để minh oan cho vị đại thần này. Chính 2 người phụ nữ kiên trì, bền bỉ với một niềm tin sâu sắc rằng bậc tiền bối của dòng họ mình - ông Nguyễn Văn Tường không thể làm tay sai cho giặc, bán nước hại dân nên đã dày công tìm kiếm để góp phần xua tan đám mây mù, trả lại ánh sáng, danh dự cho vị quan đại thần này. Để viết được bài này, Nguyễn Hoàn cũng đã dành nhiều tâm sức để đọc, tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ trao đổi với giới học giả…Người đọc rất đồng cảm và ghi nhận sự đóng góp, chuyển tải thông điệp rất quý giá của anh.
Đọc sách “Nơi đầu cầu liên Á”, đôi lúc người đọc cảm thấy thú vị, như được thưởng thức thêm món ăn tinh thần khi anh viết về các văn nghệ sĩ lớn như Trịnh Công Sơn, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Nhuận Cầm… Ngoài những tập sách in chung với nhiều tác giả khác, đến nay Nguyễn Hoàn, một cán bộ quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị vẫn mệt mài lao động để có được 4 tác phẩm in riêng cho mình, đó là 3 tập phóng sự, bút ký: Một cõi vĩnh hằng; Mai sau dù có bao giờ; Nơi đầu cầu liên Á và tập tiểu luận phê bình Suy ngẫm với thời gian…
Bạn đọc vẫn chờ đợi những tác phẩm mới, hay, đặc sắc của anh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)