Đến bây giờ, trong ký ức của người dân tộc Vân Kiều ở thôn Pa Tầng, xã Đakrông (Quảng Trị), vẫn không quên buổi họp cách đây 7 năm về trước. Ngày mà cả bản Pa Tầng quyết định một việc xưa nay chưa từng có trong tiền lệ, đó là chọn ra một nữ thủ lĩnh dẫn dắt làng. Đó là người phụ nữ đầu tiên của bản được dân nghe, dân tin, dân làm theo…
Kế nghiệp chồng…dẫn dắt làng
Vào một buổi tối 7 năm về trước, trong một ngôi nhà sàn dưới bóng núi, có một cuộc họp quy tụ người dân của bản Pa Tầng để bàn về một vấn đề hết sức quan trọng, đó là phải chọn ra một thủ lĩnh mới sau khi già làng Hồ Văn Thọ mất. Từ xưa đến nay, sợi dây truyền thống kế tục sự nghiệp già làng của người dân tộc Vân Kiều là sự tiếp nối trong cùng một dòng họ, là cha truyền con nối. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là ông Thọ dù có 4 người con trai, nhưng con của ông tuổi đời còn quá trẻ, kinh nghiệm còn non nớt, lại không nhận được sự tín nhiệm của người dân trong việc dẫn dắt buôn làng. Lúc bấy giờ, người nhận được sự kính trọng, uy tín cao, tiếng nói rất có tầm ảnh hưởng là bà Hồ Thị Phuôn (67 tuổi), vợ của ông Thọ. Vì thế, bà Phuôn được người dân đồng thuận chọn làm thủ lĩnh. Quyết định đó khiến ai nấy vừa vui mừng, vừa lạ lẫm: “Giàng ơi! Pa Tầng lần đầu tiên có nữ già làng…”.
Tôi đến Pa Tầng vào một ngày đẹp trời, trong ngôi nhà sàn của bà Phuôn và được bà nhiệt tình tiếp đãi. Và rồi câu chuyện thú vị về người phụ nữ đầu tiên dẫn dắt bản làng được bà chia sẻ rất tường tận. Nhấp nhẹ một ngụm trà, bà Phuôn tâm sự: “Vừa mừng, vừa lo là cảm giác ngày mà già được dân làng đặt trọng trách lên vai. Mừng vì già được dân làng tin tưởng. Lo là bởi nỗi trăn trở làm sao để bản làng ngày càng khởi sắc. Bởi già làng phải là cầu nối giữa luật tục và luật pháp, giữa truyền thống và hiện đại. Già làng truyền thống là cây đại thụ của bản làng, là chỗ dựa tinh thần, chỉ dẫn, điều hành và xử lý các vấn đề tập tục, nghi lễ, đời sống tâm linh. Già làng hiện đại mang trọng trách lớn hơn đó là đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… đến gần với người dân hơn. Từ đó, góp phần xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp”.
Bà Phuôn kể rằng công việc đầu tiên mà bà phải làm sau khi kế nghiệp chồng đó là tổ chức lễ cúng Giàng. Vào tháng 4 âm lịch hằng năm, người dân tộc Vân Kiều sẽ làm lễ cúng thần linh. Sau bao nhiều năm hỗ trợ chồng làm già làng, nay bà Phuôn tiếp nhận những kinh nghiệm ấy rất tự nhiên như đã ngấm vào huyết quản. Những nghi lễ cúng Giàng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, người dân làm ăn thuận lợi, sức khỏe bình an… được bà thực hiện một cách bài bản.
Để tôi hiểu rõ hơn về sự thay da đổi thịt của bản làng, trưởng thôn Pa Tầng Hồ Văn Xa Ơn cho biết: “Từ khi bà Phuôn lên làm già làng, bản làng có rất nhiều cái “không”. Đó là không có người nghiện ma túy, không có nạn tảo hôn, không có con em bỏ học giữa chừng, không sử dụng pháo nổ… Ngoài ra các vấn đề về bạo lực gia đình, rượu chè, cờ bạc, tranh chấp phát sinh trong cuộc sống cũng rất ít khi xảy ra. Trong 8 thôn của xã Đakrông, thôn Pa Tầng là một trong những thôn có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất, đời sống Nhân dân ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tất cả những điều đó có công lao rất lớn của bà Phuôn trong việc vận động người dân, bởi tiếng nói của bà rất có trọng lượng”.
Nói dân nghe, làm dân tin…
Trả lời cho thắc mắc của tôi là: “Làm thế nào để bà có thể làm tốt vai trò già làng?”, bà Phuôn trả lời rất quyết đoán: “Để bà con nghe theo, trước hết mình phải nói được, làm được”. Bắt đầu từ những việc làm cụ thể, nhưng câu chuyện dân vận lại dài như mạch nước ngầm ở trên núi. Đầu tiên là phải nhắc đến phát triển kinh tế. Năm 1973, bà Phuôn theo chồng về Pa Tầng. Ngày ấy, đời sống của đồng bào còn nghèo khó, lạc hậu, lại thiếu thốn đủ đường. Nhưng ý thức được việc làm dâu của một gia đình có truyền thống làm già làng nên bà luôn muốn gia đình mình phải làm gương cho dân bản. Bà Phuôn nói muốn quê hương thay da đổi thịt thì trước hết phải ấm cái bụng trước đã. Từ suy nghĩ đó, bà Phuôn cùng chồng tích cực phát quang cây cối, mở rộng diện tích đất sản xuất. Cây lúa nước được gia đình bà chọn đầu tiên, bởi có gạo để ăn no thì từ đó mọi thứ mới tốt lên được. Dần dần, vợ chồng bà trồng thêm cây sắn, cây ngô, đào thêm hồ để nuôi cá, nuôi bò, trâu cả chục con…Thấy nhà bà Phuôn phát triển kinh tế hiệu quả nên bà con cũng học tập và làm theo, từ đó đời sống người dân dần ổn định hơn.
Trong cuộc sống, bà Phuôn dùng chính gia đình mình để làm gương cho cộng đồng. Bà luôn dạy các con yêu thương lẫn nhau, sống nền nếp, cố gắng học tập, lao động, đi đầu trong mọi hoạt động, công việc của bản làng. Con trai của bà là Hồ Văn Cúc, hiện là phó trưởng thôn, công an viên và Hồ Văn Công là bí thư chi đoàn thôn, những người con còn lại chăm chỉ làm ăn nên kinh tế gia đình khá giả. “Thay đổi được suy nghĩ, thói quen của bà con rất khó. Mình phải vừa hiểu bà con, lại vừa kiên trì. Và quan trọng nhất là mình phải làm trước cho họ thấy. Kết quả mình làm chính là cách thuyết phục hiệu quả nhất”, bà Phuôn nói. Nhờ có người già làng giỏi dân vận, khéo hòa giải mà đời sống của đồng bào ngày một khởi sắc.
Trong công tác tại làng, bà Phuôn giải quyết vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn. Bà chia sẻ rằng đối với các vụ mâu thuẫn, bà sẽ cố gắng nhẫn nại, phân tích cho bà con hiểu để tránh xung đột. Vợ chồng nào đánh nhau, bà tìm đến khuyên can, nói cho họ hiểu về tác hại của việc mất đoàn kết gia đình. Đứa trẻ nào bỏ học, bà tâm sự với cha mẹ và bản thân đứa trẻ đó để mọi người hiểu học mới giúp cuộc sống thoát nghèo và có tương lai tốt đẹp hơn. Ngoài ra, bà luôn nhắc nhở con em trong thôn tránh xa các tệ nạn xã hội, học tập các nếp sống văn minh, đau ốm phải đến bệnh viện, vận động các gia đình không để xảy ra tảo hôn… Cuối cùng, điều quan trọng không kém, đó là bà luôn gần dân, hiểu những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của bà con để kịp thời giúp họ tháo gỡ vướng mắc. Từ đó giúp kinh tế ổn định, mọi người gần gũi yêu thương nhau, bản làng trở nên bình yên…
Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông Hồ Văn Chiến cho biết: “Trong cuộc sống, già Phuôn là một người gần gũi, giản dị, luôn gương mẫu đi đầu. Bên cạnh việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng, già Phuôn là người có vai trò rất lớn trong việc vận động bà con thực hiện nếp sống mới. Bà thực sự là ngọn đuốc dẫn đường của bản Pa Tầng. Người dân địa phương rất tự hào về người nữ già làng này”.
Vững như cây cổ thụ giữa đại ngàn, qua bao nắng mưa, giông tố lại càng mạnh mẽ, ôm trọn lấy bản làng-bà Phuôn được dân làng ví như thế. Bởi ở bà toát lên vẻ quyền uy của một thủ lĩnh, thứ quyền uy xuất phát từ lòng kính trọng của người dân…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)