Những con đường mới mở luôn là một niềm cảm hứng khó cưỡng với tôi. Trong một bài viết về thị xã Quảng Trị, tôi có nhắc đến chi tiết khi mở tuyến đường từ ngã ba Long Hưng nối qua cầu Thành Cổ rồi ra trung tâm thị trấn Ái Tử, nhập vào Quốc lộ 1, tôi luôn chọn tuyến này để đi, những phố xá vừa mọc lên hai bên đường mang lại niềm vui về một ngày mới.
Những con đường đón đầu tương lai...
Khi tuyến đường từ Nam cầu Cửa Việt chạy vào Mỹ Thủy, cập vào Khu kinh tế Đông Nam tỉnh thì thi thoảng không bị thúc bách về thời gian, thay vì chạy xe từ Huế theo Quốc lộ 1 ra Đông Hà, tới Hải Lăng, tôi lại rẽ phải theo tuyến đường nối Quốc lộ 1 về Mỹ Thủy, từ đó theo “đại lộ kinh tế Đông Nam” chạy ra cầu Cửa Việt và ngược lên theo Quốc lộ 9 nối dài. Tới giao điểm đường tránh phía đông TP.Đông Hà lại rẽ trái để băng qua cây cầu vắt ngang sông Hiếu rồi ngược lên chợ Đông Hà. Chạy như thế, dân chạy xe gọi theo ngôn ngữ trong nghề là chạy kiểu “mua đường”, nhưng với tôi, mỗi lần chạy xe như thế, tôi lại nghĩ mình đang làm giàu có hơn những xúc cảm quê hương.
Những con đường dọc ngang Quảng Trị đang mở ra những cơ hội mới để mảnh đất này cất cánh. Nhưng bên sự “cất cánh” vẫn còn nhiều cung đường đang “canh cánh”. Mấy năm trước, có một người bạn đưa lên trang cá nhân của mình tấm hình chụp thành phố Đông Hà từ cầu Cửa Việt và dòng status “Chưa bao giờ thấy Đông Hà gần với biển đến thế !”. Đúng rồi, khoảng cách từ Đông Hà về với Cửa Việt là một khoảng cách lý tưởng để kết nối. Với một miền đất gió bão thất thường, đô thị sát ngay biển sẽ có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, du lịch biển nhưng vẫn dễ vướng những hệ lụy của thiên tai. Nhưng với khoảng cách ấy, chỉ cần vài tuyến đường nối thẳng Đông Hà-Cửa Việt chắc chắn chúng ta sẽ có một đô thị tầm vóc mà không phải nơi nào cũng có được.
Tôi vào google map để nhìn rõ toàn cảnh theo bản đồ vệ tinh của google khu vực Gio Linh- Đông Hà-Cửa Việt và nhận ra chỉ cần kẻ vài vạch nối các trọng điểm giao thông thì mối liên kết này sẽ tạo ra một bức tranh mới cho sự phát triển.
Mới đây, trong buổi làm việc với UBND tỉnh về quy hoạch giao thông, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đã đề xuất phương án quy hoạch tuyến đường kết nối thành phố Đông Hà với trục đường ven biển phía Nam cầu Cửa Việt có điểm đầu từ Quốc lộ 1 - Ga Đông Hà đi về hướng Đông Bắc cắt qua sông Thạch Hãn, đi qua các xã Triệu Độ, Triệu Đại, cắt sông Vĩnh Định, đi qua các xã Triệu Phước, Triệu An (huyện Triệu Phong) và kết thúc giao với điểm đầu đường ven biển qua Khu kinh tế Đông Nam. Tuyến đường có chiều dài 11,7 km, với quy mô hoàn thiện dự kiến đường trục chính đô thị tốc độ 80 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 5.963 tỉ đồng.
Cùng với việc nâng cấp trục Quốc lộ 9 từ Sòng về Bắc Cửa Việt, nếu tuyến đường như TEDI dự kiến quy hoạch, rõ ràng Đông Hà sẽ có thêm không gian vệ tinh từ đô thị biển và tương lai, khi phát triển đến một mức nào đó, sẽ kết nối các khu vực vệ tinh để hình thành nên một đô thị khoáng đạt. Nếu tuyến đường này hình thành, với tốc độ 80km/giờ cho quãng đường hơn 10 km, như vậy chỉ mất chưa tới 10 phút để đi từ Đông Hà về Cửa Việt và ngược lại.
Cùng với khu đô thị trung tâm, nếu dọc trục đường từ Ga Đông Hà- Quốc lộ 1 nối thẳng về nam cầu Cửa Việt hình thành thêm một trục đô thị nối Đông Hà với biển để hình dung diện mạo của đô thị tỉnh lỵ này lúc đó sẽ như thế nào?
Cùng với dự án xây sân bay tại Quán Ngang Gio Linh, TEDI cũng đưa ra phương án tuyến đường kết nối từ sân bay vào thành phố Đông Hà với điểm đầu tại sân bay Quảng Trị thuộc xã Gio Quang (huyện Gio Linh) đi về phía Tây Nam, giao Quốc lộ 9 tại Km8 + 400, vượt qua sông Thạch Hãn sang xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) và kết thúc giao với đường trục nối thành phố Đông Hà -đường ven biển Nam Cửa Việt tại Km4 + 800, chiều dài tuyến đường khoảng 6,5 km. Quy mô tuyến đường là đường trục chính đô thị tốc độ 80 km/giờ, tổng mức đầu tư dự kiến 1.716 tỉ đồng.
Cùng với hai tuyến đường này, tuyến đường ven biển Quảng Trị có điểm đầu từ ranh giới 2 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị (vị trí Km931 + 650 của tuyến đường ven biển đã phê duyệt quy hoạch) và điểm cuối giao đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam phương án hướng tuyến đề xuất có điểm đầu tại ranh giới 2 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị đi về phía Tây cách đường ven biển hiện tại khoảng 500 - 3.200 m đến điểm giao đường ĐT 572, cắt qua sông Bến Hải tại vị trí cách cầu Cửa Tùng hiện tại 2,5 km, cắt qua sông Thạch Hãn tại vị trí cách cầu Cửa Việt hiện tại 1,4 km, điểm cuối tại thôn Trung Nam, xã Triệu An, huyện Triệu Phong giao với đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam. Chiều dài tuyến đường 40 km, quy mô đường cấp III đồng bằng, bề rộng mặt cắt ngang 12 m. Tổng mức đầu tư dự kiến 3.397 tỉ đồng.
Sức sống của một thành phố được dựng nên bởi nhiều yếu tố, nhưng những tuyến đường huyết mạch xương sống đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hơn ba mươi năm trước, khi lập lại tỉnh, chúng tôi đã men theo con đường ngoằn ngoèo đất đỏ giữa lau lách mà mơ về một đại lộ Hùng Vương. Không ai có thể nghĩ rằng con đường đất đỏ bụi mù, thi thoảng còn gặp những chú chồn lấm lét băng ngang đường ngày đó, bây giờ có giá đất không thua gì những con phố trung tâm ở các đô thị hàng đầu đất nước. Vài chục tỉ đồng cho một nền nhà phố ở đại lộ Hùng Vương là điều đã và đang diễn ra. Và cái gọi là “đại lộ” ngày ấy, ngày nay đã bắt đầu chật chội, đã xảy ra việc tắc nghẽn cục bộ vào những giờ cao điểm tan tầm. Sự tắc nghẽn chật chội ấy vừa cho thấy sức phát triển của đô thị trẻ này nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán mở rộng không gian cho những dự tính dài lâu hơn.
Nếu hình dung một đô thị mới sẽ mọc lên theo dọc trục đường nối Đông Hà-Cửa Việt sẽ thấy đó còn là sự đón đầu cho cư dân của một loạt những dự án đang mở ra tại Khu kinh tế Đông Nam.
Và giấc mơ về một đô thị năng lượng
Năm trước, một anh bạn “thạo tin” từ Hà Nội đã nhắn cho tôi “Chúc mừng Quảng Trị”. Sau dòng tin nhắn ấy là một cuộc điện thoại khá dài nói về việc Gazprom sẽ đầu tư vào mỏ khí Báo Vàng.
Tháng 6 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc giao Công ty Gazprom EP Internatiional B.V (là công ty con của Tập đoàn Gazprom - Liên bang Nga) làm chủ đầu tư Dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Quảng Trị với công suất 340 MW, sử dụng từ mỏ Báo Vàng như đề nghị của Bộ Công thương và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Công ty Gazprom đã thăm dò trữ lượng khí tại hai mỏ Báo Vàng, Báo Đen. Kết quả thăm dò cho thấy, tổng trữ lượng là 57,88 tỉ m3. Trên cơ sở đó, Gazprom đã quyết định đầu tư dự án trị giá 1,321 tỉ USD bằng việc xây dựng giàn khoan, đường ống dẫn dầu vào đất liền lấy từ các lô 111-113, với sản lượng khí khai thác 500 triệu m3 /năm. Tuy nhiên sau đó, do chi phí đầu tư khá cao nên Gazprom quyết định chuyển hướng sang xây dựng một nhà máy điện để chuyển từ bán khí sang bán điện.
Nhà máy điện lấy khí từ mỏ Báo Vàng này có công suất 340 MW, thời gian khai thác 14 năm. Niềm hy vọng từ Báo Vàng vừa được nhen nhóm thì hai tháng trước đây, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vừa thông tin chính thức về việc phát hiện dầu khí tại Lô 114 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam: mỏ Kèn Bầu được đánh giá có trữ lượng lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí. Và thông tin tích cực cho Quảng Trị là mỏ này nằm gần đất liền Quảng Trị nhất với khoảng cách 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam, ước tính có từ 7 đến 9 nghìn tỉ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate (khí hóa lỏng). Tính đến thời điểm này, đây là phát hiện lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam. Và với vị trí gần nhất với đất liền Quảng Trị, từ Báo Vàng đến Kèn Bầu, những tín hiệu cho phép chúng ta hy vọng về một đô thị năng lượng phía biển kết nối cùng thành phố tỉnh lỵ.
Lịch sử nhiều đô thị đôi khi phát triển bằng những bước đi bất ngờ như thế. Những miền biên viễn heo hút, ai cũng nghĩ đó là vùng đất mãi mãi cô liêu nhưng rồi với sự phát hiện ra trữ lượng của những mỏ vàng ở đó bỗng chốc trở thành những đô thị hiện đại.
Khi Quảng Trị bắt đầu dự tính khai mở những huyết mạch giao thông để phát triển, cũng là lúc từ trùng dương những Báo Vàng, Kèn Bầu đã phát đi những tín hiệu tích cực cho tương lai. Phải chăng đó là điểm gặp của những niềm hy vọng?
(Nguồn: Báo Quảng Trị)