Tri ân các thế hệ nghệ sỹ - chiến sỹ cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc

PV |

Trong những ngày cả nước sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), triển lãm chuyên đề “Nghệ sỹ là chiến sỹ” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh và tri ân các thế hệ họa sỹ, những người đã sử dụng bút vẽ làm vũ khí, đem nhiệt huyết và cả sự hy sinh để cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân, góp phần làm giàu thêm các giá trị văn hóa Việt Nam.


Nghệ sỹ là chiến sỹ

Những ngày này, không gian trưng bày triển lãm “Nghệ sỹ là chiến sỹ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66, Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên đón khách ghé thăm. Công chúng và những người yêu mỹ thuật Việt và cả người thân của những họa sỹ có tranh trưng bày tại triển lãm đều hào hứng khi được đến đây để chiêm ngưỡng trực tiếp các tác phẩm mỹ thuật được sáng tác trong giai đoạn từ năm 1945 - 1954, trên chất liệu giấy của 30 tác giả thuộc các thế hệ hoạ sỹ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, trong đó có 22 họa sỹ Mỹ thuật Đông Dương.

Tự hào giới thiệu về tác phẩm của cha mình trưng bày tại triển lãm, họa sỹ Lê Trí Dũng, con trai họa sỹ Lê Quốc Lộc chia sẻ: “Đến triển lãm này, được ngắm tác phẩm của cha trưng bày tại đây, tôi như được thấy lại hình bóng cha mình, như đang đứng cạnh cha lúc ông còn sống. Đây đều là những tác phẩm hết sức tâm huyết của cha tôi. Sau này, có nhiều tác phẩm ký họa được ông triển khai thành những tác phẩm sơn mài khổ to và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại”.

Đứng lặng hồi lâu trước bức ký họa “May áo” của họa sỹ Tô Ngọc Vân, anh Tô Ngọc Thảo, cháu nội của họa sỹ Tô Ngọc Vân cho biết, anh vô cùng xúc động khi được đến triển lãm, ngắm nhìn một trong những tác phẩm hội họa cuối cùng của ông nội anh vẽ trước lúc hy sinh.

“Tôi sinh ra khi ông nội tôi đã hy sinh, nên chưa từng được gặp ông. Hôm nay được đến đây ngắm nhìn bức tranh di vật của ông, tôi vô cùng xúc động và cảm thấy ông đang rất gần mình. Ông nội chính là niềm tự hào của gia đình tôi, đồng thời là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”, anh Tô Ngọc Thảo xúc động bày tỏ.

Dừng trước bộ tranh địch vận của họa sỹ Lương Xuân Nhị - một trong những tác phẩm kinh điển của thể loại tranh cổ động độc đáo của Mỹ thuật Việt Nam, chị Thu Hiền, một người yêu hội họa đến từ quận Cầu Giấy chia sẻ: "Tôi đặc biệt ấn tượng với bộ tranh này của họa sỹ Lương Xuân Nhị. Những bức tranh tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa sâu sắc đối với người xem".

Quả thực, chiêm ngưỡng bộ 4 tác phẩm của họa sỹ Lương Xuân Nhị, hầu hết người xem đều cảm thấy ấn tượng, bởi những hình ảnh trong tranh đã đánh trúng tâm lý của những người lính lê dương và lính Pháp. Trong đó có tác phẩm tác “Vì sao và vì ai” họa sỹ vẽ một người lính Pháp đội mũ sắt, quỳ xuống giơ hai tay lên đã tạo ấn tượng thị giác rất mạnh cho người xem. Tác phẩm dường như đặt ra một câu hỏi và ngầm mang ý phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cháu ruột họa sỹ Lương Xuân Nhị cho biết, họa sỹ Lương Xuân Nhị thuộc “thế hệ vàng” của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nổi tiếng với các tác phẩm hội họa chất liệu sơn dầu và lụa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, ông ra chiến khu và nhận nhiệm vụ đặc biệt là vẽ tranh địch vận. Có thể nói, cuộc đời ông gắn bó với sứ mệnh người nghệ sỹ - chiến sỹ. Với nét bút tài hoa, ngôn ngữ cô đọng nhất, chính xác nhất, những tờ truyền đơn của họa sỹ Lương Xuân Nhị đã góp phần không nhỏ trong việc lung lạc ý chí và tinh thần những người lính Pháp khi đó. Cả trong kháng chiến chống Mỹ sau này, những tác phẩm của ông cũng lay động những người lính Mỹ ở chiến trường miền Nam…
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Bên cạnh đó, rất nhiều tác phẩm mỹ thuật của các họa sỹ nổi tiếng giai đoạn 1945 - 1954 trưng bày tại triển lãm tạo ấn tượng với người xem như tác phẩm: “Dao găm rèn cho du kích” (1945, Nguyễn Hiêm), “Đoàn kết chống xâm lăng” (1947, Văn Giáo), “Du kích Bến Tre” (1948, Diệp Minh Châu), “Dân công kháng chiến” (1948, Lê Quốc Lộc), “Bộ đội nghỉ trong hang” (1951, Tô Ngọc Vân), “Tay bừa tay súng” (1954, Huỳnh Văn Thuận), “Đi cấy” (1954, Nguyễn Văn Tỵ), “Bộ đội và thiếu nhi” (1950, Nguyễn Thị Kim), “Lớp học bình dân làng Bền” (1948, Trần Văn Cẩn)… Bằng các kỹ thuật ký hoạ chì, mực, vẽ màu nước, bột màu, in…, các họa sỹ đã kịp thời ghi lại những khoảnh khắc của lịch sử, những hình ảnh chân thực, giàu cảm xúc về cuộc kháng chiến, về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, anh dũng chiến đấu, thi đua tăng gia sản xuất, truyền thống hiếu học của quân dân cả nước.

Tri ân các thế hệ họa sỹ

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ, ông vô cùng xúc động khi đến triển lãm, ngắm các tác phẩm của các họa sỹ thế hệ tiền bối. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm đã cho thấy những năm tháng đầu tiên, đẹp đẽ nhất trong nghệ thuật tạo hình cách mạng Việt Nam.

Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, ngay sau năm 1945, các nghệ sỹ nói chung, họa sỹ nói riêng đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với tâm thế sẵn sàng phục vụ cách mạng. Sự có mặt của các họa sỹ “thế hệ vàng” của Mỹ thuật Đông Dương, các họa sỹ kháng chiến ở các chiến khu, tại các vùng tự do hay hậu cứ thời kháng chiến chống Pháp… đã để lại dấu ấn đặc biệt bằng những nét vẽ, những tác phẩm về kháng chiến bằng tất cả những chất liệu có thể có được. Khi nhìn lại những nét vẽ được “hóa thạch” trên những trang giấy bé nhỏ của các họa sỹ, người xem cảm nhận được sự lựa chọn, tình cảm của người nghệ sỹ dành cho kháng chiến, những vẻ đẹp mới của người Việt Nam, từ người chiến sỹ, nông dân, dân công, xung phong ra tiền tuyến…

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho rằng, nền hội họa cách mạng Việt Nam đã hình thành từ những họa sỹ của “thế hệ vàng” này, trong đó, danh họa Tô Ngọc Vân là người chiến sỹ đầu tiên của dân tộc Việt Nam nằm xuống trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sự hy sinh ấy, sự tận tụy hiến dâng ấy của thế hệ nghệ sỹ đầu tiên của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam là bài học quý giá cho thế hệ hôm nay.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn khẳng định, 80 năm kể từ khi “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời, đến hôm nay giá trị cốt lõi của bản Đề cương với ba nguyên tắc “Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa” vẫn còn nguyên vẹn, như một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong sự phát triển ngày càng đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, đơn vị tổ chức triển lãm nhấn mạnh: Đề cương về Văn hoá Việt Nam năm 1943 với phương châm chiến lược "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" đã thu hút, tập hợp được đông đảo trí thức, văn nghệ sỹ, trong đó có họa sỹ. Để hưởng ứng Đề cương về văn hóa của Đảng, các văn nghệ sỹ đã chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng. Họ rời xa cuộc sống chốn phồn hoa đô thị để tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam. Từ mọi miền đất nước, các nghệ sỹ đã đi theo cách mạng, tắm mình trong thực tiễn, trực tiếp cầm bút và cầm súng chiến đấu; người nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng: họ vẽ tranh, tổ chức triển lãm, làm báo, tuyên truyền, dạy mỹ thuật, hay trực tiếp tham gia chiến đấu; lấy nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân làm niềm cảm hứng, làm đề tài sáng tác.

“80 năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc. Triển lãm “Nghệ sỹ là chiến sỹ” chính là dịp để chúng ta tôn vinh và tri ân các thế hệ họa sỹ, những người đã sử dụng bút vẽ làm vũ khí, đem nhiệt huyết và cả sự hy sinh để cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân, góp phần làm giàu thêm các giá trị văn hoá Việt Nam”, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định.

(Nguồn: Ngày nay)

TAGS

Xã Vĩnh Chấp kỷ niệm 50 năm đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Nguyễn Trang |

Ngày 7/1, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 11/1 (1973 - 2023) và đón nhận Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 của UBND tỉnh Quảng Trị; phát động xây dựng xã NTM nâng cao. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng dự lễ kỷ niệm.

Nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị và vùng lân cận

Hoài Nhung |

Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, chiều nay 5/1, tại thị xã Quảng Trị, Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 toàn quốc phối hợp với Liên chi hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Quảng Trị tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị, Nhà hành lễ- Bến thả hoa bờ Bắc và bờ Nam sông Thạch Hãn; thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Bộ đội Cụ Hồ trên “đất lửa” anh hùng

Mạnh Hùng |

Dải đất từ Tam Điệp (Thanh Hóa) đến Hải Vân (Thừa Thiên Huế) với tôi thật đẹp và anh hùng nhưng cơ duyên nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi vẫn là những lần đến công tác ở Quảng Trị để tìm hiểu và viết về Bộ đội Cụ Hồ trên mảnh đất này.

Thị xã Quảng Trị: Dọn bùn đất sau mưa lũ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bờ Bắc sông Thạch Hãn

Lê Trường |

Ngày 22/10, thông tin từ Trung đoàn Bộ binh 842, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng cán bộ, viên chức Trung tâm Văn hóa thông tin – Thể dục thể thao (VHTT-TDTT) thị xã Quảng Trị ra quân tổng dọn vệ sinh sau mưa lũ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bờ Bắc sông Thạch Hãn.