Việt Anh, cô gái của những dự án vì cộng đồng

Tú Linh |

Trò chuyện với Lê Thị Việt Anh, học sinh lớp 12A7, Trường THPT thị xã Quảng Trị, chúng tôi rất ấn tượng khi được biết em là nhà sáng lập và đồng sáng lập nhiều dự án cộng đồng nổi tiếng, được các bạn trẻ đánh giá cao, trong đó có dự án VANG. Đây là một dự án phi lợi nhuận có “tên tuổi” của Việt Nam nhằm cung cấp cơ hội hoạt động ngoại khóa và đồng hành với học sinh mọi miền đất nước trong việc phát triển kỹ năng lãnh đạo.

Để VANG ngày càng vang xa

Việt Anh – người sáng lập ra dự án VANG tuy là một cô gái rất trẻ tuổi nhưng sự tự tin và khát vọng của em khiến nhiều người phải thán phục. Nhà sáng lập VANG đã mời các học sinh, sinh viên có kinh nghiệm trong hoạt động ngoại khóa, du học, kỹ năng lãnh đạo để chia sẻ tri thức tại VANG cho các thành viên tham khảo, học hỏi.

Việt Anh nhớ lại, vào năm học lớp 10, trong thời gian dài nghỉ học do COVID -19, em nung nấu và nỗ lực tìm tòi các dự án cộng đồng hay các câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa tham gia để học hỏi kinh nghiệm cho bản thân nhưng không được ai giới thiệu.

Việt Anh luôn khát khao được cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng -Ảnh: TÚ LINH
Việt Anh luôn khát khao được cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng -Ảnh: TÚ LINH

Không nản chí, Việt Anh đã tìm hiểu một số dự án tư vấn hoạt động ngoại khóa và du học nên đăng ký tham gia online. Em tham gia thực tập bán thời gian tại Student life care, một doanh nghiệp tư vấn du học, được đánh giá là có năng lực tổ chức, lập kế hoạch, quản lý một dự án cộng đồng.

Tại đây, Việt Anh luôn trăn trở với những thiệt thòi của học sinh tỉnh lẻ như bản thân mình vì ở xa các thành phố lớn, không biết tham gia hoạt động ngoại khóa gì; có dự án cộng đồng nào phù hợp; muốn lập câu lạc bộ/dự án riêng thì không biết bắt đầu từ đâu…

Bên cạnh đó, học sinh tỉnh lẻ còn băn khoăn, mất phương hướng khi mỗi ngày ở các thành phố lớn có hàng trăm dự án cùng những câu lạc bộ ra đời. Trong khi đó rất khó để kiểm tra, đánh giá được chất lượng, giá trị các dự án mang đến cho cộng đồng. Không ít các tổ chức, câu lạc bộ kém chất lượng, uy tín thấp gây ra hàng loạt vấn đề như mâu thuẫn giữa các thành viên, ban điều hành trục trặc, người thành lập không làm tròn trách nhiệm…

Việt Anh cùng nhóm đoạt hàng loạt giải thưởng của các cuộc thi dành cho học sinh như: Top 30/12.000 đội thi toàn cầu tại Young Tycoons Business Challenge 2022; giải Nhất RISE UP do Australia - Vietnam Leadership Dialogue tổ chức; giải Nhất Vietnam Young Community Leader 2022 do FYE - Quỹ hỗ trợ và phát triển thanh niên tổ chức; giải Nhì Policy Hack do WEHACK tổ chức; giải Khuyến khích cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2022 do Trung tâm đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Ngoài ra, em còn là nhà đồng sáng lập, quản lý nhóm Facebook Tiệm tạp hóa kỹ năng du học với hơn 16.000 thành viên; đồng sáng lập và là Trưởng ban Đối ngoại dự án Ươm Project, dự án thiện nguyện về giáo dục cho trẻ em vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Trị. Việt Anh còn là thực tập sinh marketing tại MiYork Education, doanh nghiệp xã hội cố vấn hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu và học bổng du học cho học sinh THPT; thực tập sinh marketing tại VSPACE IELTS, doanh nghiệp giáo dục cung cấp các dịch vụ IELTS.

Có được “sàng khôn” nhờ tham gia Student life care, Việt Anh bắt tay vào sáng lập tổ chức VANG. Việt Anh giải thích VANG có nghĩa là luôn vang xa, lan tỏa những giá trị thiết thực cho cộng đồng học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện kỹ năng hoạt động xã hội và du học.

Sau 2 năm hoạt động, VANG thu hút hơn 1.300 người nộp đơn trở thành thành viên. Mỗi sự kiện của VANG diễn ra thường có khoảng 400-500 học sinh đăng ký tham gia. Trên fanpage của tổ chức thu hút hơn 14.000 lượt theo dõi.

Phân tích tâm lý của tuổi trẻ, Việt Anh nắm bắt được nhiều học sinh, sinh viên rất muốn tham gia hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tăng kỹ năng mềm cũng như chuẩn bị hồ sơ để du học. Tuy nhiên, đa số các bạn đều gặp phải vướng mắc bởi chưa có kinh nghiệm.

Vì vậy, VANG rất cố gắng để trở thành người bạn có ích cho lứa tuổi này. Thời gian qua, VANG đã dạy học miễn phí cho thành viên, hướng dẫn kỹ năng định hướng và phát triển bản thân, tài trợ học bổng học tiếng Anh/IELTS miễn phí…

Hoạt động của VANG không phải lúc nào cũng thuận lợi. Việt Anh cùng các thành viên gặp nhiều khó khăn vì cơ hội tiếp cận nhà tài trợ, KOL/ Influencer (người có ảnh hưởng) đang hạn chế, ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của dự án.

Bên cạnh đó, nhiều thời điểm do việc học tập bận rộn cùng với những thách thức luôn gây áp lực khiến Việt Anh nhiều khi muốn bỏ cuộc nửa chừng. Nhưng rồi nhờ nguồn năng lượng dồi dào và động lực, quyết tâm của tuổi trẻ, em đã điều hành thành công dự án, không chỉ mang lại cơ hội cho bản thân mà còn cho nhiều bạn học sinh khác.

Việt Anh cùng nhóm đoạt giải Nhất RISE UP do Australia - Vietnam Leadership Dialogue tổ chức -Ảnh: NVCC
Việt Anh cùng nhóm đoạt giải Nhất RISE UP do Australia - Vietnam Leadership Dialogue tổ chức -Ảnh: NVCC

Việt Anh cho biết, để xây dựng một dự án cộng đồng mang lại nhiều giá trị tích cực như VANG là điều không hề dễ dàng, nhất là với tuổi trẻ. Vì vậy, học sinh, sinh viên cần chú trọng tìm người đồng hành, chung định hướng và phong cách làm việc; cần kiểm soát chất lượng công việc cũng như đánh giá thành viên một cách công tâm nhất khi thực hiện dự án.

Hoạt động phải có nội quy, bảng tính điểm, bảng đánh giá bản thân và báo cáo tiến độ hàng tháng của cá nhân. Những khó khăn mà VANG gặp phải được Việt Anh rút kinh nghiệm để khuyên học sinh, sinh viên khi lập dự án cộng đồng nên xin hỗ trợ truyền thông từ các câu lạc bộ/dự án tin cậy giúp lan tỏa rộng rãi hơn về dự án của mình. Đối với bảo trợ pháp lý, có thể xin từ đoàn, đội địa phương, hoặc các tổ chức uy tín và doanh nghiệp.

Chiến dịch “Gây quỹ đến trường”

Với Việt Anh, học, làm việc và sáng tạo là niềm đam mê không ngừng nghỉ. Việt Anh đang phát động chiến dịch “Gây quỹ đến trường cùng em” do mình và một nhóm bạn sáng lập nhằm quyên góp máy tính cầm tay và Atlat Địa lý dành cho học sinh Trường THCS & THPT Đakrông, xã Tà Rụt, huyện Đakrông.

Việt Anh cho biết, qua câu chuyện kể của thầy cô giáo, em biết được những khó khăn mà học sinh miền núi đang gặp phải là luôn thiếu máy tính cầm tay, Atlat Địa lý, sách giáo khoa và các dụng cụ học tập khác để học tập, sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, nhóm của em quyết định phát động chiến dịch nhằm hỗ trợ các em học sinh.

Chặng đường đầu tiên của nhóm là gây quỹ máy tính cầm tay Casio và Atlat Địa lý. “Do có mạng lưới thành viên rộng khắp toàn quốc nên chúng em sẽ tổ chức quyên góp tại một số trường THPT: chuyên Lê Quý Đôn, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị), chuyên Hưng Yên (Hưng Yên), THPT (Hà Nội), Duy Tân (Phú Yên)...”, Việt Anh chia sẻ.

Hiện tại nhóm quyên góp được gần 100 máy tính cầm tay và hàng trăm Atlat Địa lý. Máy tính cầm tay Casio sẽ được nhóm nhận và kiểm tra chất lượng, sửa chữa (nếu có) trước khi trao tận tay các bạn học sinh. Sau khi học xong, học sinh được hỗ trợ sẽ gửi lại những dụng cụ học tập này vào quỹ chung của nhà trường để giúp các bạn gặp khó khăn ở lớp sau.

Nền tảng số giáo dục nghề nghiệp

Việt Anh là cô gái luôn tràn đầy ước mơ và khát vọng. Một trong những ước mơ của em là được làm việc về lĩnh vực giáo dục và du học thông qua nền tảng số để có thêm nhiều trải nghiệm nhằm chia sẻ với các bạn học sinh.

Tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2022” do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức dành cho học sinh THPT và sinh viên toàn quốc, dự án “Bambloo - Nền tảng số giáo dục nghề chất lượng dành cho học sinh THPT Việt Nam” của nhóm Việt Anh được giải Khuyến khích và phần thưởng gói Ươm tạo trị giá 100 triệu đồng giúp đào tạo nhóm tiếp tục thực hiện ý tưởng thành hiện thực.

Việt Anh tham gia cuộc thi với tư cách là trưởng nhóm. Trong nhóm còn có sự tham gia của 3 học sinh ở Trường THPT thị xã Quảng Trị, Trường Phổ thông Năng khiếu TP.Hồ Chí Minh và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhóm của Việt Anh đặt vấn đề: mỗi năm Việt Nam có 3 triệu học sinh THPT.

Việt Anh (bên phải) trình bày tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp -CiC 2022” -Ảnh: NVCC
Việt Anh (bên phải) trình bày tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp -CiC 2022” -Ảnh: NVCC

Nhiều gia đình có xu hướng đầu tư cho con học các khóa học kỹ năng, hoạt động ngoại khóa nhằm bổ trợ cho nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, 75% phụ huynh và học sinh khi được khảo sát thừa nhận rằng, gia đình họ không đủ khả năng chi trả cho các khóa học trên.

Bên cạnh đó, họ còn gặp các vấn đề về rào cản ngôn ngữ, thiếu thực hành và tương tác khi ở trên các nền tảng Coursera, Udemy, edX... Vì vậy, nền tảng số Bambloo ra đời nhằm cung cấp các khóa học trực tuyến đa lĩnh vực và ngành nghề dành riêng cho học sinh THPT Việt Nam.

“Chúng em tận dụng công nghệ cùng đội ngũ tư vấn có chuyên môn để xây dựng nội dung, hình thức các khóa học dựa trên phương pháp cá nhân hóa và học qua dự án, nhằm hỗ trợ cho học sinh không chỉ nắm được kiến thức, trực tiếp trao đổi với các giảng viên mà còn được trải nghiệm, thực hành xây dựng dự án sau khóa học như một bài kiểm tra thu hoạch trên chính nền tảng số Bambloo”, Việt Anh chia sẻ.

Hiện nhóm đang xây dựng một số khóa học tiêu biểu như: nghiên cứu định tính, chinh phục các cuộc thi tình huống kinh doanh, phân tích chứng khoán cơ bản…

-Trong lúc trên môi trường số có hàng trăm khóa học như vậy, tại sao Bambloo lại được các bạn chọn để học?

- Đó là vì Bambloo có lộ trình học cá nhân hóa cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của giảng viên, quản trị viên trong cộng đồng thông qua buổi học kèm 1-1 và thảo luận trong lớp học, giúp học viên có thể phát huy hết những điểm mạnh của bản thân và được hỗ trợ, đốc thúc hoàn thành khóa học cũng như giải đáp thắc mắc khi cần thiết.

Học viên của Bambloo không chỉ được tiếp cận phương pháp học thông qua dự án và các cuộc thi mà còn được thực hành dự án tốt nghiệp khóa học như: đầu tư trên sàn chứng khoán ảo, lập trình dự án game và chương trình thực tập sinh liên kết. Chính những lợi thế cạnh tranh này, Bambloo sẽ giải quyết được vấn đề thị trường hiện nay của khách hàng trên các nền tảng số khác như coursera, udemy...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Trần Trà My: Cô gái Quảng Trị đi gieo mầm tử tế

Tống Phước Bảo |

Cô gái nhỏ nhắn với gương mặt xinh xắn này vốn sinh ra trên mảnh đất Đông Hà của miền gió cát Quảng Trị. Thấm đẫm trong dòng máu ấy là tính cách của vùng quê can trường đi qua chinh chiến. Người Quảng Trị từ trong gian khó luôn bền bỉ một nghị lực kiên cường. Trần Trà My cũng vậy, hành trình tử tế của cô gái có đôi chân thiên thần luôn là hành trình truyền cảm hứng tích cực.

Chị “Tư lửa” và niềm đam mê thể thao

Nguyễn Minh Đức |

Chị Phan Thị Tư (sinh năm 1968), ở khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, là người phụ nữ đặc biệt. Bằng ngọn lửa nhiệt huyết và quyết tâm ghi tên bóng đá phủi Quảng Trị vào bản đồ bóng đá quốc gia, người phụ nữ này đã thành lập một đội bóng mang bản sắc quê hương và bắt đầu gặt hái quả ngọt...

Cô “Con nuôi đồn biên phòng” đoạt giải cao tại cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”

Nguyễn Thành Phú |

Từ sự giúp đỡ, tình yêu thương, đùm bọc và kỷ vật mà các “bố nuôi” Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay tặng, em Hồ Thị Nghin, 16 tuổi, học sinh lớp 10, Trường THPT huyện Sa Muồi, trú tại bản La Lay A Sói, Cụm II, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) đã viết tác phẩm “Chiếc xe đạp của bố nuôi bộ đội biên phòng” bằng tất cả tình cảm mà em cảm nhận được để gửi tham gia cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” do Tạp chí Thời đại (cơ quan của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức.

Hai nhà khoa học nữ được vinh danh trên thế giới năm 2022

Thanh Mai |

Nhà khoa học Việt Nam được vinh danh vì nghiên cứu có tầm ảnh hưởng, được trích dẫn nhiều và đóng góp trong lĩnh vực họ đang theo đuổi.