Tình cờ gặp người thơ Quảng Trị, nhà thơ Võ Văn Luyến. Tất cả hao hanh, ẩm ướt của tình người, tình đất ùa về cùng “Mây âm tính”. Mây đường 9 và nói chung mây Quảng Trị cao vời vợi, từng mảng khiết trắng bồng bềnh giữa cao xanh. Vậy thì khó “âm tính” lắm.
Võ Văn Luyến quê vùng Hải Lăng, chắc chắn là giáp biển. Ông là Phân hội trưởng Phân hội văn học thuộc Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị. Ngoài thơ, Võ Văn Luyến còn viết tiểu luận, phê bình. Tức là “năng lượng” chữ không phải dạng vừa. Riêng thơ, “Mây âm tính” là tập thứ 5 - con số rất “phong thủy”. Võ Văn Luyến đã kịp nhận về mình 8 giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) từ giải của Hội VHNT đến giải cấp địa phương, trong đó có 3 giải A. Nói thế để thấy, thơ ông đã được ghi nhận.
“Mây âm tính” gồm 100 bài thơ, dày dặn. Ngoài các bài thơ, ghi dấu ông đến các vùng đất rồi “tức cảnh sinh tình” như “Đêm Kinh Bắc nhớ Nguyên phi Ỷ Lan”, “La Ngà soi bóng”, “Trở lại Ô Lâu”, “Huế đa tình”, “Chợ tình Khau Vai”, “Sài Gòn cưỡng bức tôi” thì 93 bài còn lại là những cuộc chất vấn, đối thoại với lòng mình.
Võ Văn Luyến sinh năm Canh Tý, tuổi “canh cô mậu quả”. Đàn ông tuổi này giàu có hơn người ở sự cô độc; trong cuộc “trầm luân” của đời sống, khác người ở chỗ có nhiều trắc trở, kém may mắn trong tình duyên. “Canh” là thiên can Canh, theo chiết tự có thể hiểu thêm là biến vi cô - sự cô đơn; “mậu” là thiên can Mậu, theo chiết tự có thể hiểu thêm là biến vi quả.
Thường là, người tuổi Canh Tý luôn luôn giác ngộ về vận mệnh và thời gian. Họ tin và làm theo luật Nhân quả, về thời gian họ ý thức về sự vô thường. “Mây âm tính” toát lên tinh thần giác ngộ và vô thường.
đôi khi người ta hăng hái vượt lên bỏ rơi phận mình
ngoảnh mặt lại quên đường về ngõ vắng
người đi rồi
gió ngưng thổi
anh thấy lá bên đường như những dấu hỏi
bám lấy anh
dễ gì chạy trốn
(Không thể sống khác phận người)
Đọc thơ Võ Văn Luyến, tôi nhớ một trong những đại diện của văn học Pháp đầu thế kỷ 19, được đánh giá là bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực, nhà văn Ban - Dắc (tiếng Pháp: Honoré de Balzac). Trong một tác phẩm, ông viết đại ý: Cuộc đời mỗi con người đã chứa sẵn những đường vân số mệnh. Càng cố mài dũa như mài hòn đá thì đường vân càng mau hiện ra.
ngày mới đến
ngoài kia trời hừng sáng
dễ dàng chi quay mặt
tiếc chi không mở nụ cười
ta nhắc ta
vẫy chào ngày cũ
(Viết cho ngày mới đến)
Vòng quay của vũ trụ, đêm sang ngày, ngày sang đêm; “vòng quay” của đời người không dừng lại, “sinh lão bệnh tử” là quy luật. Nhận ra để buông bỏ, chọn cho mình phương pháp an nhiên, là ngộ giác. “Đất nâng bước chân ta/đất nuôi ta khôn lớn/đất ôm ấp ngày ta rời cõi/ôi người mẹ vĩ đại nhân hậu bao dung/nghìn đời tạc dạ” (Đất).
Có thể xem “Mây âm tính” như một tuyên ngôn trên hành trình khổ nạn cùng con chữ:
âm tính ngữ ngôn chết ở bên trời
ôi lửa rơm làm sao sống lại
phải tự đi bằng đôi chân trần nhẫn nại
em tự lấy máu tim em gieo xuống tiếng cười
(Mây âm tính)
Thường những người làm văn, thơ là do trời hành, Võ Văn Luyến không ngoại lệ được “tha bổng”. Lịch sử văn chương từ cổ chí kim, từ ngoài đến trong gần như chưa có ai sung sướng, thừa mứa về vật chất, viên mãn về ái tình mà thành tác giả lớn. Phải đau đớn, vật vã, cả trong đời sống lẫn tình yêu mới có thơ/văn đáng đọc.
Không dễ vay mượn đau khổ của người khác để sáng tạo. Gặp Võ Văn Luyến dễ nhận ra, anh khác người ở sự mẫn cảm và si tình. Trong “Mây âm tính”, mảng thơ tình vẫn nổi trội, bên cạnh mảng thân phận. “vẽ tôi một kiếp đa mang/đang vui đón nắng đã quàng mây mưa” (Ký họa chân dung).
ôi lắm lúc vội vàng như thể
như trăm năm thương nhớ ngàn năm
em mất hút giữa dòng dâu bể
ta lạc mình ở cuối ăn năn
(Yêu người như thế)
Võ Văn Luyến đang đi từ quảng trường của hoan ca trở về chái bếp của nhà mình, nơi mượn chữ của nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh gọi là cố thổ; đi từ chỗ vỗ tay về gác xép của tâm hồn, gặm nhấm nỗi buồn để nuôi dưỡng tâm hồn; từ chúng ta trở về tôn thờ bản thể, tức là cái thuộc về thân phận. Thưa vâng, đọc cho ra đớn đau cá nhân, đặng tìm ra con đường thơ đến sẻ chia. “Ta lạc mình ở cuối ăn năn” - đơn vị câu của bài thơ nằm chính ở đây. Câu thơ đẩy được bài thơ lên.
Thơ Võ Văn Luyến phóng khoáng với hiện thực chữ, tự do và chặt chẽ trong cấu tứ. Ở tuổi ngoài 60, Võ Văn Luyến chắc chắn va đập từng trải. Trong “bản đồ” của tâm hồn Võ Văn Luyến ở “Mây âm tính”, nhiều “khoảng trống” để người đọc được đắm mình vào không gian vô trọng. Từ đó mà suy nghĩ đến lúc được đặt chân trên mặt đất. Nhiều bài thơ giản dị nhưng tứ gợi.
Bài thơ “Bắt đầu và kết thúc” là sự phát triển từ hữu hạn đến vô hạn, ai thờ phụng vân vi sẽ nhận ra. Các nhân vật trong bài thơ có “lửa”, “con chim”, “bông hoa” và “tôi”. Chim nhận ra quy luật “nếu không hót thì sẽ chết”, (chắc chắn là chim nhà, chim cảnh); hoa thì nhận ra “cái đẹp một khi sở hữu/đấy là lúc mất giá”. Và người thì sao?
Trái tim nói với tôi rằng
Ngày nào nó ngừng đập
Kỷ niệm mới bắt đầu sự sống
(Bắt đầu và kết thúc)
Ngay trong văn chương cũng vậy. “Khi nhà văn nằm xuống, đồi núi của anh ta mới trồi lên”, tiểu thuyết gia, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương từng nhận định như vậy.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nói, thiên chức của văn học nói chung và thơ nói riêng là đánh thức vẻ đẹp, gieo mầm, lan tỏa cái đẹp. Võ Văn Luyến trước khi làm phận sự “đánh thức” vẻ đẹp trong cuộc đời, ông đã là một người trọng nhân vị, nâng niu vẻ đẹp nhân vị của bản thể.
Cuộc đời lắm điều lạ
Mắc chi phải ưu phiền
Chớp mắt qua tất cả
Thương nhau rồi đừng quên
(Nhắn gió gửi mây)
Vì sao tôi gọi Võ Văn Luyến là “người thơ”. Không phải làm “đẹp lòng” ông, không phải “bốc thơm” ông ở các giải thưởng. Vấn đề dễ nhận ra khi đọc “Mây âm tính” là nhà thơ có trách nhiệm với con chữ và tâm hồn mình.
“Thơ đâu phải bữa ăn ai cũng giành lấy khẩu phần/ Ăn hết núi thóc chẳng nên gì cơm cháo/Cơn co thắt của tim khác nước mắt của bão/Đường trần gian khó để lại dấu chân” (Thơ trên từng cây số). Đúng thế, trên lối mòn khó để lại dấu chân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)