Xuân Đức - Nhà văn của miền đất lửa Quảng Trị

Xuân Thành |

Nhắc đến nhà văn Xuân Đức, nhiều người nghĩ ngay đến tiểu thuyết “Người không mang họ”. Thế nhưng, gia tài của nhà văn đất lửa Quảng Trị này còn nhiều hơn thế, ông có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với hàng chục vở kịch, tiểu thuyết lớn.

Người viết may mắn gặp nhà văn Xuân Đức khi ông tham gia trại sáng tác kịch bản sân khấu ở Nha Trang. Lần ấy, nghe tên nhà viết kịch Xuân Đức, tôi cứ ngờ ngợ, bắt chuyện mới biết ông chính là tác giả của tiểu thuyết hình sự từng gây xôn xao dư luận một thời. Chuyện về cuốn tiểu thuyết đã mở ra cả một đời văn nhiều dấu ấn.

 

Lớn lên giữa miền đất lửa

“Tôi sinh ra ở Vĩnh Linh, quê cha ở bờ Nam, quê mẹ ở bờ Bắc sông Bến Hải”, nhà văn Xuân Đức giới thiệu về mình như thế. Năm 1965, khi chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông, ông làm đơn xin nhập ngũ. Năng khiếu văn nghệ đã sớm đưa anh lính trẻ Xuân Đức vào đội văn nghệ quần chúng của Tiểu đoàn 47, đơn vị bộ đội địa phương chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị. Tại đây, ông đã được nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm (đang đi thực tế sáng tác)  “bổ túc” ngắn hạn  kiến thức về viết kịch bản. Đất nước thống nhất, ông từ giã quân ngũ về quê cày ruộng để nuôi mẹ già thì được cố nhân Đào Hồng Cẩm mời ra Hà Nội viết chung vở kịch Tổ quốc cho Đoàn Kịch quân đội. Vở kịch được chọn biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976. Sau lần đó, ông được mời ở lại Ðoàn Kịch quân đội, rồi được cử đi học Trường viết văn Nguyễn Du.

Sống ở thủ đô nhưng không gian sáng tác của Xuân Đức vẫn là miền đất lửa Quảng Trị. Có cảm giác như nếu xa khỏi dòng sông quê nhà, ngòi bút của ông sẽ mất đi năng lượng vốn có. Sau bộ tiểu thuyết Cửa gió (2 tập, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1982) viết về cuộc đấu tranh cách mạng của đất và người Quảng Trị, ông liên tiếp cho ra đời các tiểu thuyết ăn khách như: Người không mang họ (giải thưởng văn học Vì an ninh tổ quốc của Bộ Nội vụ), Tượng đồng đen một chân, Hồ sơ một con người, Những mảnh làng, Bến đò xưa lặng lẽ (giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004). Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của khoảng 50 kịch bản sân khấu và hàng chục vở diễn từng đạt giải thưởng cao trong các kỳ Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như: Người mất tích, Chứng chỉ thời gian, Đợi đến bao giờ, Đám cưới ly biệt, Cái chết chẳng dễ dàng gì, Ám ảnh, Chuyện dài thế kỷ, Chuyến tàu tốc hành trong đêm… Sự từng trải, vốn sống già dặn đã giúp ông có thể sáng tác và liên tục cho ra tác phẩm.

Trong hàng chục tác phẩm kịch, tiểu thuyết của nhà văn Xuân Ðức, người ta đều phảng phất thấy bóng dáng dòng sông Bến Hải - lằn ranh giới chia đôi đất nước đằng đẵng 21 năm. Trong trang văn của ông luôn nằng nặng mồ hôi, nước mắt cực nhọc của người dân Quảng Trị, thấm cả máu của một thời đất nước chia hai, đầy bom đạn lửa khói. Ông kể về những cuộc đối chọi mất còn, từ ý thức hệ của cả một thời đại đến góc khuất suy tư của một tâm hồn tật nguyền. Và trên hết, bằng ngòi bút, bằng sự từng trải của mình, ông đã dựng nên một Quảng Trị đất lửa anh hùng!

Chuyện về  “Người không mang họ”

Cách đây đúng 30 năm (1984), tiểu thuyết Người không mang họ của nhà văn Xuân Đức đã tạo nên một cơn sốt ngay khi ra đời với 5 lần tái bản, 10 vạn bản in. Theo nhà văn Xuân Đức, ông viết tác phẩm này một cách khá tình cờ. Ông có người bạn tên là Lạng vượt giới tuyến vào Nam rồi bặt tin từ đó. Sau giải phóng, công an Nghệ An phá băng cướp khét tiếng do Trương Hiền (biệt danh là Toọng ) cầm đầu. Trước khi bị xử bắn, Toọng có khai y là người Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh nên người thân của Lạng đã nhờ nhà văn tìm kiếm thông tin về tên cướp này vì nghi ngờ y chính là Lạng năm xưa. Nhà văn đã đề xuất với Nhà xuất bản Công an nhân dân xin giấy phép của Bộ Nội vụ tiếp cận hồ sơ về tướng cướp Toọng, lấy tư liệu viết tiểu thuyết ca ngợi tinh thần vì nhân dân của các chiến sĩ công an

Sau khi có giấy phép, nhà văn Xuân Đức đã bỏ khá nhiều thời gian để đọc hồ sơ, cũng như hỏi chuyện những người tham gia chuyên án. Những gì được ghi trong hồ sơ và lời kể của các nhân chứng đã phác họa khá rõ chân tướng của Toọng, một tướng cướp giỏi võ và rất liều lĩnh, từng là nỗi ám ảnh của người dân thành Vinh (Nghệ An). Với tấm ảnh cũ lưu hồ sơ cùng những dòng thông tin ít ỏi về thân thế, nhà văn không xác định được Toọng và người bạn của ông năm xưa có phải là một hay không. Tuy nhiên, việc viết tiểu thuyết thì không thể dừng lại, ông cũng thấy hứng thú với đề tài mới mẻ này nên đã dốc hết tâm huyết viết Người không mang họ.

 

Khi viết, nhà văn đã kết hợp thân thế của Lạng và đời thật của Toọng để xây dựng nên nhân vật Trương Sỏi. Nhiều chi tiết quan trọng trong vụ án đã được ông đưa vào cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này. Ông cũng đã xây dựng thêm các nhân vật phụ như nữ tướng cướp Kim Chi, nữ chiến sĩ công an Khánh Hòa... Nhà văn Xuân Đức cho biết, ông viết Người không mang họ là một bước ngoặt không dự định trước. Thế nhưng, nếu không có tài năng thì sẽ không có một tiểu thuyết hình sự thành công đến vậy.

 Năm 1990, đạo diễn Long Vân đã đưa tác phẩm này lên màn bạc khiến các rạp chiếu “cháy vé”, cuốn tiểu thuyết lại càng nổi tiếng hơn. Còn nhớ, khi Người không mang họ được trình chiếu ở quê tôi, thanh niên trai tráng kéo nhau đi xem, rạp chiếu phim đêm nào cũng đông nghịt. Cốt truyện hấp dẫn, dàn diễn viên ngôi sao (Lý Hùng, Diễm Hương…) cùng màn kết đẹp - tướng cướp Trương Sỏi đỡ đạn cho nữ chiến sĩ công an Khánh Hòa - đã thực sự chinh phục người xem. Mãi về sau, khi đã trở thành sinh viên văn khoa, tôi mới được đọc tiểu thuyết Người không mang họ, mới biết cái kết của tiểu thuyết không đẹp như phim (Trương Sỏi đã bị bắt và xử tử)!

Năm 2007, nhà văn Xuân Đức được trao giải thưởng Nhà nước về văn chương nghệ thuật với 3 tác phẩm: Cửa gió, Người không mang họ, Tượng đồng đen một chân.

(Nguồn: baokhanhhoa.com.vn)

TAGS

Nỗ lực của những người làm báo ở vùng cao

Thanh Lê |

Không quản ngại khó khăn, vất vả, những người làm báo ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) hằng ngày luôn đam mê, sáng tạo, góp sức chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế để phản ánh qua các tác phẩm báo chí, từ đó giúp cấp ủy, chính quyền trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

“Nồi cháo tình thương” ấm lòng người bệnh của nữ nhà báo hưu trí

Phương Nga - Kỉnh Ngọc |

Cứ như thường lệ, đúng 5h30 sáng những suất cháo thơm ngon, nóng hổi lại được gia đình nữ Nhà báo Ngô Phương Mai mang đến phát tận tay cho những người bệnh đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Dấu ấn của những người lính trẻ

Bảo Hà |

Chương trình tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và trao giải thưởng “Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị” năm 2019 đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức vừa qua đã để lại nhiều xúc động và tự hào về tuổi trẻ quê hương - những người tràn đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, dám dấn thân từ học tập, nghiên cứu, đến lao động sản xuất kinh doanh, giữ vững quốc phòng - an ninh. Và trong đó, hình ảnh những người lính trẻ nỗ lực, cống hiến vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân luôn là những hình ảnh nổi bật, đẹp đẽ nhất.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lĩnh - đam mê và hạnh phúc với nghề dạy học

Minh Đức |

Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) luôn năng động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm, làm nguồn cảm hứng để truyền dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh.