Hoa và ký ức tôi

Thanh Ling |

Tôi có nhiều chuyến đi vào mùa xuân, khi hoa dại nở ven đường, hoa nở rộ trong vườn.

Cảm giác rất diệu kì, trên dọc đường đi, vườn nhà nào cũng có hoa. Nhưng lác đác trong tôi một vài kí ức, những con người và loài hoa chẳng kiêu sa. Người âm thầm cống hiến, hoa lặng lẽ nở giữa đất trời. Có khi chẳng nổi nhớ tên, cũng có lúc chưa kịp biết tên nhưng lại nhớ công việc của họ, màu sắc của hoa, giữa những nơi nghèo khó trên dãy Trường Sơn thì người tốt và hoa đã vẽ lên vùng kí ức tôi những gì đẹp nhất.

Một ngày lập xuân năm 2018 tôi vượt đèo Sa Mù, một cung đường hơn 120km từ thành phố Đông Hà đến xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Hôm đó trời mưa lất phất. Từ tượng đài chiến thắng Khe Sanh đến địa phận xã Hướng Phùng đã cảm nhận được cái lạnh của núi rừng Hướng Hóa. Đi qua gần 20km của đèo Sa Mù với cảm giác đắm say giữa trời đất. Núi đồi lãng đãng sương giăng, tiếng thú thả những âm thanh khá lạc lõng. Âm thanh đó vừa gợi nỗi cô đơn, vừa tạo cho người đi đường một cảm xúc buồn buồn khó tả. Tôi đã dừng một hồi lâu ở đỉnh đèo, để nhìn bao quát xung quanh nhưng màn sương giăng, mây phủ cứ chắn trước mặt. Chỉ hoa trẩu hai bên đường là trắng xóa. Mỗi bông hoa năm cánh bằng ngón tay cái đậu lên mỗi chùm hoa to bằng chiếc quạt.

Mùa hoa dã quỳ miền biên ải Hướng Phùng - Ảnh: H.T
Mùa hoa dã quỳ miền biên ải Hướng Phùng - Ảnh: H.T

Tôi có rất nhiều kí ức về loài hoa này. Những ngày tháng lang thang ở bản cùng một vài người bạn. Cây trẩu xanh biếc, lá non xanh ngút ngàn. Về hoa thì đẹp đến mênh mang, cùng với mây gió nơi biên cương đã khiến con người rất hứng khởi. Từ một con dốc trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hướng Việt có thể nhìn thấy hoa trẩu hòa trong mây núi mênh mông. Hình ảnh đó đẹp biết chừng nào. Trong mưa núi, trong tiếng suối róc rách, tôi nghĩ, chỉ cần có thêm tiếng đàn tranh thì Sa Mù sẽ bao trùm rất nhiều điều kì bí, huyền ảo, đậm chất liêu trai.

Nhưng điều lưu giữ dài lâu nhất trong tôi là cây trẩu giữa ruộng rẫy của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Ở đâu có cây trẩu là ở đó rẫy của đồng bào. Giỏi, một thanh niên chăm chỉ ở bản Tà Puồng - Trăng nói với tôi rằng: cây trẩu ở đây có đến mấy chục năm, người miền núi khi làm rẫy đều trồng cây trẩu. Thứ nhất là để làm ranh giới rẫy giữa các gia đình, thứ hai có cây ngồi bóng mát khi lên nương, thứ ba cây trẩu cho trái bán lấy tiền mua gạo… Cuộc sống của Giỏi với 5 thành viên trong gia đình khá chật vật, bởi Trăng - Tà Puồng nằm ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa là một trong những bản làng xa xôi nhất Quảng Trị. Cuộc sống của người dân giản đơn và còn nhiều khó khăn nhưng bù lại họ có được sự thảnh thơi và an yên như núi rừng ở đó.

Gần hai mươi năm gắn bó với núi rừng Trường Sơn, tôi đã quen với những mùa hoa trẩu. Mà mùa nào cũng đẹp, cũng ưu tư, cũng xốn xang, yêu thương chẳng thể nào dứt. Và những trăn trở với núi đồi, với con người và một màu sáng lấp lánh đang còn ở phía trước, ngày đó còn khá xa.

Trên đèo Sa Mù - Ảnh: H.T
Trên đèo Sa Mù - Ảnh: H.T

Có những khi mùa đông trời lạnh tới cắt da, tôi vẫn đi một vài nơi ở rừng. Cũng những ngày tháng bươn qua con dốc, chạy qua đỉnh Sa Mù, đứng lại rồi nhìn mọi thứ xung quanh. Nhìn thác cao hào sâu, nhìn vào khoảng tối mênh mông sau làn sương dày đặc. Tháng 10, mùa đoạn trường thảo nở hoa. Những bông hoa vàng năm cánh mong manh tạo thành chùm trên những ngọn lá. Nhân gian đồn đoán đủ điều về đoạn trường thảo, có người gọi nó bằng cái tên rất nôm na “cây xóa nợ”, cây lá ngón... Vì đoạn trường thảo là cây rất độc, ở Việt Nam nhất là vùng núi nhiều người dùng lá đoạn trường thảo để giải thoát cho mình khi đi đến tột cùng của nỗi đau. Bởi vậy, nhiều người bảo trong đoạn trường thảo có “ma”, tức là thần chết. Ai nhìn vào đoạn trường thảo, nhất là mùa nó trổ hoa thì sinh mệnh của người đó rất mong manh. Chuyện thực hư đôi khi khó mà lý giải. Đó là điều tôi nói với Sơn, một thanh niên theo đoàn khảo sát để viết đề án du lịch ở khu sinh thái Tà Puồng. Hôm đó, trên những con suối, đi qua bao nhiêu rừng, bao nhiêu dốc Sơn đã cố tìm đoạn trường thảo nhưng sơn đã bắt gặp một trong những loài phong lan rừng nổi tiếng, đó là giáng hương tam bảo sắc. Một cây giáng hương chừng hơn 25cm bám trên cành, lá xếp, màu xanh đậm. Sơn đã mang cây phong lan suốt dọc đường đi, và năm 2000, cây giáng hương tam bảo sắc đã trổ bông hoa tím thơm nức trong khu vườn giữa đô thị. Sơn bảo, mỗi lần hoa trổ bông, ngửi hương thơm của nó thấy nhớ núi rừng đến lạ. Lẽ dĩ nhiên, cái lần đầu ai bắt gặp thứ gì đó, ở nơi nó bắt đầu thì kỉ niệm vẫn mãi mãi chẳng thể nào phai. Đôi lúc kỉ niệm còn biết tỏa hương, với những người biết dựng xây nên kí ức tốt đẹp.

Tháng tư, tháng của hoa ô môi. Tháng của ve kêu hết sức sầu muộn. Hoa ô môi thường được trồng ở thành phố và vùng nông thôn đồng bằng. Cây thân gỗ lớn, đối với những cây ô môi trồng hơn mười năm ôm cả vòng tay không hết. Cứ đầu tháng tư ô môi bắt đầu trút lá. Chỉ hơn một tuần, từ những cành cây đen sẫm nở những bông hoa màu hồng tím. Cả cây ô môi được trùm bởi sắc hồng đó. Nhà tôi có hai cây ô môi, nó được trồng trong vườn. Nó là nơi chị gái tôi ngồi mỗi chiều, là nơi mẹ tôi quét lá, nhặt xác ô môi…

Trong con đường kí ức của mình, tôi có quá nhiều kí ức với ô môi. Nhưng dặn lòng đừng nói, chỉ bấy nhiêu thôi. Vì biết đâu khi trở về con đường cũ, lòng lại thấy đau. Kí ức đó đẹp, đầy tình yêu nhưng đau là cứ đau chẳng thể nào ngăn được.

Tôi hay lững thững trên phố, nhất là những trưa hè. Cứ đi từ con đường này đến con đường khác để nhìn hoa. Bất cứ nơi nào tôi đến, nếu là mùa hoa thì không gì ngăn nỗi bước chân tôi. Nhưng kí ức sâu đậm vẫn là con đường hoa ở rừng. Vào tháng 11 hằng năm, tôi vẫn đi về Hướng Phùng, nơi có những con đường hoa dã quỳ rất đẹp. Tôi vấn vít bởi màu vàng của hoa dã quỳ. Hoa dã quỳ mọc lên từ đất, dưỡng sinh từ đất và được đất truyền cho sự dũng mãnh để đi hết cuộc đời mình.

Nhưng cuộc đời của dã quỳ dường như bất tận. Với sự trường tồn của hoa, nhắc tôi nhớ rằng, thiên nhiên ban tặng cho cây một sự sống và là cây có hoa, cho đời hương sắc thì sứ mệnh đó chẳng dễ gì đứt đoạn. Dã quỳ sống mấy trăm năm, tôi tự thắc thỏm điều ấy, chưa kịp tìm ra ẩn số sau những ngày nở hoa, lá tàn rụi rồi đến mùa sau từ những cành khẳng khiu ấy bật lên những chồi xanh, lá mướt mát, tràn đầy sự sống như bao ngày ấp ủ, được mẹ đất ấp ôm, trau dồi cho khí tiết để ngày sau vẫn sinh tồn.

Trong những ngày lang thang ở Hướng Phùng, người tôi tâm đắc nhất vẫn là Tăng, anh bạn Vân Kiều đồng trang lứa, người có công việc hiện đại đó là kinh doanh cà phê nhưng suy nghĩ của Tăng như cây mọc từ núi rừng. Không tham lam, chỉ vừa đủ cho cuộc sống. Tăng sống chan hòa với thiên nhiên và yêu thương hết thảy những con người. Tình yêu chính là hạt giống của hạnh phúc. Triết lý sống của Tăng thực ra có từ rất lâu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị, nhưng Tăng là người biết gìn giữ, mang nó đi, đến tận bây giờ. Như cây dã quỳ, qua bao mùa tuổi không già không trẻ, không nhìn trước ngó sau, không dè dặt hay lo âu. Cứ thế nở hoa thắm cho đời chút ơn, sau những ngày giông bão. Đôi lúc tôi nghĩ, phải chăng ẩn dụ của dã quỳ là hương hoa, nồng nàn trong gió rét, ngửi chút bâng quơ lữ khách nhớ hương tình cũ. Tôi cảm được, nhiệt độ của mùi hương, nó choán hết không gian lạnh lẽo. Từ trong lòng mình nghe ấm áp, thì rét mướt có xá gì. Như người ta yêu, bằng lòng nhau thì hai trái tim chung làm một, lỡ khi thất tình thì đem ra, cũng kỉ niệm về hai con tim chung nhịp đập. Tăng còn nói với tôi, về hoa dã quỳ, nghe đâu là truyền thuyết về loài hoa, là những người thất tình trong thiên hạ, tụ về rừng một ngày rét mướt nhen nhóm lại những kỉ niệm yêu.

Mùa ô môi nở hoa - Ảnh: Tiến Sang
Mùa ô môi nở hoa - Ảnh: Tiến Sang

Có vô số cách để lí giải cho những loài hoa. Nhưng mùa đông hoa trổ màu vàng thì chỉ có dã quỳ mới đủ bề hương sắc. Vừa xuân sắc lại vừa ấm êm, từ nhụy hoa động đậy những hương thơm thì chuyện tình dở dang kia là một trong vài cách lí giải. Tôi thì nghĩ rằng, với những ấm áp của dã quỳ trong ngày đông, nó là tình yêu cao đẹp. Những ngày ở đây tôi cũng đã gặp Dược, một người anh lãng du giữa đất trời, vô thức giữa đời người, cứ thẩn thờ miền sương gió với câu chuyện thực hư. Anh Dược đi tìm… mẹ! Tìm bao nhiêu năm không ai rõ, tôi cũng không, anh cũng không… chỉ nhận ra nhau và dấy lên bao kí ức. Của người sinh thành và dưỡng dục mình. Đó là mối tình thiêng liêng mà trời đất đã ban cho con người hơn giống loài khác. Lẽ nữa tôi nghĩ dã quỳ là tình thân, có khi đó là người mẹ hết lòng yêu con đến khi hóa kiếp. Mặc lòng, mỗi người có thể sản sinh chuyện tình yêu theo cách riêng của mình nhưng không thể chối bỏ rằng, dã quỳ đẹp bất chấp bão giông, bước qua những gian truân để trút cho mùa vàng, minh chứng cho sức sống của loài hoa dại nơi miền biên ải.

Trập trùng những nghĩ suy, về chuyện hôm qua và chuyện hôm nay, giữa ngày rét và mùa xuân ấm áp. Nếu đời người chỉ chờ vào mùa xuân, để được đền đáp gì đó thì lẽ sai thường tình. Hoa dã quỳ lặng lẽ sống, lặng lẽ trổ bông, lặng lẽ rút mình để mùa sau lại nở. Hoa chờ đền đáp gì. Có khi đi ngang ta ngắt vội nhành hoa, cài lên mái tóc đẹp nhưng cây chảy nhựa sống. Cũng có khi ta vô tình chặt đứt, một vài bụi hoa chỉ để tiêu tan nỗi bực dọc của lòng mình thì mùa hoa chỗ này sẽ thưa thớt. Từ chuyện loài cây và sự trổ bông, nó bảo ta một điều, có nên giận giữ không, với cây, nhất là với cây có hoa đẹp như dã quỳ. Hoặc giả sử lòng tốt, người tốt… cố tình hoặc vô ý bị xâm phạm, bị đánh mất, thế là thiệt thòi cho chính người tạo nên nó chứ chẳng bẻ bàng gì. Người tốt cũng như hoa, và lẽ thường phải như thế. Cứ cho đi, lặng lẽ, không lấy về bất cứ gì, kể cả sự hàm ơ.

Cung đường nên thơ vì có hoa trẩu. - Ảnh: H.T
Cung đường nên thơ vì có hoa trẩu. - Ảnh: H.T


TAGS

Đường hoa dã quỳ vàng rực phía núi

Thiên Sơn |

Thấy được vẻ đẹp từ những khóm hoa dã quỳ ven đường, Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị đã tổ chức phát động trồng con đường hoa dã quỳ tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Từ đó, cứ đến những ngày đầu Đông, hoa dã quỳ đồng loạt khoe sắc tạo nên những con đường hoa vàng rực rỡ giữa đại ngàn, vẫy gọi du khách khắp nơi tìm đến mỗi ngày.

Chuẩn bị triển khai dự án con đường hoa hồ Tân Độ

Xanh EWEC |

Ngày 23/3/2022, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn đồng ý về vị trí, quy mô khu đất dự kiến phát triển con đường hoa hồ Tân Độ tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá.

Góp phần xây dựng vườn hoa xuân ở miền tây Hướng Hoá

Điếu Ngao |

Những cây đào sau tết Nguyên đán từ người dân các vùng đã góp mặt trong vườn hoa ở công viên Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị).

Mong muốn nhân lên những mùa hoa yêu thương

Tây Long |

Đến huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vào những ngày đầu xuân, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường hoa tỏa hương, khoe sắc. Làm nên nét chấm phá trong bức tranh tuyệt đẹp của huyện miền núi phía Tây Quảng Trị có sự đóng góp của Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với ông NGUYỄN KHIÊM, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị về nội dung trên.