Dấu hỏi từ những con số

Thiên Phong |

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, trong 5 ngày nghỉ lễ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 vừa qua, có khoảng 95.000 lượt khách du lịch đến địa phương, đem lại doanh thu khoảng 67 tỉ đồng.

Đây là con số đẹp cho những nỗ lực của ngành du lịch tỉnh nhà. Tuy nhiên, vẫn cần làm một phép so sánh để thấy còn rất nhiều điều phải làm nhằm nâng tầm du lịch Quảng Trị. Trước tiên, hãy nhìn vào tỉnh kề cận ở phía nam là Thừa Thiên Huế. Cũng trong 5 ngày lễ vừa qua, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết có khoảng 99.000 lượt khách đến với Huế. Doanh thu du lịch ước đạt 153 tỉ đồng.

Qua những con số này có thể thấy tổng lượng khách du lịch đến với hai tỉnh là gần ngang nhau. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở con số tổng doanh thu. Cũng đón gần 100 ngàn lượt khách nhưng tổng doanh thu của Thừa Thiên Huế lại đạt đến 153 tỉ đồng, trong khi Quảng Trị chỉ thu được khoảng 67 tỉ đồng.

 
 
Du lịch là chuyện vui chơi nhưng cũng là một hoạt động kinh tế. Những nỗ lực của ngành Du lịch Quảng Trị suốt hàng tháng trời trước đợt nghỉ lễ là để thu hút khách du lịch đến với Quảng Trị và đích đến là doanh thu. Nhưng vì sao tỉnh bạn thu được gấp 2,3 lần Quảng Trị? Có phải chúng ta đang rơi vào trạng thái có khách đến nhưng lại chưa có cách để khách chi tiền?

Đây là một thực tế mà ngành du lịch tỉnh phải đối mặt trong nhiều năm qua. Để tăng được nguồn thu thì phải giữ được khách du lịch. Muốn giữ được khách du lịch thì phải tạo ra những sản phẩm du lịch đủ sức hút. Muốn có sản phẩm du lịch đủ sức hút thì phải tạo ra được sự khác biệt và đặc biệt. Khách du lịch sẽ dùng tiền để mua trải nghiệm và cảm xúc. Tuy nhiên, có vẻ như sự khác biệt và cảm xúc này Quảng Trị chưa thể tạo ra để giữ được khách du lịch.

Xác định kỳ nghỉ lễ năm nay dài ngày, ngành Du lịch Quảng Trị đã tạo ra nhiều sản phẩm để du khách đến trải nghiệm. Bên cạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh là di tích lịch sử cách mạng, du lịch biển, đảo, sinh thái, cộng đồng... tỉnh cũng có nhiều hoạt động văn hóa, giải trí kết hợp mua sắm được tổ chức đúng vào dịp này như các lễ hội: Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam năm 2023; Thống nhất non sông, hội Bài chòi tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP; tuyến phố đêm… Các điểm di tích lịch sử trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ 17.000 lượt khách trong nước, nước ngoài (trong đó có 5.500 lượt khách có thu vé) đến thăm viếng.

Có thể thấy, sản phẩm du lịch mới nhất và đặc biệt nhất trong dịp lễ này là Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam năm 2023 tại biển Cửa Việt. Lễ hội này diễn ra trong 3 ngày chính của dịp nghỉ lễ và thu hút được khá đông người đến dự. Tuy nhiên, có một thực tế mà ai cũng thấy đó là sự đông đúc này chủ yếu đến từ người dân địa phương và các vùng lân cận. Lượng khách từ các tỉnh, thành khác đến là không nhiều, lượng khách nước ngoài càng ít hơn.

Nhưng khách địa phương tập trung về đây để xem, trải nghiệm trong vài giờ… cho biết rồi về. Nguồn thu tạo ra từ số đông khách này không lớn. Những dịch vụ thứ cấp như ăn uống, nghỉ dưỡng, trải nghiệm phát sinh từ đây cũng không nhiều. 17.000 lượt khách đến các di tích dù có bán được 5.500 vé vào cổng cũng không thể mang lại nguồn thu lớn.

Vì đây là một dạng du lịch đặc thù. Khách chỉ đến viếng rồi đi. Con số thống kê về công suất buồng phòng tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh thể hiện rõ điều này khi chỉ đạt từ 75-85%. Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, riêng ba ngày từ 29/4 đến 1/5, các khách sạn trên địa bàn TP. Huế từ 1 đến 5 sao và các homestay đều kín phòng.

Theo đánh giá của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, để đạt được lượng khách và doanh thu lớn như thế là nhờ tỉnh này tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch để kích cầu cho dịp nghỉ lễ. Trong đó hoạt động chủ lực là tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế 2023; giải marathon Vnexpress Huế; lễ hội khinh khí cầu Huế…Thêm vào đó là sự hấp dẫn của một số sản phẩm, dịch vụ, điểm “check in” mới ở các địa phương, nhất là tại khu vực Hoàng Cung và trung tâm TP. Huế.

Sẽ hơi khập khiễng nếu chỉ làm phép so sánh đơn thuần về doanh thu của ngành du lịch giữa Quảng Trị và Huế. Vì giá trị của di tích tầm cỡ di sản thế giới như kinh thành Huế khác với giá trị của những điểm đến tâm linh mới ở tầm quốc gia như Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Cũng khó đặt Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam năm 2023 tại Cửa Việt bên cạnh Festival Làng nghề của Huế. Nhưng sự khác nhau nằm ở việc giữ được khách.

Những di sản hay lễ hội đều có thể mời được khách đến nhưng để khách du lịch ở lại trải nghiệm thêm những sản phẩm khác thì ngành Du lịch Quảng Trị đang thua thiệt. Việc tổ chức được một giải marathon tầm quốc gia hay một lễ hội khinh khí cầu có thể thu hút được hàng chục ngàn người từ khắp các tỉnh, thành về Huế. Trong khi đó, Lễ hội Thống nhất non sông hay hội Bài chòi chủ yếu thu hút khách địa phương. Hai sản phẩm này sẽ mang lại những giá trị khác nhau về doanh thu.

Du lịch Quảng Trị có thể nhìn ra Quảng Bình để thấy thêm sự khác biệt. Tổng số khách du lịch đến Quảng Bình trong dịp lễ vừa qua ước đạt đến 250.000 lượt người, tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 280 tỉ đồng. Tức số khách gấp 2,5 lần và tổng thu gấp hơn 3,7 lần.

Khoảng 2 tháng liên tục trước dịp nghỉ lễ, câu lạc bộ du lịch gồm thành viên là người dẫn tour, chủ cơ sở lưu trú và chủ những sản phẩm du lịch đã tổ chức hàng loạt chuyến trải nghiệm đến các điểm du lịch mới của tỉnh này. Hình ảnh thu về sau chuyến đi được đăng tải liên tục trên các nền tảng số để tăng sự mới mẻ cho bộ mặt du lịch của tỉnh.

Các hoạt động lễ hội phụ trợ như Lễ hội đường phố tại TP. Đồng Hới hay Lễ hội cá trắm tại Phong Nha cũng được tổ chức ngay sát dịp lễ này để kích cầu. Và hiệu quả thu về ngoài sức mong đợi khi có đến 250 ngàn lượt khách đến chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ.

Đáng nói, trong số đó có đến 7.500 lượt khách quốc tế, còn khách nội địa thì đa số từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Lượng khách nội tỉnh chỉ chiếm số lẻ. Đến mức các hãng hàng không phải tăng thêm 1 - 2 chuyến mỗi ngày các chặng Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP. Hồ Chí Minh.

Hiệu quả của ngành du lịch sẽ khác nhau giữa các tỉnh vì còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và KT-XH, văn hóa. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh du lịch của Quảng Trị so với hai tỉnh lân cận là Thừa Thiên Huế và Quảng Bình thì có thể thấy, hiệu quả tạo ra của ngành Du lịch Quảng Trị đang có nhiều hạn chế.

Khi cách làm là một yếu tố mang đến sự khác biệt thì cũng là lúc người ta càng thấy xót xa hơn khi hàng loạt dự án du lịch trăm tỉ, ngàn tỉ dọc tuyến ven biển từ huyện Gio Linh đến Vĩnh Linh đắp chiếu từ năm này qua năm khác. Người ta cũng thấy thiệt thòi hơn khi hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch như sân bay dù đã khởi động vài năm nhưng vẫn chưa thể thành hình hài.

Vậy nên, việc những người làm du lịch Quảng Trị cần làm ngay là phải tạo ra những sự khác biệt để thu hút khách. Chỉ có sự khác biệt mới khiến khách du lịch chọn Quảng Trị là điểm đến và lưu trú để khám phá, trải nghiệm. Càng nhiều sự khác biệt thì càng níu chân du khách ở lại lâu hơn và đó chính là cách để nguồn thu tăng lên tỉ lệ thuận với lượng khách.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng bá, giới thiệu du lịch Quảng Trị tại hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023

Mai Lâm |

Từ ngày 13-16/4, ngành du lịch Quảng Trị tham gia quảng bá, giới thiệu, xúc tiến điểm đến tại hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2023 chủ đề “Du lịch văn hóa”.

Cùng hợp tác để đưa du lịch Quảng Trị vươn xa

Trúc Phương |

UBND tỉnh Quảng Trị và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH Một thành viên (Saigontourist Group) vừa tổ chức thành công Lễ ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng thành viên Saigontourist Group Phạm Huy Bình để tìm hiểu rõ hơn về những định hướng của tổng công ty trong lần hợp tác này.

Tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng và khẩu hiệu du lịch Quảng Trị lần thứ 2

Hà Trang |

Nhằm tạo bộ thương hiệu nhận diện du lịch Quảng Trị, đưa hình ảnh du lịch Quảng Trị xuất hiện ấn tượng, chuyên nghiệp trên các sản phẩm du lịch và trên các phương tiện thông tin truyền thông, hấp dẫn du khách và nhà đầu tư, hôm nay 1/3, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch tỉnh Quảng Trị lần thứ 2.

Du lịch Quảng Trị với những “điểm nhấn” ấn tượng

Đan Tâm |

Trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội, trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh nổi trội của địa phương, tỉnh Quảng Trị xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.