Độc đáo Tết mùa mưa của người dân tộc Hà Nhì

PV |

Tết mùa mưa (Dế khù chà) là một trong bảy cái Tết lớn trong năm theo phong tục cổ truyền của người Hà Nhì ở vùng núi Tây Bắc, thường diễn ra vào cuối hè, khi cây lúa đã lên đòng, ngô gieo đã lên xanh.

Người Hà Nhì sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trồng lúa trên các thửa ruộng bậc thang, nên rất coi trọng việc cúng các vị thần nông nghiệp, nhất là thần nước, thần mưa.

Khác với Tết Khô Già Già mang tính chất lễ cầu mùa với rất nhiều nghi lễ cúng thần đất, thần nước, thần rừng, thần cây.. và thường tổ chức với quy mô lớn, theo chu kỳ 3 năm một lần, thì Tết mùa mưa thường chỉ tổ chức một ngày trong năm để cúng thần mưa. Đây cũng là nghi lễ đặc trưng của cư dân nông nghiệp.

Tết mùa mưa (Dế khù chà) của người dân tộc Hà Nhì là nghi lễ cầu mưa, diễn ra vào tháng 5 âm lịch hàng năm thể hiện sự ứng xử hài hoà giữa con người với thiên nhiên, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.

Ông Lương Văn Thiết, Cán bộ nghiên cứu văn hóa dân gian của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết: “Theo truyền thống, nghi lễ cúng cầu mưa tổ chức vào đỉnh điểm tháng nóng nhất của mùa hè, đó là tháng 6. Theo tập quán làm nông nghiệp vào thời điểm đó các ruộng bậc thang rất cần nước tưới để lúa chín và cho thu hoạch. Đây là nghi lễ thể hiện sự ứng xử một cách hài hoà giữa con người với thiên nhiên. Người Hà Nhì cho rằng để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa thì cần tổ chức nghi lễ cúng cầu mưa.”

Vào ngày Tết mùa mưa (tháng 5 âm lịch hàng năm), hầu như nhà nào trong bản cũng dậy sớm đun nước, mổ lợn hay chuẩn bị lễ vật cho lễ cúng thần. Tiếng chày giã gạo nấu cơm, làm bánh của các gia đình làm xao động cả núi rừng.

Sau khi chuẩn bị xong, mọi người cùng mang lễ vật được ra bờ ruộng của một trong những người làm ruộng lúa tốt nhất trong bản để làm lễ cúng.

Người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà (bố, mẹ), hoặc có vai trò nhân nhân tố quan trọng trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ). (Ảnh: TTXVN phát)
Người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà (bố, mẹ), hoặc có vai trò nhân nhân tố quan trọng trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ). (Ảnh: TTXVN phát)

Mâm cúng thần mưa ngày Tết, ngoài thịt lợn còn có cơm, rượu, bát chè gừng, trà, mía, chuối và hoa mào gà…Thày cúng phải là người có uy tín trong bản.

Lễ cúng diễn ra từ sáng, lúc mặt trời đã tỏ và đến gần trưa thì kết thúc. Người Hà Nhì tin rằng vào thời điểm đó các thần linh mới lắng nghe được lời cầu khấn của họ. Sau lễ cúng, con cháu trong dòng họ đều ăn một chút lễ vật để “ lấy lộc” cầu may.

Nhiều bản người Hà Nhì ở các vùng núi cao như ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai…hiện vẫn duy trì Tết mùa mưa theo truyền thống. Tuy nhiên tổ chức Tết mùa mưa của đồng bào Hà Nhì hiện nay đã có nhiều thay đổi và mang tính chất lễ hội nhiều hơn.

Không gian tổ chức lễ thức gọi hồn trong Tết mùa mưa được thực hiện ở nhiều địa điểm để cầu cho con cháu được khỏe mạnh, bản làng gặp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. (Ảnh: TTXVN phát)
Không gian tổ chức lễ thức gọi hồn trong Tết mùa mưa được thực hiện ở nhiều địa điểm để cầu cho con cháu được khỏe mạnh, bản làng gặp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Lương Văn Thiết cho biết thêm: “Nghi lễ cúng cầu mưa ngày nay không rườm rà như trước. Những người tham gia cũng đa dạng hơn, không còn nhiều kiêng kỵ Lễ vật cúng cũng có sự thay đổi. Ngoài các lễ vật truyền thống còn có bánh kẹo, hoa trái. Trước đây, rượu cúng đựng trong các ống nứa, thì nay là rượu chai mua ngoài chợ, thậm chí là chai rượu ngoại. Tuy nhiên, nghi lễ vẫn giữ được không khí uy nghiêm, thể hiện sự thanh tịnh, thành kính của con người với thần linh.”

Không gian Tết mùa mưa cũng có sự thay đổi. Trước đây nghi lễ cúng thường diễn ra tại ruộng nương, thì giờ đây nghi lễ có thể được tổ chức trong khuôn viên gia đình ông trưởng thôn, hay gia đình người sản xuất giỏi trong bản. Những phụ nữ chọn cho mình bộ trang phục mới và đẹp nhất để mặc trong ngày này.

Đặc biệt bữa liên hoan trong ngày Tết mùa mưa trong các bản làng vẫn giữ được không khí vui vẻ và ấm cúng. Tết mùa mưa còn là dịp sum họp của các gia đình và con cháu trong dòng họ. Suốt từ chiều đến tận đêm khuya, mọi người trong bản đến chơi nhà nhau. Nhà nào có khách cũng bày mâm rót rượu. Chén rượu nồng trên tay chủ nhà và khách như những sợi dây vô hình thắt chặt thêm tình cảm láng giềng, cộng đồng làng bản thêm bền vững.

Lễ vật chuẩn bị cho nghi thức gọi hồn thì không thể thiếu vật hiến sinh là những con gà, để thể hiện sự trân trọng, biết ơn của các thế hệ con cháu đối với các bậc tiền nhân, tiên tổ. (Ảnh: TTXVN phát)
Lễ vật chuẩn bị cho nghi thức gọi hồn thì không thể thiếu vật hiến sinh là những con gà, để thể hiện sự trân trọng, biết ơn của các thế hệ con cháu đối với các bậc tiền nhân, tiên tổ. (Ảnh: TTXVN phát)

Vào ngày Tết mùa mưa còn có các tiết mục diễn xướng dân gian và các trò chơi. Trước ngày diễn ra lễ cúng sẽ có lễ dựng cây đu, đây là phong tục cổ truyền lâu đời của người Hà Nhì ở vùng cao Tây Bắc (chủ yếu tập trung ở Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên)

Hai cây đu được dựng lên trong đó cây đu trong nhà cho trẻ nhỏ, còn người lớn cùng nhau chơi cây đu ở khu đất giữa bản.

Tết mùa mưa được người Hà Nhì tổ chức trong 4 ngày, đồng thời là 4 ngày kiêng kỵ. Mọi người trong gia đình không được đi làm mà chỉ vui chơi và cùng nhau ăn uống, múa hát vui vẻ. Đây cũng chính là thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức lao động sau một năm làm lụng vất vả.

Người Hà Nhì chuẩn bị mâm cúng cho nghi thức gọi hồn. (Ảnh: TTXVN phát)
Người Hà Nhì chuẩn bị mâm cúng cho nghi thức gọi hồn. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong Tết mùa mưa, các nghi thức, lễ thức chủ yếu diễn ra trong ngày đầu tiên, các ngày tiếp theo diễn ra phần hội. Tuy nhiên, hai năm gần đây, trước tình hình dịch COVID-19, để phòng, chống dịch bà con tổ chức ăn Tết mùa mưa trong thời gian ngắn hơn, các lễ thức cũng diễn ra với quy mô nhỏ hơn, nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ trong phần hội cũng được cắt bỏ. Việc đi thăm, chúc phúc nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong làm ăn kinh tế cũng được người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Trải qua tiến trình lịch sử, quá trình tìm đất khai hoang, định cư, tạo lập bản làng, cộng đồng dân tộc Hà Nhì đã khẳng định được vai trò chủ thể trước hoàn cảnh, môi trường khắc nghiệt của tự nhiên. Đồng thời tạo dựng được những dấu ấn trong quá trình sáng tạo và phát triển văn hóa dân tộc; xây dựng, bảo lưu được các thiết chế bản làng, những tri thức dân gian, tập tục văn hóa độc đáo, mang tính nhận diện văn hóa dân tộc. 

Tết Mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một sản phẩm tinh thần độc đáo của người Hà Nhì, góp vào kho tàng Di sản văn hóa dân tộc Việt Nam một tài sản quý.

(Nguồn: VietNamPlus)

TAGS

Độc đáo Tết Đoan Ngọ của người Thái ở Nghệ An

Hữu Vi |

Trong các cộng đồng người Thái ở Con Cuông (Nghệ An), Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) là một dịp vui trong năm. Đó cũng là một ngày để gợi nhớ công ơn tổ tiên và cho họ hàng sum họp. Ngày này, bà con còn vào rừng hái thuốc nam.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ với những món ăn truyền thống

Thanh Mai |

Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch hay còn được gọi theo tên dân gian là Tết giết sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ và 3 điều cần lưu ý

Thanh Hương |

Các bà nội trợ nên đặc biệt lưu ý 3 điều dưới đây trước khi chuẩn bị cúng lễ Tết Đoan Ngọ.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 gồm có những gì?

Thanh Mai |

Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà có thể chuẩn bị giản dị hơn nhưng cũng cần bày biện một cách tươm tất để thể hiện lòng thành.