Du lịch giữ chân du khách - Bài 1: Kiên quyết xử lý vấn nạn ‘chặt chém’, chèo kéo

Hoàng Tuyết |

Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách nhưng vẫn còn tình trạng "chặt chém" giá, môi trường du lịch ô nhiễm, mất an toàn toàn... Đây là một trong những điểm trừ khiến nhiều du khách “một đi không trở lại”. Vì vậy, để giữ chân du khách cần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn trong lòng du khách.

Bài 1: Kiên quyết xử lý vấn nạn ‘chặt chém’, chèo kéo

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách đặt ra hồi đầu năm. Vì vậy, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế.

Việc đặt mục tiêu cao kỳ vọng sẽ tạo động lực để du lịch Việt Nam bùng nổ, bứt phá trong thời gian sắp tới.

Hàng năm, lượng khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh khá đông.
Hàng năm, lượng khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh khá đông.

Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch bền vững, duy trì đà tăng trưởng cao, ngành du lịch Việt Nam cần tăng cường quảng bá, đi đôi với việc cải thiện chất lượng dịch vụ, cụ thể là kiên quyết chấn chỉnh những hiện tượng "chặt chém", chèo kéo du khách...

Để lại kí ức xấu

Chị Nguyễn Hồng Giang (ngụ Quận 3, TP Hồ Chí Minh) đi du lịch tại Đà Lạt, Lâm Đồng theo dạng tự túc. Chị cho biết, giá dịch vụ ăn uống và đi lại mỗi nơi mỗi khác, nơi đắt nơi rẻ. Cụ thể, một tô phở bò nhiều thịt chỉ có 30.000 đồng; nhưng một bữa ăn đơn giản với cơm, thịt kho, canh rau luộc cho 2 người có giá đến 400.000 đồng. Hay giá thuê xe máy có chỗ 400.000 đồng/ngày, nhưng có nơi thì chỉ 200.000 đồng/ngày.

Tình trạng chặt chém du khách không chỉ xảy ra tại Thành phố Đà Lạt, mà ngay tại TP Hồ Chí Minh cũng diễn ra tương tự, nhất là đón xe taxi tại sân bay và các điểm tham quan du lịch. Điển hình là trường hợp anh Lee Gang, du khách Hàn Quốc, khi đón taxi tại sân bay về khách sạn ở Quận 1, lái xe có bấm đồng hồ tính giá theo số km. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, số tiền này đã được nâng lên 500.000 đồng, thay vì 250.000 đồng theo đúng giá trị như anh đã tham khảo trước đó.

Du khách nước ngoài thường bị chèo kéo mua quả dừa tươi tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3.
Du khách nước ngoài thường bị chèo kéo mua quả dừa tươi tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3.

Anh Lee Gang cho biết: "Khi chiếc xe đỗ trước cổng khách sạn, tôi đã thắc mắc với tài xế, nhưng cuối cùng vẫn phải thanh toán 500.000 đồng, tôi rất bực tức, khó chịu. Trước khi đến Việt Nam, tôi đã có những ấn tượng đẹp với hình ảnh bãi biển hoang sơ, dòng suối hùng vĩ, hay cánh đồng lúa xanh… nhưng chưa kịp trải nghiệm, thì vừa từ sân bay về đã gặp phải chuyện "xấu xí" này".

Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 khi đón 12,6 triệu khách quốc tế.
Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 khi đón 12,6 triệu khách quốc tế.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Becky Chan - TikToker người Đài Loan (Trung Quốc) làm việc ở TP Hồ Chí Minh đã đi thực tế để quay video cảnh báo hành vi của người bán dừa và đánh giày ở khu vực Bảo tàng Chứng tính chiến tranh TP Hồ Chí Minh. 

Trước video của Becky Chan, nhiều du khách nước ngoài cũng đã quay và công bố video về nạn nói thách ở chợ Bến Thành (Quận 1). Cụ thể vào tháng 8/2023, một tiểu thương tại chợ Bến Thành, Quận 1 đã hét giá 3 đôi vớ (tất) lên đến 700.000 đồng và đã được một YouTuber người Nhật quay lại clip, lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Ngày 21/8, Ban quản lý chợ Bến Thành đã ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh này bằng việc rút giấy phép kinh doanh đối với chủ sạp; chấm dứt hợp đồng với người thuê và không cho phép kinh doanh tại chợ.

Thay đổi quản lý để thay đổi cách nhìn du khách

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội cho biết, đối với ngành du lịch, tình trạng "chặt chém", chèo kéo du khách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý mua hàng của khách. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, việc "chặt chém" đa phần xảy ra đối với khách du lịch tự túc, khách đi lẻ (không qua công ty du lịch)… Thực trạng này không chỉ ở Việt Nam mà còn tồn tại ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, điểm khác nhau là sự quan tâm, tầm nhìn của chính quyền tại mỗi quốc gia, mỗi địa phương và quyết tâm giải quyết vấn đề ở mỗi nơi.

"Vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài các biện pháp xử lý mạnh, chúng ta cần quan tâm đến biện pháp dài lâu là nâng cao ý thức người bán hàng, vận động tuyên truyền người dân cùng chung tay xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam...", ông Hoàng Phương nói.

TP Hồ Chí Minh cần xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, an toàn đối với du khách.
TP Hồ Chí Minh cần xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, an toàn đối với du khách.

Tương tự, ông Phan Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Công ty Du lịch Việt cho biết, vấn nạn "chặt chém" du khách tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, xuất phát từ một số cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp làm sai. Tuy nhiên, nếu không khắc phục kịp thời, hành động này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, làm xấu đi bộ mặt văn minh của đất nước. Bởi lẽ, dù trải nghiệm tại điểm đến ở nước Việt Nam rất nhiều ưu điểm, nhưng chỉ cần một điểm xấu còn tồn tại thì hình ảnh của địa phương ấy đã không còn đẹp trong mắt du khách, thậm chí có thể khiến họ tẩy chay, không có ý định quay lại vùng đất ấy một lần nữa.

"Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi, du khách cần học cách tự bảo vệ bản thân để tránh việc mình trở thành nạn nhân của hành vi "chặt chém". Theo đó, khi bước vào nhà hàng, quán ăn hoặc một địa điểm nào đó, chúng ta cần phải hỏi giá cả rõ ràng, thậm chí nên yêu cầu đại diện chủ quán báo giá bằng giấy tờ để làm bằng chứng, tránh tình trạng sử dụng rồi mới khiếu nại giá cả...", ông Phan Anh Vũ cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Markting công ty TST toursit cho biết, để giải quyết tận gốc vấn nạn này, các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa… một cách cụ thể trên trang web du lịch để du khách tham khảo, so sánh giá cả khi cần... Đối với chính quyền, cần thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải cương quyết phạt thật nặng, tước bỏ giấy phép kinh doanh, thậm chí đóng cửa cơ sở và đăng công khai trên các phương tiện truyền thông... Đối với cơ sở kinh doanh, cần tập trung việc tập huấn về cách ứng xử văn minh, phổ biến quy định pháp luật về kinh doanh cho những người buôn bán ở các khu, điểm du lịch, kể cả bán hàng rong để cùng xây dựng hình ảnh Việt Nam đẹp mắt trong du khách.
Các điểm đến tại Việt Nam cần nâng cao dịch vụ, chất lượng... để giữ chân du khách lâu hơn.
Các điểm đến tại Việt Nam cần nâng cao dịch vụ, chất lượng... để giữ chân du khách lâu hơn.

"Thực tế, tình trạng "chặt chém", chèo kéo du khách bắt nguồn từ thực tế đời sống nước ta còn khó khăn. Vì vậy, chính quyền cần đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống cho người dân khó khăn để họ có thể ổn định cuộc sống, không kinh doanh chụp giật, ăn xổi ở thì, từ đó mới thay đổi nhận thức và chung tay cùng giữ gìn hình ảnh du lịch Việt Nam...", ông Nguyễn Minh Mẫn nói.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở đã và đang làm việc chặt chẽ với chính quyền các quận, huyện,  nhất là các quận, huyện có nhiều điểm tham quan, di tích, nhằm kiểm soát việc chấp hành quy định về niêm yết giá, buôn bán trung thực, từ đó hạn chế tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách.

Sở Du lịch cũng yêu cầu các đơn vị lữ hành tăng cường tiếp nhận phản ánh của khách du lịch, kịp thời hỗ trợ du khách và báo với chính quyền địa phương về những trường hợp làm phiền. “Ở các điểm đến du lịch, chúng tôi bố trí lực lượng thanh niên xung phong kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ du khách. Do số lượng điểm đến hiện nay khá nhiều nên lực lượng trật tự viên du lịch không thể có mặt ở mọi nơi. Tuy vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách qua nhiều kênh để kịp thời can thiệp, hỗ trợ du khách tốt nhất”, ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết thêm. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, hiện tượng chặt chém, lừa đảo du khách trong và ngoài nước đã tồn tại nhiều năm nay. Nguyên nhân là do công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý … Trong khi đó, hình thức chế tài chỉ là phạt tiền nên chưa đủ sức răn đe. Những vấn nạn chặt chém, chèo kéo du khách đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp xử lý theo hướng vừa răn đe vừa giáo dục cho cộng đồng, tăng các hình thức chế tài, xử lý những hành vi vi phạm...

Bài 2: Liên kết hàng không để có nhiều ưu đãi cho du khách

(Nguồn: Báo Tin tức)

TAGS

Soi mặt dòng Sê pôn

Phạm Xuân Hùng |

Dọc miền biên ải từ Bắc chí Nam, tôi hay dừng lại ở những thị trấn ven sông, nhất là những dòng sông phân định ranh giới quốc gia. Cái cảm giác bồi hồi khi đất dưới bàn chân ta chính là quê hương bản quán, vậy mà tầm mắt ta nhìn ra phía trước, bên kia dòng sông lại là một xứ sở khác, con người với tiếng nói và dòng máu khác. Sông thì vẫn chảy ngàn đời. Những thị trấn ven sông ở vùng biên giới vì thế luôn có vẻ đẹp lạ lẫm, cuốn hút.

Triển lãm 'Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam' sẽ diễn ra tại Điện Biên

Thanh Giang |

Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” sẽ diễn ra tại Điện Biên từ ngày 20-24/5.

Xu hướng du lịch tự túc đang trở nên phổ biến

Tú Linh |

Nhờ hỗ trợ của công nghệ thông tin, du lịch tự túc đang trở thành xu hướng được yêu thích lựa chọn. Đặc biệt đối với giới trẻ, họ chọn đi du lịch tự do theo gia đình hoặc nhóm bạn để có những khám phá, trải nghiệm thú vị.

Hướng Hóa phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội

Khánh Ngọc |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có nhiều di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng được du khách trong nước và thế giới biết đến như Nhà tù Lao Bảo, Sân bay Tà Cơn, Cứ điểm Làng Vây... Đặc biệt, di tích xếp hạng cấp quốc gia Sân bay Tà Cơn gắn với chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đã ghi dấu ấn trong lịch sử là thất bại thảm hại nhất của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam ở thế kỷ XX. Đây là lợi thế của huyện Hướng Hóa để khai thác, phát huy giá trị các di tích trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng về văn hóa, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.