Du lịch Việt Nam chuẩn bị đón khách Trung Quốc

PV |

Toàn ngành Du lịch đang rất vui mừng trước thông tin: Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc chính thức hủy bỏ việc kiểm dịch tập trung và xét nghiệm COVID-19 với khách quốc tế đến nước này. Du khách không phải nộp đơn xin mã y tế tại các đại sứ quán Trung Quốc trước khi khởi hành.

Rất nhiều đơn vị lữ hành, các địa phương đã nhanh chóng bắt tay triển khai kế hoạch đón khách Trung Quốc vào Việt Nam và đưa khách đi Trung Quốc du lịch. Điều này là rất cần thiết bởi lẽ Trung Quốc là thị trường khách lớn của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới.

Thị trường quan trọng, khách chi tiêu cao

Trước thông tin Trung Quốc mở cửa du lịch từ ngày 8/1/2023, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt NamVũ Thế Bình cho biết, toàn ngành Du lịch đang vui mừng và đây chính là tín hiệu giúp ổn định dòng khách quốc tế. Bởi lẽ, Trung Quốc luôn luôn là thị trường khách lớn của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

 

Theo nghiên cứu của ngành Du lịch, trong khoảng 1 thập kỷ qua, Trung Quốc là một thị trường nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng với khu vực châu Á và thế giới. Lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng từ 10,5 triệu lượt (năm 2000) lên 150 triệu lượt (năm 2018). Mức tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm. Châu Á đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất về lượng khách quốc tế trong giai đoạn 2000-2018, trong đó phần lớn là đóng góp của khách từ Trung Quốc - thị trường nguồn hàng đầu thế giới. Quan trọng hơn cả là liên tục trong nhiều năm, Trung Quốc giữ vị trí số 1 thế giới về tổng mức chi tiêu cho đi du lịch nước ngoài.

Theo số liệu Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Trung tâm Nghiên cứu kinh tế du lịch toàn cầu (GTERC) đã công bố: Năm 2018, chi tiêu của khách Trung Quốc đi nước ngoài đạt 277 tỷ USD (tăng 5,2% so với năm 2017), chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của khu vực châu Á, chiếm 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của thế giới.

Đáng lưu ý, khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 USD/chuyến đi. Với mức chi tiêu này, Trung Quốc nằm trong nhóm đầu các nước nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Australia (3.370 USD/chuyến) và Singapore (2.440 USD/chuyến). Từ năm 2019, dòng khách Trung Quốc đi các quốc gia trên thế giới đều đã giảm đáng kể. Trung Quốc, dù vẫn là thị trường chi tiêu cho du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới với 254,6 tỷ USD năm 2019 nhưng đã giảm 4,2% so với năm 2018, chủ yếu do kinh tế trong nước khó khăn…

Với Việt Nam, khách Trung Quốc vốn là thị trường quan trọng. Trong giai đoạn 2015 - 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Năm 2019, Trung Quốc vẫn là dòng khách du lịch lớn nhất với 5,8 triệu lượt. Thời điểm trước dịch năm 2019, trong số 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam thì có tới khoảng 6 triệu khách Trung Quốc, hầu hết đi theo các chuyến charter tới Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long. Mỗi ngày, các tỉnh miền Trung có thể đón khoảng 50 - 70 chuyến charter đưa khách Trung Quốc tới.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, đối với Việt Nam, thị trường khách Trung Quốc luôn chiếm tỉ lệ 28-30% trong tổng lượng khách quốc tế đến. Năm 2017, Việt Nam đón hơn 4 triệu lượt khách Trung Quốc trong tổng số gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 48,6% so với năm 2016. Các địa bàn đón khách Trung Quốc chủ yếu là Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Tại Khánh Hòa, lượng khách Trung Quốc chiếm tới 60% tổng lượng khách quốc tế đến, còn tại Đà Nẵng và Quảng Ninh lần lượt là 30% và 20%.

Tuy vậy, mức chi tiêu của khách Trung Quốc ở Việt Nam chưa được cao. Theo điều tra năm 2017 của Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình khoảng 897,4 USD/chuyến đi Việt Nam, trong đó khoảng 32% chi cho lưu trú (chưa bằng 50% so với chi tiêu bình quân trên 1 chuyến đi của người Trung Quốc năm 2019) dù mỗi năm đều có xu hướng tăng lên...

Đón cơ hội

Trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị đón khách Trung Quốc trở lại, ngành Du lịch Việt Nam đang kỳ vọng sẽ đón một lượng lớn khách từ thị trường này. Do đó, ngay sau khi nghe thông tin về Trung Quốc mở cửa du lịch, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã nhanh chóng lên kế hoạch đón dòng khách này.

Thành phố Móng Cái và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) trước dịch COVID-19 cũng là những nơi đón lượng khách Trung Quốc khá lớn. Năm 2019, khách Trung Quốc tới Quảng Ninh đạt gần 1,5 triệu lượt trong tổng số hơn 5,8 triệu lượt (chiếm 32,7% tổng khách quốc tế) của cả nước.

Năm 2019, Khánh Hòa đón hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế, nhiều nhất từ Trung Quốc với hơn 2 triệu lượt, Nga thứ hai với gần 500.000 lượt. Khi đó mỗi ngày sân bay quốc tế Cam Ranh đón hơn 30 chuyến bay từ Trung Quốc, 6 - 7 chuyến từ Nga…

Tại hội thảo mới đây về "Hợp tác Hàng không - Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu", Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh chia sẻ: Đối với thị trường Trung Quốc, hiện hãng Hàng không Vietjet và hãng Hàng không China Southern (CZ) đã có kế hoạch khai thác lại từ 26/3/2023. Nếu theo như kế hoạch, số chuyến bay quốc tế từ 26/3 trở đi sẽ đạt trung bình 30 chuyến bay đi và 30 chuyến bay đến/ngày. Cùng với đó, Vietnam Airlines dự kiến bắt đầu khai thác các chuyến bay từ thị trường Trung Quốc vào 1/6/2023.

Mới đây, UBND thành phố Móng Cái đã có văn bản gửi các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch và Câu lạc bộ lữ hành 5328 Móng Cái về việc chuẩn bị đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán và khi Cửa khẩu quốc tế Móng Cái mở lại hoạt động xuất nhập cảnh cho du khách. Các thành viên trong nhóm đã sẵn hàng trăm phòng lưu trú, nguồn nhân lực, các cơ sở mua sắm, nâng cấp các nhà hàng, khách sạn, điểm thăm quan. Đồng thời, sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp du lịch Trung Quốc để đón khách đến…

Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng đã sẵn sàng đón khách Trung Quốc đến Việt Nam trong thời gian tới. Ông Cao Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Paradise Vietnam cho biết: Xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm, ngay từ trong giai đoạn dịch, Paradise Vietnam đã tích cực duy trì quan hệ hợp tác, cập nhật thông tin với các đối tác du lịch chuyên thị trường nói tiếng Trung để sẵn sàng đón dòng khách này khi Trung Quốc mở cửa du lịch.

Để sẵn sàng phục vụ dòng khách Trung Quốc quay trở lại Việt Nam vào đầu năm 2023 tới, Paradise Vietnam đã chủ động triển khai quảng bá các dòng sản phẩm gồm lưu trú khách sạn cho khách lẻ và đoàn khách MICE, du thuyền khám phá vịnh Hạ Long, Lan Hạ như hải trình 2 - 3 ngày trên du thuyền 31 cabin cao cấp Paradise Elegance, du thuyền 39 cabin cao cấp Paradise Grand, du thuyền gỗ cổ điển Paradise Sails, Paradise Peak..

Đơn vị này dự kiến đưa vào vận hành siêu du thuyền nhà hàng Paradise Delight 5 sao chuẩn quốc tế với sức chứa 360 khách cùng trải nghiệm ẩm thực fine - dining, xem show diễn thực cảnh, hứa hẹn trở thành lựa chọn yêu thích của dòng khách Trung Quốc vốn yêu thích hoạt động tham quan kết hợp giải trí, ẩm thực.

Ngoài triển khai nhiều sản phẩm mới và đẩy mạnh quảng bá, Paradise Vietnam lên kế hoạch tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại Trung Quốc để tăng cường trao đổi, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác du lịch tại quốc gia này nhằm thúc đẩy khách du lịch Trung Quốc đến Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông Lê Công Năng, Giám đốc Công ty Du lịch Wondertour chia sẻ, không chỉ các đơn vị du lịch lữ hành mà cả khách du lịch cũng mong chờ Trung Quốc mở cửa du lịch từ ngày 8/1- thời điểm khá cận Tết Nguyên đán.

Ông Lê Công Năng chia sẻ: Vào giữa năm 2020, khảo sát của Tập đoàn tư vấn khách sạn C9 Hotelworks và Delivering Asia Communications (DAC) thống kê nhu cầu du lịch nước ngoài của hơn 1.000 người đủ điều kiện từ các thành phố lớn tại Trung Quốc có gần 500 người có kế hoạch du lịch nước ngoài, trong đó có hơn 200 người dự định đến Việt Nam. Những điểm đến khách Trung Quốc muốn ghé thăm nhất tại Việt Nam lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Cam Ranh, Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận, Mũi Né, Phú Quốc và Đà Lạt.

Do đó, ngoài những tour du lịch phổ thông, Wondertour có kế hoạch mở tour du lịch sức khỏe dành riêng cho khách người Trung Quốc gồm các chương trình du lịch thể thao với sản phẩm tour xe đạp và chạy bộ với chặng ngắn tại Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng hoặc tour thăm khám sức khỏe kết hợp các hoạt động tắm khoáng, xông hơi, trị liệu.

Bên cạnh đó, công ty này chu đáo chuẩn bị các tour đi Trung Quốc dành cho người Việt Nam có nhu cầu. Hiện tại, Wondertour nhận được nhiều yêu cầu tư vấn du lịch Trung Quốc từ khách lẻ và yêu cầu nhận gửi khách từ các đối tác đại lý du lịch. Tuy nhiên, giống như nhiều công ty lữ hành khác, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức khách du lịch vào Trung Quốc.

Đầu tiên là khó khăn về tâm lý, khách hàng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến an toàn khi du lịch đến Trung Quốc trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước này vẫn đang cao. Điều này kéo theo sự mất tự tin của doanh nghiệp lữ hành trong việc gom khách đủ cho các đoàn khởi hành.

Khó khăn nữa đến từ các đối tác cung ứng dịch vụ phía bạn, bởi chỉ khi thông tin Trung Quốc mở cửa chính thức, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nước này mới trở lại vận hành. Các đơn vị lữ hành cần thời gian sắp xếp dịch vụ và lên lịch khởi hành bảo đảm an toàn tour, đặt tình trạng tour ở mức rủi ro thấp nhất. Thêm nữa là, thời điểm 8/1/2023 khá cận Tết nguyên đán Quý Mão nên hầu hết khách du lịch đi quốc tế tiềm năng đều đã có kế hoạch du lịch của mình. Vậy nên phải từ tháng 3/2023, khách Việt Nam đi Trung Quốc mới có thể sôi động trở lại...

Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch (8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu khách du lịch nội địa). Tổng thu từ khách du lịch kỳ vọng đạt khoảng 650.000 tỉ đồng. Với sự mở cửa trở lại của Trung Quốc - thị trường du lịch hàng đầu thế giới thì mục tiêu này của du lịch nước ta có thể sẽ hoàn thành.

(Nguồn: Ngày Nay)

TAGS

Những món ăn đón năm mới ở các quốc gia trên thế giới

Thanh Mai |

Các phong tục ẩm thực truyền thống trong dịp Tết của các quốc gia luôn đa dạng với nhiều ý nghĩa khác nhau.

Việt Anh, cô gái của những dự án vì cộng đồng

Tú Linh |

Trò chuyện với Lê Thị Việt Anh, học sinh lớp 12A7, Trường THPT thị xã Quảng Trị, chúng tôi rất ấn tượng khi được biết em là nhà sáng lập và đồng sáng lập nhiều dự án cộng đồng nổi tiếng, được các bạn trẻ đánh giá cao, trong đó có dự án VANG. Đây là một dự án phi lợi nhuận có “tên tuổi” của Việt Nam nhằm cung cấp cơ hội hoạt động ngoại khóa và đồng hành với học sinh mọi miền đất nước trong việc phát triển kỹ năng lãnh đạo.

Lộ diện cơ quan mới trên mặt người

PV |

Phát hiện này rất quan trọng trong việc điều trị ung thư, vì xạ trị có thể gây biến chứng với những bộ phận mới như vậy.

Địa chỉ tin cậy của người dân vùng biên

Lê An |

Đóng quân trên địa bàn huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), bên cạnh việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 337 còn là địa chỉ tin cậy của hàng ngàn hộ dân tại 5 xã Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập.