Giữ gìn hội vật 500 năm tuổi

Hiếu Giang |

Bền bỉ trao truyền qua các thế hệ, hội vật truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm ở thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), được giữ gìn nguyên vẹn cho đến nay. Hội vật truyền thống đặc sắc lâu đời này đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi một người dân miền biển bãi ngang này. Rằm tháng Giêng mỗi năm, hội lại được tổ chức trong sự háo hức, đợi mong của đông đảo người dân địa phương và các đô vật.


Sôi nổi hội vật thôn Trung An

Ngày rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn - 2024, bên bờ biển thôn Trung An, trong tiết trời nắng nhẹ đầu năm mới, hội vật truyền thống thường niên của làng lại được tổ chức.

Hội vật diễn ra trong thanh âm thúc giục rộn rã của trống, của cờ hội tung bay với sự cổ vũ sôi nổi của đông đảo người dân địa phương. Sau phần lễ cúng sân vật với lễ vật đơn giản bao gồm các loại giấy áo, hoa quả, hội vật chính thức được bắt đầu. Sới vật là một khoảng đất cát trắng thoáng rộng ngay trước miếu âm hồn làng, xung quanh được chắn bằng rào tre và những sợi dây thừng.

Ông Trương Văn Ba, trưởng làng Trung An cho biết, trước đây các đô vật tham gia hội phải là người các họ tộc hay gia đình trong thôn. Nhưng hiện nay, đối tượng tham gia hội vật được mở rộng ra cả xã, cả huyện. Thành phần tham gia thi đấu bao gồm người ở khắp nơi về dự hội, không quy định độ tuổi, hạng cân.

Hội vật truyền thống thôn Trung An thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ - Ảnh: Đ.V
Hội vật truyền thống thôn Trung An thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ - Ảnh: Đ.V

Sau hiệp đấu khai hội mang tính nghi thức của hai bậc cao niên trong làng là cuộc thi tài của thiếu nhi, kế đến là các hiệp đấu của người lớn. Ngày xưa, người nào vật thắng tất cả các trận thì mới được giải, nhưng hiện nay người dân có quy định lại là người nào thắng liên tục 4 trận sẽ giành chiến thắng. Nếu có nhiều người thắng thì sẽ vào vật vòng chung kết và trao giải nhất, nhì.

Những người có tham gia đấu vật nhưng không chiến thắng cũng được ban tổ chức trao quà, người dân bên ngoài trao thưởng nhằm khuyến khích, động viên tinh thần hăng hái tham gia hội.

Người giành giải nhất cuộc thi sẽ được giải thưởng giá trị nhất. Buổi tối sau ngày thi đấu đó, người chiến thắng mang giải thưởng và cờ, mua thêm 1 dĩa cau trầu, rượu, vàng bạc đến cúng miếu ngư Ông, báo cáo về chiến thắng của mình trong hội vật, sau đó treo cờ tại miếu và mang giải thưởng về.

Trở lại hội vật, trong tiếng trống, tiếng hò reo rộn rã của đông đảo người xem hội, các đô vật ra sức thi tài. Từng mảng, miếng vật độc đáo đầy sức mạnh cơ bắp được thể hiện. Có những cặp đấu diễn ra vô cùng gay cấn với miếng vật đặc sắc, hấp dẫn, hất tung những vệt cát trắng xóa dưới ánh nắng.

Gìn giữ truyền thống

Đô vật Trương Văn Thắng (17 tuổi) với dáng vẻ vạm vỡ, khôi ngô sau 2 trận thắng liên tiếp dường như đã cạn kiệt sức lực và chịu thua đối thủ thứ 3. Ngồi nghỉ mệt dưới gốc phi lao, Thắng cho biết mình đã tham gia vật truyền thống hằng năm từ hồi lên 9 -10 tuổi.

“Hầu như năm nào em cũng tham gia thi đấu. Thi đấu vật vừa rèn luyện sức khỏe, vừa góp phần giữ gìn hội vật truyền thống của các thế hệ cha ông. Hy vọng những năm sau em sẽ đạt được thành tích tốt hơn”, Thắng vui vẻ nói.

Các đô vật quyết tâm thi đấu tại hội vật thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V
Các đô vật quyết tâm thi đấu tại hội vật thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V

Mỗi trận đấu vật diễn ra bình quân từ 5-7 phút, có trận có cặp đấu cân bằng thì kéo dài hơn. Trong sới vật, các đô vật quyết tâm thi đấu. Cát, mồ hôi đầm đìa trên những thân hình khỏe khoắn của trai tráng miền biển. Bên ngoài, mọi người hò reo cổ vũ cho đô vật là bạn bè, người thân của mình một cách hào hứng.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, người dân thôn Trung An, chia sẻ: “Mỗi năm ai cũng mong đến ngày rằm tháng Giêng để được dự lễ cầu ngư, hội vật truyền thống của làng mình. Tôi dù thường xuyên đi làm ăn ở xa nhưng có dịp về nghỉ Tết thế nào cũng nán lại xong lễ hội truyền thống của làng mới rời quê. Được hòa mình vào không khí sôi nổi, thắm tình làng xóm như thế này, tôi cảm thấy rất vui vẻ, xúc động”.

Theo các bậc cao niên, hội vật truyền thống thôn Trung An đã ra đời 500 năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng người dân vẫn lưu truyền, gìn giữ hội vật như một gia sản quý báu và là một thành tố quan trọng không thể thiếu trong lễ cầu ngư của làng Trung An, xã Hải Khê. “Chưa bao giờ hội vật gián đoạn, năm nào cũng tổ chức quy mô, sôi nổi. Chỉ có năm 2020 khi COVID-19 bùng phát, làng chỉ tổ chức tượng trưng vài cặp thi đấu để duy trì. Hội vật đã ăn sâu vào máu thịt của bà con dân làng Trung An”, ông Ba nói.

Mong cầu an yên, no ấm

Trước hội vật, làng Trung An đã thành kính tổ chức lễ cầu ngư với ý nghĩa: cầu an - mong cầu mọi điều bình yên; cầu tài - cầu cho con dân của làng hành nghề trên biển đánh bắt hải sản được mùa và làm ăn thuận lợi với các ngành nghề khác.

Theo ông Trương Văn Ba, lễ cầu ngư làng Trung An là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian của một làng nghề - nghề biển, có nguồn gốc từ lâu đời và truyền lưu qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Đây là lễ hội mang hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gần gũi với đời sống của ngư dân. Cũng như ở các làng ven biển Quảng Trị, lễ cầu ngư thôn Trung An được hình thành từ lâu và được tổ chức nhằm tưởng nhớ ơn đức của ngư Ông, ngư Bà, cầu mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, làng xã ấm no, bình an.

Ngoài ra, lễ cầu ngư còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nơi giáo dục tình yêu quê hương đất nước, gắn kết cộng đồng, tôn vinh sức mạnh của ngư dân. Mỗi dịp tổ chức lễ hội cũng là cơ hội để những ngư dân can trường trong sóng gió khẳng định niềm tin sắt đá, ý chí vững vàng vượt qua mọi thử thách để làm chủ vùng biển quê hương và vươn lên làm giàu từ biển.

Các đô vật quyết tâm thi đấu tại hội vật thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V
Các đô vật quyết tâm thi đấu tại hội vật thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V

Hằng năm, sau tết Nguyên đán, trên địa bàn xã diễn ra lễ cầu ngư, hội vật truyền thống, không chỉ ở thôn Trung An mà ở cả thôn Thâm Khê. Đây là nét văn hóa truyền thống độc đáo lâu đời, thể hiện khát vọng bình an, ấm no của người dân địa phương. Thời gian qua, các thôn đã duy trì tổ chức rất tốt các lễ hội này, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Chúng tôi mong rằng, các thôn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa như miếu âm hồn, miếu cá Ông, sân đấu vật... để có điều kiện tốt hơn trong việc bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của địa phương.

Chủ tịch UBND xã Hải Khê Trần Kim Cương

“Lễ cầu ngư là dịp để thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng; khơi dậy, truyền dẫn ý thức nhớ về nguồn cội, tổ nghề và những người đã có công lao với làng, với nước. Ngoài ra, đây cũng là dịp làng tổ chức cúng tế cho các linh hồn phiêu bạt đã ký thác lại ở mảnh đất của làng và trang trọng tổ chức lễ cúng ở miếu thờ ngư Ông”, ông Ba cho biết.

Đặc biệt, năm nay nhờ sự chung sức đồng lòng đóng góp từ bà con dân làng, người xa quê mà miếu âm hồn của làng đã được xây dựng khang trang với trị giá hàng trăm triệu đồng, giúp việc thờ phụng tươm tất, trang trọng hơn. Cũng theo lời ông Ba, dân làng Trung An có nguyện vọng tiếp tục xây dựng miếu thờ ngư Ông trong thời gian tới và mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ thôn xây dựng một sới vật đàng hoàng, quy mô hơn để có điều kiện nâng tầm hội vật truyền thống.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tích cực chuẩn bị Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024

Tú Linh |

Chỉ còn gần 4 tháng nữa là chính thức khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024. Đây là lễ hội đầu tiên về chủ đề này được tỉnh Quảng Trị tổ chức có quy mô quốc gia. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Quảng Trị đang triển khai nhiều nội dung công việc chuẩn bị khẩn trương cho lễ hội.

Hướng đến Lễ hội Vì Hòa bình

Tú Linh |

Lễ hội Vì Hòa bình ngoài mục đích tôn vinh giá trị hòa bình bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, kêu gọi mọi người cùng chung tay gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình còn là sản phẩm du lịch mới của Quảng Trị nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy KT-XH phát triển. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất để lễ hội được diễn ra một cách hoàn hảo nhất.

Lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa thông qua “Tuần lễ áo dài” năm 2024

Thu Hạ |

Từ ngày 1/3 - 8/3, cùng với phụ nữ cả nước, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2024 do Hội LHPN Việt Nam phát động nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Lễ Hội Vì Hòa bình tại Quảng Trị năm 2024: Bộ Ngoại giao sẽ đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO truyền tải thông điệp “Vì Hòa bình”

Đình Thi |

Ngày 7/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao (Hà Nội), đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao về công tác tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 tại Quảng Trị. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; lãnh đạo Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO; Vụ Thông tin báo chí; Cục Lễ tân nhà nước và một số đơn vị liên quan làm việc với đoàn.