BÀI DỰ THI TÌM HIỂU VỀ "VĂN HÓA ẨM THỰC TRÊN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG – TÂY (EWEC)":

Keng nọ mày - món canh ước vọng về sự trù phú của người Lào

Phan Duy Tình |

Có những món ngon mà khi thưởng thức, cả người ăn, món ăn và thiên nhiên cần đến sự hòa hợp. Có như vậy hiệu ứng hương vị và tâm hồn thưởng thức, khám phá mới được thăng hoa. Và "keng nọ mày"- canh măng, món ăn dân dã truyền thống của người Lào là một trong những món ngon mang đậm nét ẩm thực đặc trưng kiểu như vậy.

Tôi may mắn được đến nhiều vùng miền trên đất nước bạn Lào. Từ những thành phố ồn ào rồi lặn lội đến những bản làng hoang vu; từ những cánh rừng nguyên sinh xuôi về những đồng bằng bình yên trù phú. Đến đâu tôi cũng luôn được chào đón bằng lòng hiếu khách, sự chất phác và tính giản dị của đại đa số người dân Lào. Họ luôn trìu mến và chân thành trong từng món ăn mỗi khi đãi khách.

 
Nguyên liệu để làm món
Nguyên liệu để làm món "keng nọ mày" (canh măng)

Năm trước, tôi có dịp lưu lại ở huyện Mường Phìn (tỉnh Savannakhet) một thời gian khá lâu. Đúng vào mùa mưa nên ruộng đồng tươi tốt, cây cối xanh tươi mơn mởn. Trong hai mùa mưa nắng ở xứ Lào thì người dân vẫn luôn hồ hởi khi những cơn mưa trắng đầu tắm cho màu xanh tươi mát. Bởi lúc này chính là thời điểm mà nguồn thức ăn tự kiếm hết sức phong phú.

Tôi được mẹ Nàng (gia đình tôi xin tá túc) cho đi cùng ra đồng thăm ruộng và "săn bắt hái lượm". Sau khi hoàn thành một số việc ở ruộng lúa, về chòi canh ven ruộng, bằng giọng Việt sành sỏi, mẹ bảo trưa nay mẹ sẽ khao tôi món keng nọ mày, một món ăn truyền thống có từ xa xưa của dân tộc Lào. Nói rồi mẹ bắt tay ngay vào công việc chế biến. Tôi quan sát và thấy rằng, nguyên liệu chính dùng để nấu món canh này hoàn toàn tự kiếm trong ruộng, vườn như bí, mướp, ớt... và một số thì hái lượm, bắt từ "mẹ thiên nhiên" như măng, nấm, cua đồng, dế....

Nguyên liệu chính là măng
Măng cũng là một trong những nguyên liệu chính để làm nên món "keng nọ mày"

Để chế biến thành món ăn này thì lại hết sức công phu và có phần phức tạp. Đầu tiên xương heo được hầm lấy nước, tiếp theo cho nguyên liệu cứng như măng, bí vào để hầm, sau đó mới tiếp tục cho các nguyên liệu mềm như nấm, cua đồng, dế. Tuy nhiên, thứ để quyết định món ăn này lại phụ thuộc vào hai loại rau đó là phắc cà nheng (rau ngổ dại) và phắc nhà nang, một thứ rau dại mọc ven rừng. Hai loại rau này được cho vào cối giã nhuyễn, tạo thành một hỗn hợp màu xanh sền sệt, sau đó được đổ vào nồi canh.

 
Màu xanh sền sệt hai loại rau đó là phắc cà nheng (rau ngổ dại) và phắc nhà nang, một thứ rau dại mọc ven rừng


Buổi trưa, khi các con mẹ đã tập trung đông đủ, mâm cơm được dọn ra. Rất nhiều các loại rau lạ được hái từ rừng, cá nướng được bắt từ suối, cheo ớt nướng cay nồng và nồi canh măng bốc khói. Nhìn thật giản dị và "hoang sơ" nhưng tính hấp dẫn vẫn khiến một người "ngoại tộc" như tôi khó có thể kìm lòng được. Vừa lấy thức ăn cho tôi, mẹ Nàng vừa giải thích rằng người Lào có truyền thống ăn bốc. Lương thực chủ yếu là xôi nếp nên thức ăn phù hợp vẫn là đồ nướng, món khô. Vì thế canh măng Lào cũng khác với các loại canh của các nước khác. Keng nọ mày phải nấu cho sền sệt để khi ăn với xôi dễ quệt và chấm. Mẹ kể thêm, có nhiều người đến đất Lào làm ăn buôn cũng quen ăn bốc như dân bản địa. Tuy nhiên, vì chưa hiểu hết "nguyên tắc" nên khi ăn thường thể hiện những động tác sai. Chẳng hạn người Lào chỉ nhón và vo một miếng xôi đủ miếng để chấm trước khi đưa vào miệng. Trong khi đó, người Việt thì lại vo luôn cả nắm và chắm nhiều lần vào chén cheo. Mẹ nói ăn như vậy thiếu lịch sự mà lại mất vệ sinh...

 

Đi trên dặm dài đất nước Triệu Voi để mưu sinh, bao nhiêu món ngon xứ này đều được trải nghiệm nhưng keng nọ mày luôn làm tôi "xao xuyến". Bởi vị bùi của bí, vị ngọt của măng, vị cay của ớt, vị thơm lừng của rau dại và vị béo ngậy của cua đồng như một bản biến tấu của gia vị. Đôi lúc nghĩ về nó, mỉm cười hạnh phúc khi chợt nhớ đến lời giải thích của mẹ, rằng màu xanh của keng nọ mày tượng trưng cho ước vọng của người dân Lào về sự tốt tươi trù phú.

Cuộc thi tìm hiểu về “Văn hoá ẩm thực trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC)” do Xanh EWEC tổ chức, nhận bài đến hết ngày 30/9/2020.

Cuộc thi nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh về văn hoá, con người của các địa phương trên tuyến hành lang Kinh tế Đông – Tây thông qua những món ẩm thực nổi tiếng. Qua đó phát hiện, quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối giao lưu giữa các địa phương.

Bài dự thi gửi qua email: xanhewec@gmail.com; Số điện thoại liên hệ: 0906.519.234 – 0976.347.976.

Chi tiết cuộc thi: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/tim-hieu-ve-van-hoa-am-thuc-tren-hanh-lang-kinh-te-dong--tay-2344.html

TAGS

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp Chăm cổ Hòa Lai

PV |

Cụm tháp Hòa Lai (xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) được xây dựng từ khoảng giữa thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX.

Đảo Bồng Lai – hồ Tịnh Tâm chính thức đón khách

Võ Nhân |

Sau nhiều tháng trùng tu, chỉnh trang tạo cảnh quan sạch đẹp, ngày 2/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã bắt đầu đón khách đến vui chơi, thưởng ngoạn ở đảo Bồng Lai – hồ Tịnh Tâm.

Mê mẩn với Pù Luông của xứ Thanh

Tuấn Minh |

Pù Luông được ví như một Tây Bắc thu nhỏ của xứ Thanh bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, là một trong những điểm du lịch hút khách bậc nhất tại địa phương này trong những năm qua nhờ có cảnh đẹp mê đắm lòng người.

Là người Việt nhất định phải biết nguồn gốc tên gọi 63 tỉnh thành Việt Nam

Nguyen Thien |

Nguồn gốc 63 tỉnh thành Việt Nam