Khôi phục du lịch nội địa: Ưu tiên xây dựng sản phẩm du lịch 'xanh'

X.M |

Để thích ứng và chuẩn bị sẵn sàng khôi phục các hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới, các số Du lịch, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) cùng với các hiệp hội du lịch lên kế hoạch về tổ chức du lịch theo tiêu chí 'xanh', trước mắt thí điểm nội tỉnh.

Xây dựng tiêu chí du lịch “xanh”

Diễn biến của dịch COVID-19 lần thứ 4 đã thay đổi nhiều về cách thức đi du lịch cũng như việc tổ chức tour. Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, đợt dịch thứ tư khiến ngành du lịch gần như "chạm đáy", nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Qua 4 lần bùng dịch, với những người làm du lịch đang hình thành 2 xu hướng: Đợi dịch khống chế hẳn hoặc đủ điều kiện cho phép hoạt động mới quay trở lại vì những lần trước khi dịch tạm lắng, các doanh nghiệp đầu tư rồi lại phải dừng gây tốn kém. Xu hướng thứ hai là doanh nghiệp chấp nhận tổ chức tour theo nhu cầu của khách, nhưng thắt chặt các điều kiện về an toàn phòng dịch.

Du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình sẽ là xu hướng du lịch nội địa trong thời gian tới.
Du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình sẽ là xu hướng du lịch nội địa trong thời gian tới.

“Với diễn biến phức tạp của đợt dịch này, các đơn vị kinh doanh du lịch xác định hoạt động du lịch sẽ còn gặp nhiều khó khăn và cần tìm giải pháp phù hợp trong bối cảnh "tình hình mới" khi dịch có thể vẫn kéo dài, còn xuất hiện những ca F0”, ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.

"Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội, diễn biến dịch đã được kiểm soát tốt hơn, nhiều hoạt động giãn cách đã được nới lỏng, trong đó có không ít địa phương cho phép hoạt động du lịch nội tỉnh, chuẩn bị phương án đón khách ngoại tỉnh và khách quốc tế. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bắt tay chuẩn bị kế hoạch để phục hồi thị trường, từng bước kích hoạt các hoạt động dịch vụ đã bị "đóng băng" từ nhiều tháng nay. Chương trình "Du lịch xanh – xanh" đang được một số công ty lữ hành Hà Nội xây dựng dựa trên yếu tố an toàn", ông Phùng Quang Thắng cho biết.

Cụ thể, các tiêu chí xanh được Hội Lữ hành Hà Nội xây dựng để lấy ý kiến các thành viên và cơ quan quản lý du lịch địa phương như: Khách du lịch phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi di chuyển ngoại tỉnh; doanh nghiệp "xanh" (lực lượng lao động kinh doanh du lịch của đơn vị đã được tiêm đủ vaccine, có năng lực tổ chức tour an toàn); chuỗi dịch vụ "xanh" (các sản phẩm, dịch vụ như: Hình thức du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, điểm đến bảo đảm khép kín, biệt lập, an toàn)...

Trên tiêu chí du lịch xanh, một số công ty du lịch đã xây dựng sản phẩm để đề xuất với Sở Du lịch mang tính thí điểm. Ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourít cho biết: Hiện đơn vị khảo sát, giới thiệu 5 sản phẩm du lịch theo tiêu chí xanh trong thời gian tới như: Tour caravan, MICE, tour mùa thu, dịch vụ homestay và dịch vụ khách sạn an toàn. Trong đó, điểm nhấn là tour caravan di chuyển bằng xe cá nhân tự lái về thăm Đường Lâm - Làng cổ đất hai vua (Hà Nội), Hoa Lư - Cố đô nghìn năm (Ninh Bình), Đông Tây Bắc - Tuyệt tác vùng cao và Sa Pa - Vừa quen vừa lạ. Trong đó tour Đường Lâm một ngày với giá dự kiến 690.000 đồng/khách là mẫu thí điểm được công ty trình cơ quan thẩm quyền xem xét và triển khai sớm. Bên cạnh đó là kết nối với 23 homestay khu vực Hà Nội.

Còn VietFoot Travel giới thiệu sản phẩm tour đạp xe, được xem là phù hợp với mọi lứa tuổi và xu hướng du lịch gắn liền bảo vệ sức khỏe. Cụ thể sẽ có tour vòng quanh Hà Nội kéo dài nửa ngày, tham quan các di tích, tòa nhà, bức tượng nổi tiếng thành phố để tìm hiểu ý nghĩa lịch sử và len lỏi trong những cung đường phù hợp với xe đạp.

“Nếu điều kiện cho phép thì sẽ tổ chức các tour từ Hà Nội đi Piềng Vế (Hòa Bình) - Pù Luông (Thanh Hóa); Hà Nội - Ninh Bình - Nam Định; Hà Nội - Hà Giang với những thách thức để du khách khám phá giới hạn bản thân”, đại diện VietFood Travel cho biết.

Thí điểm một số tour

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đang hoàn chỉnh kịch bản hoạt động kinh tế theo diễn biến dịch COVID-19, trong đó có hoạt động du lịch. Thời gian vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng điểm "lưu trú xanh" dành cho khách cách ly tại các khách sạn được lựa chọn làm nơi cách ly tập trung. Tới đây, trên các tiêu chí về phòng dịch, Sở sẽ triển khai việc kết nối các "điểm du lịch xanh" với những "doanh nghiệp lữ hành xanh" để thực hiện "hành trình du lịch xanh" cho du khách đủ điều kiện về tiêm vaccine.

Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: TTXVN.
Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: TTXVN.
Vấn đề liên kết tour từ Hà Nội đến các tỉnh hoặc liên tỉnh thì cần có bộ tiêu chí chung và vai trò kết nối của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, nhận định "chương trình Xanh - xanh" do các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đề xuất mang tính đón đầu để khôi phục phát triển du lịch. Nếu không cóó vai trò kết nối giữa điểm xanh của các tỉnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ rất khó vì dễ xảy ra tình trạng mỗi nơi quy định một kiểu. Thực tế, Ninh Bình cũng đã xây dựng chương trình về đón khách và tour du lịch nhưng giờ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch khi các tỉnh lân cận vẫn phát hiện có ca F0.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho rằng, du lịch cũng phải thích ứng với bối cảnh mới. Do đó, chương trình du lịch "Xanh - xanh" bao gồm các sản phẩm du lịch kết nối điểm đến an toàn về dịch bệnh COVID-19 (hay còn gọi là "vùng xanh") xác định có 5 tiêu chí "xanh" gồm: Thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh. Đây sẽ là khởi đầu cho giai đoạn mới của du lịch nội địa trong thời gian tới. Trước mắt là kết nối đường bộ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận. Tuy nhiên, để triển khai được những tour du lịch này đòi hỏi các địa phương hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch chạy thử một số tour vào tháng 10, 11 tới.

"Với tình hình diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, đường bay nội địa vẫn hạn chế nên du lịch nội địa thời gian từ nay đến cuối năm nếu được khôi phục và khởi động lại chủ yếu là chương trình đường bộ, đi theo nhóm nhỏ", bà Phạm Thanh Thúy, Phó Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô đánh giá dựa trên thực tế.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã dự thảo xong Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc và xin ý kiến của lãnh đạo các địa phương, Hiệp hội Du lịch các địa phương, trao đổi ý kiến với các Sở quản lý du lịch, nhất là quy định về tiêu chí an toàn trong du lịch các địa phương; chọn lựa những điểm tham quan, cơ sở du lịch đủ tiêu chuẩn an toàn để đón khách du lịch nội địa, đề xuất thời gian mở cửa đón khách cụ thể.

Theo đó, định hướng cơ bản của chương trình là ngành du lịch phải khôi phục và phát triển trong trạng thái “sống chung với dịch COVID-19” khi yếu tố an toàn (cho khách du lịch, cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cho cả xã hội) đã trở thành một yêu cầu bắt buộc cho ngành kinh tế du lịch. Với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”. Chương trình sẽ tập trung thực hiện về du lịch an toàn, khôi phục du lịch trong bối cảnh bình thường mới với nội dung sống chung với COVID-19 trong từng doanh nghiệp du lịch, tạo sự tin tưởng của khách du lịch về những đơn vị được lựa chọn đáp ứng đủ tiêu chuẩn đón khách trong giai đoạn tình hình dịch vẫn còn phức tạp.

(Nguồn: Báo Tin tức)

TAGS

Quảng Ninh: Thành phố Móng Cái lên kế hoạch kích cầu du lịch

Văn Đức |

Từ nay đến hết năm 2021, thành phố Móng Cái phấn đấu thu hút được khoảng 10.000 lượt khách du lịch, tổng thu ngân sách nhà nước về dịch vụ du lịch đạt khoảng 36 tỷ đồng.

Rục rịch mở lại tour du lịch nội địa

Thanh Mai |

Thành phố đã đón được một lượng khách nhất định đến Cần Giờ. Nền kinh tế, đời sống dân sinh ở đó đã được hồi phục phần nào.

Vai trò của du lịch trong phục hồi toàn diện

X.M |

Theo đại diện Tổng cục Du lịch, ngày Du lịch thế giới năm nay (27/9) có chủ đề “Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm”. Trong đó, một nội dung nổi bật, rất đáng được quan tâm là: Tái khởi động ngành du lịch sẽ giúp khởi động quá trình phục hồi và tăng trưởng.

Khẩn trương phục hồi hoạt động của ngành du lịch

PV |

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, để phục hồi nhanh chóng, ngành du lịch cần phải chú ý đến thị trường nội địa trước, sau đó là thị trường quốc tế nếu có điều kiện.