Làng Tùng Luật - ký ức và ước vọng

Thùy Liên |

Dọc theo tả ngạn sông Minh Lương (nay là Hiền Lương) xuôi về Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) có một ngôi làng trù phú ven sông, ấy là làng Tùng Luật.

Trải qua bao thăng trầm, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ác liệt, đến với Tùng Luật bây giờ gần như đến với “vành đai  trắng”. Đình chùa, miếu vũ, chợ búa xưa, nghĩa là tất cả các thiết chế văn hóa cha ông để lại đã bị giặc Pháp triệt hạ, rồi bom đạn đốt phá sạch. Làng không lưu giữ được địa bộ, “mười hai sanh họ” không ai còn gia phả... Vì vậy,  người viết chỉ biết dựa vào ký ức của các lão làng, ví như cụ ông Phan Đình Nhượng năm nay 90 tuổi hoặc ông Trần Trọng Tâm (trưởng làng)... là những người sống ở làng lâu năm và trí nhớ còn rất minh mẫn.


Gốc tích của làng Tùng Luật

Làng Tùng Luật
Làng Tùng Luật

Bao đời nay, khao khát của dân làng bao giờ cũng muốn biết cội rễ gốc tích làng và đặc biệt là chính xác năm làng thành lập. Thế nhưng, Tùng Luật cũng như bao làng khác, xác định được vấn đề này không dễ dàng gì bởi thư tịch cổ để lại, chúng ta chỉ biết Tùng Luật là một trong 68 làng cổ di dân vào đợt đầu tiên ở huyện Minh Linh (nay là Vĩnh Linh và Gio Linh). Theo đó, từ năm 1075 đến năm 1555 (tính theo sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An), xấp xỉ gần 5 thế kỷ. Một khoảng thời gian quá dài, nửa thiên kỷ với đoạn thư tịch cổ dẫn trên thì thật là khó cho việc phân định, phán đoán. Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa phải là hết phương tìm kiếm. Khoanh vùng hoặc mở rộng sự tìm kiếm ra trong khu vực, một phát hiện nào đó ở làng này sẽ rất có ý nghĩa cho các ngôi làng lân cận. Mất phương hướng xác định năm thành lập ở làng Tùng Luật, chúng ta còn tìm hướng sang Cổ Trai, Đan Duệ hoặc Xuân Mỵ... Tương tự xác định gốc tích cũng chỉ biết chung chung qua thư tịch cổ rằng tổ tiên của cư dân vùng này là ở Thanh, Nghệ, Tĩnh di dân vào. Nhiều làng ở Quảng Trị trong văn bia ngưỡng vọng các ngài khai khẩn phổ biến câu “Đất Bắc sinh thành, trời Nam tạo dựng”. Mất hết văn bia, văn tự, thật khó, nhưng mà truyền khẩu từ đời này sang đời khác, người dân Tùng Luật nhận biết quê hương của các ngài tiền khai khẩn, khai canh đều ở Thanh Hóa vào.

Tên làng, địa giới, dòng họ và sự cố kết cộng đồng

Một góc làng Tùng Luật
Một góc làng Tùng Luật

Tùng Luật xa xưa còn có tên gọi Tòng Luật. Tòng có nghĩa là phục tòng, nghe theo; luật là pháp luật, phép tắc. Dân gian có cách gọi tắt là Làng Tùng (ví như chèo Cạn làng Tùng) hay biển Cửa Tùng chính là cách gọi tắt của Tùng Luật, cửa biển cách làng 1.500m.

Theo cách giải thích này thì Tùng Luật xưa sống có quy củ, nề nếp, tuân thủ phép nước, luật lệ. Vì sao lại tuân thủ? Biết đâu trong chiều dài lịch sử của nửa thiên niên kỷ ấy, đây cũng là cái chốt để chúng ta tiếp tục tìm hiểu, xác định.

Ngài tiền khai khẩn của làng Tùng Luật họ Hoàng (quí công) và ngài hậu khai canh họ Lê (quý công). Nguyên văn lời trong một sắc phong mà cụ Nhượng còn nhớ được. “Cai cơ Quảng Độ hầu Hoàng quý công, Đề lãnh Đông Hà hầu Lê quý công”... thì chức của ngài khai khẩn là cai cơ, tước hầu và ngài khai canh chức danh đề lãnh, tước hầu. Ngoài hai dòng họ khai khẩn, khai canh, làng còn những dòng họ khác quần cư như họ Hồ, Phan, Trần, Nguyễn, Bùi, Phạm, Mai, Cao, Võ và Lâm.

Xưa ở làng có câu “mười hai sanh họ” là mười hai nhánh họ vừa kể, còn “mười hai kiệt làng” thì lại phản ánh ngạch đất làng ở. Ngài tiền khai khẩn ngoài việc đặt tên còn chọn một thế đất cho làng cư ngụ vô cùng ngoạn mục. Thoai thoải trên mu con rùa đất đỏ bazan, không hiểm hóc nhưng màu mỡ, phía sau làng có rừng cây tên gọi là Rú Tùng, bên hông sông ngòi, đối mặt là biển Cửa Tùng. Thật là sơn lâm thủy mặc, sơn thủy hữu tình. Trên mô đất kia ngang dọc vuông vức, thẳng tắp 12 kiệt làng (nay đếm được 8 kiệt). Người dân địa phương giải thích, chỉ cần một trận mưa lớn nhỏ chi thì rác rưởi không đẹp mắt đều bị lùa ra cửa biển. Thế đất cũng giống như lòng dạ người dân Tùng Luật. Cái kiểu ô bàn cờ, mô hình đường thôn ngõ xóm ở đây rất giống ở làng Đại Hòa, Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị (quê hương nhà toán học, thiên văn học Nguyễn Hữu Thận).

Tùng Luật trước đây tọa lạc trên một vùng đất rộng lớn, hoạch định ra 5 xứ, “Ba phường, ba vịnh” để dễ dàng cai quản. Năm xứ có tên: Vinh hòa xứ (trung tâm làng Tùng Luật bây giờ), Bàu Hữu thượng xứ (tức Bàu Tùng, bàu nước làng), Bàu hữu hạ xứ (vùng đất đồng quanh bàu), Hoàng Sa xứ (vùng cát vàng) và Bạch sa xứ (vùng cát trắng). “Ba phường, ba vịnh” hàm chứa cả vùng đất ba nơi: Vĩnh An (xã Vĩnh Quang), Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) và Thử Luật (xã Vĩnh Thái). Xác minh vấn đề “Ba phường, ba vịnh” vừa nêu, hiện nay không có một tài liệu hay nguồn gia phả, địa bộ nào còn lưu lại để chứng minh. Nhưng thiết chế, cấu kết các dòng họ trong xứ thì phản ánh khá rõ ràng về gốc tích. Ví như họ Lê (ở làng có câu “họ Lê át chi” hiểu ngầm là họ lớn, khuynh loát), một nhánh ở Vĩnh Quang, một nhánh ở Vĩnh Thạch và một nhánh nữa ở Huế. Mộ tổ nằm ở làng An Đức (Vĩnh Quang) nhưng nhà thờ chính của họ nằm ở Tùng Luật, trước năm 1954 vẫn còn nguyên vẹn. Đó là ngôi đình bề thế, hai tầng, nằm cạnh chợ Hôm nhìn ra phía bờ sông. Rằm tháng 6 và 25 tháng Chạp hàng năm, con cháu các vùng trên tập trung về chạp mộ ngài khai canh và tế lễ ở đình. Hoặc như họ Hồ thì mộ cụ tổ nằm ở làng Tùng Luật, mãi đến năm 1993 mới tổ chức lễ rước, cất bốc đưa về Vĩnh An. Họ Hồ cũng là họ lớn, chiếm phân nửa làng Vĩnh An. Hay như dòng họ Phan, mộ tổ hiện nằm ở khu nghĩa địa làng Tùng Luật, cứ đến ngày giỗ tổ họ Phan ở Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch đều tập trung về làng Tùng tế lễ. Phân tích kỹ vấn đề này để thấy, ngày nay, tuy nó chẳng có ý nghĩa gì về mặt địa lý hành chính, ranh giới giữa các ngôi làng, nhưng ngược lại về địa lịch sử nó có một ý nghĩa cội gốc rất sâu bền. Từ làng cổ Tùng Luật, chí ít sản sinh ra dăm ba làng trong xứ. 

Một số nét về dân số, nghề nghiệp, làng nghề và nhân vật chí

Lễ hội cầu ngư
Lễ hội cầu ngư

Trước cách mạng Tháng 8 (1945), con số điều tra làng còn lưu giữ được là 130 hộ. Năm 1954, dân hai huyện Triệu Phong, Gio Linh tập kết ra, số hộ ở làng lên đến 270 hộ. Nay số hộ đã 300, với hơn 1.200 nhân khẩu, sinh sống trên một diện tích 23 cây số vuông.

Nghề nghiệp chính của làng xưa nay là nghề đánh bắt (cá, tôm hùm và chế biến hải sản như làm mắm, phơi khô mực). Nghề phụ trồng lúa, làm vườn, trồng trọt một số loại cây đặc chủng của xứ Vĩnh Linh như hồ tiêu, chè, dứa, mít... Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, Tùng Luật du nhập thêm nghề “xướng ca”, vang bóng một thời.

Người khởi xướng ra gánh hát đầu tiên để khơi thông mạch nguồn dân ca vô tận ở làng Tùng là ông Nguyễn Như Bá (sinh năm 1870). Xuất thân ông làm nghề thầy thuốc, có dịp chu du vào tận Quảng Nam, lục tỉnh Nam Bộ, xem các gánh tuồng Nam biểu diễn. Từ xem đến say, từ say mê đến học hỏi, chỉ vài ba năm sau ông đã nắm bắt được bí quyết nhà nghề của nghệ thuật tuồng. Tuồng và những làn điệu dân ca miền Trung nặng tình ai oán hóa thân vào máu thịt ông và tự ông luyện tập, truyền đạt lại cho con em trong họ, làng. Khoảng năm 1910, ông đứng ra thành lập gánh hát đầu tiên ở Vĩnh Linh. Gánh hát gồm 14 diễn viên: Nguyễn Như Tính (em ruột), Nguyễn Như Giản, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hạnh (con) và một số anh em trong làng như ông Trần Duyến, Lê Não, Võ Chấu, Ba Mè (bố của cố nghệ sĩ Châu Loan), Nguyễn Kè, Phùng Ngẫu, Bát Đẩu, Trần Nướng, Lê Nãi (phần lai lịch nghệ nhân, xin xem trong cuốn "Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị"). Gia tài gánh hát lèo tèo dăm bảy bộ quần áo, hia mão, đàn sáo vừa vặn trong đội bồ con và các vỡ diễn như: “Phạm Công Cúc Hoa”, "Lục Vân Tiên", "Tạ Ngọc Lân lăn lửa”, “Giả dại qua đèo”... Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân hai phủ Vĩnh Linh và Gio Linh lại rước gánh hát ông Bá về diễn, xong lại quẫy bồ ra Quảng Bình, vào kinh đô Huế, đến đâu cũng được nhân dân đón rước trọng vọng.

Cùng với gánh hát, Tùng Luật còn có đội chèo cạn nổi tiếng. Đội gồm có Cai Tùng, Cai Tấu, giàn bát âm gồm: sáo, nhị, nguyệt, kèn sôna và tốp thanh niên gồm 12 người có giọng hát tốt. Họ thật là những người có năng khiếu về đàn ca xướng hát. Ngoài việc phục vụ những ngày lễ hội và tang lễ trong làng cũng như các vùng lân cận, triều đình Huế cũng đã nhiều lần mời họ vào biểu diễn. Với tài nghệ thổi sáo của ông Đổng, triều đình cũng đã phong cho nhạc công này hàm bát phẩm.

Năm 1947, Pháp đánh chiếm Vĩnh Linh, gánh hát và đội chèo cạn làng Tùng tạm ngưng hoạt động. Điều đáng lưu ý là từ cái nôi chèo cạn làng Tùng, từ gánh hát ông Bá làng đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, có công lao đóng góp to lớn cho nghệ thuật đàn và hát dân ca như Trần Duyến, nghệ sĩ Châu Loan, nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi, nghệ sĩ ưu tú Kim Phú, Ái Chủng... Họ đều là những người con làng Tùng Luật mà tên tuổi được cả nước biết đến. 

Những thiết chế văn hóa ở làng đã mất

Các thiết chế văn hóa xưa ở làng Tùng Luật như đình làng, nhà thờ họ, miếu thờ - thờ các ngài khai khẩn, thành hoàng, miếu thờ các vị thần có công với nước từ năm 1947 - 1954 đã bị giặc Pháp triệt hạ, đốt phá nhiều lần. Trải qua cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xem như các di sản trên đã bị xóa sổ.

Theo mô tả của nhiều bô lão ở làng, dọc theo bờ sông từ hướng Đông lên hướng Tây thì giáp giới với làng Di Luân có mộ của ngài khai khẩn. Trước mộ có miếu của Ngài khai khẩn (nay chỉ còn mộ). Tiếp cạnh là Miếu Cổ (thờ cá voi, loại cá cố ở biển phù hộ cho dân làng đi biển không gặp rủi ro tai nạn). Tiếp đến có ngôi chùa làng (không lớn nhưng khang trang, chùa không có sư, cõi riêng của dân làng theo đạo Phật đến hành lễ). Cạnh chùa là nhà thờ họ Lê, trước nữa bến đò Tùng Luật (qua lại vùng Bạch Lội, Xuân Mỵ, sau này là bến đò B). Chợ Hôm bên cạnh là một ngôi chợ buôn bán sầm uất hồi trước, chợ có đình chợ. Tiếp đến là đình làng đồ sộ trang nghiêm, có nghi môn sừng sững. Một trong những câu đối ở cổng cụ Nhượng còn nhớ được:

“Vĩnh địa xung Tùng triều tú khí

Linh thừa lữ Luật cổ hòa phong".

Tạm dịch ý: “Mạch đất mãi mãi là nơi xung yếu, ngọn triều dâng mang bao điềm lành; Nối tiếp nếp cũ thiêng liêng, tiếng sáo đồng vọng cùng ngọn gió lành". Cạnh đình là miếu thờ bà Hỏa. Trước miếu có đặt chiếc ghế đu, có hồ rộng lớn thả toàn cá tràu nên dân còn gọi là Hồ Cá tràu. Tục truyền miếu bà Hỏa rất thiêng, ai quậy phá hoặc bắt trộm cá dưới hồ đều chết bất đắc kỳ tử. Tiếp đến có Miếu Cao, tương truyền rằng thờ ông Cao Để, người có công được làng tôn thờ. Đây là ngôi miếu duy nhất còn lại ở làng. Tuy đã đổ nát và hoang phế vẫn thấy đó là ngôi miếu mang phong cách đời Trần. Trước miếu đề hai chữ “Linh Quang” và phía trong có câu đối còn đọc được: “Lại thánh ân tứ dân địch cát; Tư thánh đức vạn vật hàm vinh”. (Tạm dịch: Nhớ ơn Thánh, dân tứ xứ gặp may mắn; Nhờ đức Thánh, vạn vật đều được bình yên). Ngoài ra, lùi về phía rú, sau làng còn có Miếu Bà thờ cọp bà và Miếu Ông Thụy thờ một nhân thần, người có công trong một vụ kiện đất đai giữa làng Tùng Luật và làng Cổ Trai.

Trên nền cảnh một hệ thống đền, chùa, miếu vũ như thế, nép dưới những tán cây ngô đồng, sanh, si... um tùm, đời sống tâm linh của người dân Tùng Luật còn hướng tới một vị thần biển, Chúa Long Quân như là vị tổ nghề đi biển của làng. Hàng năm vào ngày rằm tháng Hai làng tổ chức lễ Xuân Thử, còn gọi là lễ Cầu Mùa, cầu may cho nghề. Chập choạng tối, lúc thủy triều dâng mấp mé bờ sông, sau hồi trống báo hiệu, thuyền chủ dẫn hai đoàn thuyền từ trước đình làng tiến ra cửa Tùng Luật. Thuyền chủ là thuyền làng, ghép hai chiếc thuyền lại để đặt bàn thờ, kết hương án, cờ lộng, cặp lồng đèn chở các vị chức sắc của làng. Hai hàng thuyền hai bên (khoảng 40 - 50 chiếc) vừa theo thuyền chủ vừa thả đèn sáng rực vùng sông. Lễ rước được diễn ra ở ngay cửa biển. Lễ cúng giản đơn chỉ hương, hoa, cau, trầu, rượu. Chủ tế đọc bài văn tế: “Động đình thủy tộc Chúa Long Quân, linh tế đại vương uyên đức diễn trạch phổ uông hoằng thi uông nhuận Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”. (Tạm dịch: Chúa Long Vương của thần thủy tộc hồ Động Đình, anh đức thi thố tràn trề đầy khắp, được phong chức Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần...).

Ngoài ra lễ tế còn nhắc đến năm người con của Chúa Long Vương, chàng cả (Hiển ứng Long Vương, Gia ứng, Phước ứng, Huệ ứng, Tiềm phù) và 36 vị thần khác. Người chủ tế xin keo, keo ứng đủ âm dương một sấp một ngửa thì tất cả các thuyền đồng thanh hố lớn: “Lẩm lẩm gia hạ...” (Hớn hở vui mừng). Có nghĩa Chúa Long Vương đã chấp thuận và rước ngài về đình làng tế lễ. Phần hội diễn ra ở sân đình suốt cả đêm rằm, qua ngày 16. Làng tổ chức múa hát cùng đội chèo cạn trong tiếng trống làng thôi thúc rộn rã. Hàng năm, lễ hội Xuân Thử được tổ chức với quy mô lớn, thật sự thu hút du khách và nhân dân trong vùng đến dự...

Như đã trình bày ở trên, bài viết chủ yếu dựa vào ký ức, người viết khả năng lại có hạn nên chỉ dừng lại ở mức tái hiện, sắp xếp, phân tích và xử lý các mặt thông tin thu lượm được. Rất mong dân làng Tùng Luật và bạn đọc gần xa phản hồi, góp ý, sớm có cơ sở đế hoàn thiện về ngôi làng cổ - làng Tùng Luật.

TAGS

Thiếu nữ miền sơn cước

Hồ Tịnh |

Hướng Hoá là huyện miền núi tỉnh Quảng Trị với hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô.

Ấn tượng chùa Sơn Thành

P.V |

Chùa Sơn Thành toạ lạc trên ngọn đồi thuộc thôn Cổ Thành, xã Tân Thành (Hướng Hoá, Quảng Trị). Dù mới thành lập năm 2008 nhưng đến nay cơ sở vật chất của chùa khá hoàn chỉnh sau khi có trụ trì Đại đức Thích Không Giải đứng ra vận động kiến thiết.

Về An Hưng

Xuân Dũng |

Làng quê An Hưng thuộc thị trấn huyện lỵ theo đơn vị hành chính còn được gọi là Khu phố 8, thị trấn Cam Lộ (Quảng Trị) nhưng người dân ở đây vẫn thích gọi tên gốc của quê cha đất tổ. 

Tôi đi tìm những chữ G ở xứ Cùa...

Yên Mã Sơn |

Chỉ cách Quốc lộ 9 vài cây số nhưng lâu nay cứ nghĩ xứ Cùa xa xôi. Mãi tận hôm qua mới có dịp “rong ruổi xứ Cùa” như trong bút ký của nhà báo Phạm Xuân Dũng.