Về An Hưng

Xuân Dũng |

Làng quê An Hưng thuộc thị trấn huyện lỵ theo đơn vị hành chính còn được gọi là Khu phố 8, thị trấn Cam Lộ (Quảng Trị) nhưng người dân ở đây vẫn thích gọi tên gốc của quê cha đất tổ. 

Làng An Hưng được xem là một trong những làng lớn ở vùng quê Cam Lộ, có đến 275 hộ với hơn 1.000 khẩu. Mấy thế kỷ qua con dân An Hưng dù đi đâu về đâu cũng luôn hướng về nguồn cội, để xứng đáng là những người luôn coi trọng truyền thống: “Cây có cội, nước có nguồn”, “Chim có tổ, người có tông”.

Ảnh thờ nhà thơ Chế Lan Viên (ở giữa) bên cạnh thân phụ và thân mẫu của nhà thơ tại ngôi nhà tưởng niệm của gia tộc ở An Hưng, thị trấn Cam Lộ. Ảnh: PXD
Ảnh thờ nhà thơ Chế Lan Viên (ở giữa) bên cạnh thân phụ và thân mẫu của nhà thơ tại ngôi nhà tưởng niệm của gia tộc ở An Hưng, thị trấn Cam Lộ. Ảnh: PXD

Trải qua nhiều đời và các cuộc chiến tranh ác liệt bậc nhất thế kỷ XX, những cây cổ thụ bên cạnh đình làng vẫn sừng sững hiên ngang như là minh chứng của sức sống quê hương An Hưng trường tồn và bất diệt. Vào mỗi dịp đầu xuân, bà con dân làng hội ngộ ở đình với tâm nguyện hướng đến tiền khai khẩn, hậu khai canh, có công với làng với nước. Câu chuyện về An Hưng cũng như bao làng quê khác luôn hướng tới những bậc tiền nhân, những người khuất mặt khuất mày không nơi nương tựa khói hương được thờ phụng ở miếu Âm Hồn. Đời sống văn hóa tâm linh đâm chồi bén rễ để hướng đến cuộc đời bình an và no ấm. Tên gọi An Hưng đã gởi gắm ước nguyện từ ngày xưa cho đến bây giờ đã thành mỹ tự của làng được trao truyền từ đời này sang đời khác như một bảo vật vô giá của hương thôn. Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng làng An Hưng phấn khởi khi nói về truyền thống lịch sử và văn hóa tâm linh của mảnh đất này.

Nếu tìm hiểu kỹ về vùng đất An Hưng thì sẽ thấy đây là mảnh đất hội tụ anh hùng hào kiệt ngày xưa như danh nhân Khóa Bảo Nguyễn Hữu Đồng, tiếp đó là nhà cách mạng Hồ Chơn Nhơn. Hiện tại làng quê này vẫn còn lưu giữ một ngôi nhà tưởng niệm danh nhân Khóa Bảo và cũng là từ đường của ông được cháu con và dân làng luôn thành kính khói hương ngưỡng vọng. Danh nhân Khóa Bảo là một trong những niềm tự hào của phong trào Cần Vương trên đất Quảng Trị, một người văn võ song toàn. Khi không thể cầm kiếm giết giặc, ông về An Hưng-Cam Lộ mở trường dạy học và quyết tâm chống xâm lược đến cùng. Tấm gương này còn mãi với muôn sau.

Ông Phan Sĩ Lộc, hậu duệ danh nhân Khóa Bảo chỉ cho chúng tôi hai câu đối trong bàn thờ tiên tổ: “Tướng lĩnh Cần Vương ngời nhân ảnh/ Danh nhân Quảng Trị sáng anh hùng”.

Với những người lần đầu đến An Hưng sự bất ngờ không chỉ dừng tại đó. Bởi trên mảnh đất này còn có ngôi nhà lưu niệm và thờ phụng nhà thơ Chế Lan Viên do gia đình dựng bên cạnh nhà lưu niệm do nhà nước xây dựng ở Cam An gần Ngã Tư Sòng. Ngôi nhà lưu niệm nhà thơ nổi tiếng dựa lưng vào sông Hiếu quay mặt ra hướng Nam, hòa mình trong thiên nhiên cây cỏ ở An Hưng như phảng phất hồn vía đâu đây của một người con quê hương Cam Lộ.

Quá trình An Hưng từ làng lên phố là một chặng đường khá dài và đó là điều tất yếu ở những địa bàn nhất thiết phải đô thị hóa cho phù hợp với điều kiện cụ thể và xu hướng phát triển của địa phương. Điều đáng nói là dù văn minh, tiến bộ đến đâu thì những điều hay lẽ phải của dân gian, những đạo lý truyền thống tốt đẹp của cha ông cần được gìn giữ, tô bồi. Mỹ tục phải giữ lấy, hủ tục phải phê phán xóa bỏ. Từ đó mới có thể phát triển bền vững về kinh tế xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của riêng mình.

Vùng quê An Hưng dù trong quá trình đô thị hóa vẫn giữ được nét quê gốc rễ, tạo nên gương mặt văn minh và xinh tươi nửa phố nửa làng rất cuốn hút những ai ghé lại qua đây dù chỉ một lần. Những con đường ngang dọc tạo nên điểm nhấn giao thông, những ngôi nhà ẩn mình sau cây cối yên bình đến lạ. Vạn vật dù có thể vô ngôn nhưng chứa đựng một sức sống thanh tân làm say đắm lòng người. Ông Bùi Văn Duyên, Bí thư chi bộ Khu phố 8, tức làng An Hưng khẳng định bà con trên dưới một lòng, kề vai sát cánh xây dựng các công trình công cộng, tạo dựng đình làng, vun đắp những nẻo đường hoa tươi thắm.

Đã ra giêng nhưng quang cảnh đất trời, phố phường và làng quê thì như muốn níu niềm xuân ở lại. Những gì tạo hóa ban tặng cho con người sẽ được bà con nơi đây rút ruột mình ra mà cống hiến cho đời, đặng làm nên những mùa xuân trên quê hương Cam Lộ, những mùa xuân không chỉ đến từ đất trời mà còn đến từ chính mỗi con người nơi đây, để xây đắp một An Hưng đúng nghĩa an bình và hưng thịnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mùa vàng đoọc khun

Lê Như Tâm |

Chúng tôi đến đất nước bạn Lào vào thời điểm nóng nhất trong năm. Nắng hạn khiến những cánh đồng khô cháy, những nhà sàn chỏng chơ, mọi người đi lại có cảm giác mệt nhọc. Đàn trâu, đàn bò nằm dưới những ngôi nhà sàn thở dốc, dọc đường vài con dê đang gặm những gì còn sót lại trên cánh đồng chỉ toàn là toóc khô, cỏ cháy. 

Mở hướng du lịch sinh thái ở vùng tây Gio Linh

Lâm Thanh |

Cùng với hệ thống giếng cổ quý báu, vùng tây Gio Linh (Quảng Trị) được nhiều người biết đến là địa danh của những di tích lịch sử, văn hóa độc đáo như: Chùa Long Phước, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đồi Cồn Tiên và hệ sinh thái trù phú của vùng đất đỏ ba dan. 

Nhóm tình nguyện "cứu" Cây cô đơn bị "bức tử"

Tân Sơn |

Chiều 20/3/2020, một nhóm tình nguyện viên đã mang thuốc và các vật tư khác đến “cứu” Cây cô đơn (hồ Rào Quán, Hướng Hoá, Quảng Trị) bị “bức tử” trước đó.

Cây cô đơn ở hồ Rào Quán bị lột vỏ

YMS |

Ngày 20/3/2020, cộng đồng mạng xã hội khu vực huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) chia sẻ hình ảnh về “cây cô đơn” ở khu vực hồ Rào Quán bị lột lớp vỏ khiến những người đã du lịch, check in ở địa danh này tỏ ra tiếc nuối.