Quá trình trùng tu biệt thự khi đi vào công đoạn cuối cùng đang khiến cả giới chuyên môn và cộng đồng ngỡ ngàng với màu vôi.
Sau 1 năm trùng tu, bảo tồn, biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài đã hoàn thành tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài và đang trong giai đoạn hoàn thiện dự án. Được biết, số tiền cho việc trùng tu này là 14 tỉ đồng.
Giới chuyên gia về kiến trúc và bảo tồn di sản đều đang có nhiều ý kiến về màu vôi của căn biệt thự cổ này.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi - viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) trực thuộc Đại học Xây dựng Hà Nội - đơn vị tư vấn thiết kế của dự án này cho biết dù là quét lại màu gốc nhưng vẫn cần một thời gian để công trình có màu thời gian. Dù không thích màu vôi hiện tại nhưng dù "nhìn không ưng nhưng nếu làm cho ưng mắt mọi người thì sẽ thành giả cổ".
KTS Lê Việt Hà - người sáng lập trang Ashui.com - thì nhận định, để nói về màu sắc của công trình này thì phải dựa trên nghiên cứu kỹ tài liệu về dự án, trực tiếp khảo sát chứ không thể chỉ bình luận qua ảnh chụp. Các bên liên quan cần tổ chức sớm một cuộc báo cáo, trưng bày kết quả công khai dự án bảo tồn này để mọi người hiểu mới có thể ủng hộ hay phản đối đúng - theo Tuổi Trẻ Online.Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Hà Quang Minh cũng chia sẻ: "Về màu, tôi rất thích quan điểm của anh Vũ Hiệp khi cho rằng “tên màu” thì đúng nhưng “giá trị màu” (value) thì chưa chuẩn. Đây là ý kiến nghiêm túc nhất và khơi gợi chuyên môn nhất.
Biệt thự Pháp cũ ở Hà Nội nói riêng thực tế ảnh hưởng khá nhiều từ kiến trúc của miền Nam nước Pháp. Ảnh dưới cùng, góc phải chính là một biệt thự từ thế kỷ 19 ở Bordeaux mà tôi sưu tầm được nhờ một bạn đã đăng tải trên mạng (cảm ơn bạn nhiều và thứ lỗi cho tôi đã lấy ảnh của bạn). Ảnh hưởng ấy chắc chắn được những chuyên gia từ Ile-de-France (mà chính quyền Hà Nội mời trùng tu biệt thự nằm ở góc Hàng Bài - Trần Hưng Đạo này) tìm hiểu kỹ và thực hiện tư vấn lựa chọn màu vôi ve.
Đại diện chính quyền quận Hoàn Kiếm - Hà Nội cũng cho biết: “Hiện tại, các chuyên gia đang quét thử nghiệm một số màu vôi để lựa chọn ra màu theo đúng màu gốc nhằm đảm bảo tính chân xác tối đa cho công trình. Màu vôi tường hiện nay chưa phải là màu chính thức của công trình”. Như vậy, đây chưa phải là phiên bản cuối cùng.
Còn chuyện các bạn thấy nó “đẹp” hay “xấu”, đó lại là cảm nhận riêng. Cái tác động tới cảm nhận riêng đẹp hay xấu ấy không đến từ chuyện trùng tu đơn thuần mà nó còn đến từ chính kiến trúc ban đầu của toà nhà".
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ nhận xét hoa văn của biệt thự có phần giống hoa văn Ai Cập cổ đại. Anh cũng nhận định thẳng thắn, là không hiểu ekip trùng tu nghĩ gì: "Mà đi kẻ sọc ngang sọc dọc màu đỏ trên nền vàng đặt cạnh các ô cửa xanh thế này"?
Trao đổi với báo Tuổi trẻ, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết ngôi biệt thự nằm trong dự án bảo tồn biệt thự mẫu nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc của khu phố cũ Hà Nội. Thông qua dự án này sẽ giới thiệu những kỹ thuật cơ bản trong việc bảo tồn, trùng tu một số công trình kiến trúc Pháp, qua đó nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn di sản.
Dự án được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France (Pháp), quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX). UBND quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án một năm trước, vào tháng 4-2022. Đến nay, công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện. Đây là dự án bảo tồn biệt thự cổ mẫu để các dự án bảo tồn biệt thự khác có thể tham khảo, học hỏi về nguyên tắc, kỹ thuật bảo tồn. Dự án được thực hiện chặt chẽ, bài bản trên cơ sở trao đổi giữa chuyên gia Pháp và Việt Nam.
Chuyên gia hai nước đã làm công tác "khảo cổ học công trình" để tìm ra màu sắc, vật liệu và các chi tiết gốc. Sau đó đưa ra quyết định sử dụng lại các vật liệu màu sắc gốc theo như công trình được xây dựng ban đầu.
Tuy nhiên, quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định hiện tại các chuyên gia mới đang quét thử nghiệm một số màu vôi để lựa chọn ra màu vôi theo đúng màu gốc nhằm đảm bảo tính chân xác tối đa cho công trình. Màu vôi tường hiện nay chưa phải là màu chính thức.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội, một địa điểm để giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu phố cũ. Đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi, kết nối giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và người dân tìm hiểu, tham quan về các giá trị di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc.
(Nguồn: Phụ nữ mới)