Với nhiều lợi thế và sự cố gắng bứt phá khai thác du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Bình tiếp tục được ghi nhận là điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước.
Năm 2022 khép lại, tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt gần 8%, cao nhất trong khoảng 5 năm gần đây, các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra.
Với nhiều lợi thế và sự cố gắng bứt phá khai thác du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Bình tiếp tục được ghi nhận là điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước. Khu vực dịch vụ-du lịch với nhiều giải pháp đồng bộ đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng đạt hơn 8,5% so với cùng kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng du lịch tỉnh Quảng Bình đã thực sự trở lại sau thời gian dài “hẩm hiu” vì đại dịch COVID-19…
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, từ tháng 3/2022, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cuộc sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh đã ổn định. Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Bình đã kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường, nhằm đảm bảo sự phục hồi và phát triển nhanh nhất trong điều kiện có thể.
Du lịch Quảng Bình được biết đến với nhiều tiềm năng lợi thế như phía Tây có dãy Trường Sơn hùng vĩ, có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với hơn 300 hang động lớn nhỏ đầy vẻ huyền ảo, kỳ bí được bao thi nhân mặc khách gọi là “Vương Quốc hang động”. Phía Đông của tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài trên 110 km với nhiều bãi biển đẹp nức tiếng như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú… Quảng Bình cũng có nhiều địa danh du lịch tâm linh, du lịch lịch sử đáng tự hào như nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến (huyện Quảng Trạch), lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (huyện Lệ Thủy), hang Tám cô (huyện Bố Trạch), đền thờ thánh mẫu Liễu Hạnh (huyện Quảng Trạch)…
Nắm bắt tiềm năng và lợi thế, bên cạnh hoạt động đẩy mạnh khai thác, tỉnh Quảng Bình tăng cường quảng bá hình ảnh ra thế giới; tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo, xúc tiến đầu tư du lịch và không ngừng đầu tư, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác lạ để phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế như đón đoàn làm phim BBC Landmark Natural History Series thực hiện dự án phim Sơn Đoòng-hang động lớn nhất Thế giới thuộc Di sản Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; đón du thuyền quốc tế Le Lapérouse của hãng Ponant (Pháp) đưa gần 100 khách du lịch từ các nước Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Bỉ, Thụy Sỹ đến du lịch. Du thuyền khởi hành từ Indonesia, qua Singapore đến Việt Nam. Với hành trình 39 ngày tại Việt Nam, du thuyền ghé tham quan nhiều thành phố nhưng riêng tại Quảng Bình, du thuyền ghé 3 đợt vào các ngày 11/10, 15/10 và 31/10 với các chương trình tham quan nhiều điểm du lịch như động Thiên Đường, suối nước Moọc, động Phong Nha, vườn thực vật thuộc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Quảng bá hình ảnh du lịch ra thế giới luôn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua, tỉnh đã làm tương đối tốt. Tỉnh đã mạnh dạn tiếp cận, tìm kiếm, tạo điều kiện tốt nhất để các hãng thông tấn, truyền hình, hãng phim có uy tín trên thế giới đến được với Quảng Bình. Qua những thước phim, hình ảnh của họ, thế giới biết thêm một Quảng Bình không chỉ là “hai giỏi” mà còn là mảnh đất du lịch mới lạ, hấp dẫn và lôi cuốn.
Dù còn nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng trong năm qua nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn tích cực phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để đưa vào phục vụ du khách. Tỉnh Quảng Bình cũng đã cho phép khai thác thử nghiệm nhiều sản phẩm du lịch mới như: "Khám phá thiên nhiên khe Kiều, hệ thống hang động Sơn Bồi và tìm hiểu văn hóa người Bru-Vân Kiều"; “Khám phá hang Ô Rô - hang Hoàn Mỹ”; “Khám phá hung Thoòng”; “Du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan danh thắng, di tích lịch sử”; “Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt” tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; “Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình”; “Khám phá thiên nhiên Chà Rào - Chà Cùng, xã Trường Sơn”, huyện Quảng Ninh; tiếp tục khai thác thử nghiệm chương trình tham quan 4 ngày 3 đêm của sản phẩm du lịch “Khám phá hang Đại Ả, hang Over, hang Pygmy”; triển khai đề án “Phát triển làng văn hóa, du lịch Cự Nẫm”.
Sau đại dịch COVID-19, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự cố gắng vươn lên của mình, du lịch Quảng Bình đã phục hồi phát triển trở lại, tạo nên một diện mạo mới với nhiều hy vọng. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2022 đạt hơn 2 triệu lượt với tổng thu từ du lịch dự ước đạt khoảng 2.312 tỷ đồng.
Quan trọng hơn là sự ghi nhận của du khách cũng như các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế tiếp tục đánh giá cao về nỗ lực cố gắng, sự phát triển và môi trường du lịch ở tỉnh Quảng Bình. Trong năm 2022, tỉnh Quảng Bình xếp thứ 7 trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) năm 2021 của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV); Phong Nha - Kẻ Bàng được AFAR (Mỹ) vinh danh là 01 trong 39 điểm đến của Thế giới năm 2022, hang Sơn Đoòng được CN Traveller vinh danh là 01 trong 7 kỳ quan thế giới năm 2022.
Vào ngày 14/4/2022, hang Sơn Đoòng được giới thiệu trên trang chủ Google tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ với quy mô tiếp cận hơn 500 triệu lượt người. Đồng thời, sự kiện này cũng được báo chí, truyền hình trong nước và quốc tế truyền thông sâu rộng.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình cho biết: Những kết quả đạt được cho thấy sự phục hồi phát triển của của du lịch tỉnh sau đại dịch COVID-19 là rất khả quan. Có được như vậy, trước hết phải ghi nhận tâm huyết, sự cố gắng, kiên trì, chủ động của các doanh nghiệp, người làm du lịch trong tỉnh. Tuy nhiên, Quảng Bình vẫn mong muốn ngành Du lịch phải “cất cánh” thực sự trong thời gian tới. Theo đó, ngoài việc khai thác tốt tiềm năng lợi thế, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch như: Phát triển hơn nữa các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ và hấp dẫn để thu hút du khách; tăng cường khai thác du lịch mùa thấp điểm; tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, người làm du lịch phát triển các sản phẩm du lịch; xây dựng cộng động du lịch thân thiện, văn minh.
(Nguồn: Ngày Nay)