Nhiều giải pháp kích cầu du lịch

Huy Nam |

COVID - 19 đã gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Để du lịch Quảng Trị phục hồi, nhiều giải pháp kích cầu đã được các cơ quan chức năng xác định và triển khai thực hiện.

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết, COVID- 19 đã đẩy du lịch địa phương vào tình thế rất khó khăn, nhất là vào thời điểm từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 4/2020.

Du khách thăm, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: HN
Du khách thăm, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: HN

Toàn tỉnh có 188 cơ sở lưu trú, trong đó có 2 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 3 sao, 54 khách sạn 1 - 2 sao nhưng lượng khách lưu trú giảm đến khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2019; nhiều doanh nghiệp trong tổng số 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải tạm ngừng hoạt động; lượng du khách đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng giảm đến 85%...

Sau khi COVID - 19 được kiểm soát, du lịch địa phương đã có sự phục hồi bước đầu. Để kích cầu du lịch, ngày 23/6/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2757/KH - UBND về tổ chức các giải pháp, hoạt động kích cầu du lịch khắc phục hậu quả COVID - 19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định rõ mục đích, yêu cầu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội Du lịch tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để triển khai thực hiện.

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Để kích cầu du lịch, đơn vị triển khai, phối hợp thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó tập trung triển khai Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” theo kế hoạch của Bộ VHTT&DL. Tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch, các đoàn farmtrip để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú và dịch vụ du lịch, khai trương tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ năm 2020.

Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để đưa nguồn khách đến. Tiếp tục xây dựng và phát triển các thương hiệu, sản phẩm du lịch như: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”, “Cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông - Tây”, kết nối và liên kết du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, xúc tiến thực hiện các công tác chuẩn bị tổ chức Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị vào năm 2021. Củng cố và nâng cao chất lượng tour du lịch hiện có như Cồn Cỏ, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, sân bay Tà Cơn, tuyến phố lễ hội ở thị xã Quảng Trị, Khu du lịch sinh thái Klu ở huyện Đakrông, các bãi tắm Cửa Việt, Cửa Tùng…, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với hệ thống giếng cổ Gio An”.

Ông Nguyễn Văn Chiến cho rằng, muốn du lịch phục hồi nhanh thì giải pháp cần ưu tiên là tập trung các nguồn lực để thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá du lịch Quảng Trị - Điểm đến an toàn và thân thiện qua báo chí, các kênh truyền thông, mạng xã hội, các ứng dụng du lịch thông minh. Tích cực tham gia các chương trình quảng bá, kích cầu du lịch nội địa, khai thác thị trường quốc tế mới do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các trung tâm du lịch lớn tổ chức. Liên kết với hai tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế quảng bá chương trình “3 địa phương - một điểm đến”. Tiếp tục thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch theo Kế hoạch số 1955 của UBND tỉnh và các biện pháp phòng, chống COVID - 19 để bảo đảm an toàn cho khách du lịch và cộng đồng dân cư…

Ông Nguyễn Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Quảng Trị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thông tin: “Với chức năng của mình, hiệp hội sẽ tích cực triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh. Tập trung cho việc thông tin, vận động các doanh nghiệp tích cực kết nối xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch. Đổi mới cách thức tổ chức kinh doanh, quản lý để sản phẩm, dịch vụ ngày càng có chất lượng hơn, hấp dẫn hơn. Cùng với đó sẽ kịp thời nắm bắt, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp”.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành ở TP. Đông Hà cho biết: “Kế hoạch của UBND về kích cầu du lịch là rất cụ thể và thiết thực. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các chính sách về kịp thời xem xét giãn thuế, giảm thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chịu ảnh hưởng bởi COVID - 19 theo đúng quy định của Luật Thuế và chỉ đạo của Chính phủ. Hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch tại các thị trường mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút và triển khai các dự án du lịch, nhất là các dự án có quy mô lớn của nhà đầu tư có kinh nghiệm bởi du lịch chỉ thực sự phát triển khi có các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng và dịch vụ có thương hiệu mạnh”.

Quảng Trị có bờ biển dài khoảng 75km với nhiều bãi biển đẹp, cát trắng, nước trong xanh như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Gio Hải, Trung Giang… Có Địa đạo Vịnh Mốc và Mũi Trèo. Cách bờ biển không xa là đảo Cồn Cỏ, nơi có hệ sinh thái rừng và biển đa dạng, phong phú còn tương đối nguyên vẹn. Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhiều di tích mang tầm vóc thời đại, có giá trị lịch sử đặc biệt biểu hiện cho khát vọng hòa bình của nhân loại và ý chí, tinh thần chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc như: Thành Cổ Quảng Trị, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Đường 9 - Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Cầu Hiền Lương - Đôi bờ sông Bến Hải, các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Trường Sơn, Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Thực hiện tốt các giải pháp kích cầu du lịch sẽ tạo sức hấp dẫn mới, thu hút được nhiều du khách để lĩnh vực này nhanh chóng phục hồi.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hùng vĩ cung đường biên giới Việt – Lào

PV |

Cung đường biên giới Việt – Lào với đặc trưng của những con đường mòn, vực thẳm, sông sâu và núi đá chênh vênh sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm cực thú vị.

Hương xưa làng cổ Phước Tích

Duy Hùng |

Chợ quê Hương xưa làng cổ là chuỗi hoạt động trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn diễn ra vào ngày 13.6.2020 tại làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) với những hoạt động thử nghiệm chuẩn bị cho ngày hội Hương xưa làng cổ dịp Festival Huế 2020 sẽ diễn ra vào cuối tháng 8.

Cận cảnh hệ sinh thái động thực vật đa dạng ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Hải Ngọc |

Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ nổi tiếng với hệ thống hang động hùng vỹ và hoành tráng, ở đây còn có cả một hệ sinh thái cực kỳ đa dạng với vô vàn loài động thực vật đẹp và quý hiếm.

Ngắm bộ Cửu đỉnh - biểu tượng chính thống của vương triều nhà Nguyễn

PV |

Bộ Cửu đỉnh gồm 9 chiếc đỉnh đồng được đúc từ năm 1835-1837 dưới thời vua Minh Mạng được đặt phía trước sân Thế Miếu ở trong Hoàng Thành Huế và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012.