Du lịch là ngành kinh doanh đặc thù nên bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất do COVID-19 so với các ngành kinh tế khác.
Tại Quảng Trị, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng hiện nay, bên cạnh việc phối hợp cùng chính quyền triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị tái khởi động và phục hồi hoạt động du lịch sau COVID-19.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 188 cơ sở lưu trú và 21 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Từ đầu năm đến nay, COVID-19 diễn biến phức tạp khiến cho hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn. Theo đó, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị trong quý 1/2020 chỉ đạt 246.600 lượt (giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019); tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội đạt 235 tỉ đồng (giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019).
Do hoạt động kinh doanh, dịch vụ bị “đóng băng” nhiều tháng nay nên tình hình lao động, việc làm trong lĩnh vực du lịch cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Các hướng dẫn viên du lịch đa số làm hợp đồng theo tour du lịch nên nghỉ việc không lương, không có công ăn việc làm, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, cho nhân viên nghỉ vì không bù đắp được kinh phí nếu duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh. Đơn cử, tại Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh (là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngoài 38 công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, còn lại 45 viên chức, lao động hưởng lương từ nguồn thu nên khi UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tạm ngừng đón tiếp khách du lịch, tham quan tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thì việc trả lương và đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho viên chức, người lao động hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, chậm trễ.
Gần đây, cùng với chỉ đạo nới lỏng cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã ban hành văn bản cho phép các khu, điểm du lịch hoạt động trở lại vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu cũng đã được tung ra để thu hút khách đi chơi trong kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm sau Tết Nguyên đán. Tín hiệu đáng mừng là nhiều điểm đến trong tỉnh đã thu hút du khách quay trở lại vui chơi, thưởng ngoạn trong kỳ nghỉ lễ đầu tiên sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Lượng khách tuy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, song đây là dấu hiệu lạc quan cho thấy tín hiệu hồi phục của thị trường du lịch nội địa sau thời gian dài bị chững lại do COVID-19.
Tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, chị Bùi Thị Kim Yến, một du khách đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, tôi chọn Quảng Trị là điểm đến của cả gia đình bởi đến thời điểm hiện tại Quảng Trị là địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp với COVID-19. Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng, là cơ hội để tôi và các thành viên trong gia đình hiểu sâu hơn về lịch sử của dân tộc”.
Những ngày này, Cửa Tùng, Cửa Việt và một số bãi biển đẹp của tỉnh trở thành những điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Những bãi tắm đông người là bức tranh phản ánh sinh động một mùa du lịch đang dần trở lại nhịp thông thường vốn có, mang đến nhiều tín hiệu khả quan và cả những hy vọng về sự phục hồi của ngành “công nghiệp không khói”, vốn sinh ra để thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, thăm thú, khám phá của con người. Tại bãi tắm Cửa Việt, huyện Gio Linh bên cạnh việc đón tiếp và phục vụ du khách, thời điểm này, Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt cũng đề cao công tác bảo đảm vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh như giám sát, khuyến cáo du khách thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, rửa tay sát khuẩn và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở du khách thực hiện giãn cách nhằm tạo dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện và mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho du khách.
Trưởng Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt Nguyễn Văn Thạnh cho biết: “Từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đến nay, bình quân mỗi ngày có khoảng từ 4.000 - 5.000 lượt khách về tham quan, du lịch tại bãi tắm Cửa Việt. So với cùng kỳ năm ngoái thì lượng khách có sụt giảm, tuy nhiên trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì đây là tín hiệu rất khả quan và chứng tỏ bãi tắm Cửa Việt là một điểm đến thú vị, an toàn được nhiều du khách lựa chọn”.
Để tạo cơ sở cho sự hồi sinh của ngành du lịch, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông điểm đến an toàn; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực, các nước trên Hành lang kinh tế Đông- Tây và các thành phố để đưa khách đến; đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã chủ động, tích cực nhằm biến thách thức thành cơ hội phát triển, trong đó tập trung tái cơ cấu tổ chức bộ máy, cách thức vận hành; chú trọng đến chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn lao động; nâng cao tinh thần đoàn kết, động viên, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn...
“Nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” đó là vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19, vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các doanh nghiệp, ban quản lý các khu, điểm du lịch xây dựng bộ tiêu chí để bảo đảm tính an toàn trong kinh doanh, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch sau khi hết COVID-19, trong đó ưu tiên tập trung thị trường du lịch nội địa với các sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch biển, đảo”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.
Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Tái khởi động ngành du lịch bằng những giải pháp đồng bộ nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho du khách chính là điều kiện để ngành du lịch Quảng Trị đạt được mục tiêu phấn đấu năm 2020 tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 170 triệu USD.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)