Chùa Bão Đông và khu lăng mộ Trần Đình Ân

Việt Hà |

Làng Hà Trung, xã Gio Châu, Gio Linh (Quảng Trị) là một trong những làng cổ được hình thành vào đầu thế kỷ 15 trong cuộc Nam tiến dưới thời vua Lê Thánh Tông. Qua nhiều tư liệu lịch sử người ta đã biết đến sự nổi tiếng của họ Trần - Làng Hà Trung với nhiều đời con cháu nối tiếp nhau làm quan dưới thời triều Nguyễn và có nhiều đóng góp trong việc mở cõi xứ Đàng Trong. Tuy nhiên, ít người được biết tại đây có một khu di tích lịch sử- văn hóa quốc gia với tên gọi chùa Bão Đông và lăng mộ Trần Đình Ân, nơi đan xen giao thoa độc đáo giữa văn hóa Việt và Chăm Pa cổ.

Đến với khu di tích này, ông Trần Ngọc Hoạt, Trưởng làng Hà Trung kể với chúng tôi rằng: “Ngày xưa biển đông đang còn ở sâu vào đất liền, một hôm có một cơn bão to từ phía đông đã trôi dạt vào bờ một pho tượng lớn bằng đá. Cư dân ven bờ thấy vậy cố gắng đẩy tượng ra biển nhưng không được. Tuy nhiên, khi cùng nhau đưa tượng lên bờ lại nhẹ tênh. Kinh ngạc trước hiện tượng này nên họ đã cùng nhau lập miếu thờ phụng và đặt tên là Bão Đông”.

Phế tích kiến trúc hoa văn Chăm Pa cổ
Phế tích kiến trúc hoa văn Chăm Pa cổ

Theo quan sát thấy trên một khu đất hiện có chùa, nhà bia và còn lưu lại vết tích đền tháp. Tại trung tâm của khu di tích - nơi nguyên là điểm tồn tại của ngôi chùa Bão Ðông, có những phiến đá chạm khắc hoa văn dây leo, cành lá ở một hoặc hai mặt, mang phong cách nghệ thuật văn hóa Ðồng Dương của Chăm Pa. Ðáng chú ý là hai trụ đá có hình khối vuông dựng song song với nhau, đây chính là hai trong số những trụ chính của một công trình kiến trúc lớn. Khối đá ở phía trên có bề mặt nhẵn còn khối đá bên dưới khắc chi chít những hàng chữ Chăm cổ ở cả bốn mặt.

Các nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa của Pháp trước đây và Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng qua những cuộc điền dã, nghiên cứu đã đi đến khẳng định trong nhiều văn bản, nói rõ đền tháp Chăm này có niên đại vào cuối thế kỷ thứ 9, đầu thế kỷ thứ 10 và có tầm quan trọng như đền tháp Pô Naga ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Người Chăm sau khi di dân vào phía nam, đã bỏ lại khu đền tháp này và đến thế kỷ thứ 15 thì dân binh Việt đã đến tiếp quản vùng đất, họ đã lấy khu đền tháp để làm nơi thờ Phật của mình…

Hiện nay, khu đền có diện tích chừng 150m2. Tuy nhiên, chúng tôi được biết chu vi của khu di tích này khá rộng, bởi có một số điểm phế tích xây bằng gạch và kết cấu hoa văn đá ở phía sau không xa đền đài này, chứng tỏ đây là khu đền tháp lớn với nhiều khu vực khác nhau.

Đến Danh nhân Trần Đình Ân

Trong khuôn viên khu di tích có một ngôi nhà bia xây theo kiến trúc Việt cổ, Đó là nhà bia ghi dấu ấn một nhân vật có tiếng tăm trong triều đình nhà Nguyễn - Ngài Tham chánh Chính đoán sự Trần Đình Ân, người làng Hà Trung. Theo các thư tịch ghi lại thì nhà bia do con rễ của ngài là Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm cho xây dựng.

Vậy vì sao lại có nhà bia ghi danh Ngài Trần Đình Ân ở đây? Trong cuốn Đại Nam Liệt truyện tiền biên – một bộ sách lịch sử ghi chép về gia phả nhà Nguyễn có ghi rất cụ thể về ngài Trần Đình Ân. Ngài Trần Ðình Ân sinh ra trong một gia đình dòng dõi quan lại của triều các chúa Nguyễn. Dòng dõi họ Trần Đình xuất thân từ làng Hà Trung, hiện nay thuộc xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Khuôn viên nhà bia của ngài Trần Đình Ân
Khuôn viên nhà bia của ngài Trần Đình Ân

Trong cuộc đời và hành trạng của mình, ngài đã làm quan qua bốn đời Chúa Nguyễn, giữ đến chức vụ Tham chánh Chính đoán sự, tước Đông Triều hầu. Ngài vốn có tính trung hậu, khoan hòa, độ lượng lại có tâm huyết với việc khôi phục và mở mang xứ Ðàng trong; được các chúa Nguyễn yêu mến và tin dùng, nhân dân quý trọng. Nhiều làng trước đó do ngài khẩn điền, lập ấp về sau thành hiệu tôn làm thần khai canh. Sau khi từ quan về làng ba năm thì Ngài mất vào năm 1706. Tiếc thương ông, chúa Nguyễn Phúc Chu gia tặng ông tước Ðôn Hậu Công Thần Ðặc Tiến Trụ Quốc Kim Tử Vinh Lộc Ðại Phu Ðại Lý Tự Khanh, cho 10 người phu mộ và miễn thuế cho 30 mẫu tự điền để lo việc tế tự.

Ngôi nhà bia là một công trình xây bằng gạch và vữa vôi, hình dáng như một ngôi miếu cổ. Trần nhà bia hình vòm cuốn, mặt sau xây bít kín, ba mặt còn lại mở ba cửa vòm cuốn, có diện tích 9m2, cao gần 5m, mặt quay về hướng Nam. Bên trong nhà bia có dựng một tấm bia bằng đá đứng trên một bệ đá hình rùa giống như các tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội. Tấm bia có tên là “Tứ công thần bia”. Đây là  một di tích cổ của xứ Đàng Trong mang nhiều nét đẹp kiến trúc văn hóa lịch sử của dân tộc còn tồn tại trên mảnh đất miền Trung. Trong lòng tấm bia khắc chìm một bản Hán tự, nội dung gồm hai phần: Phần đầu là một bài tự, phần sau là một bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú. Bài thơ này do Chúa Nguyễn Phúc Chu khi ngài từ quan về làng.

Phiên âm: “Bình sinh từ thiện tính tinh thuần/ Tán phụ ngô triều tứ thế nhân/ Chính nghiệp dĩ thành từ tử phụ/ Đạo tâm hằng hiện khước hồng trần/ Hy hy bạc phát đồng tương hạo/ Nghiễm nghiễm tiên phong diệt thán thần/ Tử khứ Quảng Bình hà sở sự/Khánh sơ lục thuỷ lạc thiên châu”. (Dưới thời chúa Nguyễn, vùng Gio Linh và Vĩnh Linh hiện nay thuộc phủ Quảng Bình).

Tạm dịch như sau: Tính khí ôn hòa một dạ trung/ bổn triều giúp việc biết bao công/ thành công mới chán màu hoa tía/ mộ đạo nên xa chốn bụi hồng/ thương hạo bạc phơ hai mái tóc/ hán thần vui thú một tơ đồng/ Chuyến này về Quảng làm chi đó/ nước biếc non xanh thỏa tấm lòng.             

Cách khu vực chùa Bão Ðông chừng hơn 1 km về phía Tây là lăng mộ ngài Trần Ðình Ân. Lăng được người dân địa phương quen gọi là Lăng Lầu vì có hai tầng. Theo sử sách chép lại thì khu lăng mộ có cổng lăng, vòng thành, bình phòng, nhưng đáng tiếc rằng, thời gian tàn phá mà khu lăng mộ không còn được nguyên vẹn như xưa.

Hiện như chúng tôi thấy cổng vào Lăng được xây hình vòm, đi qua cổng là tấm bình phong và một hệ thống 3 bậc của tường xây bằng gạch tạo ra bái lăng. Phía trước nhà mồ có hai con nghê chầu hai bên ở lối đi, trong cùng là nhà mồ được xây bằng gạch có hai tầng. Nhà mồ gồm 2 phần, phần ngoài là cửa được xây vòm cuốn là nơi xây bia đá và bệ thờ, tiếp đó là phần trong được xây kín để bảo vệ cho mộ phần của ngài Trần Đình Ân.

Chùa Bình Trung hiện nay

Hiện nằm ngay cạnh khu di tích Chăm Pa cổ và ngôi nhà bia của ngài Trần Đình Ấn là ngôi chùa Bình Trung, ngôi chùa gắn liền với những năm tháng cuối đời của ngài Trần Đình Ân cũng như di tích Chùa Bão Đông. Ông Trần Đình Kỳ, hậu duệ nhiều đời của ngài Trần Đình Ân cho biết: “Năm 1703, khi ngài từ quan về làng đã cho sửa sang lại ngôi chùa Bão Đông cũ để ở và tu đạo, đặt tên là “Bình Trung tự”, còn ngài lấy pháp danh là Tịnh Tín, hiệu là Minh Hồng”.

Chùa Bình Trung hiện nay
Chùa Bình Trung hiện nay

 Ngôi chùa hiện nay cũng lấy lại tên xưa khi ngài Trần Đình Ân lập tự. Sau khi ngài mất ngôi chùa được các phật tử người làng Hà Trung tiếp tục bảo quản và phụng thờ Phật.

ua nhiều biến cố thăng trầm bể dâu của lịch sử, ngôi chùa nhiều lần tu bổ rồi lại đổ nát, Đến năm 1996, sau khi được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận khu di tích lịch sử -văn hóa Chùa Bão Đông và lăng mộ Trần Đình Ân ( Quyết định số 2009/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 11 năm 1991), Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Quảng Trị lúc ấy, đã đầu tư kinh phí thu gom các cột đá, tiến hành lập ranh giới khu di tích. Bà con phật tử cũng tiến hành quyên góp xây dựng lại Chùa Bình Trung như chúng ta thấy ngày nay. Đại đức Thích Nguyên Chính -Trú xứ Chùa Bình Trung, chia sẻ: “Tiếp nối truyền thống tu tâm dưỡng đạo của các thế hệ trước và cũng như tâm nguyện của Ngài Trần Đình Ân khi lập “Bình Trung tự”. nhà chùa cùng với đạo hữu xây dựng chùa phát triển để là nơi phật tử tu tập, hướng thiện thành người có ích cho gia đình và xã hội”

Khu di tích chùa Bão Ðông và lăng mộ Trần Ðình Ân là một địa điểm in dấu sự giao thoa rõ nét văn hóa- kiến trúc Chăm Pa cổ và Việt. Bên cạnh đó, công trình đã ghi dấu về hành trạng của một danh nhân gắn liền với việc mở mang bờ cõi đất nước, chúng ta cần tiếp tục tôn tạo và giữ gìn.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Sức sống trên đỉnh Sa Mù

Hoàng Hải Lâm |

Nhìn trên bản đồ, đèo Sa Mù như sợi mì tôm. Đi hết nó là một hành trình rất đỗi gian nan. Khi đến cuối hành trình, lòng chợt dấy lên niềm hân hoan kỳ lạ, như con người đã chinh phục được cái đích lớn trong cuộc đời mình.

Đồi cỏ đẹp mê hồn ở Hướng Hoá

Nguyễn Công |

Đồng cỏ mênh mông, xanh mướt trả dài ngút ngàn như một sân golf bỏ hoang là nơi vui chơi lý tưởng cho những gia đình vào dịp cuối tuần.

Phía thượng nguồn sông Hiếu

Xuân Dũng |

Về làng Đâu Bình vào những ngày cuối tháng 4 đáng nhớ khi tiết trời đã bắt đầu mùa nắng hạ. Chiếc cổng làng dù ghi địa danh hành chính vẫn không quên nhắc nhở cội nguồn. Đây là địa bàn cực Tây của xã Cam Tuyền ( Cam Lộ, Quảng Trị) vừa không xa sông lại vừa gần với núi.

Người đam mê máy bay mô hình

Tuệ Linh |

Nghe nhiều người kể cho nhau câu chuyện hấp dẫn về máy bay mô hình của anh Dư Quang Huy bay lượn như máy bay thật, tôi quyết định một lần mục sở thị vì mình cũng rất thích được xem máy bay trình diễn. Chứng kiến chiếc Su 27 4s của anh Huy uốn lượn trên bầu trời một cách ngoạn mục, phần nào tôi cảm nhận được nỗi đam mê của không ít người dành cho bộ môn thể thao này.