Sức sống trên đỉnh Sa Mù

Hoàng Hải Lâm |

Nhìn trên bản đồ, đèo Sa Mù như sợi mì tôm. Đi hết nó là một hành trình rất đỗi gian nan. Khi đến cuối hành trình, lòng chợt dấy lên niềm hân hoan kỳ lạ, như con người đã chinh phục được cái đích lớn trong cuộc đời mình.

Leo lên đến đỉnh Sa Mù, phóng tầm mắt nhìn thiên nhiên thấy sức sống tràn lên ngồn ngộn. Bản làng lấp ló sau cánh rừng, cô gái Vân Kiều váy hoa địu gùi lên rẫy. Nhắc đến Hướng Hóa (Quảng Trị), người ta nhắc đến Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh... những chứng tích của chiến tranh. Còn Sa Mù là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, huyền ảo, đầy chất liêu trai.

Màu trắng dày đặc của sương mù bao phủ khung cảnh đèo Sa Mù. Ảnh: Nguyen Pho
Màu trắng dày đặc của sương mù bao phủ khung cảnh đèo Sa Mù. Ảnh: Nguyen Pho

Đèo vắt qua hai xã

Sa Mù có lộ trình 19,8km ghi trên tấm biển đặt ở xã Hướng Phùng. Tấm biển này chia đôi bản Chênh Vênh, bản làng Vân Kiều đầu chân đèo Sa Mù với những ngôi nhà nhỏ xinh như cô gái đang tuổi xuân thì. Theo lộ trình chúng tôi đo được bằng công tơ mét của xe gắn máy, Sa Mù có chiều dài 22km. Nó nằm phía Tây Bắc của huyện Hướng Hóa, cách thị trấn Khe Sanh khoảng 35km.

Đèo Sa Mù được xếp vào danh sách những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Tincanada
Đèo Sa Mù được xếp vào danh sách những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Tincanada

  Đèo Sa Mù nối liền hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt. Một bên, xã Hướng Phùng, đây được xem là thị trấn của miền núi trong tương lai với những hàng quán mọc lên như nấm, những nương cà phê xanh um nối dài tít tắp. Bên kia, là xã Hướng Việt, với đồi núi trập trùng, bản làng Sa Ta đan xen nhau giữa những cánh rừng xanh. Lúc chúng tôi đến đây, đã có một vài chùm hoa trẩu nở vội cao tít trên ngọn lá. Sa Mù nằm ở giữa, vừa mạnh mẽ nhưng lại vừa nên thơ. Trong kí ức tôi. Và ngay cả trước mắt tôi, Sa Mù có một khoảng không gian đẹp, một khung cảnh ít đổi thay. Đó là vẻ kì bí, huyền ảo, lạ lùng. Không phải chuyện rừng cứ khoác một chiếc áo xanh hay Sa Mù cứ choàng lên mình tấm lụa bằng mây trôi mênh mang để mặc người nhìn ngẩn ngơ. Sa Mù còn có vẻ lầm lũi. Sự nhẫn nại của con đường, những người đi lặng lẽ, những thung sâu chốc chốc lại vẳng lên tiếng thú rừng rồi âm thanh đó được trả về trong rừng thẳm. Ở tầm độ cao gần 1.400m so với mặt nước biển chỉ nhìn thấy sương, từ lớp này đến lớp khác, từ đám mây này đến đám mây khác. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân đèo được gọi tên là Sa Mù.

Ngôi nhà trên đỉnh Sa Mù (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ở địa điểm này có độ dốc 9,8%
Ngôi nhà trên đỉnh Sa Mù (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ở địa điểm này có độ dốc 9,8%.  Ảnh: HHL

Về mùa hè, Sa Mù vẫn có sương. Mùa đông và mùa xuân thì sương sa dày đặc. Mặc cho sương gió, cây vẫn vươn lên trên sườn núi. Loại cây gỗ lớn, cứ một ngọn đồi có hàng chục cây gỗ lớn đứng thưa thớt nhưng cao vun vút lên chạm đến trời mây. Trông từ xa, chúng như là cánh tay của núi rừng. Người Vân Kiều ở đây gọi đó là cánh tay của thần núi, cây rừng thấp là lớp da của thần núi. Còn đôi chân là con đường dài 22km nối giữa Hướng Việt và Hướng Phùng. Tôi thích trí tưởng tượng này, nó nên thơ và đầy ắp niềm tin vào sự mạnh mẽ của sông núi.

Sa Mù là con đèo hiểm trở vào loại bậc nhất miền Tây Quảng Trị. Từ Tượng đài Chiến thắng Khe Sanh vào xã Hướng Lập, nơi có dòng sông Sê Păng Hiêng chảy về nước Lào phải đi qua đèo Sa Mù. Cung đường Khe Sanh - Hướng Lập dài 60km thì đèo Sa Mù chiếm một phần ba. Cái một phần ba này lý trình toàn những khúc uốn quanh co và độ dốc đủ để đôi chân thấy mõi.

Bầy trâu lang thang trên đỉnh Sa Mù, ở điểm cao khoảng 1.200m so với mực nước biển
Bầy trâu lang thang trên đỉnh Sa Mù, ở điểm cao khoảng 1.200m so với mực nước biển. Ảnh: HHL

  Tôi đã đi qua cung đường này trong đêm, núi rừng yên ắng đến lạ lùng. Chỉ độc nhất nghe tiếng xe gắn máy và vệt sáng le lói từ phía đèn xe bị sương mù bao phủ chỉ đủ cho tôi xác định trước mắt mình có một con đường. Cơ duyên này do người tri kỉ. Khi anh bạn thân tôi xuống túc trực ở địa bàn cách Sa Mù gần 100km. Rượu ngon không có bạn hiền, tôi quyết định băng rừng trong đêm. Với hai giờ đồng hồ chạy xe, tôi đứng trước mặt bạn thân, anh ta thốt lên vẻ ngạc nhiên. Tôi và người này, như hai xã Hướng Việt và Hướng Phùng. Khoảng cách giữa chúng tôi là đèo Sa Mù mà điểm nối chúng tôi cũng là con đèo ấy. Chúng tôi gặp nhau trên dãy Trường Sơn với những câu chuyện về rừng, có cả chuyện về Sa Mù trong những năm chiến tranh ác liệt.

Những bông hoa vàng tô điểm cho con đường thêm thơ mộng.
Những bông hoa vàng tô điểm cho con đường thêm thơ mộng. Ảnh: Anh Thơ

Những câu chuyện lạ

Những câu chuyện trên đèo Sa Mù vừa mang dấu tích huyền thoại, vừa mang tính tâm linh. Hơn ai hết, những người con Hướng Hóa tường tận câu chuyện kể. Họ hiểu đến thăm thẳm núi rừng. Khi đặt chân đến bản Chênh Vênh, điểm đầu của đèo Sa Mù chúng tôi được nghe bà con Vân Kiều say sưa kể về những tháng năm chống Mỹ. Có đến Sa Mù, mới thấy được sức sống của rừng, của người, của cả thú rừng nơi đây nó rất mãnh liệt. Đôi lúc, sự sống như cây cỏ, trông yếu ớt mảnh mai thế mà sức sống đến lạ kỳ. Suốt thời chiến, bom đạn của Mỹ cày nát nơi đây bộ đội ta vẫn chiến đấu, cô gái Vân Kiều vẫn tải đạn, rồi con thú vẫn luồn qua khe suối kiếm ăn. Đến bây giờ, Hướng Phùng là vựa cà phê của Hướng Hóa.

Ông Đào Ngọc Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị) kiểm tra sự phát triển của lan hồ điệp.
Ông Đào Ngọc Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị) kiểm tra sự phát triển của lan hồ điệp. Ảnh: Anh Thơ

Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Trường Sơn, đồng bào Vân Kiều ở đây lưu giữ rất nhiều chuyện lạ của núi rừng. Chuyện ong thần gác cửa rừng, có những khu rừng ong thần làm tổ là không ai được phép vào chặt cây, cưa gỗ vì đó là nơi nghỉ ngơi của thần núi. Nếu vi phạm, dòng họ, bản làng sẽ sinh nhiều chuyện xấu.

Rồi những năm 1964 - 1975, các đơn vị bộ đội vận chuyển lương thực, vũ khí... từ miền Bắc vào đi sang địa phận Hướng Việt, Hướng Lập không thể vượt đèo phải đi vòng hơn 30km để đến được bên kia chân đèo. Nhắc đến Sa Mù - Khe Sanh với địa danh hiểm trở, nhiều dốc đứng, thú dữ ai cũng rùng mình. Thế nhưng già trẻ, gái trai của bản làng đều tham gia kháng chiến, góp gạo nuôi quân... đó là chuyện thần kỳ, là lòng yêu Tổ quốc, là sức sống mãnh liệt của con người và núi rừng Trường Sơn.

Lan hồ điệp khoe sắc trên đỉnh đèo Sa Mù.
Lan hồ điệp khoe sắc trên đỉnh đèo Sa Mù. Ảnh: Anh Thơ

Đèo Sa Mù trập trùng, đầy rẫy những hiểm nguy. Với thú dữ và những khúc cua, vực thẳm còn hơn thú dữ khiến bộ binh còn gặp nhiều khó khăn. Người dân bản địa xem Sa Mù như “con đường ma” vì quá nhiều nguy hiểm chực chờ. Đến năm 1997, Bộ Quốc phòng mới cho xây dựng tuyến đường này, và trong khi thực hiện san ủi, nhiều lần xe ủi công trình bị chết máy trong lúc đây là xe mới. Sau đó bộ đội ta phát hiện nhiều hài cốt liệt sỹ. Các linh hồn nằm lặng lẽ giữa rừng xanh phút chốc bật dậy giữ lái không cho xe chạy. Điều đó như níu tay đồng đội, hãy đem các anh về với bạn bè, đồng đội, gia đình. Cũng từ đó, trước mỗi lần thi công làm những con đường mới đoàn công binh làm lễ trước khi động thổ.

Không chỉ Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập mà một số địa phương lân cận thuộc bắc Hướng Hóa truyền tai nhau câu chuyện kể về loại cá mà người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không bao giờ ăn. Chuyện kể rằng, ngày trước ở trên đèo có hai chị em mồ côi, người chị có tài võ nghệ lại có phép thuật nên thú dữ trên rừng cũng phải sợ. Chị lại hết lòng thương yêu em trai nhưng người em này ngang bướng không nghe lời chị, suốt ngày cứ đi lêu lỏng từ nơi này đến nơi khác. Buồn em chị đến bờ sông và mất tích luôn ở đó, sau người em tìm kiếm đến tận dưới lòng sông, thấy một loài cá là hóa thân của chị mình nên người Vân Kiều ở đây không bao giờ ăn loài cá đó.

Những tuồng tích của đồng bào Vân Kiều nơi đây đều gắn liền với loài cây, ngọn cỏ, con vật... và câu chuyện nào cũng đầy ắp tình yêu thương. Như chuyện cô gái bị người tình phụ biến thành loại địa lan mọc ở ven đường, chuyện cô gái đẹp vì thương tiếc người yêu đã khuất nên hóa thành hoa dã quỳ nở suốt mùa thu sang tận mùa đông rực rỡ.

Trang trại dâu tây hàng nghìn cây sắp ra quả ngọt.
Trang trại dâu tây hàng nghìn cây sắp ra quả ngọt. Ảnh: Anh Thơ

Hoa nở trong sương

Trên tuyến đường từ Hướng Phùng sang Hướng Lập đẹp nhất vào cuối đông, lúc này hoa dã quỳ nở rộ. Trong cái lạnh giá của mùa đông, dã quỳ quẫy lên những cánh hoa vàng rực giữa bầu trời xanh, giữa những tán cây ven đường xanh ngắt. Chợt nhớ câu hát của Trịnh Công Sơn, em đến bên đời hoa vàng một đóa. Đóa hoa vàng ấy giữ thế nào? Giữa tạo hóa sinh ra người và sinh ra hoa đều trở về cát bụi. Những ngày lang thang ở Sa Mù, tôi còn được biết đến hoa địa lan. Mùa xuân, những bông hoa lặng lẽ nở ven đường trên suốt chiều dài hơn 20km của đèo Sa Mù. Địa lan ở Sa Mù là giống hoa thân nhỏ, mọc đứng, cây cao trung bình chừng 0,5m, hoa màu tím nhạt nở ra bên nách lá. Suốt chuyến đi, tôi cứ hay dừng lại trên đường để ngắm loài hoa này. Và lòng tự nghĩ, phải chăng đây là loài hoa trong câu chuyện cổ tích cô gái bị người yêu bỏ rơi. Trong bạt ngàn lau lách, trong sương trắng mênh mông, trong lạnh giá màu tím nhạt đó đã níu chân người đi suốt cả chặng đường dài. Điều ấy dấy lên trong tôi một nỗi buồn, hay đó là lòng trắc ẩn đối với loài hoa nở trong sương. Tôi vẫn có ý nghĩ, rằng đặt loài hoa này vào chậu sứ thật đẹp nó sẽ rất kiêu sa nhưng đấy là suy nghĩ hẹp hòi, thiển cận. Không đâu hơn là “chiếc chậu Sa Mù”.

Một khúc cua có độ dốc 8,9% trên đèo Sa Mù
Một khúc cua có độ dốc 8,9% trên đèo Sa Mù. Ảnh: HHL
Trong sự hùng vĩ của núi rừng, sự thênh thang mây trôi, trập trùng nước bạc thì địa lan Sa Mù vẫn níu chân người qua lại. Hàng trăm năm loài địa lan này chen chúc mọc giữa cây cỏ, giữa đất đá trên Sa Mù bãng lãng mây trôi. Đó là sức sống kỳ diệu của loài hoa. Ở đâu cũng thế, con người hay cỏ cây gì thì nguồn cội vẫn là mùa xuân tưới tắm cho tâm hồn, cho sắc xuân.
 
 Con đường hoa dã quỳ ở xã Hướng Phùng. Ảnh: Xanh Ewec.

Sa Mù không phải là nơi thời tiết quá đỗi khắc nghiệt, ở đây không khí trong lành, quanh năm mát mẻ. Mặc dù sương luôn bao phủ nhưng khung cảnh đó không tạo nên sự u buồn. Nhìn Sa Mù, người đi thấy choáng ngợp bởi chặng đường xa, đôi lúc mệt mỏi nhưng lúc đi hết đèo mới thấy tia nắng rẽ tầng mây lọt xuống thảm rừng chợt thấy lòng ấm áp. Đi hết Sa Mù, cảm giác trải nghiệm như đi qua mùa xuân. Có cả mưa lăn tăn, có cả gió lạnh, có cả nắng ấm, mùi cơm nếp của bản làng thoang thoảng trong gió và rượu rừng Trường Sơn sực nức đến tâm can, thi sĩ chẳng muốn trở về...

TAGS

Vương cung Thánh đường La Vang

Thạch Hãn |

Vương cung Thánh đường La Vang (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) là một trong những địa chỉ hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam.

Cây cô đơn ở hồ Rào Quán đã được "cứu sống" sau khi bị "bức tử"

Lê Văn |

Thông tin từ Nhóm tình nguyện cứu Cây cô đơn, sau thời gian bị chặt phá bằng cách lột vỏ, đến nay Cây cô đơn (hồ Thuỷ điện  Rào Quán, Hướng Tân, Hướng Hoá, Quảng Trị) đã phát triển bình thường.

Mưu sinh với nghề hấp cá

TT - HTS |

Vào mùa, hàng trăm lao động nghèo đã âm thầm mưu sinh trong không gian chật hẹp của những lò hấp cá hừng hực lửa ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Để có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, giọt mồ hôi quyện lẫn mùi tanh nồng của cá đã chảy xuống gương mặt hằn in vất vả, nhọc nhằn của những người làm nghề hấp cá…

Sen hồng bung sắc giữa những làng quê đầy nắng và gió

PV |

Mỗi độ tháng tư về, khắp trên những làng quê đầy nắng và gió của Quảng Trị, những bông sen hồng lại khoe sắc rực rỡ, tỏa hương thơm ngát.