Vườn hoa của Xuân

Trần Tuyền |

Chỉ mới 14 tuổi nhưng Bùi Phan Trường Xuân (SN 2006) đã khiến người dân xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) trầm trồ ngợi khen, thán phục vì dám “mạnh tay” đầu tư trồng vườn hoa làm du lịch trên cát trắng bạc màu. Mặc dù mới đưa vào hoạt động nhưng vườn hoa của Xuân đã được nhiều người biết tới và đến tham quan, chụp ảnh…

Những ngày này, khi đi qua tuyến đường quốc phòng nối Cửa Việt - Cửa Tùng, đoạn thôn 4, xã Gio Hải, mọi người dễ dàng nhìn thấy một vườn hoa đủ sắc màu rộng khoảng 1 ha bên cạnh hồ nước thơ mộng. Ấy là vườn hoa của Bèng (tên gọi ở nhà của Bùi Phan Trường Xuân). Giữa cánh đồng hoa xinh xắn ấy, cậy bé Xuân cùng mẹ và các chị đang cặm cụi vun xới, tướm tắm cho từng gốc hoa.

Xuân và mẹ trên vườn hoa khoe sắc. Ảnh: Trần Tuyền
Xuân và mẹ trên vườn hoa khoe sắc. Ảnh: Trần Tuyền

Năm nay, Xuân học lớp 8A, Trường TH&THCS Gio Hải. Vốn là cậu học trò lanh lợi, hiếu học nên những ngày nghỉ dài vì COVID-19, ngoài giờ học trực tuyến, Xuân tranh thủ ra chăm sóc vườn hoa - gia tài của Xuân. “Ý tưởng trồng hoa làm du lịch nảy sinh trong đầu em từ những ngày đầu năm mới 2020. Lúc bấy giờ, trong nhà em có một vườn hoa nhỏ trồng đủ loại. Dọc các tuyến đường bêtông, mẹ em và các bà, các dì hàng xóm cùng trồng hoa ven đường theo lời kêu gọi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Hoa mười giờ, hoa thọ, hoa cúc, hoa cánh bướm vàng đua nhau khoe sắc. Nhiều người đi đường thấy vậy liền dừng xe chụp ảnh lưu niệm để đăng lên mạng xã hội. Và rồi em nghĩ mình sẽ trồng hoa để làm du lịch, phụ giúp thêm ba mẹ”, Xuân mở đầu câu chuyện.

Nhà Xuân có 6 con trâu. Ngoài giờ học và cuối tuần, Xuân thường dắt đàn trâu ra thửa đất rộng, gần hồ nước phía sau nhà. Đây là đất trồng lúa, khoai của bà con trong thôn. Tuy nhiên, vì đất cát bạc màu nên năng suất chẳng đáng là bao. Người dân trong thôn chủ yếu trồng để tự cung cấp lương thực. Nhận thấy mảnh đất này rộng rãi, lại có hồ nước quá đẹp nên Xuân tự vạch ra trong đầu mình một bản thiết kế về vườn hoa có thể cho khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. “Ấp ủ đã lâu, đầu tháng 2 dương lịch vừa rồi, em trình bày ý tưởng này với ba mẹ. Nghe xong, ba em phản đối, bảo em phải tập trung vào việc học hành, không được sao nhãng. Nhưng mẹ em thì đồng ý”, Xuân nhớ lại.

Để hiện thực hóa ý tưởng, Xuân cùng em trai là Bùi Phan Trường Đông (11 tuổi), hiện đang học lớp 5A, Trường TH&THCS Gio Hải, đập heo đất lấy tiền lì xì tết. Số tiền mà 2 anh em gom góp được khoảng 3 triệu đồng. Người thân trong nhà hỗ trợ thêm được 2 triệu nữa để Xuân làm vườn hoa. Số vốn mà Xuân có được lúc ấy là 5 triệu đồng. Tiếp đó, Xuân và em trai đi xin hoa giống, mua hạt rồi về ươm tại nhà. Loài hoa chủ yếu mà Xuân trồng là hoa cánh bướm vàng và cánh bướm trắng hồng. Xuân tiếp tục tìm mua phân bón quanh vùng. “Khi đã có đủ tất cả những thứ cần thiết, em nhờ mẹ mượn và thuê đất của những gia đình khác được gần 1 ha gần hồ nước. Rồi em nhờ thêm người cuốc đất trồng hoa”, Xuân kể.

Nghe thì có vẻ dễ dàng êm xuôi, tuy nhiên trên mảnh đất cằn khô cát trắng, cỏ dại mọc phủ lối đi thì công cuộc vỡ đất làm vườn khá vất vả. Xuân phải thuê máy cày đất, sau đó cuốc lên luống để trồng hoa. “Đầu tiên, chỉ một mình Xuân làm thôi. Sau đó cả nhà thấy cháu quyết tâm quá nên ai cũng xắn tay vào giúp đỡ. Mỗi người một tay. Người làm cỏ, người bón phân, người bỏ giống. Khi hoa đã lên đều thì chị em của Xuân phụ giúp làm chong chóng, xích đu… Đến khoảng giữa tháng 4 mới cơ bản hoàn thiện vườn hoa. Tuy nhiên, gia đình vẫn thường xuyên nhắc nhở cháu biết phân bố thời gian giữa việc học và chăm sóc vườn hoa. Chồng làm nghề biển, tôi làm nông nên cũng mong con cái ăn học thành tài để sau này đỡ khổ như bố mẹ”, chị Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1975) - mẹ của Xuân nói.

Thời gian hoàn thiện vườn hoa của Xuân cũng là lúc cả nước đang căn mình chống COVID-19. Vì thế, dự định “mở cổng” đón khách của Xuân phải lùi lại. Tuy nhiên, sau khi quay video clip và chụp ảnh đăng tải lên facebook, vườn hoa của Xuân được nhiều người chú ý, khen ngợi và đặt lịch đến tham quan.

Giữa vườn hoa sặc sỡ rộng gần 1 ha, Xuân trang trí thêm nhiều chong chóng nhỏ đủ sắc màu. Mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, hàng loạt chong chóng quay vù vù trông rất thích mắt. Sát mép vườn là một hồ nước. Trên mặt hồ có một cây cầu gỗ nhỏ xinh. Ngoài bìa vườn là 2 chiếc xích đu được tái chế từ lốp xe ô tô cũ. Nhiều người tỏ ra rất thích thú trước cách thiết kế, bày trí của cậu bé học lớp 8 này.

Từ cuối tháng 4, vườn hoa của Xuân đưa vào phục vụ du khách đến tham quan chụp ảnh với mức vé vào vườn từ 15-20 ngàn đồng/người. Mặc dù mới mở nhưng vườn hoa của Xuân, với lợi thế gần đường quốc phòng được nhiều người tìm đến thưởng lãm. “Đợt mưa kéo dài vừa rồi làm vườn hoa của em bị ngập, cầu gỗ ở giữa hồ cũng bị hư hỏng nên em đang tăng tiến độ khắc phục. Sắp tới, em sẽ trồng thêm hoa, làm lại cầu gỗ, bè gỗ giữa hồ và thêm một số phụ kiện, chi tiết giúp vườn hoa trong đẹp hơn để phục vụ khách”, Xuân chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khe Luồi - cuộc sống bên kia sông

Minh Anh |

Thôn Khe Luồi thuộc diện khó khăn của xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị). Dù nằm cách thị trấn Krông Klang - đô thị trung tâm của huyện vài km, nhưng do có sông Đakrông ngăn trở nên những năm qua cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, một cây cầu bắc qua sông Đakrông đã được đầu tư xây dựng và đang gấp rút hoàn thiện, mang lại những đổi thay cho vùng đất này.

Quảng Trị - không gian văn hoá vì hoà bình

Mai Trang |

Quảng Trị vốn không rộng về không gian địa lý, nhưng nơi đây sâu nặng nghĩa tình của đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. 

Vương cung Thánh đường La Vang

Thạch Hãn |

Vương cung Thánh đường La Vang (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) là một trong những địa chỉ hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam.

Mưu sinh với nghề hấp cá

TT - HTS |

Vào mùa, hàng trăm lao động nghèo đã âm thầm mưu sinh trong không gian chật hẹp của những lò hấp cá hừng hực lửa ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Để có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, giọt mồ hôi quyện lẫn mùi tanh nồng của cá đã chảy xuống gương mặt hằn in vất vả, nhọc nhằn của những người làm nghề hấp cá…