Trong những năm qua, xác định tầm quan trọng của các di tích lịch sử, văn hóa (LSVH) trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã có nhiều chủ trương, giải pháp để đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống di tích LSVH của địa phương.
Đông Hà hiện có 21 di tích LSVH đã được công nhận, trong đó có 2 di tích được công nhận di tích LSVH quốc gia là Đình làng Nghĩa An và hệ thống giếng Chăm ở phường Đông Thanh, Cảng quân sự Đông Hà ở Phường 2 và 19 di tích LSVH cấp tỉnh.
Trong 21 di tích LSVH có 16 di tích thuộc loại hình lịch sử, 5 di tích thuộc loại hình văn hóa nghệ thuật; UBND thành phố trực tiếp quản lý 8 di tích, số còn lại do UBND các phường quản lý theo quy định của UBND tỉnh. Để tăng cường hiệu quả quản lý và từng bước thực hiện tốt việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của hệ thống di tích LSVH của địa phương, TP. Đông Hà đã triển khai nhiều giải pháp. Trọng tâm là đã lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhiều di tích; khoanh vùng diện tích khu vực bảo vệ các di tích theo Nghị định 93/CP của Chính phủ về thi hành Luật Di sản văn hóa với tổng diện tích trên 16 ha. Phân cấp quản lý và chỉ đạo, hướng dẫn các phường quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích; chỉ đạo ngành giáo dục hướng dẫn các trường học tổ chức cho học sinh triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường cảnh quan tại các di tích.
Triển khai xây dựng bia, biển ở các di tích để khẳng định vị trí di tích, cấp độ di tích và giới thiệu di tích để tuyên truyền về truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách trung ương, vốn đối ứng của thành phố và đóng góp của Nhân dân để trùng tu di tích quốc gia Đình làng Nghĩa An; hỗ trợ kinh phí cho các phường để đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp các di tích. Quy hoạch tạo dựng khuôn viên, trưng bày hiện vật chiến tranh tại di tích lịch sử Nhà ga - Lô cốt Đông Hà giai đoạn 1 với kinh phí 200 triệu đồng; xây dựng bia di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng xã Cam Tường tại địa điểm nhà ông Hồ Sỹ Khâm ở phường Đông Thanh trị giá 270 triệu đồng; xây dựng bia di tích họ Hoàng Đức ở phường Đông Giang trị giá 270 triệu đồng. Huy động trên 2 tỉ đồng từ ngân sách, nguồn đóng góp của Nhân dân để trùng tu các di tích lịch sử văn hóa kiến trúc Đình làng Lập Thạch, Đình làng Trung Chỉ…
Là người luôn quan tâm đến các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, ông Hồ Ngọc Tuấn ở phường Đông Thanh chia sẻ: “Do nhiều yếu tố nên không ít các di tích trên địa bàn thành phố nói chung và phường Đông Thanh nói riêng đã bị xuống cấp. Thực tế này mấy năm gần đây đã từng bước được khắc phục khi mà chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo. Theo tôi, việc này cần phải được thực hiện tốt hơn bởi các di tích LSVH không chỉ là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc để cộng đồng phát triển về mọi mặt”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo cũng như phát huy giá trị của hệ thống di tích LSVH của địa phương vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Phó Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Nguyễn Tăng cho biết: “Do những tác động mạnh mẽ của thiên nhiên, sự tàn phá khốc liệt của bom đạn chiến tranh và ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người dân nên không ít di tích LSVH trên địa bàn thành phố bị hư hại, xuống cấp và thậm chí bị xóa dấu vết trên thực tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã đặt ra những thách thức lớn trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LSVH. Nhất là diện tích đất đai bị lấn chiếm, thu hẹp, công tác lập hồ sơ khoanh vùng đất đai bảo vệ còn chưa hợp lý, tính nguyên trạng của một số di tích rất khó bảo tồn, tôn tạo do là nơi diễn ra sự kiện, tồn tại dưới dạng phế tích. Cùng với đó là kinh phí bố trí cho việc đầu tư, tôn tạo các di tích LSVH còn hạn chế”. Thực tế công tác quản lý, tôn tạo di tích LSVH trên địa bàn TP. Đông Hà cũng cho thấy, sự vào cuộc và phối hợp trong công tác bảo vệ, tôn tạo di tích LSVH của các cơ quan chức năng, chính quyền các phường có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa có sự thống nhất trong công tác quản lý, phương án, quan điểm, nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo di tích. Việc hỗ trợ, phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh với thành phố trong hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo đối với di tích còn hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Nguyễn Tăng cho biết thêm, từ thực trạng trên, hiện nay địa phương đang tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích LSVH với mục tiêu đề ra là tạo cơ sở để huy động nguồn kinh phí đầu tư, chú trọng hình thành hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực này. Phân định rõ trách nhiệm của UBND thành phố, các phường, sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích LSVH để vừa bảo tồn được các di sản vừa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và tạo môi trường sinh thái nhân văn phục vụ cộng đồng. Để thực hiện đạt kết quả cao nhiệm vụ này, cùng với nỗ lực của mình, Đông Hà với đặc thù là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh rất cần sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)