Thôn Ruộng giữ rừng

Lê Trường |

Thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được người dân ở đây quen gọi là bản Ruộng. Cư dân của thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Thôn nằm ngay bên cạnh khu rừng tự nhiên với diện tích hơn 100ha. Đây là khu rừng có tỉ lệ cây tự nhiên đông đặc còn nguyên sinh hiếm có tại tỉnh Quảng Trị. Đó là thành quả gìn giữ, bảo vệ rừng của người dân nơi đây hàng chục năm nay.

Theo chân cán bộ Trạm Kiểm lâm Hướng Tân thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, chúng tôi tìm đến khu rừng tự nhiên bên cạnh thôn Ruộng. Khu rừng nằm ngay sát khu dân cư, cách một con đường bê tông, xen ở giữa là những ruộng lúa nước của người dân. Chúng tôi đã sử dụng thiết bị bay trên cao (flycam) để chụp lại toàn bộ khu rừng và hiện ra trên màn ảnh là một màu xanh trải rộng của các loại cây rừng tự nhiên.

Anh Hồ Văn Lăng, Trưởng thôn Ruộng, cũng là Tổ trưởng Tổ quần chúng bảo vệ rừng của thôn dẫn chúng tôi vào sâu bên trong khu rừng. Đường đi vào nhỏ hẹp, chỉ vỏn vẹn vừa đủ bước chân, dưới tán cây rừng nguyên sinh chỉ le lói vài tia nắng, hai bên lối đi là rất nhiều cây gỗ như giẻ, bạng, chân chim, chò sót, sau sau,... những cây này có đường kính từ 30-50cm tỏa bóng sum suê. Nhanh tay dùng rựa tém gọn các cây dại quanh gốc cây giẻ, anh Lăng kể: “Ở thôn Ruộng, nếu phát hiện người nào phá rừng sẽ bị phạt nặng theo phong tục, nên ở dân bản không ai dám vào rừng chặt cây hoặc xâm lấn đất rừng”. Đi thêm một đoạn vào rừng, ngắm nhìn những cây gỗ lớn, anh Hồ Quốc Việt, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hướng Tân cho biết: “Trước đây, do trải qua chiến tranh và con người tàn phá, hơn 100 ha rừng này dần nghèo kiệt. Vào năm 2005, tỉnh Quảng Trị thực hiện mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, hưởng lợi. Lúc đó, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa tiến hành bàn giao rừng cho cộng đồng thôn Ruộng quản lý và bảo vệ. Từ đó đến nay, khu rừng như được hồi sinh”. Anh Lăng nói thêm: “Được bàn giao cho quản lý và bảo vệ khu rừng, theo sự hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm, thôn đã họp dân, cử ra tổ quần chúng bảo vệ rừng gồm 10 người. Hằng tuần, hằng tháng, các thành viên của tổ chia nhóm rồi luân phiên đi tuần tra. Nếu phát hiện có người xâm lấn rừng, chặt phá cây, hoặc có cháy rừng thì sẽ báo ngay với Trạm Kiểm lâm Hướng Tân để xử lý”.

Tổ quản lý, bảo vệ rừng thôn Ruộng phối hợp với kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng - Ảnh: L.T
Tổ quản lý, bảo vệ rừng thôn Ruộng phối hợp với kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng - Ảnh: L.T

Người dân thôn Ruộng nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị nói chung từ lâu đã ý thức được việc giữ rừng. Cũng nhờ bảo vệ tốt diện tích rừng hơn 100 ha, nên thôn Ruộng giữ được nguồn nước để sinh hoạt, sản xuất. Đợt mưa lũ cuối năm 2020, cánh rừng ở phía đầu nguồn này cũng giúp thôn tránh được các trận lũ ống, lũ quét. Để có thể làm tốt việc quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, ngoài việc tuần tra, kiểm soát chặt khu rừng, các nhóm trong tổ quần chúng bảo vệ rừng của thôn thường xuyên phối hợp cùng kiểm lâm viên đi đến từng nhà để phổ biến, tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về giá trị mà rừng mang lại, từ đó chung tay để bảo vệ. Cũng chính vì vậy, tất cả các hộ trong thôn đều tự nguyện ký cam kết không phá rừng. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm mùa khô hanh, tổ quần chúng bảo vệ rừng của thôn chia nhóm trực 24/24 giờ để phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra các khu vực người dân sản xuất, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để tuyên truyền, vận động người dân không đốt nương rẫy vào những ngày nắng nóng. Thôn Ruộng cũng coi trọng việc sử dụng khoản tiền chi phí từ dịch vụ môi trường rừng. Với mỗi héc ta rừng được giao, mỗi năm cộng đồng thôn Ruộng sẽ nhận được 300.000 đồng. Một phần số tiền nhận được dành để hỗ trợ cho các thành viên trong tổ quần chúng bảo vệ rừng, phần nhiều thì dành để phục vụ cho cộng đồng, như hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn hoặc các công trình công cộng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa Bùi Văn Duẩn cho biết: “Từ năm 2005 đến 2020, toàn huyện đã giao 7.156 ha rừng tự nhiên cho 34 cộng đồng; 1.828,32 ha cho 15 hộ, nhóm hộ gia đình quản lý, bảo vệ và hưởng lợi. Các cộng đồng, hộ gia đình được giao rừng cơ bản đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, đối với một số cộng đồng được giao rừng nhưng họ không được chi trả phí dịch vụ từ môi trường rừng thì vẫn chưa mặn mà trong công tác bảo vệ rừng. Riêng đối với thôn Ruộng thì đây được xem là địa phương thực hiện rất hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng. Chính vì vậy, những năm trở lại đây, hơn 100 ha rừng tự nhiên giao cho thôn bảo vệ không xảy ra tình trạng chặt phá, xâm lấn, hay cháy rừng xảy ra. Hiện nay, huyện Hướng Hóa còn khoảng 5.000 ha rừng tự nhiên do các xã quản lý chưa được giao. Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm sẽ tiếp tục tham mưu huyện rà soát, lên kế hoạch giao diện tích rừng này cho các cộng đồng, hộ gia đình, nhóm hộ có nhu cầu để quản lý, bảo vệ và hưởng lợi các lâm sản tăng thêm từ rừng.”

Rừng thôn Ruộng được bảo vệ, phát triển tốt nhờ thực hiện các việc làm cụ thể như làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng hương ước, thành lập tổ quần chúng bảo vệ rừng... Đây cũng là kinh nghiệm, cách làm hiệu quả cần nhân rộng để mỗi một cộng đồng, người dân, bản làng sống gần rừng cùng chung tay quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên.

(Nguồn: Báo Quảng Trị) 

TAGS

Người dân bức xúc vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do khai thác rừng

Công Điền |

Đất đá trôi xuống đập Tà Noòng, chảy tràn về hệ thống nước sinh hoạt của người dân, làm nguồn nước đục ngầu, không thể sử dụng được.

Cháy rừng ở Thừa Thiên-Huế có nguy cơ ảnh hưởng vận hành an toàn điện

Đức Dũng |

Truyền tải điện Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương để triển khai các biện pháp chữa cháy rừng khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ cháy lan.

Cộng đồng chung tay phòng, chống cháy rừng

Trần Anh Minh |

Thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đang bước vào cao điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ luôn ở mức cao, hanh khô diễn ra trên diện rộng nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Trước tình hình này, Chi cục Lâm nghiệp tích cực phối hợp với các địa phương có rừng và các chủ rừng triển khai các giải pháp chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, phát huy tối đa trách nhiệm của cộng đồng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng, các chủ rừng để công tác phòng, chống cháy rừng được triển khai có hiệu quả.

Thừa Thiên-Huế: Huy động tối đa lực lượng để khống chế cháy rừng

Đỗ Trưởng |

Các lực lượng chữa cháy của địa phương đã phát quang nhiều cây cối và phun nước quanh Trạm Kiểm định đạn dược T264-K890 nhằm tạo đường băng cản lửa không để lan rộng.