Về miền quê Tân Trại Hạ

Việt Hà |

Nếu ai đã từng một lần đến với vùng đất làng quê Tân Trại Hạ, cho dù vào bất cứ mùa nào trong năm cũng sẽ thấy viên mãn với màu xanh trù phú của các loại cây trái từ trong vườn nhà ra đến những cánh đồng làng. Bao đời nay, những bàn tay cần cù của người dân Tân Trại Hạ đã tạo dựng nên một làng quê tươi đẹp, trù phú và dày thêm lịch sử văn hóa. Đi trên miền quê này, ta còn thấy dấu xưa cổ kính rêu phong đồng vọng về trong hiện tại.

Theo đường 70 từ ngã ba Hiền Lương xuôi về bãi tắm Cửa Tùng, chúng ta sẽ bắt gặp cổng chào vào xã Vĩnh Giang. Đây là địa phận của làng Tân Trại Hạ thuộc xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Nhiều người sẽ hỏi, nếu đây là làng Tân Trại Hạ vậy thì làng Tân Trại Thượng nằm ở đâu?

Cánh đồng lúa làng Tân Trại Hạ
Cánh đồng lúa làng Tân Trại Hạ

Đây là một câu chuyện dài của lịch sử  tách chia của một vùng đất xứ Đàng Trong xa xưa cho đến ngày hôm nay. Ông Nguyễn Văn Thu ở thôn Tân Trại 1 cho chúng tôi biết: xưa Tân Trại là một vùng đất, sau đó hai anh em chia ra hai để sinh sống, lâu dần nhân khẩu cũng như các họ tộc đông đúc lên thành làng. Ấy là làng Tân Trại Thượng, nay thuộc xã Vĩnh Thành và làng Tân Trại Hạ nay thuộc xã Vĩnh Giang.

Như vậy, ngày xưa Tân Trại là một làng đại xã, tức là làng có diện tích rộng, nhân khẩu đông, sầm uất như làng Cam Lộ, huyện Cam Lộ; làng Câu Hoan, huyện Hải Lăng, thuộc tỉnh Quảng Trị. Hiện Vĩnh Giang có 7 thôn nhưng làng Tân Trại Hạ có diện tích trãi dài trên 4 thôn với nhân khẩu chừng 2.000 người.

Có người ví xã Vĩnh Giang có dáng hình như một con rồng bay lên từ sóng nước sông Bến Hải. Đầu rồng nằm ngay chính thôn Tân Trại Hạ, cái điểm nhô ra được xem như mũi rồng. Vùng Mũi Rú này một địa điểm tâm linh của người dân Tân Trại Hạ, hiện có diện tích chừng trên 1 ha và được chính quyền bảo vệ không cho khai thác gỗ. Miếu Thành Hoàng làng cũng được xây dựng tại đây, nay được trùng tu sửa chữa và bà con hương khói muôn rằm tứ quý.

Tương truyền ngày xưa vùng đầu rồng này hoang vu um tùm cây cối cổ thụ hàng mấy người ôm và rất rộng lớn. Thú dữ ẩn nấp trong rú đêm đêm gầm thét nghe rợn người. Sau này Pháp chiếm làm đồn án ngữ một vùng từ Vĩnh Giang cho xuống Cửa Tùng. Lô cốt như chúng ta thấy là dấu vết của một trong nhiều lô cốt và hệ thống hầm hào đồn bốt quân sự, chúng đã bắt các chiến sĩ cánh mạng trong vùng về tra tấn, giết hại dã man. Theo lời kế của các cụ trong làng thì có rất nhiều trận đánh ác liệt của bộ đội, dân quân tự vệ với Pháp diễn ra tại đây. Sau này trong kháng chiến chống Mỹ vùng Mũi Rú này là nơi tập kết quân lương phục vụ cho chiến trường miền Nam, giặc đã nhiều lần thả bom tàn phá.

Xuôi về hướng Đông của Mũi Rú là đình làng Tân Trại Hạ, sau các cuộc chiến tranh đã hư hỏng hoàn toàn, đình làng được xây mới trên nền đất ngày xưa. Cũng theo lời kể của các cụ cao niên thì Mũi Rú, miếu Thành Hoàng và đình làng nằm trên trục của một cái cung tên kéo căng dây, cánh cung là một con đường đi giữa đồng, nay không còn. Cây cung này hướng về phía Nam, ý trong phong thủy gọi là phép trấn chống lại giặc giã đến từ phương đó.

Một vườn tiêu vườn tiêu tại làng Tân Trại Hạ
Một vườn tiêu vườn tiêu tại làng Tân Trại Hạ

Có một điều bất ngờ là ngôi đình làng không chỉ nơi tâm linh của làng Tân Trại Hạ, nơi tế lễ hàng năm của người dân trong vùng. Câu chuyện lịch sử gắn liền với đình làng này còn làm cho vùng quê cách mạng này thêm những tự hào. Qua lời kể được biết, trong những năm tháng chống Pháp, đình làng là nơi hội họp, chốn đi về của các tổ chức yêu nước. Ông Nguyễn Văn Thu cho biết thêm: “Vào trước 1945, các ông Lê Duẩn, Đặng Thí và các nhà cách mạng tiền bối lão thành đã về đây họp bàn việc chống thực dân Pháp và phong kiến. Chi bộ Đảng của Vĩnh Giang đã hình thành từ cái nôi cách mạng này”.

Trên vùng đất chừng 10 héc ta nằm về phía Nam của làng Tân Trại Hạ, bên bờ sông Bến Hải này giờ đã xong vụ gặt, trơ tóc rạ. Tuy nhiên, ẩn chứa trong mình là những câu chuyện về lịch sử xa mà gần trong quá khứ. Theo lời kể đây là một hệ thống nối dài của thành Cổ Lũy nằm chếch phía dưới làng Cổ Trai. Phía sát bờ sông là bến thuyền, các hàng hóa thương lái theo đường bộ thiên lý Bắc Nam xuôi vào và theo con sông đào Cánh Hòm, sông Vĩnh Định.

Về Tân Trại Hạ hôm nay, bên cạnh nghe những câu chuyện xưa tích cũ mà chúng ta sẽ còn thấy những đổi thay trên vùng quê cách mạng. Những người dân nơi đây hồ hởi nói về quê hương với sự tự hào đáng có. Và điều đó cũng đã thể hiện qua những đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà khang trang đẹp đẽ, những vườn tiêu sai quả ngủ ngon trên cành trong những mái nắng lên. Ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Thôn Tân Trại 1 cho biết: “Hiện thôn đang thực hiện hoàn thành nhiều tiêu chí của nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống của bà con đang nâng lên rõ rệt, bình quân thu nhập 42 triệu đồng người mỗi năm”. Bà Phan Thị Liên, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Cán bộ nhân dân của các thôn Tân Trại Hạ trong những năm qua đã cố gắng nỗ lực trên các mặt từ phát triển kinh tế cho đến xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các phong trào cấp trên phát động đều được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, có chiều sâu”.

Ở đâu đó trên đất Tân Trại Hạ  này, có những trầm tích của lịch sử dung dị nằm sâu dưới luống đất cày. Nếu được một lần đến với nơi đây, chắc ai trong chúng ta cũng chợt nghĩ rằng: Bất cứ ở nơi đâu trên đất nước của mình, chính những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng đã tạc nên hồn quê, hồn dân tộc không thể nào bị phai mờ qua thăng trầm lịch sử.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Bắt gặp “nàng” Thàn Mát giữa lòng Đà Nẵng

Thùy Trang |

Đầu tháng 5, những chuỗi hoa Thàn Mát nứt ra từ kẽ lá, rũ mình trong gió đêm để hôm sau lại bật ra màu tím kiêu hãnh ngay giữa lòng Đà Nẵng.

"Một dấu khoanh tròn" trên Hành lang kinh tế Đông Tây

Phan Duy Tình |

Mỗi lần cùng đám bạn ngao du ở vùng Hướng Phùng, Hướng Việt (Hướng Hoá, Quảng Trị) tôi thường khẳng định với các bạn rằng, chắc chắn trong vài năm tới ngành "công nghiệp không khói" sẽ làm thay đổi diện mạo của Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) với khoản thu ngân sách tăng đều mỗi năm. Và thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh sẽ là "bãi đáp" cho du khách nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực.

Tái khởi động du lịch Quảng Trị sau COVID-19

Hà Trang |

Du lịch là ngành kinh doanh đặc thù nên bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất do COVID-19 so với các ngành kinh tế khác. 

Ngũ Hành Sơn và liên kết du lịch vùng theo dấu chân vua Minh Mạng

Tường Minh |

Theo sử liệu Nhà Nguyễn, vua Minh Mạng (ở ngôi từ 1820-1841) chỉ trong vòng 12 năm đã 3 lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn, đó là các năm Minh Mạng thứ sáu (1825), Minh Mạng thứ tám (1827) và Minh Mạng thứ mười tám (1837) để chiêm bái, ngoạn cảnh và thăm em gái Ngọc Ngôn đang tu tập tại đây.