Về miền sóng gió Trung Giang

Nam Việt |

Nếu tính từ Bắc vào Nam thì Trung Giang là xã đầu tiên trong các xã bãi ngang của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi đến đây vào những ngày đầu tiên của tháng 3 năm 2020, thật may mắn là một ngày thời tiết khá đẹp, nắng vàng trãi trên xóm thôn và những bãi cát vàng tinh khôi. Có lẽ đứng trước biển thì tâm hồn con người ta ai cũng trẻ lại, sóng gió của trùng khơi như đang thủ thỉ kể cho chúng tôi những câu chuyện về đất và người nơi đây

cầu Cửa Tùng. Ảnh: Internet
cầu Cửa Tùng. Ảnh: Internet

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân đó là cầu Cửa Tùng, trong ánh nắng lên cầu Cửa Tùng như một cánh cổng vàng mở ra trước biển. Ví cầu Cửa Tùng như cánh cổng vàng cũng không ngoa, bởi những lợi ích của việc xây dựng chiếc cầu này đem lại cho người dân thì nhiều vô kể. Cầu Cửa Tùng được khởi công xây dựng từ tháng 9-2003 và đến ngày 27-1-2010 cầu được khánh thành. Cầu rộng 9 m, dài gần 500 m, tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng.

Việc đưa cầu Cửa Tùng vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân cư ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, nối thông tuyến du lịch Hiền Lương - Cửa Tùng - Cửa Việt, tạo ra tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên - Huế. Tình cờ chúng tôi được gặp bác Trần Đình Phê, hiện ở thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, câu chuyện chân tình của bác cũng là nỗi niềm của bà con nơi miền quê cát này, bác nói: “ Cây cầu Cửa Tùng này hoàn thành mà bà con nghĩ như là một giấc mơ không có thật. Hàng trăm năm nay, bao đời cha ông và chúng tôi sống ở đây không bao giờ tưởng tượng rằng có một ngày được đi trên cây cầu qua bên kia sông. Từ ngày có cây cầu, giao thông đi lại thuận tiện và đời sống phát triển hơn trước”.

bãi tắm Cửa Tùng. Ảnh: Internet
bãi tắm Cửa Tùng. Ảnh: Internet

Từ vùng dưới chân cầu Cửa Tùng kéo dài cho đến gần 1 km có một bãi cát vàng thoai thoải rất đẹp, hiện nay có tên là bãi tắm Cát Sơn hay còn gọi là bãi tắm Nam Cửa Tùng thuộc xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Với lợi thế bãi cát trắng mịn màng, bờ biển thoải, nông và còn lưu dấu nét hoang sơ thơ mộng nên những năm trở lại đây, bãi tắm Cát Sơn trở thành điểm đến yêu thích của du khách thập phương... Năm 2010, UBND xã Trung Giang lập quy hoạch bãi tắm cộng đồng phía nam cầu Cửa Tùng với diện tích 20 ha. Từ khi các nhà hàng, quán xá bán các mặt hàng thủy sản tươi sống mọc lên thì bãi tắm Cát Sơn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Khi cùng chúng tôi lên cầu Cửa Tùng để ngắm một phần của Trung Giang đang chuyển động trong một lực đẩy mạnh mẽ, Chủ tịch xã Trung Giang Trần Xuân Tưởng vui mừng nói về lợi thế phát triển du lịch biển của Trung Giang. Với địa thế thuận lợi của trục giao thông bắc nam dọc theo biển cùng với sự hoang sơ tự nhiên của bờ biển, nên hàng năm thu hút khách du lịch của địa phương và ngoài tỉnh đến tắm biển và thưởng thức hải sản. Anh Trần Xuân Tưởng cho biết: “ Chính quyền địa phương luôn tăng cường kiểm tra, hạn chế việc giá cả cao “ chặt chém” khách hàng, giữ uy tín chung trong kinh doanh dịch vụ- du lịch…”.

Việc phát triển kinh tế là sự tổng hòa của các mặt tiêu chí khác nhau. Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế đối với các xã vùng Đông, thời gian qua, huyện Gio Linh đã chú trọng phát triển diện tích nuôi tôm trên cát. Đặc Biệt sau sự cố môi trường biển năm 2016 thì đây là một hướng đi mới trong việc tạo sinh kế cho người dân.

Ở xã Trung Giang, với diện tích đất vùng cát khá lớn, nguồn lao động dồi dào, việc phát triển nôi tôm và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn hiện nay mở ra nhiều cơ hội để Gio Linh đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng cát, tạo động lực để các địa phương ven biển thực hiện tiêu chí về thu nhập cho người dân thuận lợi hơn. Anh Hoàng Thế Vinh, một hộ gia đình nuôi theo hình thức này nhiều năm qua, có kinh nghiệm và hiệu quả chia sẻ cho chúng tôi về cách thức nuôi loại tôm này. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, ngoài việc vốn đầu tư được hỗ trợ từ dự án, từ các ngân hàng thì việc áp dựng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản rất quan trọng, từ khâu con giống đến chăm sóc. Đặc biệt là đối với cách nuôi tôm 2 giai đoạn.

Ngư dân ra khơi đánh bắt cá. Ảnh: Internet
Ngư dân ra khơi đánh bắt cá. Ảnh: Internet

Dọc theo hành trình qua vùng chân sóng Trung Giang, vào lúc 9 h sáng, chúng tôi gặp những người ngư dân ra khơi đánh bắt cá từ khuya nay đã đưa thuyền về bến bãi. Phải thấy cảnh thuyền cặp bờ và vất vã đưa thuyền lên bãi cát mới thấy sự vất vã của ngư dân. Ngư dân Trần Quốc Doãn, ở tại thôn Hà Lợi Trung, Trung Giang, Gio Linh rất phấn khởi vì cá trích năm nay được mùa được giá. Cá trích được mùa được giá nên nhiều chủ thuyền ở vùng biển bãi ngang Gio Linh đang rất phấn khởi, hào hứng tăng chuyến ra khơi đánh bắt cá trích với mong muốn một vụ mùa bội thu. Anh tâm sự, “Mỗi thuyền đi biển ngày 02 chuyến. Chuyến buổi sáng đi từ 04 h vào lúc 09 h, chuyến buổi chiều đi 03 h và vào bờ lúc 07 h. Chi phí cho dầu máy nổ mỗi chuyến khoảng 200 nghìn đồng. Mỗi cân cá trích được bán với giá 10 nghìn đồng, mỗi thuyền một chuyến đánh được chừng 02 tạ cá, vị chi là 02 triệu đồng. Trong ngày, trừ chi phí đi thì chủ thuyền có trong tay xấp xĩ 4 triệu đồng”.

Những câu chuyện về miền quê cát Trung Giang như lời thủ thỉ của sóng gió trùng khơi. Đúng vậy, biển cả bao la luôn được xem là khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người. Nơi đại dương sâu thẳm kia, hàng ngàn năm qua đã đem lại cho người ngư dân niềm vui cũng như nguồn thực phẩm vô tận. Biển là nguồn sống, sự đam mê và là máu thịt của những con người chân chất mộc mạc quen “ăn sóng nói gió”. Đã qua bao đời nay, những người dân miền biển luôn trân quý mẹ biển và mẹ biển cũng đã ban tặng cho họ những món quà quý giá từ con cá, từ giọt nước mắm chắt chiu.

Chúng tôi rời nơi đây với tâm trang mừng vui khôn tả. Tuy thời gian lưu lại nơi miền chân sóng không lâu nhưng sự hạnh ngộ này có lẽ sẽ khó phai trong tâm khảm của mỗi người. Đúng vậy, câu chuyện lịch sử không hẳn chỉ được nghe kể lại, hay được chứng kiến mà đó còn là sự cảm nhận của chính bản thân của mỗi người. Và chúng ta có trách nhiệm truyền cảm hứng cho những người khác tiếp tục viết về điều đó.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Bia tưởng niệm Quán Ngang và tấm lòng người anh hùng

Hồ Nguyên Kha |

Chắc hẳn những người con của mảnh đất Gio Linh (Quảng Trị) sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh đều biết đến căn cứ quân sự Quán Ngang. Đây là căn cứ có quy mô lớn, tập trung bộ máy đầu não của chính quyền Sài Gòn để điều hành và quản lý về mặt hành chính, quân sự, làm “bàn đạp” xâm chiếm miền Bắc. Vì thế căn cứ Quán Ngang là chứng tích chiến tranh tiêu biểu trên vùng đất Gio Linh.

Báu vật của làng Phú Kinh

Việt Hà |

Làng Phú Kinh, xã Hải Hòa ( nay là xã Hải Phong), huyện Hải Lăng -  Quảng Trị là một trong những làng cổ của tỉnh Quảng Trị. Là một làng quê thuần nông nằm bên dòng Ô Lâu lịch sử, Phú Kinh có phong cảnh hữu tình của một làng quê Việt Nam. Đặc biệt nơi đây hiện lưu giữ một hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa của quốc gia. Đó là bức Khoán ước của làng được khắc trên thanh gỗ lim và có niên đại xuất xứ hàng trăm năm.

Đánh thức tiềm năng du lịch biển Cửa Tùng

Nguyên Đồng |

Một trong những địa điểm du lịch đẹp và ấn tượng nhất của tỉnh Quảng Trị nói chung, huyện Vĩnh Linh nói riêng là bãi biển Cửa Tùng. 

Khách du lịch đến Quảng Trị giảm 90% so với cùng kỳ

Tiến Nhất |

Theo thông tin từ Sở VHTT&DL Quảng Trị cho biết, dịch COVID- 19 đã khiến tổng lượng khách du lịch đến địa phương trong quý I/2020 chỉ đạt 246.600 lượt, giảm 90 % so với cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội ước đạt 235 tỷ đồng (giảm 65% so với năm 2019).