Xây dựng “chất” riêng cho Phố đêm Đông Hà

Mai Lâm |

Sau gần 3 tháng tổ chức thí điểm, tuyến Phố đêm Đông Hà tại quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị đã mang lại không gian sinh hoạt văn hóa đường phố sôi động, tươi mới vào tối Thứ 7 hàng tuần, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, để hoạt động ở đây trở nên bài bản và phát triển bền vững cần có kế hoạch phát triển phố đêm mang tính lâu dài.

Phố đêm nhộn nhịp

Mục tiêu ra đời phố đêm là tạo không gian sinh hoạt văn hóa, tạo điểm đến vui chơi, giải trí, mua sắm vào ban đêm vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa góp phần lưu giữ du khách ở lại, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn TP. Đông Hà nói riêng và của tỉnh nói chung.

Đông đảo người dân tham gia tuyến Phố đêm Đông Hà vào tối Thứ 7 hàng tuần -Ảnh: M.L
Đông đảo người dân tham gia tuyến Phố đêm Đông Hà vào tối Thứ 7 hàng tuần -Ảnh: M.L

Theo định hướng, không gian hoạt động phố đêm là tổ chức các chương trình nghệ thuật, hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ, các trò chơi, giải trí và một số dịch vụ ẩm thực mang nét đặc trưng của văn hóa đường phố. Chị Lê Thị Túy, phường Đông Lương, TP. Đông Hà chia sẻ: “Từ khi có tuyến phố đêm, gia đình tôi có thêm địa điểm cho các con vui chơi những ngày cuối tuần. Bọn trẻ rất thích những trò chơi ở đây, nhất là những hôm có chú hề bong bóng tiêu khiển. Không gian ở phố đêm cũng thoáng mát, rộng rãi, không có xe cộ nên phụ huynh yên tâm khi con chạy nhảy, vui đùa”.

Trên cơ sở phân bố hệ thống hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là hệ thống giao thông, hiện trạng hoạt động của các dịch vụ thương mại quanh Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, phố đêm ở đây được chia thành 2 khu vực: khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ tập trung được tổ chức tại quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, trụ sở làm việc Sở VH,TT&DL cũ, tuyến đường nội bộ từ giao 125B Quốc lộ 9 đến điểm giao với đường Hùng Vương; khu vực 2 bố trí các điểm đậu, đỗ xe và khuyến khích người dân phát triển các dịch vụ ăn uống, mua sắm ở các tuyến phố lân cận quảng trường. Thời gian hoạt động của phố đêm từ 18 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau vào các ngày Thứ 7 hàng tuần.

Để có tuyến phố đêm, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) phối hợp một số đơn vị liên quan xây dựng sơ đồ bố trí, sắp xếp các hoạt động vui chơi giải trí, lắp đặt điện trang trí trên quảng trường; vận động các hộ liền kề tuyến đường Ngô Quyền hạ tường rào giáp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh để tạo không gian thông thoáng, hòa nhập với tuyến đường đi bộ phố đêm.

Theo ông Nguyễn Tiến Lực, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở VH,TT&DL, lúc đầu người dân chưa đồng thuận nhưng sau một thời gian tuyến phố đi vào hoạt động thấy hiệu quả, các hộ dân đã tự nguyện viết đơn xin hạ tường rào. Điều đáng ghi nhận là các hộ dân tự chịu chi phí việc hạ tường rào và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để cùng tham gia với hoạt động của phố đêm. Mặc dù mới hoạt động, song tuyến phố đêm đã thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Thư viện lưu động ở tuyến phố đêm -Ảnh: M.L
Thư viện lưu động ở tuyến phố đêm -Ảnh: M.L

Để tạo sự tươi mới cho hoạt động của tuyến phố đêm, xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho giới trẻ, Sở VH,TT&DL phối hợp với Tỉnh đoàn phát động các cơ sở đoàn, hội, đội, nhất là trên địa bàn TP. Đông Hà tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên tuyến phố. Đặc biệt, khuyến khích, vận động các tổ, nhóm văn nghệ, thể thao ở cơ sở đăng ký tham gia các chương trình văn nghệ, dân ca, dân vũ… để tạo sự phong phú, đa dạng cho hoạt động của phố đêm.

Làm gì để giữ chân khách nội tỉnh?

Thực tế, phố đêm không phải là mô hình mới vì ở các thành phố lớn, những tuyến phố này đã hình thành từ lâu. Quảng Trị không phải là tỉnh du lịch như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... nên trước mắt, tuyến phố đêm sẽ khó thu hút khách du lịch ngoại tỉnh. Tuy nhiên, ở nơi ít điểm giải trí như tỉnh Quảng Trị nói chung, TP. Đông Hà nói riêng thì phố đêm ra đời đã tạo một địa điểm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí vào dịp cuối tuần, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Vì thế, làm thế nào để phố đêm thu hút được khách nội tỉnh lâu dài chứ không phải chỉ đến một lần là vấn đề cần đặt ra.

Để làm được điều này cần tạo ra sự mới mẻ, sinh động, hấp dẫn cho phố đêm từ việc trang trí, thiết kế, tổ chức không gian để trở thành điểm check-in hấp dẫn giới trẻ đến việc kiểm soát nội dung các chương trình văn hóa, văn nghệ hàng tuần để tránh sự trùng lắp, nhàm chán…

Hoạt động các loại hình giải trí, biểu diễn văn nghệ quần chúng cũng cần mang bản sắc, đảm bảo thuần phong mỹ tục văn hóa địa phương.

Dịch vụ ẩm thực ở phố đêm thu hút nhiều người dân -Ảnh: M.L
Dịch vụ ẩm thực ở phố đêm thu hút nhiều người dân -Ảnh: M.L

Trước mắt, sau thời gian hoạt động thí điểm do cán bộ ngành VH,TT&DL kiêm nhiệm quản lý, điều hành kết nối các hoạt động thì tuyến phố này cần có ban quản lý riêng để xây dựng nội quy, quy chế điều hành hoạt động cũng như có phương án để tiếp tục hoàn thiện và khai thác hiệu quả tuyến phố này.

Thực tế, tại các thành phố lớn vẫn có những tuyến phố đêm sau một thời gian hoạt động thì bị biến tướng thành “phố ăn uống” hoặc trở nên đìu hiu, thưa thớt do hình thức hoạt động không có gì hấp dẫn để thu hút người tham gia.

Nguyên nhân thiết chế cần thiết về văn hóa, vui chơi, giải trí… cho phố đêm hạn chế, hàng quán mọc lên, người dân tụ tập mua bán những loại hàng hóa na ná nhau. Rút kinh nghiệm điều này, định hướng nhất quán của tỉnh là xây dựng tuyến phố đêm ở quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh mang nét đặc trưng riêng thiên về các hoạt động văn hóa tại khu vực trung tâm quảng trường như bố trí không gian giới thiệu sách, các dịch vụ giáo dục gắn với văn hóa đọc, khu vực vẽ tranh, thư pháp, nghệ thuật biểu diễn âm nhạc đường phố, ảo thuật, khiêu vũ, giao lưu văn nghệ...

Sử dụng trụ sở làm việc của Sở VH,TT&DL cũ làm nơi để trưng bày, bán hàng OCOP, nông sản địa phương, hàng lưu niệm. Bố trí không gian vỉa hè dọc các tuyến đường nội bộ, không gian hai bên hông Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, không gian 2 bên sân trụ sở Sở VH,TT&DL cũ làm không gian ẩm thực, các điểm giải khát, đồ uống mang đi...

Hướng phát triển của tuyến phố đêm là tạo một không gian văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động dịch vụ ẩm thực, kết hợp mua sắm, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Sau thời gian tổ chức thí điểm, sở đang tiến hành rà soát để xây dựng dự thảo đề án phát triển phố đêm trên địa bàn TP. Đông Hà trình UBND tỉnh xem xét thẩm định. Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hồ Văn Hoan

Sau này, có thể mở rộng không gian dịch vụ ẩm thực, quà lưu niệm, sản phẩm hàng hóa và văn hóa ẩm thực ra khu vực các tuyến đường lân cận phố đêm như: Quốc lộ 9, Lê Hồng Phong, Ngô Quyền, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông để liên kết với khu vực trung tâm tạo thành chuỗi hoạt động về đêm, từ đó tạo nên sản phẩm du lịch có sức thu hút lớn. Không chỉ hàng hóa, sản vật Quảng Trị mà có thể có các khu bán hàng hóa và ẩm thực Lào, Thái Lan để thể hiện đặc trưng riêng, hấp dẫn của TP. Đông Hà - cửa ngõ của Hành lang kinh tế Đông Tây, tạo ra bản sắc và dấu ấn riêng để tuyến phố trở thành điểm lui tới và ở lại trong lòng cư dân, du khách.

“Tuy nhiên, việc phát triển cần có lộ trình tính toán cụ thể để huy động người dân tham gia quản lý cùng Nhà nước. Việc đa dạng các hoạt động từ mua bán, trình diễn trên phố tuyến phố cũng là điểm nhấn để thu hút khách nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh tình trạng mua bán, biểu diễn thiếu quy hoạch làm nhếch nhác bộ mặt cảnh quan. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư để kết hợp các hoạt động kinh doanh phù hợp với chất lượng dịch vụ tốt, phục vụ nhu cầu của người dân và khách tham quan”, ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, tuyến phố cần đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hài hòa lợi ích về văn hóa, KT-XH và đời sống các hộ kinh doanh, người dân trong và ngoài khu vực tuyến phố đêm. Ngoài ra, cần đảm bảo phân luồng giao thông hợp lý, bố trí bãi giữ xe, điểm đỗ, đậu xe hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sống trong khu vực, không gây ách tắc giao thông.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lung linh sắc màu Phố đi bộ Lao Bảo

Bảo Phú |

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) ngày thứ 2 đi vào hoạt động đã gây ấn tượng cho hàng ngàn khách tham quan bởi không gian văn hoá, ẩm thực phong phú, đa dạng.

Hàng ngàn người tham gia phố đi bộ Lao Bảo

Yên Mã Sơn |

Tối 28/4 tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã diễn ra Lễ khai mạc phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Sẵn sàng cho phố đi bộ đầu tiên ở thị trấn Lao Bảo đi vào hoạt động

THIÊN SƠN |

Những ngày này, UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) cùng các tổ chức chính trị xã hội và người dân địa phương, đang gấp rút chuẩn bị tổ chức thí điểm Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây sẽ là dịp giao lưu, trải nghiệm về các hoạt động văn hoá, ẩm thực và đang được người dân chờ đợi, với kỳ vọng sẽ là điểm giải trí hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Tạo điểm nhấn du lịch từ các tuyến phố đi bộ

Ngọc Trang |

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế du lịch. Đặc biệt gần đây, một số huyện, thị xã, thành phố đã và đang triển khai mô hình tuyến phố đi bộ với nhiều hoạt động đặc trưng, tạo điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa.