Hiện tại, các ngành chức năng, giới nghiên cứu văn hoá đang cùng nhau xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận áo dài là di sản thế giới.
Trong thời gian qua, nhiều điểm di tích lịch sử, không gian giao lưu văn hóa của khu phố cổ Hà Nội cũng đã diễn ra một chuỗi hoạt động gồm triển lãm, trình diễn, hội thảo, tọa đàm về trang phục áo dài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ngoài các hoạt động trên, rất nhiều chương trình quy mô lớn lấy áo dài làm chủ đề đã được tổ chức như: Lễ hội áo dài, chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, Tuần lễ áo dài Việt Nam trên toàn quốc nhận được sự hưởng ứng rất lớn của công chúng…
Từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng Áo dài tại TP. Hồ Chí Minh đã sưu tầm, tổ chức trưng bày “Áo dài di sản văn hóa” trong nhiều sự kiện triển lãm, hội thảo với quy mô lớn, nhỏ khác nhau.
Cùng với đó, trong nhiều cuộc thi sắc đẹp, các chương trình giao lưu văn hoá, áo dài luôn được lựa chọn là trang phục cho các người đẹp và những gương mặt đại diện. Điển hình như Trương Thị May trình diễn trên sân khấu Miss Universe, Huyền My ở cuộc thi Miss Grand International hay người đẹp Tường San lọt “Top 10 trang phục dân tộc xuất sắc Miss International 2019”
Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, áo dài gắn bó với đời sống của người dân nước ta từ xa xưa. Nếu như áo dài phụ nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt Nam, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn, tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông.
Hành trình để áo dài được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn là của nhân loại còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, rất cần thiết có nhiều hoạt động lan tỏa giá trị của áo dài Việt. Thực tế gần đây, không ít chương trình về áo dài đã tạo được dấu ấn với người dân trong và ngoài nước.
“Thế giới trong áo dài Việt” là chương trình vừa diễn ra tại Hà Nội, giới thiệu 600 bộ trang phục áo dài từ 15 bộ sưu tập của 15 nhà thiết kế Việt Nam, lấy ý tưởng từ văn hóa các quốc gia. Khán giả đã được chiêm ngưỡng nét sang trọng của hoàng gia Thái Lan, những hoa văn cung đình của Ấn Độ, hình bóng của bộ hanbok Hàn Quốc, những câu chuyện thần thoại của Hy Lạp, hình tượng hoa tuylip của Hà Lan hay biểu tượng của nền văn hóa Nga...
Các nhà thiết kế như Minh Hạnh, Ngọc Hân, Cao Duy, Công Huân, Chu La, Cao Minh Tiến, Huệ Thi... đã khai thác các yếu tố văn hóa, mỹ thuật của các quốc gia và đưa vào các họa tiết, hoa văn trang trí, các phụ kiện trong trang phục áo dài Việt. Chương trình được đánh giá cao, qua đó góp phần tôn vinh áo dài, góp thêm tiếng nói để áo dài trở thành di sản của Việt Nam và thế giới như lộ trình đang hướng tới.
(Nguồn: Ngày Nay)