Tháng 12 năm ngoái, trong dịp nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến TP. Đông Hà dự buổi ra mắt Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị, chúng tôi cùng anh và các thành viên trong đoàn là nhà thơ Dương Dương Hảo và chị Thân Vân Anh, phó trưởng ban tổ chức hội đã vào Thành Cổ thắp hương cho “những người nằm dưới cỏ”.
Buổi chiều hôm đó trời nhiều mây, những đám mây màu cánh vạc như tên một tiểu thuyết viết về nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm của nhà thơ Thu Bồn. Và mưa. Thành Cổ bình yên bên dòng sông Thạch Hãn, mưa rả rích giăng giăng hơi lạnh với nỗi buồn rất khó tả. Cỏ thì vẫn thế, buốt xanh miên man như những lần tôi đến đây.
Thiều đi trước tôi mấy bước, dáng thấp đậm, đầu hơi cúi xuống. Tôi biết Thiều có một anh trai đi bộ đội và hy sinh ở Thành Cổ. Suốt đêm qua anh không ngủ khi đến Quảng Trị, thao thức trong những cảm xúc và ngẫm suy về mảnh đất còn in nhiều dấu tích chiến tranh này.
Nỗi xót thương anh trai ngã xuống vùng đất nóng bỏng khi tuổi còn quá trẻ cũng là một lý do khiến nhà thơ không tài nào chợp mắt được dù vừa bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế và từ Huế đi ô tô ra Đông Hà. Chả biết trời mưa thế này, chúng tôi có thắp hương được không? Tôi thầm khấn trời tạm ngớt mưa đi cho các nhà văn hầu hết đã từng mang áo lính thắp mấy nén hương cho những người đã khuất. Nguyễn Quang Thiều cũng đang thầm thì điều gì đó. Kỳ lạ thật, mưa bỗng ngớt, dù ngước lên tôi vẫn thấy những đám mây xám ngổn ngang trên bầu trời màu khói.
Chúng tôi mau chóng bày lễ thắp hương ở Đài tưởng niệm và sau đó ở Bia tưởng niệm các sinh viên hy sinh trong 81 ngày đêm ở Thành Cổ vào mùa hè đỏ lửa 1972. Đêm về, nhớ tới hình ảnh của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tôi xúc động viết bài thơ “Thành Cổ” tặng anh: Thành Cổ, những thanh xuân vắng khuất/bạn cúi đầu, im lặng một đường cong/ai ôm súng ngủ quên trong lòng đất/dưới mưa/cỏ biếc ròng ròng/Cỏ ư, nào phải cỏ/giấc mơ giảng đường không tiếng súng tuổi hai mươi/nụ hôn cháy giữa ánh chiều rực đỏ/hơi thở cuối cùng ngùn ngụt cỏ à ơi/Cớ sao hôm nay gió bấc thổi thật nhiều/những người con làng Chùa, những người con thôn Đình nhớ mẹ/cánh bướm hoàng hôn vỗ trên bờ tường vỡ/vọng lên vì sao mọc sớm ta nghe/Những giọt linh hồn bay ra từ cỏ/ Cổ thành/không một dòng tên/chưa bao giờ tôi thấy sông trắng thế/qua đôi vai bạn rung lên.
Và, tôi đã thấy, tôi đã nghe khát vọng hòa bình bay lên từ đó. Từ mảnh đất đã từng tan nát, vỡ vụn từng viên gạch vì lượng nổ khổng lồ từ máy bay, tàu chiến của đối phương dội xuống đấy. Bao nhiêu sách báo đã viết, tôi không nhắc lại điều đó nữa, chỉ muốn nói thêm rằng, nếu chọn một mảnh đất ở Việt Nam để nói lên khát vọng hòa bình thì có lẽ không đâu bằng Quảng Trị. Một mảnh đất ôm trong nó hàng vạn liệt sĩ cùng những di tích chiến tranh tầm cỡ đặc biệt như đôi bờ Hiền Lương; Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9; Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Thành Cổ Quảng Trị...
Trên mảnh đất này, hầu như nhà nào cũng dựng một cái am trần ở ngoài trời thờ những linh hồn không nơi hương khói. Ngẫm kỹ, ta đọc được những sâu lắng tâm linh chứa đựng không ít nhân văn trong đó. Sống chết theo luật sinh diệt là chuyện thường nhưng bị tước đoạt cuộc đời bởi chiến tranh tàn khốc là sự bất thường. Hòa bình, muôn thuở vẫn là tiếng gọi thiết tha nhất của nhân loại, với dân tộc Việt Nam lại càng tha thiết đến vô cùng. Với Quảng Trị, thử hỏi còn thiết tha nào vượt qua thiết tha được sống bình yên. Bình yên cho Tổ quốc. Bình yên cho quê hương. Bình yên cho gia đình. Bình yên cho mỗi người. Bình yên...
Có những cuộc gặp gỡ thật khó quên. Nó in sâu vào hồi ức cuộc đời như lõm xoáy trên một dòng sông. Mùa thu Hà Nội thường đẹp đến nao lòng. Hôm ấy cũng thế, bầu trời Thủ đô xanh thắm cao vời vợi, nắng vàng như mật chảy tràn trên những tàng cây và mặt phố, tại ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu có buổi gặp gỡ giữa các nhà văn là cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam. Họ bay đến từ bên kia Thái Bình Dương, có người lần đầu tiên, có người lần thứ hai, thứ ba hoặc nhiều hơn.
Như nhà thơ Bruce Weigl, một thi sĩ nổi tiếng của nước Mỹ thì ông coi Việt Nam như chốn đi - về thân thuộc của mình. Thời chiến tranh, là một người lính viễn chinh đến từ Hoa Kỳ, ông đã có hai năm 1967, 1968 ở Quảng Trị. Nhà thơ này có một bài thơ viết về Quảng Trị mang tên “Ngôi đền gần Quảng Trị không có trong bản đồ”: “Hoàng hôn/ hàng thường xuân dày đặc chim sẻ/chỉ nghe chim sẻ chí chóe dành chỗ/chỉ thấy chim sẻ di chuyển trên tường ngôi đền/những đôi cánh vẽ những dòng thư pháp”...
Trong buổi gặp gỡ đó, các nhà văn vốn là lính của hai phía đọc thơ cho nhau nghe. Tôi đã chọn bài thơ “Bông huệ trắng” (viết tại Quảng Trị) để đọc: “Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/những người lính trở về đánh rạ, dọn rơm/ giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/những người lính trở về cười ngượng nghịu/giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa”...
Bài thơ được nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai dịch trực tiếp. Các bạn Mỹ nghe chăm chú và sau khi tôi đọc xong, họ đã đến ôm tôi rất chặt. Có người khóc, giọt nước mắt của những “kẻ thù xưa” thấm trên vai tôi, nóng bỏng. Sáng mai, các bạn sẽ vào Quảng Trị, sẽ đến với dòng sông Bến Hải, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, đến với Thành Cổ...
Khi đến Quảng Trị, chắc chắn họ thấm hơn nỗi mất mát của cả hai phía vì chiến tranh, sẽ thấu cảm sâu hơn tấm lòng bao dung Việt Nam cũng như khát vọng hòa bình của những con người đang sống trên mảnh đất này. Quảng Trị, Việt Nam sẽ góp phần giúp những cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam chữa lành vết thương tinh thần thời hậu chiến bằng sự nhân hòa của chúng ta.
Các nhà văn cựu binh Mỹ đi qua cầu Hiền Lương. Con sông Bến Hải gợi lên trong tâm hồn họ điều gì, tôi không biết. Cảm giác của họ khi nhìn mặt sông Bến Hải phản chiếu bầu trời Quảng Trị thế nào tôi cũng chẳng tỏ tường. Và trong số các nhà văn cựu binh đó ai đã biết tới câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Tế Hanh viết vào thời đất nước Việt Nam bị chia cắt làm đôi: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị. Nhưng tôi tin, dần dà họ sẽ hiểu, sẽ yêu dân tộc Việt Nam hơn, một dân tộc biết cầm súng nhưng cũng biết cầm đàn để ngân rung lên khúc ca hòa bình.
Hòa bình chính là cuộc sống đang hiển hiện đẹp đẽ giản dị trên dải đất này như Bruce Weigl đã đắm say miêu tả trong thi phẩm của ông: “Đèn dầu thắp sáng hàng quán/Nơi những người, vừa từng là kẻ thù của tôi/Ngồi trên vỉa hè ngợi ca đêm giản dị/Mùi phở thơm bay lên/Món ăn của ngày và của đêm.../Và những đứa trẻ/ Bao vây chúng tôi bằng tiếng cười đen và trắng/ Đá cầu nhịp nhàng lên không trung/Tất cả vì bom đã thôi dội xuống...(Duy vật biện chứng).
Với tôi, chiến tranh đã tước đi của tôi rất nhiều. Một người mẹ nhân từ bị ngã xuống sau phiên chợ chiều khi cách ngôi nhà có những đứa con ngóng mẹ về chừng trăm mét. Một tuổi thơ mười năm không có hòa bình. Một cô bạn gái hồn nhiên của tuổi học trò hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn khi trở thành thanh niên xung phong. Một đất nước hai mươi mốt năm không đêm nào ngủ được, có tới hơn 2,5 triệu người đã bị chết vì chiến tranh...
Nhưng tôi đã “nhận” từ chiến tranh những giai điệu hào hùng nhất, lãng mạn nhất của bài ca yêu nước. Những giọt nước mắt của dân tộc tôi đã làm khúc xạ ánh nắng hòa bình thành bảy sắc cầu vồng lộng lẫy trên cầu Hiền Lương. Tôi đã thấy, đã viết về nó trong bút ký “Cầu vồng Hiền Lương” hoàn toàn phi hư cấu. Tôi đã nghe vọng lên từ miền đất tôi yêu thương, tôi tin cậy những thầm thì của quá khứ, những khát khao bình yên giản dị. Và, tôi đã thấy nó trong những cánh mai vàng mùa xuân Khe Sanh, trong cánh cò trắng bay về kiếm ăn trên vùng đồng Cam Lộ...
Nhà thơ Chế Lan Viên từng có những câu thơ chạm rất sâu vào trái tim người: “Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy/ Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều/ Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy/ Trái tim nghèo nhưng cũng đã tin yêu (Gởi).
Thế đó, chỉ có yêu thương, chỉ có tin yêu mới bảo hiểm xứng đáng cho sự sống của trái đất. Một trái đất đang chất chứa rất nhiều sự bất an, bất ổn vì chiến tranh, xung đột và biến đổi khí hậu đã tới mức báo động đỏ. Gói lại trong hai chữ hòa bình. Giữa lòng xuân Quảng Trị, giữa mùa khởi niên trên Tổ quốc, tôi đang thấy bay lên khát vọng hòa bình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)