Chuyện lạ biên cương

Xuân Dũng |

Đó là những chuyện lạ rất cần đáng nói về núi rừng Quảng Trị.

Tưởng niệm thời bình

Tôi đã có quá nhiều dịp qua lại Hướng Phùng, đặc biệt là nhiều lần dừng chân bên chợ biên viễn. Cứ nghĩ rằng nhiều chuyện ở đây mình đã rõ. Ai dè có lúc vì không chú ý nên nhác trông như người vô tâm...

Tấm bia các liệt sĩ ở xã Hướng Phùng
Tấm bia các liệt sĩ ở xã Hướng Phùng

 Một buổi sáng đang tác nghiệp ở Hướng Phùng, chợt một người dân đi ngang qua bất ngờ hỏi tôi : "Chú quay phim cả buổi có biết tấm bia bên kia không?"- " Dạ, tấm bia nào ?", tôi hỏi lại. Người đàn ông trung niên đưa tay chỉ dấu rồi đi. Tôi đến gần. Một tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ nhưng là hy sinh giữa thời bình, trong hoàn cảnh không hề có tiếng súng giao tranh khi họ thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt và có người không phải là bộ đội... Và câu chuyện bi tráng của thời bình đã được kể lại vào một ngày Hè.

Năm 1978 theo Hiệp định hoạch định biên giới hai nước Việt, Lào năm 1977, bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ đi cắm mốc biên giới, trong đó có địa bàn tỉnh Bình Trị Thiên. Chiến tranh mới đi qua, bom mìn hậu chiến ngổn ngang, địa hình hiểm trở, thú dữ đe dọa... nhưng những người được giao nhiệm vụ quyết chẳng từ nan, vẫn thầm lặng thực hiện nhiệm vụ quan trọng, gian nan và nguy hiểm.

Đại tá Nguyễn Văn Lưu, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế kể, một chứng nhân ngày ấy đã lại chuyện này khá tỉ mỉ và xúc động. Ông cho biết : " Ngày 11/8/1978, nước sông suối lên cao chảy cuồn cuộn. Đồn Biên phòng Sen Bụt (nay là Đồn biên phòng Hướng Phùng) nhận được lệnh đưa đoàn khảo sát song phương của hai Chính phủ Việt và Lào đi thực địa khảo sát tình hình, cụ thể là phúc tra tọa độ mốc chuyển hướng đường biên giới trên đỉnh Tà Púc để kịp thời phục vụ hội đàm đánh giá kết quả phân đoạn biên giới thí điểm. Đồn trưởng Hồ Mương lấy tinh thần xung phong trong cán bộ, chiến sĩ. Sáu đoàn viên ưu tú được lựa chọn lên đường làm nhiệm vụ..."

Tác giả trước tấm bia ghi nhớ các liệt sĩ cắm mốc ở xã Hướng Phùng
Tác giả trước tấm bia ghi nhớ các liệt sĩ cắm mốc ở xã Hướng Phùng

 Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình nhưng trên đường về gặp trời tối phải ngủ lại giữa rừng. Nửa đêm mưa to, xảy ra sạt lở, nước bất ngờ đổ xuống cuốn trôi cả lán.

Sáng ra khi hay tin dữ, đồng đội và người dân hối hả đi tìm các anh khắp các nẻo đường rừng núi. Ba liệt sĩ được tìm thấy đó là Thượng sĩ Hồ Văn Trường (chiến sĩ biên phòng), Thượng sĩ Châu Văn Dung (nhân viên Tỉnh đội Bình Trị Thiên) và kỹ sư Lê Doãn Tường (Cục Đo đạc bản đồ nhà nước) còn  Đại úy Nguyễn Văn Tăng và Đại úy Võ Cán đã không tìm thấy thi hài dù lực lượng cứu nạn đã làm hết sức mình . Đại tá Nguyễn Văn Lưu nhớ lại: " Khi đưa thi hài các đồng chí hy sinh ra ô tô, bà con các bản ở xã Hướng Phùng chạy theo cáng khóc nức nở. Ngày 15/8/1978 tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ đã hy sinh trong quá trình khảo sát, phân giới cắm mốc đường biên giới quốc gia đã được tổ chức trong niềm thương xót của mọi người". Những người già ở bản Cheng (Hướng Phùng) như già làng Hồ Văn Thai khi nhắc lại chuyện cũ đều không khỏi ngậm ngùi, thương tiếc.

Mô hình bản đồ Tổ quốc Việt Nam ở Trường Tiểu học Hướng Phùng
Mô hình bản đồ Tổ quốc Việt Nam ở Trường Tiểu học Hướng Phùng

Trung tá Nguyễn Khắc Huy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Phùng kể cho chúng tôi nghe gia đình con gái liệt sĩ Lê Doãn Tường đã từ Hà Nội vào đây thắp hương ở tấm bia tưởng niệm và thăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Anh nói thêm, đã có ý tưởng chuyển tấm bia sang hướng trông về biên giới để như một lời nhắc nhở về chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và vĩnh cữu.

 Còn thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng thì tâm tình : "Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là trường tổ chức cho các em học sinh ra đây, trước tấm bia này để tưởng niệm các liệt sĩ. Đó cũng là cách cần thiết để giáo dục tinh thần về gìn giữ biên cương Tổ quốc".

Trường lạ biên cương

Không biết tự bao giờ trong hình dung quen thuộc của rất nhiều người thì hình ảnh trường học vùng biên thường hiện lên vẻ nghèo nàn, tạm bợ và lạc hậu. Nhưng đến Trường Tiểu học Hướng Phùng chắc chắn mọi người phải thay đổi cách nhìn.

 Khi bước chân vào khuôn viên của trường mặc dù thế đất không bằng phắng như ở dưới xuôi nhưng một cán bộ công tác gần đó cũng phải ngỡ ngàng, miệng không ngớt xuýt xoa. Đập vào mắt mọi người là những bảng tên đường như đang ở phố. Mà toàn địa danh nhiều ý nghĩa như Cồn Cỏ, Trường Sa, Hoàng Sa...Chưa hết ngạc nhiên đã thấy mô hình địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) hiện ra trước mắt, nhìn lên phía trên lại thấy ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Trị ngay trong khuôn viên của trường. Nghĩa là liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, còn trường lớp nhìn vào đâu cũng đã thấy khang trang, vệ sinh và nề nếp. Vậy mà đây là trường biên giới, có đến 70% học sinh là con em của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đường Trường Sa ở Trường Tiểu học Hướng Phùng
Đường Trường Sa ở Trường Tiểu học Hướng Phùng

 Mô hình tên đường, địa đạo, nhà sàn rồi tượng đài danh nhân Trần Hưng Đạo...không chỉ trang điểm cho nhà trường thêm phần sinh động, đa sắc mà còn thiết thực phục vụ học sinh: học mà chơi, chơi mà học. Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng vừa đi vừa chia sẻ với chúng tôi. Thầy còn nói thêm  : "Học sinh tiểu học lại gốc gác miền núi thích những gì trực quan, sinh động. Nói "chay" các em dễ chán mà lại khó vào. Từ khi về làm hiệu trưởng, tôi đã nỗ lực cùng cán bộ, giáo viên sáng tạo nên những mô hình này và thấy có hiệu quả". Khi hỏi chuyện, các em học sinh Nguyễn Trần Khánh Uyên, Ngô Thị Minh Thư đều nói mình thích thú, nhớ được nhiều hơn về các địa danh và di tích lịch sử. Còn em Hồ Thị Lam, dân tộc Vân Kiều thì nói giản dị : "Em thấy thích thì em mau nhớ thôi".

Đi ngang một lớp học thấy sạch như lau như li. Ai nấy sững sờ khi thấy nhà vệ sinh rất ...vệ sinh hơn mức bình thường, tiếng nhạc còn vọng ra du dương. Các em học sinh sau khi vào nhà vệ sinh, ra rửa tay bằng xà phòng, động tác khá thuần thục, chứng tỏ được làm quen từ lâu. Dáng vẻ của một nhà vệ sinh như ở khách sạn, nhà hàng nào đó chứ không phải ở một trường miền núi biên cương. Cô giáo Hồ Thị Thanh Hiền giải thích với khách đây là cố gắng của trường nhằm tạo điều kiện bảo vệ sức khỏe cho các em, rèn luyện ý thức giữ gìn vệ sinh thân thể và lớp học. Chợt nhớ nhiều trường học dưới xuôi ám ảnh bởi nhà vệ sinh quá mất vệ sinh. Thấy chúng tôi lộ vẻ ngạc nhiên, thầy Trọng nói : " Thực ra các anh thấy vậy, chứ ngoài kinh phí nhà nước, trường chỉ thêm chừng 4-5 triệu đồng nâng cấp nhà vệ sinh. Kinh phí chúng tôi  kêu gọi từ các nguồn khác chứ không nài ép phụ huynh, mà phụ huynh ở đây anh biết rồi đấy, phần lớn khó khăn lấy đâu ra tiền bạc. Khi thực hiện đôi khi thấy cũng vướng thủ tục đôi điều, nhưng mình thấy cái gì có lợi cho học sinh mà không trái quy định thì cứ mạnh dạn mà làm".

Nhà vệ sinh của học sinh ở Trường Tiểu học Hướng Phùng
Nhà vệ sinh của học sinh ở Trường Tiểu học Hướng Phùng

Thầy không nói gì thêm nhưng qua tìm hiểu tôi biết đây là trường nhiều năm đạt nhiều danh hiệu thi đua, thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh vừa qua đều đạt giải cao; chưa kể đến những cuộc thi tin học, sáng tạo trẻ, hùng biện tiếng Anh, giao lưu tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số. Trong đợt dịch vừa qua, để kích thích văn hóa đọc, trường đã tổ chức trao tặng sách đến cho các em để bồi dưỡng tri thức.

Khi chào tạm biệt, thầy Nguyễn Mai Trọng "tiết lộ" : " Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Hướng Phùng  cho trồng và chăm sóc trong khuôn viên trường hai cây bàng vuông mà chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đã tặng cho thầy trò. Đó cũng là cách để rừng luôn nhớ đến biển và biển nhớ đến rừng, biên cương nhớ về hải đảo".

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Kiểm tra công tác bầu cử và phòng, chống COVID-19 trên tuyến biên giới

Phước Trung - Phan Vĩnh |

Trong 2 ngày 18 - 19/5, đoàn công tác của Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị do Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh đã đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống dịch COVID -19 và đảm bảo an ninh, an toàn cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021- 2026 tại các Đồn Biên phòng trên địa bàn tuyến biên giới huyện Hướng Hóa và Đakrông .

Hơn 2.000 hộ dân biên giới cam kết phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép

Tây Long |

Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh cho biết, hơn 2.000 hộ dân ở 2 xã thuộc địa bàn đồn quản lý là A Bung và A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị) vừa ký cam kết nghiêm túc thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới. 

Quân dân chung tay phòng chống dịch COVID-19 ở biên giới Việt- Lào

Nguyễn Xuân |

Nhằm chia sẻ những khó khăn trong việc phòng chống dịch COVID-19 của các chốt tuyến biên giới Việt - Lào, những ngày qua, nhiều tổ chức cá nhân ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã đồng hành cùng các lực lượng làm nhiệm vụ.

Pháo đài lòng dân ở biên giới Lao Bảo trong cuộc chiến COVID- 19

Xuân Thế |

Trong những ngày hè rực lửa, dưới cái nắng nóng trên 40 độ C, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị nói chung, khu vực Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lao Bảo, huyện Hướng Hóa nói riêng đang được đẩy lên mức độ cao nhất.