Người “lái đò” thầm lặng

Trần Tuyền |

16 năm dạy học tại thôn Trấm, xã Triệu Thượng - nơi khó khăn nhất của huyện Triệu Phong- là cũng chừng ấy thời gian thầy giáo Hoàng Như Phú (sinh năm 1978) trải qua bao biến cố thăng trầm, làm nhiều công việc mà khi nghe nhắc đến hẳn ai cũng ngạc nhiên. Nhưng vượt lên tất cả những khó khăn trong cuộc sống, thầy luôn tận tâm với học sinh vùng khó.


16 năm dạy học vùng khó

9 giờ sáng ngày thứ 6, thầy giáo Hoàng Như Phú khẩn trương chuẩn bị các đồ dùng cần thiết và mua thêm 2 ổ bánh mỳ bỏ vào cặp xách để ăn trưa. Chiếc xe Dream được một học trò cũ mua tặng phành phạch nổ máy. Từ Quốc lộ 1 vào đến thôn Trấm, xã Triệu Thượng khoảng 12 km. Những ngày trung tuần tháng 9, tuyến đường từ trung tâm xã dẫn vào thôn Trấm đang được thi công nên ổ voi, ổ gà nhiều vô kể, bụi đất đỏ cuộn lên mịt mù mỗi khi có xe đi qua. Vừa thả chân chống xe xuống sân điểm trường lẻ thôn Trấm, thầy Phú phủi vội lớp bụi bám trên người. Chiếc áo trắng của thầy Phú đã chuyển thành màu đỏ. Chiếc cặp xách màu đen cũng tương tự. Thấy tôi có vẻ ái ngại, thầy Phú cười hiền rồi nói: “Nay có đường đi là sướng lắm rồi. Tuy trời nắng bụi bay mù mịt, trời mưa thì lầy lội nhưng vẫn đi xe được. Những năm trước muốn tới được trường phải đi bằng đò, vất vả gấp trăm lần”.

 
 Từng nét vẽ được thầy Phú nắn nót cho học sinh - Ảnh: TRẦN TUYỀN​

Thôn Trấm có vị trí địa lý cách trở nhất huyện Triệu Phong dù chỉ cách trung tâm xã Triệu Thượng khoảng 6 km. Trước đây, điểm trường lẻ thôn Trấm có tên là Trường Phổ thông cơ sở Trấm với 2 cấp học: tiểu học và trung học cơ sở. Năm học 2020-2021, Trường Phổ thông cơ sở Trấm sáp nhập với Trường Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) Triệu Thượng, sau đó lại tách thành 2 trường: THCS Triệu Thượng và TH Triệu Thượng. Thầy Phú hiện là giáo viên dạy môn Mỹ thuật tại điểm trường lẻ thôn Trấm của Trường THCS Triệu Thượng.

Năm 2003, thầy Hoàng Như Phú tốt nghiệp ngành Sư phạm mỹ thuật Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Năm học 2004-2005, thầy Phú nộp đơn tự nguyện lên dạy học tại Trường Phổ thông cơ sở Trấm. “Từ năm 2015 trở về trước, thôn Trấm như một ốc đảo, muốn di chuyển đến trung tâm xã phải đi bằng đò. Nhà tôi ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, cách trường khoảng 15 km nên mỗi tuần chỉ đi về đúng 2 lần. Sáng thứ 2 lên trường và chiều thứ 6 về nhà. Trường có nhà tập thể cho giáo viên nên cả tuần tôi ở tại đó. Những ngày mưa bão, lũ lụt thì phải ở lại trường cả tháng trời bởi nước dâng cao, thôn Trấm bị cô lập”, thầy Phú kể.

 
 Đường vào thôn Trấm - Ảnh: TRẦN TUYỀN​

Lúc bấy giờ, thôn Trấm chưa có điện, chưa có đường và chưa có cả sóng điện thoại. Ban ngày, thầy Phú đứng lớp giảng bài, dạy từ lớp 1 đến lớp 9, tối về thắp đèn dầu soạn giáo án. Nhà tập thể dành cho giáo viên chỉ có 2 phòng nhưng lại có đến 14 giáo viên cùng ở; 1 phòng dành cho nam, 1 phòng dành cho nữ. Điều kiện đi lại khó khăn, trong thôn không có chợ hay quán xá nên thầy Phú phải cơm đùm, gạo bới mỗi khi đến trường. Thực phẩm cho cả tuần là cá khô và cá ngừ ướp muối thật mặn để bảo quản được lâu. “Nước sinh hoạt ở trường và nhà tập thể là giếng khoan nên bị nhiễm phèn nặng. Nhiều giáo viên và học sinh nơi đây thường xuyên mắc các bệnh về da liễu và thận. Một vài cô thầy không chịu nổi khổ cực nên bỏ về sau khi dạy được vài ngày. Thậm chí có những giáo viên đã được biên chế nhưng cũng bỏ nghề vì không bám trụ nổi”, thầy Phú chùng giọng.

Tính đến nay, thầy Phú là người dạy học lâu nhất ở thôn Trấm với hơn 16 năm ròng rã. Những thầy, cô giáo mà tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện, từ ban giám hiệu đến các giáo viên mới vào nghề đều quý mến, cảm phục thầy Phú. Hôm tôi cùng thầy Phú đến trường, nhiều phụ huynh gặp ở dọc đường đều dừng lại chào hỏi, trò chuyện với thầy như người thân.

Từ người lái đò đến người thợ đa năng

Từ năm 2002, Trường Phổ thông cơ sở Trấm có một chiếc đò để đưa đón giáo viên. Có đò nhưng để tìm ra người lái đò không phải là chuyện dễ. 2 năm sau đó, thầy Phú lên Trấm dạy học. Với sức vóc khỏe mạnh, lanh lợi tuổi thanh niên nên thầy Phú nhận làm người lái đò. Ròng rã nhiều năm trời, thầy Phú vừa là người “đưa đò” truyền đạt kiến thức, vừa là người lái đò chở giáo viên đến trường.

Vốn bản tính siêng năng, tháo vát, cộng thêm có nhiều tài lẻ nên ngoài giờ đứng lớp, thầy Phú thường tình nguyện sửa chữa các thiết bị điện, máy bơm nước trong trường và khu tập thể giáo viên. Mỗi khi xe máy của đồng nghiệp bị hỏng, họ cũng tìm đến nhờ thầy Phú sửa giúp. Ngoài ra, thầy Phú còn nhiều lần cắt tóc và sửa xe miễn phí cho học trò mỗi dịp cuối tuần hoặc ngoài giờ dạy. Vì thế, không chỉ là người thầy, thầy Phú còn là người thân của rất nhiều gia đình trong thôn Trấm.

“Hạnh phúc của nghề giáo là học sinh của mình nên người. Nhiều học sinh sau khi ra trường, đi làm vẫn nhớ đến mình, giúp đỡ lại mình thì càng quý hơn nữa”, thầy Phú bộc bạch. Thầy Phú muốn nhắc đến chiếc xe mô tô hiệu Dream hiện tại mình đang đi là do một học trò cũ mua tặng để thầy tiện đi lại, thuận tiện trong việc dạy học. Mặc dù 16 năm dạy học ở vùng khó nhưng đến thời điểm hiện tại, thầy Phú vẫn là giáo viên hợp đồng theo từng năm một. Thu nhập hằng tháng không đủ chi tiêu cho gia đình nên tranh thủ những ngày cuối tuần, thầy Phú đi làm nghề cơ khí, phụ hồ… cùng với học trò cũ.

Mong muốn được tiếp tục cống hiến

16 năm không quá dài trong tiến trình lịch sử nhưng cũng không phải là ngắn so với một đời người. Thầy Phú đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng khó. Năm đầu con trai lên dạy học ở thôn Trấm, bố mẹ thầy Phú lên trường thăm con. Thấy điều kiện ăn ở thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn nên bố mẹ thầy nhất quyết khuyên con trai chuyển đi nơi khác, hoặc về nhà buôn bán với gia đình nhưng thầy Phú nhẹ nhàng giải thích rằng: “Nghề giáo đã chọn con, con muốn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, được dạy học cho các em nhỏ nơi đây là niềm hạnh phúc của con”. Nghe vậy, bố mẹ thầy Phú đành chiều theo ước muốn của con trai.

Nhớ lại thời gian đầu mới lên Trấm, kỷ niệm như vẫn còn hiện ra mồn một trước mắt thầy Phú. “Năm 2004, tôi lên dạy học ở Trấm thì một năm sau, tôi quen một cô giáo mầm non tại Trường Mầm non Trấm. Sau đó chúng tôi kết hôn và sinh con. Vợ chồng mới cưới, chưa có nhà riêng nên lúc bấy giờ chúng tôi vẫn phải ở nhà tập thể của trường trong thời gian dạy học. Năm 2007, nhà trường xây thêm 2 phòng cho giáo viên ở. Vợ chồng tôi được nhận 1 phòng rộng khoảng 8 m2 ”, thầy Phú kể.

Lúc bấy giờ, vợ chồng thầy Phú đều dạy hợp đồng nên mức lương của mỗi người chỉ khoảng 500 ngàn đồng/tháng. Số tiền 2 người cộng lại không đủ mua một chiếc giường cho con nằm ngủ. “Để có chỗ ngủ cho con, tôi phải tận dụng bàn ghề bị hỏng lắp ghép lại làm giường. Phải tích cóp, dành dụm 2 tháng sau mới có tiền mua được một chiếc giường rộng 1,6m”, thầy Phú nhớ lại. Khó khăn là vậy nhưng thầy Phú vẫn luôn lạc quan, yêu trò mến lớp và bám trụ lại nơi đây.

Điều mà ai gặp thầy Phú cũng trăn trở đó là sau 16 năm cống hiến, thầy vẫn chỉ là giáo viên dạy hợp đồng từng năm một, chưa được vào biên chế của ngành giáo dục. “Tôi muốn cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục, sẵn sàng dạy ở thôn Trấm cho đến khi nào không còn đủ sức nhưng vừa qua, thực hiện chủ trương sáp nhập các trường nên số lượng giáo viên dôi dư nhiều. Tôi có thể bị cắt hợp đồng bất cứ lúc nào”, giọng thầy Phú trầm hẳn xuống.

Thầy giáo Trần Đức Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Triệu Thượng cho hay: “Thầy Hoàng Như Phú là giáo viên giàu nhiệt huyết, có nhiều đóng góp, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất của trường. Những năm đầu còn nhiều khó khăn, thầy Phú là người trực tiếp phụ trách đưa đón giáo viên bằng đò của nhà trường. Trong công tác chuyên môn, thầy luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong cuộc sống, thầy Phú được phụ huynh và học sinh rất yêu mến, dành nhiều tình cảm. Thầy Phú còn được Tỉnh ủy tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên vì những năm qua ngành giáo dục huyện không có chỉ tiêu giáo viên mỹ thuật nên thầy Phú vẫn chưa được vào biên chế. Năm 2015, nhà trường đề xuất cho thầy đóng bảo hiểm tự nguyện”.

Về trường hợp của thầy Phú, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Triệu Phong Nguyễn Thị Phước Hòa cho biết: “Phòng đã có văn bản đề xuất UBND huyện và Sở Nội vụ xem xét, cho chỉ tiêu xét tuyển đặc cách đối với trường hợp của thầy Phú. Trước mắt Phòng Giáo dục chỉ đạo Trường THCS Triệu Thượng tiếp tục hợp đồng với thầy Phú”.

Chia tay thầy Phú, tôi chợt nhớ những câu hát trong bài “Người lái đò thầm lặng” của tác giả Văn Sang: “Như những người lái đò thầm lặng/như dòng sông chở nặng phù sa… như cuộc đời thầy đơn sơ trên bục giảng/thầy lặng thầm nhìn học sinh thân yêu/ thầy lặng thầm bên trang giáo án cuộc đời”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm với học sinh nghèo

Lê Cảnh Thu |

Cũng như các giáo viên khác của Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), cứ bước vào mùa khai giảng, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm lại đan xen nhiều xúc cảm khó tả. Từ câu chuyện đời mình, thầy biết, trong số những học sinh tung tăng đến trường, không ít em vẫn nặng mang nỗi lo cơm áo. Vì thế, thầy Cảm luôn tự nhủ phải làm điều gì đó để hỗ trợ các em.

Thầy giáo ngăn kênh thủy lợi dạy bơi miễn phí cho học sinh

Thục Quyên |

Sinh ra ở vùng “rốn lũ” của huyện Hải Lăng, từng chứng kiến nỗi đau của nhiều gia đình mất con vì đuối nước, thầy Nguyễn Viết Tước, giáo viên thể dục tại Trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã nảy ra ý tưởng mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh. Từ ý tưởng này, suốt 8 năm qua, cứ vào mùa hè, thầy Tước lại ngăn kênh thủy lợi, miệt mài dạy bơi cho cả ngàn em học sinh.

Có gì trong bức thư thầy hiệu trưởng gửi 1 học sinh không đoạt giải cấp tỉnh?

Thanh Mai |

Em sinh ra để làm nhiều điều lớn lao hơn thế. Điểm số một bài thi học sinh giỏi không nói lên tất cả", thầy hiệu trưởng viết.

Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng

Minh Hiển |

Ngày 17/5, thị trấn Khe Sanh, Huyện đoàn Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Hướng Hóa đã tổ chức chương trình "Ngày Hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng".