Người về nơi trời xanh bình lặng muôn trùng...

Đan Tâm |

Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm thuộc thế hệ sinh viên xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ. Ông từng chia sẻ rằng, chính khói lửa chiến trường đã sinh ra ông lần thứ hai, sinh ra nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, với những bài thơ viết giữa hai trận đánh như: “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Thư mùa thu”, “Buổi sáng trên chốt”... Đặc biệt, trong thời gian quân ngũ, Hoàng Nhuận Cầm đã cùng đồng đội có mặt, chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị trong những ngày nóng bỏng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào năm 1972.

Khi nghe tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã rời cõi tạm, bất giác tôi lại muốn tìm cho được cuốn sổ tay đã ngả màu thời gian, nơi từ bao dòng chữ vụng dại, xô lệch, tôi đã ghi lại thơ ông với tất cả sự háo hức của tuổi hoa niên đã xa. Này đây, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Sông Thương tóc dài”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, rồi “Viên xúc xắc mùa thu”, “Thư mùa thu” nữa... Những câu thơ như bọc trong cái kén âm thanh mượt mà, sâu lắng, quyện vào đó sự thổn thức, bao dung của cái tuổi mới lớn, những câu thơ như từng viên ngọc sáng không thể lẫn giữa trăm ngàn đá cuội:

Tác giả (bên phải) và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm -Ảnh: Đ.T.T​
Tác giả (bên phải) và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm -Ảnh: Đ.T.T​

- Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi…

- Mai đành xa sông Thương thật thương

Mắt nhớ một người, nước in một bóng

Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng

Anh một mình - náo động - một mình anh.

Trong bài thơ “Chiếc lá đầu tiên”, Hoàng Nhuận Cầm như nói hộ bao điều ẩn ức, bao khát vọng căng nức nơi ngực trẻ và cả sự ấm áp chí thiết, sự hằng hữu, bất biến của tình yêu bắt đầu chớm nở:

Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong hơi thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu...

Dường như bài thơ này là mạch tiếp nối của những bài thơ Hoàng Nhuận Cầm viết khi rời ghế nhà trường vào bộ đội năm 1971. Đó là lời tự tình của một người lính trẻ vừa tạm biệt mái trường, lên đường ra trận với người yêu là cô bạn cùng lớp. Chiếc lá bàng của buổi hẹn hò đầu tiên giữa hai người là cái gạch nối ký ức khi từ mặt trận, người lính trẻ nhớ về miền quê thơm lành, nơi có những trò chơi đi qua thời niên thiếu: Hòn bi, chú ve kim, thao thiết trong “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng tâm sự: “Năm 1971, tôi nhập ngũ, được điều vào đơn vị pháo cao xạ. Những bài thơ tôi làm ngay ở trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng, được nhét vào cát tút còn ám mùi thuốc súng. Tình cờ bố tôi đến thăm tôi ở trận địa, tìm thấy “cát tút thơ” của tôi để lại trước khi hành quân và gửi về Báo Văn nghệ. Các anh, chị ở Báo Văn nghệ ưu ái, đưa vào cuộc thi thơ của báo năm 1972-1973 và chùm thơ của tôi được trao giải Nhất. Lúc trao giải, tôi không có mặt, mẹ và em gái tôi đi nhận, nhà thơ Xuân Diệu có nói với mẹ tôi rằng: “Cảm ơn chị đã sinh ra cháu Hoàng Nhuận Cầm, cảm ơn Tổ quốc đã sinh ra một người lính, và khói lửa chiến trường đã sinh ra một nhà thơ. Đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm cảm thấy mến thương các anh lính vô hạn. Vào mặt trận mà trong ba lô còn giữ những viên bi và tiếng ve của tuổi học trò”. 

Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952, quê quán: Phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1969, ông học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1971, ông tình nguyện nhập ngũ và tham gia chiến đấu trên các mặt trận: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cho đến ngày toàn thắng 1975. Năm 1976, ông giải ngũ trở về trường cũ học tập và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật. Các tác phẩm chính đã xuất bản: “Thơ tuổi 20” (thơ in chung với Vũ Đình Văn, 1974), “Những câu thơ viết đợi mặt trời” (thơ, 1983), “Xúc xắc mùa thu” (thơ, 1992), “Thơ với tuổi thơ” (thơ, 2004)... Một số kịch bản phim như: “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội - Mùa đông năm 46”, “Mùi cỏ cháy”... Ông đột ngột qua đời vào ngày 20/4/2021, hưởng thọ 69 tuổi.​

Còn nhớ đêm công chiếu bộ phim “Mùi cỏ cháy” cách nay đã lâu tại rạp chiếu bóng Đông Hà, tôi có cuộc trò chuyện ngắn ngủi với đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Mười, nhà biên kịch, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và NSƯT, đạo diễn, giám đốc sản xuất Vương Đức, một người quen cũ hồi anh vào Quảng Trị làm phim “Cỏ lau” nổi tiếng. Ê kíp làm phim cảm ơn mọi người đã đến xem với tất cả sự háo hức, đồng cảm, xúc động, chia sẻ. Đến lượt tôi, tôi đã cảm ơn họ đã làm ra một bộ phim về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ thấm thía và tầm vóc, đáng để cho những ai đau đáu về đất thiêng Quảng Trị tìm xem và suy ngẫm...

“Mùi cỏ cháy” là bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng do NSƯT Nguyễn Hữu Mười làm đạo diễn, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản. “Mùi cỏ cháy” nói về bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long là sinh viên Khoa Văn, đang ngồi trên ghế giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Theo Lệnh Tổng động viên, ngày 6/9/1971, bốn chàng sinh viên cùng hàng vạn bạn bè đồng trang lứa lên đường nhập ngũ. Những tân binh được Đại đội trưởng Phong huấn luyện cấp tốc, ngay sau đó họ được tung vào mặt trận khốc liệt nhất: Thành Cổ Quảng Trị.

Chiến sự nóng bỏng đạn bom, ba chàng trai trẻ tài hoa Thành, Thăng, Long đã hy sinh. Hoàng may mắn trở về trong ngày chiến thắng 30/4/1975. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng về cuộc chiến đấu của anh và đồng đội tại Thành Cổ Quảng Trị, trên dòng sông Thạch Hãn suốt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trong mỗi nhân vật, người xem sẽ dễ dàng nhận ra một thế hệ tài hoa ra trận, sẵn sàng tận hiến cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, cho Bắc- Nam sum họp một nhà, đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, liệt sĩ Bùi Đình Văn, liệt sĩ Hoàng Thượng Lân... Đó còn có thể thấp thoáng hình bóng những nhà thơ áo lính với những vần thơ trong veo: “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/ Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có/ Một hai ba giọng hát chú ve kim”; đó còn có thể gặp lại những vần thơ làm khắc khoải lòng người: “Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/Gặp lại mùi cỏ cháy suốt đời trai” (Phương ấy)... Người xem còn nhận ra, đằng sau những người lính ra trận ấy là hình bóng người mẹ, người chị, người em, người yêu, người vợ..., là nỗi nhớ quê nhà thường trực, là tuổi thơ gửi lại nao lòng trong tiếng gọi mẹ, là giấc mơ trên đường ra trận, người lính can trường ước một lần được mẹ đánh vào mông bằng cây phất trần thân thuộc như khi còn bé...

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ thuộc thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, thành danh với những bài thơ đáng yêu: “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Viên xúc xắc mùa thu”... Vậy nên, không có gì bất ngờ khi “Mùi cỏ cháy” do ông viết kịch bản như một bài thơ nhỏ nhắn, tươi mới, dồn nén rất nhiều cung bậc tình cảm, rất nhiều cảm xúc, ngập tràn âm điệu và chi tiết gây xao xuyến, thảng thốt nơi người xem .

Giữa khoảng lặng hiếm hoi của cuộc chiến tranh khốc liệt, vẫn còn đó những trò tinh nghịch của những chàng bộ đội non tơ chưa dứt khỏi tuổi thơ hồn hậu. Tiếng rền rã của chú ve kim, tiếng cọ cánh của chú dế mèn, những viên bi ve giấu dưới đáy ba lô, lời hò hẹn với cô gái nơi giếng làng, trong tiếng ghi ta bập bùng: “Anh sẽ về!”, “Anh sẽ về!”, điệu chèo cổ giữa hoang tàn trận mạc, tiếng đọc thơ giữa trùng trùng bước chân về phía trước: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc...” (thơ Thanh Thảo). Rồi lời huấn thị của Đại đội trưởng Phong, khi đứng trong đội hình tân binh “Kiến cắn không được gãi, con gái đi qua không được nhìn...”, quân lệnh như sơn, tiếng nói giữa hàng quân như xối lửa, nhưng khi có cô con gái thắt đáy lưng ong, vai quàng súng trường đạp xe qua, tất cả tân binh và người chỉ huy kiên nghị đều... ngước mắt nhìn! Đó là những chi tiết đẹp và sang trọng. Những tình cảm sâu nặng, nhân ái, nhân văn lấp lánh trong trái tim người lính là hành trang thiêng liêng, là sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn giúp họ vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, đi đến cái đích của ngày toàn thắng.

Bên cạnh thi ca, khi bén duyên với điện ảnh, Hoàng Nhuận Cầm đã từng giành Giải thưởng biên kịch xuất sắc nhất (Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam) năm 2011 với kịch bản phim điện ảnh “Mùi cỏ cháy”; giải thưởng Bông sen vàng cho biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17.

Sinh thời, Hoàng Nhuận Cầm từng viết: “Nếu tôi chết trời xanh bình lặng/ Thêm một vì sao nữa rụng rơi/ Bạn ngồi uống cà phê có nhớ/ Uống cả vì sao ấy hộ tôi” (Thêm một vì sao). Ở vào tuổi 69, ông đã đột ngột bỏ lại tất cả niềm yêu thương nơi trần thế để về với trời xanh bình lặng muôn trùng…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Dấu ấn thơ Hoàng Nhuận Cầm

Thanh Mai |

Hoàng Nhuận Cầm làm bạn với thơ hơn 30 năm, khoảng thời gian ấy chẳng hề ngắn ngủi trong cuộc đời của một con người.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời ở tuổi 69

Mai Hương |

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa qua đời chiều nay (20.4).Ông được biết đến với những bài thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên vô cùng yêu thích như: “Chiếc lá đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”...

“Em và Trịnh” công bố những thước phim đầu tiên, nữ chính Lan Thy xuất hiện đẹp như thơ

Tố Uyên |

"Em và Trịnh” hé lộ những thước phim đầu tiên lãng mạn, đầy chất thơ và nhạc.

Trồng gần 300 cây xanh tại Nhà lưu niệm Nhà thơ Chế Lan Viên nhân Ngày thơ Việt Nam

Anh Vũ |

Nhân Ngày thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng), vừa qua, huyện Cam Lộ phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Trị tổ chức trồng cây tại Nhà lưu niệm Nhà thơ Chế Lan Viên, ở thôn An Thạch, xã Thanh An.