Nhớ dòng hói Thuận xưa chảy qua làng

Tường An |

Một ngày nắng nhạt, tôi men theo những cánh đồng trù phú, xanh tốt nằm gối đầu lên phía đôi bờ hói Thuận để tìm lại chút ký ức xưa.

“Sông con” một thuở huy hoàng

Đã qua rồi cái thời huy hoàng tấp nập bán buôn trên bến dưới thuyền của hói Thuận mà sử cũ trong Ô châu cận lục của Dương Văn An ghi lại khi miêu tả những con đường giao thương từ bên ngoài vào vùng chợ Thuận: “Chợ Thuận ở địa phận hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng, có một nhánh sông con từ sông cái phía Tây nam chảy vào. Trên sông bắc nhịp cầu dài, phía Nam cầu la liệt những hàng quán, nào huyện nào thành đối nhau hai phía, đi thủy đi bộ cùng tới một nơi. Đây là nơi đông đúc của Thuận Châu vậy”.

Một góc hói Thuận - Ảnh: T.A
Một góc hói Thuận - Ảnh: T.A

Thế nhưng tôi vẫn thôi thúc ý muốn đến đó khi đọc nghiên cứu về diện mạo địa lý, địa hình và sự biến đổi sông Thạch Hãn cũng như chợ Thuận và thành Thuận Châu của ông Lê Đức Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị: “Sông con” mà Ô châu cận lục nhắc tới là hói Thuận, còn “sông cái” là sông Thạch Hãn. Hói Thuận là một chi lưu quan trọng trong hệ chi lưu của sông Thạch Hãn - Vĩnh Ðịnh khởi nguồn từ Ðại Lộc, chảy vòng vèo giữa cánh đồng Triệu Phong dài 4 - 5 km trước khi nhập với sông Vĩnh Định qua hói Mỹ Lộc. Hói Thuận đi ngang qua khu vực chợ Thuận và thành Thuận Châu. Đây không chỉ là thủ phủ châu Ô, châu Thuận, lỵ sở của huyện Võ Xương mà còn là một trung tâm thương mại sầm uất từ thời Chăm sang thời Việt… Từ đây có thể ra sông Thạch Hãn để lên rừng, xuống biển Cửa Việt hoặc xuôi Nam theo sông Vĩnh Ðịnh vào Huế, ngược Bắc qua ngã ba Gia Ðộ”.

Một ngày nắng nhạt, tôi men theo những cánh đồng trù phú, xanh tốt nằm gối đầu lên phía đôi bờ hói Thuận để tìm lại chút ký ức xưa. Dẫu biết rằng quy luật của tạo hóa thiên nhiên biến đổi sinh tồn, còn mất nhưng vẫn chạnh lòng khi chứng kiến dòng nước ken dày một lớp lục bình úa vàng hắt lên giữa trời chiều một gam màu hoang hoải. Phía bờ xa, những nếp chùa chiền, miếu mạo đình làng vẫn cứ trầm mặc soi bóng xuống hói xưa vời vợi như nuối tiếc dĩ vãng về một thời oanh liệt tấp nập thuở nào.

Lần theo lối cũ tôi lục tìm rồi dừng lại rất lâu trên bến quê bao năm mà nó vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và dường như lâu lắm không có bước chân người lên xuống nên lau sậy ngả nghiêng, cỏ cây mọc kín um tùm. Bất chợt trong tôi khẽ rung lên một niềm cảm xúc lạ thường bởi thấp thoáng bóng con thuyền xưa vừa lướt qua để lại những nếp sóng lao xao nghe như tiếng xưa vọng về. Và quên sao được những kỷ niệm buồn vui của lũ trẻ chúng tôi vào những trưa hè trốn ngủ đứng trên bến nhảy ào xuống nước thỏa sức vẫy vùng, ngụp lặn vì tắm mát.

Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh nội tôi cứ trước mỗi mùa mưa lại chèo ghe dọc con hói đoạn chảy qua làng non chừng cây số để tìm ngắt những chiếc lá cỏ ống rồi xem trên đó có bao nhiêu vòng eo thắt. Nếu trong cùng một chiếc lá với những eo thắt có khoảng cách rộng thì y như rằng năm đó lũ lớn sẽ tràn về. Và trên những chiếc lá có eo thắt nhỏ, khoảng cách hẹp thì tiết trời năm đó sẽ được mưa thuận gió hòa. Còn muốn biết bão to, gió lớn thì nội tôi kiếm tìm các búp măng mọc ở những bụi tre ngà nằm ven bờ hói Thuận. Nếu thấy măng mọc ở phía ngoài rìa mà phần ngọn uốn cong chui vào giữa bụi đâm thẳng lên thì mùa đông năm ấy sẽ mịt mùng gió bão. Và ngược lại, nếu măng mọc bình thường thì đó là dấu hiệu yên bình với những cánh đồng lúa xanh tươi bãi bờ. Nhờ những kinh nghiệm dân gian ấy mà nội tôi cũng như nhân dân trong làng tránh được bao phen khắc nghiệt của thiên nhiên đất trời.

Nội tôi nay tuổi đã ngoài chín lăm nhưng mỗi khi “ôn cố tri tân” cùng con cháu đều không quên nhắc chuyện về con hói Thuận đầy trầm tích này. Tôi cứ cảm nhận rằng, ẩn trong lời nhắc ấy là một lần ông được trở về những năm tháng dâu bể cuộc đời và cũng là để tri ân dòng nước đã cho con người nương nhờ vào nó mà sinh tồn, thọ hưởng.

Một thủy trình vẹn nguyên giá trị

Ngày ấy, khi chưa có tuyến kênh N1 thuộc công trình thủy nông Nam Thạch Hãn cung cấp nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt thì hói Thuận là nguồn nước quan trọng nhất cho các làng thuộc xã Triệu Long, Triệu Thuận, Triệu Đại, Triệu Hòa và một phần cư dân của xã Triệu Giang. Và có lẽ bây giờ hói Thuận đã đánh mất vĩnh viễn khả năng của một thủy lộ với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa lừng lẫy một thời. Nhưng ít ai nghĩ rằng đến nay nó vẫn là thủy trình quan trọng về tưới tiêu, thoát úng cho một phần diện tích rộng lớn vùng đồng bằng Triệu Phong trong sản xuất nông nghiệp.

Trong ngôi nhà cấp bốn nhìn ra cánh đồng dưới màn mưa trắng trời giữa tháng tám, ông Trịnh Đình Vinh, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Trà Liên Đông bảo rằng: “Giá cơn mưa này đến sớm chừng tháng trước thì vụ lúa hè thu này sẽ được mùa hơn nhiều. Chú cũng biết rồi đó, năm nay hạn hán kéo dài nên nước bơm từ hói Thuận cho cây lúa được ngâm chân thường xuyên nhanh khô làm ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất lúa. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống mà…”. Trước đây diện tích cánh đồng của hợp tác xã Trà Liên Đông khoảng chừng 35 ha, nhưng nhiều năm trở lại đây những chân ruộng nằm ven sông Thạch Hãn đã bị xói lở chỉ còn lại chừng hơn 25 ha. “Tất cả diện tích lúa hai vụ đều sử dụng nước bằng máy bơm từ hói Thuận bao đời nay của người dân trong làng”, ông Vinh cho biết thêm.

Tương tự, Hợp tác xã nông nghiệp Triệu Thuận cũng có diện tích lúa hai vụ chừng 40 ha sử dụng trăm phần trăm nguồn nước từ hói Thuận. Anh Trần Hữu Tấn, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Triệu Thuận cho rằng: “Nếu hói Thuận được nạo vét, vệ sinh thông thoáng thường xuyên để dòng chảy không bị cản trở trong thoát úng về mùa mưa cũng như tích trữ cho tưới tiêu về mùa hè thì sẽ rất thuận lợi trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân xã nhà”.

Xuôi theo con đường Đại - Độ - Thuận - Phước tôi đến cuối dòng hói Thuận đổ ra sông Vĩnh Định, nơi có những cánh đồng lúa chín vàng của các hợp tác xã nông nghiệp Vân Hòa, An Lộng, Hữu Niên… thuộc xã Triệu Hòa đang vào vụ thu hoạch. Những chiếc máy gặt đập liên hợp dường như đang khẩn trương hơn trong việc phun rơm nhả hạt. Còn trên những chiếc máy cày được chất đầy hàng tấn lúa tươi đóng bao xuôi ngược trên con đường bê tông hóa nội đồng cho thấy bộ mặt nông thôn mới đã hiện hữu trên vùng đất thuần nông này. Biết rằng, từ sau khi hòa bình lập lại, chính quyền các cấp của xã Triệu Hòa đã vượt qua những khó khăn về tổ chức và lãnh đạo sản xuất, các hợp tác xã đã xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất; huy động nhân dân đào đắp làm đường giao thông và hệ thống kênh mương thủy lợi. Đặc biệt là đào vét, mở rộng gấp đôi hói Thuận, đào mương tháo úng tạo nên một hệ thống tưới tiêu hói Thuận từ Hữu Niên, Vân Hòa, An Lộng ra sông Vĩnh Định cơ bản phục vụ tưới tiêu, thoát úng nên diện tích, năng suất lúa ngày càng cải thiện rõ rệt.

Anh Nguyễn Văn Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Triệu Hòa cho hay: “Từ thực tế dòng chảy cho thấy hói Thuận là một “mạch máu” quan trọng trong hệ thống tưới tiêu, thoát úng của xã Triệu Hòa ngày trước cũng như bây giờ. Nhưng từ khi con kênh thủy lợi N1 lấy nguồn nước từ Đập Trấm cho phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng Triệu Phong nên dòng “sông con” này có phần bị “lãng quên” trong sự bồi lấp và thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng không nhỏ trong sản xuất lúa của bà con nhân dân trải dài trên đôi bờ hói Thuận nói chung cũng như cư dân xã Triệu Hòa nói riêng”.

Quả vậy, nhiều năm trở lại đây khi sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng lắm, mưa nhiều nên dòng hói Thuận dùng để tích trữ nước cho tưới tiêu chống hạn và thoát úng vào mùa mưa trong sản xuất nông nghiệp hiện nay hết sức quan trọng. Vì thế, sau nhiều thập niên bị “lãng quên” vào năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện Triệu Phong đã phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: Sửa chữa, nạo vét kênh tiêu hói Thuận. Việc thực hiện nạo vét hói Thuận nhằm giảm sự cản trở dòng chảy đoạn từ cống ngăn mặn (bắt đầu từ sông Thạch Hãn) đến sông Vĩnh Định và nâng cao năng lực tiêu thoát úng ngập kết hợp tích nước chống hạn trong mùa khô, tăng khả năng cấp nước tưới bổ sung cho hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn, chủ động dẫn nước tưới cấp nguồn cho vùng đất canh tác của các xã: Triệu Giang, Triệu Thuận, Triệu Long, Triệu Đại và Triệu Hòa. Tổng chiều dài công trình là 7.160,26m, trong đó 3.938,6m nhánh Bắc, 1.246,8m nhánh Nam và tuyến nhánh 1.974,86m.

Anh Bùi Văn Trúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và phát triển quỹ đất huyện Triệu Phong chia sẻ: “Công trình sau khi hoàn thành đã tạo được nguồn nước chủ động hơn trong việc tưới, tiêu thoát nước trong phục vụ sản xuất và tiêu thoát lũ cho khu dân cư đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong mùa mưa bão, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhưng đó mới chỉ là giải pháp trước mắt và cần có một giải pháp căn cơ hơn để công trình được sử dụng lâu dài, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện môi sinh, môi trường cho bà con nhân dân”.

Chiều muộn, đứng trên cây cầu Cản Khẩu cuối dòng hói Thuận nghe lồng lộng gió từ sông Vĩnh Định thổi vào, tôi hít thở một hơi thật đầy rồi nhìn xa xa về phía những cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt đang đợi mùa gặt. Và tin rằng, mai này dù thiên nhiên có biến đổi khắc nghiệt đến nhường nào thì hói Thuận vẫn mãi là thủy trình vẹn nguyên giá trị thuở nào, một điểm tựa vững chắc cả vật chất lẫn tinh thần cho bao thế hệ con người nương náu trên dòng “sông con” đầy thăng trầm lịch sử này.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - người tạo cho thơ sức lôi cuốn kỳ ảo

Hoàng Yến |

Nguyễn Xuân Sanh cho rằng “Thơ không phải để hiểu mà là để cảm. Thơ chính là một cách tri thức cao cấp, mang tính hàm súc, u uẩn và huyền ảo.”

Cờ đỏ sao vàng – báu vật từ Nam Kỳ khởi nghĩa cách đây 80 năm

Hà Khánh |

Đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, trong lúc lực lượng khởi nghĩa chiếm nhà việc xã Long Hưng, lá cờ đỏ sao vàng với cán cờ là tầm vông đã treo chót vót trên ngọn cây bàng tại đình Long Hưng, trụ sở của Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho.

20 tháng 11, nơi vùng bão lũ đi qua

Bích Liên |

Một tháng sau khi những trận bão lũ kinh hoàng đi qua, học sinh nhiều trường học của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn còn bì bõm lội bùn non để đến trường tìm con chữ. Tại nhiều nơi, con đường đến trường quen thuộc của thầy cô và học sinh đã mất dấu và phải thay thế bằng con đường khác. Và những ngày này, thay vì hân hoan đón mùa hiến chương thì các thầy cô giáo ở đây phải ngày đêm dốc sức dọn lớp, đến từng nhà để vận động học sinh tiếp tục đến trường. Mùa hiến chương năm nay, chúng tôi đã đi đến tận nơi, tìm hiểu và thêm chạnh lòng thương những thầy giáo, cô giáo ngày đêm “gieo chữ” nơi vùng cao Hướng Hóa.

Vết bùn cũ bên sông

Yên Mã Sơn |

… Giờ đi dọc dòng sông. Bãi bờ nhuốm màu bụi đỏ do phù sa nước lũ để lại. Nắng đã lên làm những mảng bùn non nẻ chân chim như khuôn mặt người sau cơn lũ. Nương rẫy rồi sẽ xanh trở lại. Dòng sông cũng trở lại hiền hoà vốn có. Lòng người cũng nguôi ngoai vết bùn cũ. Và rồi sang năm chợt hỏi nhau: Năm ngoái nước lút đến đâu hè?