Vết bùn cũ bên sông

Yên Mã Sơn |

… Giờ đi dọc dòng sông. Bãi bờ nhuốm màu bụi đỏ do phù sa nước lũ để lại. Nắng đã lên làm những mảng bùn non nẻ chân chim như khuôn mặt người sau cơn lũ. Nương rẫy rồi sẽ xanh trở lại. Dòng sông cũng trở lại hiền hoà vốn có. Lòng người cũng nguôi ngoai vết bùn cũ. Và rồi sang năm chợt hỏi nhau: Năm ngoái nước lút đến đâu hè?

Trên bến sông Tân Kim chiều nay những đôi mắt lại dáo dác nhìn về phía hạ nguồn để đợi bóng những chiếc đò tìm người mất tích. Hôm nay đã là ngày thứ 10 kể từ khi anh Lê Văn Chương bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua một cầu tràn ở xã Hướng Lộc. Dòng sông mang “lưỡng tịch” - Sê Pôn luôn chứa trong mình những cơn thịnh nộ mà mỗi mùa mưa về không quên cuốn theo bao tài sản cũng như sinh mạng con người…

Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng do lũ lụt tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị - Ảnh: Y.M.S
Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng do lũ lụt tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị - Ảnh: Y.M.S

 1. “Căn cước” của dòng sông bắt nguồn từ tỉnh Salavan, hạ Lào chảy về đất Hướng Hóa và “ôm cua” ngoặt trở lại đất Lào tạo thành cánh cung. Cái “ôm cua” ấy kéo dài hơn 20 cây số tính từ xã Pa Tầng ra đến quốc môn Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tạo thành biên giới tự nhiên của hai nước Việt - Lào. Bên kia sông, dải núi Yên Mã Sơn cao tít tắp, uốn khúc theo sông như một sự “chiều luỵ” đến khù khờ. Núi theo sông hay sông theo núi chưa ai hay. Nhưng cặp Sê Pôn - Yên Mã Sơn trở thành biểu tượng của người dân các bộ tộc Lào, cũng như các bản làng nửa Việt nửa Lào (do phân định biên giới mà nên) sống bên này sông.

Từ lâu, ở dưới đồng bằng nghe huyện miền núi Hướng Hóa lụt lội thường tròn mắt ngạc nhiên. Với độ cao so với mực nước biển gần 300m, nếu đứng dưới đồng bằng ngó lên sẽ tưởng tượng rằng hàng tỷ mét khối nước đang nằm lơ lửng trên mây trời. Nhưng điều đó đã xảy ra và xảy ra thường xuyên. Như năm nay, nước lũ đã 4 lần lên xuống trong vòng 4 ngày. Trước đó chừng nửa tháng, Facebook đã nhắc kỷ niệm mùa lụt năm ngoái giữa cái nắng chát chúa khiến ai cũng yên lòng bảo nhau: Đã qua thời khắc Hướng Hóa phải lụt. Thế rồi những cơn mưa tưởng chừng như “trời sập” dội xuống dải đất miền Trung chật hẹp, núi cao sông dốc đã khiến khắp nơi chìm trong biển nước.

Xóm tôi thường có một nơi đánh dấu lụt. Tức là mỗi lần mưa to kéo dài vài ngày là người người cảnh giác. Và không ai bảo ai, thay vì tạt bộ xuống sông thì chỉ cần đứng ở cái khe (được gọi là khe ông Định) là có thể đoán được nước lụt to hay nhỏ. Dù khe cách sông hơn nửa cây số nhưng theo nguyên tắc bình thông nhau nên mực nước có thể tham chiếu cùng nhau. Như thường lệ, trước khi đi ngủ họ thường rọi đèn coi con nước. Nếu nước còn xa, không có dấu hiệu lụt dù mưa thêm vài ngày cũng vậy, thì “trùm chăn ngon giấc” giữa mưa to gió lớn.

Nhưng năm nay mọi trật tự ấy đều bị phá vỡ khi hàng năm thuỷ điện đã làm thay đổi dòng chảy của các khe suối, phá vỡ mọi quy luật tự nhiên vốn có ngàn đời…

 2. Ở khu vực xóm trũng nằm sát sông Sê Pôn của khóm Xuân Phước, thị trấn Lao Bảo người dân vùng này có một đặc tính rất “nhạy nước”. Có nghĩa là chỉ nhìn con nước người ta biết lành dữ thế nào rồi thu dọn tài sản và chạy lụt. Trong đêm mưa gió, những chuyến xe tải, xe bò, xe máy nhộn nhịp như một con phố ngày giáp Tết. Những thứ đồ điện tử được bọc ni lông đưa đến những ngôi nhà cao ở thế đất cao hơn. Người già và trẻ nhỏ sẽ được di tản trước. Lúc nào cũng còn lại những cánh đàn ông bên chén rượu ngồi trực nước lụt. Nước lên là nhấc đồ lên cao, bao nhiêu ghế, bàn tủ cứ thế đôn cao đồ đạc. Đến khi con nước đã cao, họ sẽ khoá cửa và phó mặc cho dòng nước lũ.

Cán bộ vùng lũ cũng lưu danh sách những người “lơ đãng” với con nước trong sổ bộ. Nửa đêm, khi con nước cao là chạy xe máy đi đập cửa: “Dậy, dậy thu dọn đồ đạc thôi, nước lên cao rồi”. Rồi lúc nào cũng thấy cái vẻ ngơ ngác, ngạc nhiên của gia chủ. Vừa giận vừa thương, những cán bộ này sẽ cùng dân bưng bê đồ đạc rồi sơ tán một cách sớm nhất.

Thế nhưng trận lụt hạ tuần tháng 10 vừa rồi đã một lần nữa chứng minh, con sông Sê Pôn đã không theo một quy luật trước đây: Mưa to là lụt. Có khi nước sông to và lên vùn vụt nhưng trời không mưa. Truy ra ngọn ngành, mới hay xả lũ của thủy điện là nguyên nhân cốt yếu. Và truy tìm thủ phạm. Thì ra nó nằm ở xa lắc xa lơ, tận mạn A Lưới, Thừa Thiên Huế. Thủy điện A Lưới có 2 cống xả lũ. Cống xả về phía đồng bằng và cống xả chạy về phía tây, theo khe suối nhập con nước lớn xuôi sang đất Lào rồi tất cả được gom vào lòng sông Sê Pôn. Nên khi đất Hướng Hoá không có hạt mưa nhưng nước sông vẫn hung dữ cuốn ruộng vườn, nhà cửa cũng là do xả lũ mà nên.

Khóm Duy Tân là nơi thấp nhất Lao Bảo. Khi cả thị trấn biên giới chưa ai rục rịch về lụt thì ở Duy Tân đã chạy nửa làng. Con sông cho họ phù sa để trồng trọt, tạo những bến đỗ để hàng hoá, nông sản qua về bên kia biên giới nhưng chính con sông cũng làm nên bao cuộc “tao loạn”. Ở đây không năm nào không chạy lụt. Người ta nói nếu trải qua thêm vài trăm năm nữa, có khi con dân nơi này ấp ủ trong mình một “bộ gen” chạy lụt. Ở đây vài ba nhà có một chiếc thuyền. Ngoài việc ngày thường chở chuối, hàng hoá qua sông, đến lúc lũ lụt, tài sản sơ tán, người già trẻ nhỏ được di tản nơi an toàn thì những người lớn sẽ tập trung lên đò để lênh đênh cùng lũ. Đêm bên ngọn đèn leo lét khi toàn hệ thống điện bị ngắt cho an toàn. Những xóm đò bất đắc dĩ giữa đô thị vàng, xô bồ mậu dịch biên giới.

 
Chiếc thuyền ngoài việc chở hàng hoá qua về bên kia biên giới  thì mùa lũ còn là nơi trú ngụ cho người dân.

Sau một đêm chạy lụt, khuôn mặt của ông Nguyễn Thản ở Xuân Phước lộ rõ hốc hác, mệt mỏi. Ông cho hay năm nào cũng chạy. Nghe mưa lớn khoảng 3 ngày là soạn đồ đạc mà chạy. Vệt nước năm trước in lên tường chưa kịp sơn quét thì năm nay hằn lên lại… Riêng khóm Xuân Phước có hơn hai phần dân số cùng chung số phận như ông Thản. Những ngôi nhà có gác xép thay cho cái tra dưới đồng bằng thường thấy ở xóm dọc sông. Nhưng có khi họ gửi tất cả niềm tin lên đó để rồi bị con sông Sê Pôn với mức lũ sau luôn phá vỡ kỷ lục mức lũ trước khiến mọi thứ chìm trong biển nước.

Thống kê sơ bộ ban đầu có hơn 1.450 ngôi nhà, hơn 6.500 người bị ảnh hưởng do lũ lụt tại huyện miền núi Hướng Hoá trong đợt lũ vừa qua. Toàn huyện có hàng chục người thiệt mạng, mất tích do mưa lũ. Hàng trăm hecta sắn, chuối bị hư hỏng. Lũ chồng lũ đã làm những miền quê nghèo như xã Thuận, Thanh, A Xing… vốn nghèo cố hữu lại càng xác xơ.

 

Trên con đường 586 nối Quốc lộ 9 vào các xã vùng Lìa đầy mùi bùn non. Con đường này chỉ cách sông Sê Pôn có nơi chưa đầy 100m. Những đoạn thấp bị sông “ngoạm” mỗi khi mưa lớn. Phía bên phải đường là dòng sông đang một màu đỏ quạch cuồn cuộn chảy. Vùng này ngoài cây chuối còn có cây sắn là chủ lực. Trong trận “đại hồng thủy” vừa qua, sắn đang độ 7 tháng thì bị nước lũ ngâm 5 ngày làm thối củ. Chị Hồ Thị Láo, 45 tuổi ở bản A Ho, xã Thuận nói với tôi rằng: Lụt năm ni “quá lỳ”. Ở mãi không chịu xuống. Có khi xuống chưa kịp rút hết rồi lại lên. 2 hecta chuối bên Lào do dịch COVID-19 không qua thu hoạch được coi như mất trắng. Giờ 1 hecta sắn dự kiến tháng giêng sang năm thu hoạch bây giờ hoá bùn rồi”. Ở xứ này, 1 hecta sắn có giá khoảng 35 đến 40 triệu đồng. Còn 2 hecta chuối cũng kiếm tiền trăm mỗi ngày. Nếu không có dịch, không có lũ, chắc họ sẽ trở thành người khá giả, sống rủng rỉnh ở biên giới Việt Lào này. Khi được hỏi 4 người con và hai vợ chồng chị lấy gì mà ăn sau này thì chị cười rạng ngời như chưa có lũ lụt và nói “không biết”.

3. Hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh luôn khiến con người ta luôn hướng về nhau hơn. Ở một khía cạnh khác, có khi lũ lụt cũng là một cách để thử lòng người với nhau. Năm nào cũng thế, khi con nước vừa rút đi, mọi lực lượng cơ yếu của chính quyền sẽ dồn xuống để khắc phục, dọn vệ sinh. Và chẳng ai bảo ai, ở Lao Bảo những người “khô ráo” sẽ lập bếp chung kêu gọi hỗ trợ kinh phí nấu cơm, mua nước sạch để tặng người ngập lũ. Từng hộp cơm nóng hổi được gói ghém cẩn thận kèm theo nước lọc được các cán bộ thôn, tình nguyện viên chèo đò đem đến tận tay người hoạn nạn. Ngày 3 bữa cơm trợ cấp là tình người trong cơn lũ. Bởi những người lập “bếp chung” ấy họ nghĩ: Không giúp đỡ nhau lúc này thì còn lúc nào hợp lý hơn, quan trọng hơn. Những yêu thương giữa trần gian này vốn chỉ có thế cũng đủ để người ta trân quý, keo sơn với nhau. Sẽ có những giọt nước mắt lăn dài sau cơn lũ vì những thiệt hại. Nhưng cũng có những giọt nước mắt nhỏ xuống để bày tỏ về sự biết ơn đồng loại giữa cuộc sống chông chênh này. “Bếp chung phục vụ ba ngày liền. Để người hoạn nạn không vướng víu chuyện cơm nước mà lo việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả”, đó là lời tâm sự của một tình nguyện viên về những suất cơm ấm áp của mình.

Những suất cơm cho người dân vùng lũ. Ảnh: Thành Cuội Lao Bảo
Những suất cơm cho người dân vùng lũ. Ảnh: Thành Cuội Lao Bảo
Những suất cơm cho người dân vùng lũ. Ảnh: Thành Cuội Lao Bảo

Ông Đào Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lao Bảo tâm sự: “Sau khi nước lũ dâng, ngày hôm sau các tổ chức cá nhân đã đóng góp hàng trăm suất quà, hàng ngàn suất cơm để đưa tận tay người hoạn nạn với trị giá hơn 170 triệu đồng. Sự tương thân tương ái của đồng bào lại một lần nữa được khơi dậy trong cơn hoạn nạn”. Rồi những ngày sau, khi lũ đã rút hoàn toàn, những đoàn cứu trợ đổ về như một “cơn lũ tình người” cuốn trôi mọi giới hạn địa lý. Họ lo cho đồng bào hoạn nạn xứ ta nhưng cũng không quên gửi gắm tình cảm qua những món quà nhỏ cho các bản làng bạn Lào bên kia sông…

5. Cơn lũ cuốn mọi thứ xuống sông và đẩy thẳng sang Lào bằng con sóng đỏ au. Từ khóm Duy Tân xuôi về hạ nguồn, sông Sê Pôn đã là 100% của Lào. Sông như con ngựa hoang quên đường về cố quận, cứ thế xuôi mãi về phía Tây cho đến khi gặp sông Sê Păng Hiêng rồi nhập vào sông mẹ Mê Kông. Những chuyến đò sau mỗi mùa lụt chạy về phía hạ nguồn - sang Lào báo hiệu một nỗi đau chưa có hồi kết. Những người xấu số bị nước cuốn trôi khi sang cầu tràn ở dọc đường Lìa hay trên đường làm rẫy hay trượt chân rớt sau nương nhà đều bị cuốn sang Lào rồi xa mãi cùng con nước. Có khi những người mất tích được tìm thấy cách nơi lũ cuốn hàng chục cây số là chuyện bình thường. Điều đó cho thấy con sông này là con sông hung dữ. Một sự hung dữ được “hà hơi” tạo thêm sức mạnh từ những đợt xả lũ vô chừng!

Sông Sê Pôn mùa lũ
Sông Sê Pôn mùa lũ

… Giờ đi dọc dòng sông. Bãi bờ nhuốm màu bụi đỏ do phù sa nước lũ để lại. Nắng đã lên làm những mảng bùn non nẻ chân chim như khuôn mặt người sau cơn lũ. Nương rẫy rồi sẽ xanh trở lại. Dòng sông cũng trở lại hiền hoà vốn có. Lòng người cũng nguôi ngoai vết bùn cũ. Và rồi sang năm chợt hỏi nhau: Năm ngoái nước lút đến đâu hè?

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Gần 300 đoàn viên, thanh niên tình nguyện giúp người dân xã Hướng Việt khắc phục hậu quả lũ lụt

Q.H |

Với mong muốn giúp người dân xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sớm ổn định cuộc sống, gần 300 đoàn viên, thanh niên đã tham gia chiến dịch thanh niên tình nguyện khắc phục hậu quả lũ lụt do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức. Chiến dịch kéo dài từ ngày 5 – 15/11/2020.

Quảng Trị tiếp nhận hơn 40 tỷ ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt

Minh Trang |

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận hơn 40 tỷ đồng, cùng nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

Doanh nghiệp Việt hỗ trợ người dân miền trung Lào bị lũ lụt

PV |

Nhằm chia sẻ những khó khăn mà nhân dân tỉnh Savannakhet, tỉnh miền trung Lào đang gặp phải do lũ lụt gây ra, nhiều cá nhân và tổ chức tại Lào đã kêu gọi quyên góp, giúp đỡ người dân tỉnh Savannakhet khắc phục hậu quả do lũ lụt sớm ổn định cuộc sống.

Học sinh lớp 5 trả lại 5 triệu đồng trong áo quần ủng hộ bão lụt.

Nguyễn Trang |

Theo thông tin từ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), sáng nay 2/11/2020, sau khi phát hiện trong áo khoác được nhận hỗ trợ do bão lũ có số tiền 5.000.000 đồng, 2 em Hồ Thị Khuê và Hồ Thị Thanh Hoài, học sinh lớp 5 đã lập tức báo lên ban giám hiệu với mong muốn trả lại người để quên số tiền trên.