Chiến tranh lùi xa 50 năm, núi rừng đã phủ xanh dấu vết loang lổ do đạn bom quân thù trút xuống những địa danh từng là căn cứ địa cách mạng cất giấu vũ khí, đạn dược, lương thực của bộ đội như: Đỉnh Voi Mẹp, khe Giang Thoan, cao điểm 1001 của xã Hướng Linh, Hướng Hóa.
Thời gian có thể xóa nhòa dấu vết của chiến tranh, nhưng với ông Lê Công Thuận, nguyên đại đội phó Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 771, những tháng ngày cùng đồng đội kiên cường bám trụ ở mảnh đất này để bảo vệ kho vũ khí, đạn dược, lắm lúc cận kề cái chết trong gang tấc mãi mãi là quãng thời gian không thể nào quên.
Xứng danh “Kiện tướng hành lang, chân đồng vai sắt”
Đầu năm 1970, chiến trường Quảng Trị vô cùng ác liệt. Trước tình hình mới, Tỉnh ủy Quảng Trị quyết định mở một con đường giao liên vận chuyển bí mật nối hậu phương lớn miền Bắc (Vĩnh Linh) với miền Nam (chiến trường Trị Thiên - Huế). Đáp ứng yêu cầu của Tỉnh ủy Quảng Trị, ngày 20/6/1971, Đảng ủy, Ủy ban hành chính Đặc khu Vĩnh Linh đã quyết định thành lập Đại đội TNXP 771 gồm 342 đội viên tuổi từ 18 - 20 vừa rời ghế nhà trường và những cán bộ xã đoàn, dân quân du kích các xã rút lên.
Chỉ huy đại đội gồm 4 đồng chí: Lê Đăng Ninh, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Sơn làm đại đội trưởng, Lê Công Thuận, Phó Bí thư Liên chi đoàn Hiền Lương - Phường - Thôn Tây, Xã đoàn Vĩnh Thành (nay là xã Hiền Thành) làm đại đội phó; Nguyễn Song Kiếm, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Long làm đại đội phó; Lê Quang Ba, Trưởng phòng của Ty Nông nghiệp Đặc khu Vĩnh Linh làm chính trị viên.

Đại đội TNXP 771 được phân công nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ bộ đội chiến đấu, cáng tải thương binh ra Bắc, đưa cán bộ, bộ đội vào chiến trường miền Nam, đào hầm hào, làm kho, mở đường và khi cần thiết trực tiếp tham gia chiến đấu trên tuyến đường 19/5 phía Tây tỉnh Quảng Trị từ Bắc sông Bến Hải đến Khe Nghì - Bắc sông Ba Lòng. Quân số đại đội được phân bổ đóng quân ở 7 trạm, mỗi cung trạm cách nhau 1 ngày đi đường. Ngày 23/6/1971, lực lượng triển khai về các trạm. Ông Thuận được phân công chỉ huy Trạm 5 ở phía Nam cao điểm 1001.
Ông nhớ lại: “Hằng ngày, chúng tôi xuất quân làm nhiệm vụ từ 6 giờ sáng và đến 17 giờ chiều về lại trạm. Trong điều kiện địch đánh phá hết sức ác liệt, chất độc hóa học rải xuống thiêu trụi cả cánh rừng, có những cung đường phải vượt núi cao 1.001 - 1.227 m, người đi sau đầu chạm mông người đi trước, vai gùi nặng bao hàng, súng đạn, cuốc xẻng, tư trang cá nhân, dầm mưa dãi nắng, sên vắt bám vào người, lại thêm biệt kích, thám báo, máy bay các loại đánh phá liên tục. Có lúc đường giao liên bị tắc nghẽn, cái đói, cái rét, ốm đau bệnh tật đe dọa nhưng các đội viên vẫn kiên cường “vai trăm cân, chân vạn dặm” hoàn thành mọi nhiệm vụ, bảo vệ đường dây huyết mạch Bắc - Nam thông suốt”.
Nhiều lần địch đánh vào đội hình, hàng hóa, vũ khí không vận chuyển đi được, nhưng sau đó toàn trạm phát động đội viên tăng giờ, tăng chuyến, tăng số lượng hàng gùi gấp đôi để đảm bảo cung cấp kịp yêu cầu phục vụ chiến đấu, xứng đáng với danh hiệu “Kiện tướng hành lang, gương mẫu đảm đang, chân đồng vai sắt”.
Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội
Vào khoảng ngày 10/9/1971, địch mở trận càn Lam Sơn - 719 đánh vào tuyến Đường 9 - Nam Lào. Chúng đổ quân tại sân bay chặn đường ra vào của ta, khống chế một vùng rộng lớn, đơn vị nằm trong thế bị bao vây tứ bề. Để bảo toàn lực lượng, cấp trên lệnh cho đơn vị rút lui quân ra phía Bắc theo con đường độc đạo bên sườn dốc của đỉnh núi Voi Mẹp, nơi mà chúng không ngờ tới, chỉ để lại 11 đồng chí do ông Thuận và ông Nguyễn Văn Tỵ chỉ huy bảo vệ kho vũ khí, sẵn sàng chiến đấu cảm tử khi bị địch phát hiện. Tiểu đội bố trí ở khe Giang Thoan, ngay dưới cao điểm 1001, hằng ngày ăn lương khô, uống nước suối rừng đi lấy vào ban đêm, ngụy trang mật phục giữ bí mật tuyệt đối để không bị lộ.
Mặc dù Bộ chỉ huy điện vào yêu cầu tìm đường máu rút ra, nhưng ông đã cùng với 10 đồng đội của mình quyết tâm và xin được ở lại để bảo về kho đạn dược, vũ khí. Ông Thuận kể: “Chúng tôi nằm trong vòng vây của địch, cách địch chỉ 200 m. Mỗi người đều trong tư thế chuẩn bị cột ngược xuôi 2 băng đạn với nhau để lắp bắn hết đầu này thì trở ngược lại đầu kia, lựu đạn quấn quanh mình, sẵn sàng chiến đấu. Đó là những ngày mà cái chết có khi cận kề gang tấc, địch điên cuồng lùng sục suốt 1 tuần liền nhưng vẫn không phát hiện được nơi bám trụ của ta. Đến ngày 17/9, quân ta từ đồng bằng đánh mạnh lên, cộng với mưa rừng xối xả, địch mệt mỏi, đau ốm không trụ nổi nên đã rút quân”...
50 năm trôi qua, ông vẫn nhớ mãi câu chuyện đau thương của ngày 20/4/1972, khi nhận được tin báo từ đồng chí Nghĩa, đồng chí Vịnh, ông cùng với đồng đội băng rừng, đi xuyên đêm từ Trạm 5 vào Trạm 6, thấy trước mắt là lán trại tan hoang, hai đồng chí Lê Văn Thành và Nguyễn Văn Thỉu đã hy sinh. “Chúng tôi gấp rút triển khai vận chuyển 16 người bị thương nặng ra tuyến sau, mai táng tại chỗ hai đồng chí đã hy sinh, tự tay tôi đánh dấu cẩn thận để sau này còn tìm về”, ông chia sẻ.
Đối mặt với bao hiểm nguy, gian khó, nhưng các chiến sĩ Đại đội 771 vẫn không chùn bước, vẹn lời thề “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh...” như câu thơ trong bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng, một thời cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội, TNXP... Các chiến sĩ Đại đội TNXP 771 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng Ba.
Hòa bình, giữa bộn bề nhiệm vụ, ông Thuận đã ba lần quay trở lại bản Mít để tìm hài cốt đồng đội. Và phải đến lần thứ ba, năm 1992, cùng với gia đình các liệt sĩ, với sự hỗ trợ tích cực của Huyện đội Hướng Hóa, người dân ở xã Hướng Linh, ông đã tìm được hài cốt hai đồng chí của mình để đưa về quê an táng. Sau 20 năm nằm lạnh lẽo giữa núi rừng Hướng Linh, đồng đội của ông đã được trở về với gia đình, với quê hương, ông Thuận hoàn thành tâm nguyện bao năm canh cánh trong lòng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Đại đội TNXP 771, mặc dù là thương binh, bị nhiễm chất độc da cam, nhưng ông Thuận vẫn tiếp tục theo đuổi việc học dang dở và cống hiến xây dựng quê hương. Ông đã kinh qua nhiều vị trí công tác, từng giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Công ty Xây lắp Quảng Trị. Sau khi nghỉ hưu, ông lại tiếp nối làm công việc gắn bó với một thời tuổi trẻ sôi nổi, đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP hơn 10 năm. Mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng TNXP, ông lại cùng đồng đội ôn lại những tháng năm tuổi trẻ nhiệt huyết, sôi nổi, tự hào được góp một phần công sức nhỏ bé làm giải phóng tỉnh Quảng Trị, hỗ trợ cho chiến trường miền Nam giải phóng hoàn toàn, thống nhất đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)