Thời bé, tôi thấy trong sổ tay của bố có bức ảnh cột cờ Hiền Lương. Ảnh đen trắng, nổi bật lá cờ Tổ quốc tung bay giữa bầu trời đầy mây.
Lúc này, chiến tranh chưa lan rộng ra miền Bắc, bên dòng sông Gianh quê tôi cuộc sống vẫn êm đềm. Sớm, chiều những cánh buồm trắng, buồm nâu vẫn xuôi ngược trên mặt sông lồng lộng gió. Hồi bấy giờ, tôi đã nghe người lớn hát: “Bên ven bờ Hiền Lương. Chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê…”. Tuổi nhỏ, tôi chưa cảm nhận được mấy nỗi buồn chia ly và khát mong đoàn tụ có trong ca khúc nổi tiếng đó. Cho đến khi đi qua những năm tháng học trò đầy bom rơi, đạn nổ và trở thành người lính Trường Sơn tôi mới thấm thía hết tình người chất chứa trong bài hát. Chao ôi, khi đất nước chia đôi, thời “ngày Bắc đêm Nam” lại có những ca khúc như Câu hò bên bờ Hiền Lương; Xa khơi; Bài ca hy vọng; Tự nguyện…diết da đến vậy? Phải chăng, đấy là tiếng hát của con tim đầy yêu thương, là khát vọng hòa bình, sum họp của hàng triệu người dân nước Việt.
Có lẽ, nếu như không trở thành giới tuyến từ cái mốc thời gian 1954 khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết chắc Bến Hải cũng lặng lẽ trôi đi như nhiều đời sông khác. Nó sẽ không là chỗ đứt của sợi dây mỏng mảnh chăng dọc chiếc độc huyền cầm mang tên Việt Nam. Sự ví von này hình như là của một nhà thơ nước ngoài, còn với thi sĩ Tế Hanh thì khi đến cầu Hiền Lương đã ngước mắt trông bầu trời cao vợi và bồi hồi thốt lên: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Tận chân trời mây núi có chia đâu…Với tâm cảm ấy thì đất nước này chưa bao giờ bị chia cắt, Bến Hải vẫn thao thiết nối Trường Sơn đại ngàn trùng điệp với biển Việt mênh mang, cầu Hiền Lương vẫn liền nhịp đôi bờ Nam-Bắc. Và, sự thật là thế, Tổ quốc như chưa hề bị ngăn đôi khi hàng vạn bước chân hành quân ra trận in vết lõm thiên thu trên đá Trường Sơn và ở thượng nguồn sông Bến Hải. Ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn có mười nghìn con sóng trắng vỗ vào mai sau dưới bóng lá bồ đề như một huyền thoại Bến Hải chưa bao giờ nói hết. Với tôi, huyền thoại Bến Hải cũng là huyền thoại ngọn nguồn, huyền thoại Trường Sơn.
Mùa thu năm 2001, tôi cùng một cô bạn nhà báo ở tạp chí Văn nghệ Quân đội đến cầu Hiền Lương. Sau mưa, bầu trời đột nhiên hửng nắng và một dải cầu vồng lộng lẫy hiện lên. Cô phóng viên chụp được bức ảnh đẹp, trên chiếc cầu sắt di tích và chiếc cầu bê tông mới xây có thêm chiếc cầu vồng bảy sắc rất nét. Bức ảnh đã gợi ý cho tôi viết được bút ký mang tên Cầu vồng Hiền Lương. Năm 2006, tập truyện ký của tôi do Nhà xuất bản Quân đội in cũng mang tên đó. Tôi nói với em, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương mang trong nó cái huyền ảo lịch sử của một thời và mãi mãi. Bức ảnh của em sẽ có ba chiếc cầu Hiền Lương, hai thực và một ảo trên dòng sông Bến Hải đầy huyền tích. Cái thực là chứng tích hùng hồn của những giai đoạn lịch sử như máu và mồ hôi kết tinh lại, cái ảo là khúc xạ của đau thương và khát vọng dân tộc bởi trên khúc sông này đã từng tồn tại một chiếc cầu sắt lát ván có hai màu sơn và đôi bờ có hai lá cờ đối lập tung bay. Cuộc chiến khốc liệt kéo dài hai mươi mốt năm giữa những người yêu nước với kẻ xâm lược và tay sai của họ đã chấm dứt vào ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975. Chiến thắng thuộc về phía chính nghĩa “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Thơ Tố Hữu). Và trong cuộc chiến này, sông Bến Hải với cầu Hiền Lương thành chứng tích lịch sử, nói chính xác hơn đó là những điểm nhấn trong ký ức dân tộc khó phai về cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng đất nước, giành lại hòa bình và thống nhất non sông. Con sông khởi nguồn từ núi Đông Chân của vạn lý Trường Sơn chảy dọc theo vĩ tuyến 17 theo hướng từ Tây sang Đông đổ ra biển Việt ở Cửa Tùng dài 100 cây số, nơi rộng nhất khoảng 200m và chỗ hẹp nhất từ 20 đến 30m đã lưu giữ những câu chuyện cảm động ở vùng được tạm gọi là giới tuyến. Đến bây giờ người ta vẫn còn nhắc tới cuộc chiến cột cờ, cuộc chiến màu sơn và cuộc chiến âm thanh. Bờ Nam, chính quyền Việt Nam cộng hòa dựng lên cột cờ cao 35m. Bờ Bắc, thuộc Việt Nam dân chủ cộng hòa đương nhiên là không bao giờ chịu thấp hơn. Năm 1962, Tổng công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ đem vào dựng ở phía Bắc cầu Hiền Lương cao 38,6m. Lá cờ đỏ sao vàng được treo lên đó rộng 134m2 , nặng tới 15 kg. Đây là “cửa gió” như cách gọi của nhà văn Xuân Đức nên cờ cũng rất dễ rách. Câu chuyện về mạ Diệm đêm đêm cặm cụi ngồi vá cờ Tổ quốc còn truyền lưu đến bây giờ. Không bao giờ để cờ đỏ sao vàng ngừng tung bay nơi giới tuyến. Đó là mệnh lệnh của Tổ quốc nung nấu trong trái tim người Vĩnh Linh và các chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi giới tuyến. Khi bị máy bay địch ném bom làm gãy cột cờ thì bộ đội và Nhân dân đã lấy cột điện bê tông và nối thêm cây gỗ để thay thế. Lá cờ đỏ sao vàng vẫn phấp phới bay bên dòng Bến Hải từ năm 1954 đến năm 1972, dấu mốc ghi dấu quê hương Quảng Trị được giải phóng cho đến hôm nay.
Cầu Hiền Lương thời giới tuyến có hai màu sơn, phía bên kia muốn thế nhưng ta thì không. Ước mong thống nhất non sông được chiến sĩ và Nhân dân ta thể hiện bằng hành động rất cụ thể là phía bên kia sơn cầu màu gì thì phía ta cũng sơn đúng màu đó. Cho nên khi họ sơn màu xanh thì ta sơn màu xanh, họ sơn màu vàng ta sơn màu vàng, họ sơn màu nâu ta cũng sơn màu nâu. Cái này được gọi là “cuộc chiến màu sơn”. Với chúng ta, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi như lời Bác Hồ khẳng định. Có lẽ, cuộc chiến âm thanh (dàn loa) ở Hiền Lương thì nhiều người biết hơn. Thời ấy, ở bờ Bắc có một dàn loa cực đại đủ sức “trấn áp” dàn loa của chính quyền Sài Gòn ở bờ Nam. Người ta kể rằng, âm thanh phát đi từ dàn loa phía Bắc vọng ra tận vùng giáp ranh Quảng Bình-Vĩnh Linh. Đương nhiên tiếng nói chính nghĩa ấy vang vọng tới một vùng rộng lớn bờ Nam Bến Hải như Gio Linh…Người dân bờ Nam nghe được những bài hát hay như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Xa khơi, Bài ca hy vọng và các làn điệu dân ca nổi tiếng của đất nước nhờ dàn loa lịch sử này. Khi đến Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 Quán Sứ, Hà Nội tôi thấy có “chiếc loa Hiền Lương” được đặt trang trọng trước sân như là một hiện vật lịch sử quý giá. Nó như chứng tích của một thời, là nhắc nhở cần thiết về quá khứ bi tráng. Không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng.
Trong hình dung của tôi, Quảng Trị như một bảo tàng chiến tranh đặc biệt. Có thể nói mỗi ngọn núi, khúc sông trên mảnh đất này đều ghi dấu những kỳ tích và đau thương của dân tộc Việt Nam nói chung và Nhân dân Quảng Trị nói riêng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Sông Thạch Hãn cũng là một huyền thoại khác của dải đất này. Đây là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị dài 150 km khởi nguồn từ Trường Sơn đổ ra biển ở Cửa Việt và có lưu vực khá rộng. Ở thượng nguồn một nhánh sông chảy qua thung lũng Ba Lòng nên mang tên Ba Lòng và một nhánh khác chảy qua vùng Đakrông nên mang tên Đakrông.
Ở hạ nguồn Thạch Hãn nối với Bến Hải qua sông Cánh Hòm, nối Ô Lâu qua sông Vĩnh Định. Từ ngày xưa, sông Thạch Hãn đã là mạng lưới giao thông đường thủy quan trọng của Quảng Trị bởi nó có lưu vực rộng tới 2660 km2 với 3 dòng phụ lưu chính là sông Vĩnh Phước, sông Rào Quán, sông Cam Lộ (sông Hiếu). Thạch Hãn nguyên tên là Thạch Hàn và sông đã đi vào ca dao xứ sở thật đẹp: Chẳng thơm cũng thể hương đàn/ Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra. Năm 1835 vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh (hoàn thành 1837) sông Thạch Hãn đã được khắc hình trên một chiếc. Nhưng có lẽ, cái tên Thạch Hãn càng nổi tiếng khi được gắn với 81 ngày đêm rực lửa của mùa hè 1972 ở Thành Cổ Quảng Trị. Báo chí trong và ngoài nước đã viết nhiều về cuộc đọ sức ác liệt đó.
Một cựu chiến binh từng chiến đấu ở đây đã nói với tôi rằng: “Ở Thành Cổ Quảng Trị đến rêu cũng đỏ như máu”. Tôi đã từng đến Thành Cổ Quảng Trị nhiều lần, cái ám ảnh tôi nhất là cỏ. Cỏ xanh nhưng nhức, xanh như nỗi niềm và khát vọng của những người ngã xuống trong chiến tranh và những người đang sống giữa hòa bình.
Có lẽ vì quá đau đáu với rêu và cỏ Thành Cổ Quảng Trị mà tôi đã viết: Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/ Cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm… Dưới cỏ và rêu, trong liên tưởng của tôi có những dòng chuyển động thanh xuân bất tử: Khi người lính lặng im tan vào đất/ là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông… Bên dòng Thạch Hãn nhiều thanh niên, sinh viên có mặt ở mảnh đất rộng chưa đầy 3 km2 mà đã hứng chịu hàng trăm nghìn tấn bom đạn, tính ra lượng nổ tương đương với 7 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Họ đã chiến đấu ngoan cường và ngã xuống oanh liệt. Thạch Hãn mang trong mình dòng chảy của ký ức, soi bóng quá khứ bi tráng của một thời. Đến thị xã Quảng Trị vào tháng 7 hằng năm ta sẽ có cảm nhận rất rõ về điều đó.
Trong một lần theo đoàn đại biểu của Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam vào Thành Cổ, tôi đã chứng kiến một hiện tượng lạ ở bến thả hoa. Vũ Thúy Lành, Giám đốc Trung tâm du lịch chiến trường xưa ngỡ đã như “hóa đá” khi xuống thắp hương và thả hoa. Người phụ nữ ấy đứng im lặng gần như bất động mấy phút, đầu cúi sát xuống mặt sông. Chúng tôi bàng hoàng trước cảnh đó. Khi được đồng đội vỗ mạnh vào vai, Lành mới sực tỉnh, đôi mắt đẫm ướt, nói: “Em thấy các anh về, nhiều lắm…”. Các anh về từ sông Thạch Hãn, từ cỏ Thành Cổ, từ cõi tâm linh thiêng liêng mênh mang.
Tôi tin điều đó lắm. Huyền thoại nào cũng được cất lên, bay lên từ hiện thực sống động. Đêm ấy, trên sông Thạch Hãn nhấp nhô muôn vàn ngọn hoa đăng, tôi đã đọc bài thơ “Bông huệ trắng” của mình với Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/ Những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/Những người lính trở về đánh rạ, dọn rơm/giấc mơ mẹ bay là dòng sữa trắng/Những người lính trở về cười ngượng nghịu/ giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa… Và đây nữa, Những người lính tay cầm bông huệ trắng/đứng ngắm em bên giếng nước làng/nước quê mẹ soi trăng sao vằng vặc/những giọt khuya buông xuống khẽ khàng/Cỏ kéo da non qua vết thương sâu thẳm/qua bờ vai thiếu phụ bão giông…
Đời sông. Đời người. Bến Hải-Hiền Lương. Thạch Hãn-Thành Cổ. Dễ đâu nói hết những tầng nông sâu dâu bể. Chiến tranh-Hòa bình. Loạn lạc-Đoàn tụ. Đời thực-Huyền thoại. Mỗi người và dân tộc đang mang trong mình những ký ức và khát vọng sống. Ký ức càng sâu thẳm bao nhiêu thì khát vọng càng mãnh liệt bấy nhiêu. Khát vọng hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam, cho mỗi người đang sống trên mảnh đất này. Đấy cũng là khát vọng của những dòng sông…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)