Phan Quang - người chép sử thời đại

Minh Tứ |

Trong năm 2020, tôi may mắn được mời dự một cuộc tọa đàm có rất nhiều cảm xúc, sự trân trọng và ngưỡng mộ. Đó là tọa đàm “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam (VN) và Đài Tiếng nói VN tổ chức tại Hà Nội. Phan Quang là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo VN. Đối với các thế hệ nhà báo VN, nhà báo Phan Quang thực sự là tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng VN.

Biết ơn cuộc đời, biết ơn nghề báo

Nói, viết về nhà báo, nhà văn Phan Quang thì đã có quá nhiều tác giả tên tuổi, các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học, báo chí, kể cả chính khách, nhưng nói về lòng yêu nghề của ông thì có lẽ nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN có cách cảm nhận riêng: “Phan Quang bước vào nghề báo, nghiệp văn từ lúc 18 tuổi, đến tận hôm nay, năm 2020 khi đã ở vào tuổi 92, ngòi bút - bàn phím máy tính của ông vẫn hoạt động đều đặn. Có không ít đồng nghiệp đã viết về ngòi bút Phan Quang. Thể loại báo chí nào ông cũng đều thể hiện xuất sắc, dù đó là tin tức, tường thuật, ghi nhanh, phóng sự, điều tra, bút ký, du ký, tản văn, xã luận, bình luận, chuyên luận, tiểu luận, chân dung, khảo luận… đến dịch thuật. Phan Quang là một tài năng báo chí xuất chúng - nghề báo và nghiệp văn quyện chặt vào nhau, bên nhau, hỗ trợ cho nhau”.

Nhà báo Phan Quang (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Báo Nhân Dân qua các thời kỳ - Ảnh: M.T​
Nhà báo Phan Quang (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Báo Nhân Dân qua các thời kỳ - Ảnh: M.T​

Chỉ tính riêng trong hai năm 2019- 2020, Phan Quang viết, in 4 cuốn sách dày dặn, với hơn 1.000 trang in. Đó là các tác phẩm: Trên nẻo đường này xưa ta đã đi (Hồi ký- NXB Văn học); Bác Hồ - người có nhiều duyên nợ với báo chí (NXB Đại học quốc gia Hà Nội); Tím ngát tuổi hai mươi (Tuyển truyện ngắn- NXB Văn học); Dưới ánh hoàng hôn (Tiểu luận và bút ký- NXB Văn học). Có thể nói Phan Quang là một tài năng, một trí tuệ, một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn yêu nghề đắm say. Đọc hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi”, người đọc hình dung được chàng trai Phan Quang Diêu (tên khai sinh của nhà báo Phan Quang) với ký ức về ngôi nhà của mình, về ngôi làng nhỏ bên dòng sông Nhùng - làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nơi vua Hàm Nghi đã từng trú ngụ trong nhà ông nội của ông khi rời kinh thành Huế, hạ chiếu Cần vương kêu gọi chống Pháp. Từ bến sông Nhùng, Phan Quang đã ra đi, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã vượt qua được thử thách trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, sống trong lòng dân, cùng người bạn tri kỷ là nhà thơ Chế Lan Viên làm Báo Cứu Quốc, chứng kiến tác giả “Điêu tàn” được kết nạp Đảng trên quê mẹ Quảng Trị. Qua tác phẩm của Phan Quang, người đọc được trở về với những năm tháng quân và dân Bình - Trị - Thiên khói lửa dời làng lên núi chạy giặc và xây dựng cuộc sống mới. Rồi chuyện đi dân công, tuyển quân, đóng nghĩa vụ kháng chiến. Ra đi kháng chiến nhưng Phan Quang vẫn vấn vương tình cảm với quê nhà. Ông tâm sự vì mãi công tác mà không kịp ghé thăm, nơi có người cha và hai chị đang chờ, để cho đến 20 năm sau, khi Quảng Trị giải phóng, ông trở về thăm quê thì người cha thân yêu đã không còn.​

Có một dịp Đài Tiếng nói VN mời tham dự tọa đàm về tập sách: “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” của nhà báo Phan Quang, nhưng thời điểm đó tôi đi công tác xa không dự được, khi về đến cơ quan, như để bù lại, tôi đọc một mạch tập sách này. Qua hình thức thể hiện nhật ký ngồn ngộn chất liệu của tập sách đã tái hiện cuộc đời tham gia cách mạng của Phan Quang từ trong kháng chiến chống Pháp, bắt đầu từ cuối năm 1949 khi ông được tòa soạn Báo Cứu Quốc phái trở lại làm phóng viên báo tại vùng bị địch tạm chiếm Bình - Trị - Thiên. Trong tập sách này, Phan Quang kể ngày đầu ông vào Hà Nội đúng sáng ngày giải phóng Thủ đô, 10/10/1954: “Tôi bỗng gặp trời thu Hà Nội”. Ông tâm sự rằng chia tay Liên khu IV, ra làm báo trung ương (Báo Nhân Dân) đối với ông là niềm vinh dự lớn, gợi lên bao phấn chấn. Từ chàng trai Quảng Trị đi dép lốp, đầu đội mũ lá, ông bước vào cuộc sống Hà thành hào hoa một ngày trời thu lồng lộng cờ hoa và những mặt người tươi thắm… Đọc tác phẩm của Phan Quang, thấy đúng như nhận xét của nhà báo Trương Cộng Hòa: “Phan Quang - người chép sử thời đại Hồ Chí Minh qua những trang báo”.

Phan Quang, ký họa của họa sĩ Trần Tuy -Ảnh: MT
Phan Quang, ký họa của họa sĩ Trần Tuy -Ảnh: MT

Có lẽ trong cuộc đời cầm bút, có ít ai vừa làm công tác quản lý, vừa viết báo, viết văn lại có trong tay một gia tài giàu có về sách như Phan Quang. Nếu tính từ tập truyện ngắn "Không khai" - Nhà xuất bản Minh Đức xuất bản năm 1954 đến tập hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” - Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2019 thì trong suốt hơn 70 cầm bút ông đã có trong tay 8 tập truyện ngắn, truyện vừa; 10 tập ký; 1 tuyển tập (3 tập); 7 tập tiểu luận, chân dung văn học và báo chí; 6 tác phẩm dịch từ văn học nước ngoài. Đó là chưa kể ông có nhiều sáng tác văn học, tác phẩm dịch in chung với các tác giả khác cùng hàng ngàn bài báo in đều đặn trên các báo, tạp chí của cả nước. Lấy hiện thực hào hùng của Nhân dân qua các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, bảo vệ biên cương và tiến hành công cuộc đổi mới làm chất liệu, biết sống lăn lộn với thực tiễn, Phan Quang trở thành nhà báo của Đảng, của Nhân dân. Với hơn 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề, Phan Quang đã làm nên một bút danh được bạn đọc yêu mến, tuy có nhiều mơ ước chưa thành nhưng ông luôn biết ơn cuộc đời, biết ơn nghề báo, cái nghề ông không chọn mà gắn bó suốt cả cuộc đời, như có lần ông đã tâm sự: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù con đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí, và cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với người vợ, dốc tất cả sức lực và tâm hồn xây dựng tổ ấm chung, cho dù ma lực văn chương tương tự mối tình đầu, thi thoảng lại hiện lên gieo cho mình chút vấn vương”.

Một tầm vóc văn hóa

Trong lời thuyết minh phim tài liệu “Một đời báo, đời văn”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã viết rằng: “Phan Quang là cánh chim bằng của báo chí cách mạng VN bay vượt qua hai thế kỷ với tâm hồn lộng gió thời đại. Rất ít người có được niềm say mê nghề nghiệp và giữ bền hơn 70 năm sự tươi mới của trí tuệ, của tình yêu cách mạng như thuở ban đầu cho ngọn bút như ông”. Còn nhà thơ Hữu Thỉnh thì có cảm nhận khác: “Với kiến văn rộng rãi, sự trải nghiệm sâu sắc và tầm nhìn xa rộng, Phan Quang viết về bất cứ lĩnh vực nào cũng gợi lên vấn đề để suy nghĩ… Ở nước ta, Phan Quang là một trong những tên tuổi lớn đóng góp vào sự thay đổi căn bản trong văn hóa đọc”.

PGS, TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí - Tuyên truyền chia sẻ rằng rất khó viết về nhà báo Phan Quang. Cái khó có lẽ ở chỗ Phan Quang là một hiện tượng hiếm gặp trong nền báo chí và văn đàn VN đương đại. Ông không chỉ là nhà báo tài ba, tâm huyết và lãng mạn với tầm bao quát rộng và sâu sắc trong hàng chục cuốn sách chuyên về bút ký và phóng sự. Thời miền Nam đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh, cây bút của ông còn vươn đến “đất nước hoa hồng” bên bờ Hắc Hải để nghiên cứu cách thức nước bạn đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn, rồi sang Đức học kinh nghiệm phát triển chăn nuôi theo quy trình công nghiệp. Miền Nam vừa được giải phóng, ông lăn lộn với đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ, để lại cho đời những tập ký: Đất nước một dải, Hạt lúa bông hoa, Lâm Đồng - Đà Lạt, Đồng bằng sông Cửu Long… với cái nhìn bao quát, mênh mang miền sông nước và cận cảnh nền nông nghiệp các vùng miền, cuộc sống nông thôn, nông dân với nhiều chiêm nghiệm và khảo cứu sâu sắc.

Nhiều người nói rằng chỉ riêng với các tác phẩm dịch thuật, như Nghìn lẻ một đêm với 30 lần tái bản, Nghìn lẻ một ngày với hơn 10 lần tái bản tại 5 nhà xuất bản tên tuổi nhất nước đã đủ đưa Phan Quang lên đỉnh cao văn đàn VN đương đại. Và khó có thể kể hết những vấn đề thời cuộc qua hàng nghìn bài bình luận, tiểu luận, tản văn sắc sảo luận bàn về chính trị, thế sự. Điều gì đã làm nên một Phan Quang tài ba, lãng mạn, đậm đà khí chất, bản lĩnh và trí tuệ trên cả văn đàn và báo giới, trong cả hoạt động đối ngoại, văn hóa…Phải chăng đó là nền tảng văn hóa gia đình, ngọn lửa nghề bừng lên theo năm tháng. PGS TS Nguyễn Văn Dững cho rằng với nền tảng văn hóa, năng khiếu và bản lĩnh luôn được trui rèn đủ để làm nên một Phan Quang đẳng cấp của “văn- báo bất phân” và một nhà văn hóa tầm vóc được nhiều người yêu mến, kính trọng. Cũng nhờ tầm vóc văn hóa đó mà có một Phan Quang khi làm công tác đối ngoại (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) ông có một phong thái ung dung tự tại, phóng khoáng mà sâu sắc của một nhà ngoại giao.

Giới nghiên cứu văn học, báo chí cho rằng, cùng với các nhà báo đương thời như Hoàng Tùng, Thép Mới, Quang Đạm, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ…, Phan Quang góp phần hình thành một thế hệ vàng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Hà ở Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kể rằng được gặp nhà báo Phan Quang, chị thật sự ngưỡng mộ về sự hiểu biết rộng lớn, tấm lòng yêu quê hương, đất nước vô bờ bến và sự khiêm tốn lạ thường. Chị nói: “Nụ cười thân thiện, rộng mở đã khiến cho tôi có cảm giác dường như đã thân quen với ông từ lâu. Phan Quang đã cống hiến trên nhiều phương diện: Một nhà báo kỳ cựu với hàng ngàn bài báo, một nhà văn, một nhà văn hóa lỗi lạc và một dịch giả tài năng”.

Nhiều nhà nghiên cứu, giảng dạy báo chí đều nhìn thấy ở Phan Quang phẩm chất đi nhiều và viết nhiều, nhờ đó ông có một khối lượng sách báo, văn chương ít ai sánh được. Ông viết được các thể loại báo chí, văn học. Tác phẩm của ông là kết tinh của một quá trình tích lũy kiến thức rộng rãi qua sách vở và những trải nghiệm cả trong nước và quốc tế, từ thực tiễn sống động qua những năm tháng làm báo Cứu Quốc, Báo Nhân Dân, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam đến khi ông đảm nhiệm công việc Thứ trưởng Bộ Thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo VN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội… Phan Quang là một cây đại thụ trong giới báo chí cách mạng VN. Ông là nhà báo, nhà văn và nhà lãnh đạo, quản lý có nhiều đóng góp cho không chỉ cho báo chí, văn học mà còn cả văn hóa, ngoại giao của nước nhà. PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Đại học KHXH&NV Hà Nội cảm nhận: “Nhìn lại hơn 70 năm cống hiến, dù ở ở cương vị nào, nhà báo Phan Quang cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bằng tâm huyết, trí tuệ và tài năng của mình. Điều đặc biệt in đậm trong tôi là là sự gần gũi, chân tình, là sự ân cần, quan tâm và cả những khích lệ động viên của ông đối với chúng tôi - các thế hệ hậu bối, học trò…làm tỏa sáng hơn một trí tuệ - một tài năng - một phong cách Phan Quang”.
Một số tác phẩm mới của Phan Quang -Ảnh: MT
Một số tác phẩm mới của Phan Quang -Ảnh: MT

Một đời báo, một đời văn với nhiệt huyết hơn 70 năm dấn thân, sáng tạo và cống hiến, Phan Quang đã có những đóng góp giá trị cho sự nghiệp báo chí cách mạng VN. Thời gian rồi sẽ đi qua, chỉ có giá trị tác phẩm báo chí, văn học và tình yêu nghề của ông sẽ mãi còn ở lại. Để kết thúc bài viết này, tôi xin dẫn lời của PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói VN: “Hơn 70 năm cống hiến, sáng tạo, ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang cũng tâm huyết làm tròn trách nhiệm của mình. Điều khiến ông thích ứng và làm chủ trong mọi hoàn cảnh là ý chí tự lực, tự học, khát khao tìm hiểu, sáng tạo. Trong suốt cuộc đời công tác của mình, nhà báo, nhà văn Phan Quang có cơ hội được đi khắp đất nước mình và nhiều châu lục trên thế giới. Công chúng yêu mến ông và tác phẩm của ông ở cái tâm, cái tầm, cái tài, sự lao động bền bỉ, nghiêm túc, sáng tạo và cả sự khiêm nhường. Người khiêm nhường trong nghề viết, dù báo hay văn hay bất cứ nghề nào, lĩnh vực nào nếu được kết hợp với tài năng, tính nghiêm túc, hiển nhiên góp phần làm nên tầm vóc của chính tác giả. Phan Quang là một người như thế”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cùng những nghệ sỹ thành danh tuổi Sửu nói chuyện về Tết con Trâu

Minh Thu |

Trước thềm năm Tân Sửu, báo VietnamPlus có cuộc trò chuyện với những văn nghệ sỹ tuổi Sửu. Họ chia sẻ về những quan niệm về Tết cổ truyền.

Không bắn pháo hoa đêm giao thừa tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021

PV |

Ngày 5/2/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công văn số 504/UBND-VX gửi BCH Quân sự tỉnh Quảng Trị; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc không bắn pháo hoa đêm giao thừa tết Nguyên đán Tân Sửu – 2021.

Ngắm đàn trâu “khủng” tại phiên chợ Tết Tân Sửu ở xứ Nghệ

Hải Đăng |

Ngày 26 Tết Tân Sửu (7.2.2021), đàn trâu hàng nghìn con được đưa về trao đổi, mua bán tại chợ Ú (Nghệ An) - chợ trâu bò lớn nhất miền Trung.

Thắp sáng 36 km đường quê mừng tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021

Q.H |

Ngày 5/2/2021, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị đồng loạt tổ chức lễ khánh thành công trình thanh niên “Ánh sáng đường quê” tại nhiều địa phương trong tỉnh.