Tôi đã từng men theo EWEC, từ Maesot thuộc miền biên viễn Myanma-Thái Lan, qua Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kean, Yasothon, Mukdahan của Thái Lan đến Savannakhet “thành phố Thiên Đường” của nước bạn Lào anh em.
Đây là những vùng đất mà cái nguyên sơ, yên hoà và nhân hậu lại đan xen, hòa quyện với sự hiện đại, năng động và cuốn hút. Dường như bản sắc văn hoá dân tộc đậm đặc của dãi đất này đã giúp người dân nơi đây đứng được ra ngoài cơn lốc xô bồ của cơ chế thị trường vốn luôn ẩn chứa nhiều bất trắc...
Để đến với những vùng đất đầy quyến rũ bên phía Tây dãy Trường Sơn, bắt đầu một ngày mới, bạn phải dậy thật sớm từ Đông Hà. Bằng phương tiện ô tô, chỉ tầm 80 km trên Quốc lộ 9, bạn đã có mặt tại thị trấn Lao Bảo, ăn sáng và làm thủ tục chóng vánh để xuất cảnh sang Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Xe chạy bon bon trên đường Lào thưa vắng người qua. Rừng già tràn cả ra hai bên vệ đường tỏa bóng mát và vi vu gió.
Chỉ tầm trưa đứng bóng, bạn đã đến Seno, ngã tư giao lộ Đông Tây-Nam Bắc của cả ba nước Đông Dương, du khách sẽ được thưởng thức xôi gà nướng nổi tiếng, mang đậm phong cách ẩm thực của người dân Lào. Tiếp tục hành trình, nếu tính từ Đông Hà, bạn phải đi hết 335 km trên Quốc lộ 9 thì sẽ đến bờ sông Mê Kông, đặt chân lên “thành phố Thiên Đường”, tỉnh Savannakhet, Lào. Bên bờ bên kia đã là Mukdahan của Thái Lan. Còn nếu bạn muốn lên thủ đô của nước Lào thì phải qua các tỉnh Khăm Muộn, Bôlykhămxay thuộc miền Trung Lào. Chỉ xế chiều thôi, bạn đã đến Thủ đô Vientiane trầm mặc, duyên dáng nằm bên dòng Mê Kông thơ mộng.
Đến Vientiane vào một buổi sáng yên hòa, bạn cũng nên dành thời gian đến viếng và làm lễ Phật tại chùa Mẹ Xì Mương, ngôi chùa mà trong tâm thức người dân Lào là nơi linh thiêng nhất; tham quan That Luống, biểu tượng quốc gia Phật giáo Tiểu thừa Lào, tương truyền là nơi thờ xá lợi Đức Phật Thích Ca; chiêm ngưỡng Pattuxay được xây dựng theo kiến trúc khải hoàn môn của nước Pháp nhưng mang đậm cốt cách của nền văn hóa Lào. Từ Vientiane, qua cửa khẩu Noong Khai, chạm Udon Thani, đi thêm một quãng đường nữa là đã có mặt tại Khon Kean, thủ phủ của vùng Đông Bắc Thái Lan rồi…
Ông Thavorn, một hướng dẫn viên du lịch dày dạn kinh nghiệm đã ví von một cách hình ảnh rằng, những vùng đất trên dặm dài xuyên Á chung quy vẫn là vùng trũng của... thế giới phẳng.
Đông Bắc Thái Lan, nơi vẫn được gọi trong các cuốn sách địa dư là miền đất Isan. Nếu bạn có dịp đặt chân đến nơi này, sẽ thấy ấm áp một tình cảm tin cậy và chí thiết vì là nơi có rất nhiều Việt kiều sinh sống. Từ vùng Nakhon Phanom, Mukdahan, nếu là con dân Quảng Trị, bạn sẽ được đón tiếp nồng hậu vì nơi đây tập trung bà con người Việt có gốc gác từ vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Còn ở phía Noong Khai, Thabo… hầu hết là dân các tỉnh miền Bắc Việt Nam như Nam Định, Ninh Bình, Hà Tây (cũ) qua Thái Lan vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi phong trào Cần Vương, Văn Thân… thất bại những nghĩa quân trung kiên bị thực dân Pháp đàn áp, bắt bớ đã vượt ngàn dặm qua đất khách quê người nương náu. Tỉnh Nakhon Phanom từ lâu cũng đã nổi tiếng đối với khách du lịch Việt Nam bởi nơi đây có Khu bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một công trình có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng đối với Thái Lan và Việt Nam.
Bên cạnh đó, Làng hữu nghị Việt Nam-Thái Lan tại địa danh Ban Na thuộc tỉnh Nakhon Phanom cũng đã được Chính phủ 2 nước Việt Nam và Thái Lan khánh thành vào năm 2004. Đây là một trong những địa chỉ “Theo chân Bác” của du khách Việt Nam khi có dịp đi qua vùng Đông Bắc Thái Lan.
Trên dặm dài xuyên Á, nếu quyết định đến Myanmar bằng đường bộ, thì không có điểm khởi đầu nào tốt hơn từ Thái Lan. Hiện có bốn điểm qua biên giới Thái LanMyanmar như: Mae Sai -Tachileik; Mae Sot-Myawaddy; Phu Nam Ron-Htee Khee… nhưng xem ra Mae Sai-Tachileik là thuận lợi nhất, nơi có cửa khẩu biên giới cực Bắc của Thái Lan là tỉnh Chiang Rai. Muốn đến nơi đây, bạn xuất phát từ Bangkok hay Chiang Mai đều được.
Ở phía Mae Sot- Myawaddy lại là nơi có trạm kiểm soát nhộn nhịp nhất nằm ở tỉnh Tak bên phía Thái Lan. Cách thuận tiện nhất để đến đó là từ Bangkok (khoảng 8 giờ đi xe buýt) hoặc Chiang Mai (khoảng 6 giờ). Các xe buýt nhỏ từ thị trấn Tak thường xuyên chạy đến biên giới với hành trình kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Nơi miền biên viễn này, cửa khẩu Thái LanMyanma chỉ mở cửa từ 6 giờ đến 18 giờ thôi, sau đó là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, sự nhộn nhịp nhường chỗ cho một không gian bình lặng, an hòa.
Chỉ cần bước qua biên giới, đến những ngôi làng yên bình, người đầu tiên bạn sẽ gặp là những cư dân Myanmar nhẫn nại kiếm sống từ dịch vụ du lịch “cây nhà lá vườn”. Họ bán tranh ảnh, quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ tự làm, có món thì vô cùng tinh xảo, nhưng có món lại thô mộc, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Không cần mua thứ gì nhưng bạn vẫn sẽ nhận được lời chào “mingalaba” đầy thân thiện từ những con người hiếu khách nơi đây.
Bạn sẽ được ngắm những cô gái chân trần trên những chiếc xe đạp băng qua những con đường đất quyện lẫn bóng cây, bóng nắng. Và bạn chợt nhận ra, Myanmar không chỉ chùa vàng và những vật dát vàng làm nên biểu tượng của đất nước này, mà chính mỗi người dân hiền hòa, chân chất, luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp, sống tốt đạo, đẹp đời cũng đã góp phần làm nên “thương hiệu Myanmar” đầy chân thực và sống động.
Vùng đất của những thác nước hùng vĩ, những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, những mái chùa đổ bóng trong rừng sâu, tháp Ing Hang trầm mặc, thư viện cổ Hortai Pitok, nơi thời gian và những khúc hát như ngưng lại trên từng tấm lá cọ, bảo tàng khủng long, linh vật mà thị xã Savẵn (Lào) chọn làm biểu tượng; nhà đá Huan Hine thâm u, huyền sử rồi di sản thế giới Sukhocchai ở miền Bắc nước Thái trang nghiêm... đã luôn và mãi làm đắm say rất nhiều du khách bởi sự bình lặng, sống chậm đến…khó tin!
Do vậy, xét về góc độ kinh tế, hội nhập, phát triển, Dự án EWEC khởi động như một luồng gió mới đánh thức tiềm lực, khai thác tiềm năng hợp tác và sự bổ sung lợi thế giữa các nước về tài nguyên, điều kiện tự nhiên, con người và mở rộng thị trường, nhất là tiềm năng biển, khai thác di sản văn hoá, góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại, phát triển thương mại, đầu tư và du lịch, thu hút đầu tư trực tiếp từ trong và ngoài khu vực thông qua sự kết nối với thị trường quốc tế, nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo cho hàng triệu người thuộc 4 nước nơi hành lang đi qua.
Nói đến EWEC không thể không nhấn mạnh đến đặc điểm của cư dân phía Tây (Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Trung Hạ Lào) do ảnh hưởng về địa hình cao, thời tiết khô nóng quanh năm, đang rất “khát” biển, sẽ theo các tour du lịch về du lịch biển phía Đông. Bằng chứng là ngay sau khi cầu Mitaphap khánh thành, mặc dù thủ tục chưa thuận tiện nhưng trong 6 tháng đầu năm 2007, số khách làm thủ tục nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là 155.820 lượt người, 17.347 lượt phương tiện, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2006.
Những lợi thế này vẫn đang phát huy hiệu quả cho tới hôm nay. Chỉ với khoảng cách 240 km từ cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mê Kông nối Thái Lan và Lào đến Lao Bảo và 300 km đến với các vùng biển của miền Trung Việt Nam, khi thủ tục qua lại thông suốt, nhất định lượng du khách đi bằng đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vào Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn nữa trong tương lai.
Thêm vào đó, EWEC được khơi thông, khoảng cách vận chuyển giữa đôi bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ rút ngắn lại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hợp tác phát triển ở các lĩnh vực thương mại, đầu tư...không chỉ trên phạm vi một ngành, một vùng, một quốc gia mà là liên ngành, liên vùng, đa quốc gia...
Những chặng dừng chân ngắn ngủi trên dặm đường lang thang khám phá những vùng đất trên dặm dài xuyên Á, bạn sẽ tự mình cắt nghĩa được tại sao lại có sự liên kết, hội nhập, phát triển những vùng đất xa lạ này lại với nhau. Cơ duyên thì có nhiều, nhưng có lẽ căn cốt nhất vẫn là, như câu nói mà các bạn trẻ hiện thời ưa thích: “ Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Trên “chuyến tàu thịnh vượng” đang có bước khởi động tích cực, những địa phương của các quốc gia trên EWEC đã liên kết cùng nhau để đi tới tương lai tốt đẹp…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)